Trang 3 / 6(Tiếp theo)
Tứ chánh cần
Tứ chánh cần có khi còn được mệnh danh là Tứ chánh đoạn.
Pháp tu này là một trong 37 trợ đạo phẩm. Ý nghĩa cơ bản của nó là sự nỗ lực thực tiễn đối với bốn loại phương pháp tu hành chính xác đã đề cập ở trên. Dựa vào văn bản Tam tạng pháp số, cái gọi là “chánh cần”, “Chánh là không nghiêng lệch, cần là không lười biếng.” Thế thì “chánh cần” chỉ cho sự tinh tấn, tính cổ súy, nhắm vào sự nỗ lực thắng tấn tu hành, dứt trừ các loại biếng nhác gây chướng ngại trên quá trình tu. Cụ thể, tứ chánh cần bao gồm: 1/ Những điều ác đã sinh khiến bị chặt dứt một cách vĩnh viễn; tức là những tư tưởng, hành vi bất thiện đã sinh rồi, hành giả mong muốn và thực hiện việc đoạn dứt vĩnh viễn không cho chúng tái sinh. 2/ Những điều ác chưa sinh, khiến cho không sinh; tức là các ác pháp, tư tưởng và hành vi bất thiện chưa sinh, hoặc là vừa mống khởi, hành giả khiến cho mãi mãi không sinh, làm khô héo hoàn toàn mầm mống của chúng. 3/ Thiện pháp chưa sinh khiến cho được sinh; tức là đối với các tư tưởng thiện, các hành vi thiện, lấy pháp môn phương tiện của Phật giáo, đôn đốc chúng, sách tấn chúng để mau chóng sinh khởi. 4/ Các thiện pháp đã sinh khiến cho tăng trưởng; đối với các thiện niệm, những hành vi lành đã từng làm cho tăng trưởng, lại dùng pháp môn phương tiện hộ trì, thúc đẩy, sách tấn, làm cho chúng phát triển đưa đến sự viên mãn toàn diện.
Phật giáo cho rằng, hành giả tu tập tứ chánh cần luôn luôn nỗ lực, khuyến phát, không ngừng loại trừ các ác pháp, thì các thiện pháp đã sinh, đang sinh, chưa sinh khởi sẽ luôn luôn tăng trưởng hướng đến cứu cánh viên mãn.
Tứ thần túc
Tứ thần túc là một pháp môn tu hành trong 37 trợ đạo phẩm. “Thần”, có nghĩa là thần thông. “Túc”, có nghĩa là “cơ sở hay nền tảng”. Như vậy, tứ thần túc cũng chính là pháp môn thiết yếu để 4 loại thần thông có thể sở y và phát sinh. Thần thông còn có nghĩa là sự diệu dụng không thể đo lường, là sự vô ngại tự tại, và vi diệu vô cùng tận, bậc tu hành đạt đến lãnh vực này rồi thì vị ấy có mọi khả năng như ý tự tại; do vậy, Tứ thần túc còn được gọi là Tứ như ý túc. Trong Tam tạng pháp số cho biết: “Tứ như ý túc là pháp môn tu hành, hoàn mãn đúng như ý nguyện”. Sự tu hành của Phật giáo lấy thiền định làm nền tảng, do vậy, trên mặt thực tế, Tứ thần túc là chỉ cho bốn chủng loại có thể đạt đến trạng thái thiền định thần thông, tức là đạt đến sự tự tại vô ngại với tất cả các pháp. Bốn loại thiền định này là: dục, cần, tâm, quán.
1/ Dục thần túc, hoặc gọi là Dục như ý túc, tức là do hoài bão đạt đến sở nguyện thần thông nên sinh ra ý chí và hành vi tu tập thiền định.
2/ Cần thần túc, hoặc gọi là tinh tấn như ý túc. Dục là nơi y cứ của tu hành, vì vốn đã có ý nguyện tu hành, nên mới có thể tinh tấn tu tập. Có nghĩa là đối với pháp sở tu, hành giả luôn luôn chuyên chú nhất tâm, không ngừng phát triển để cho năng lực của thiền định được khởi sinh.
3/ Tâm thần túc, hoặc xưng là tâm như ý túc, niệm như ý túc. Pháp này được biết như là dùng năng lực của tư duy để cho thiền định phát khởi. Tu pháp môn thiền định này chẳng những hành giả luôn duy trì được trí nhớ đời đời kiếp kiếp về những pháp tu của mình mà hơn thế, các pháp ấy lại được tăng tiến mãi mãi.
4/ Quán thần túc hay quán như ý túc, tuệ như ý túc hoặc tư duy như ý túc... Do tư duy khảo sát giáo nghĩa của đức Phật mà thiền định được thành tựu.
Phật giáo cho rằng, tu tập pháp môn Tứ thần túc này, hành giả có thể phát sinh các loại thần thông, tùy theo tâm ý mà đắc ngay thực tại.
Ngũ căn
Ngũ căn là một bộ môn trong 37 trợ đạo phẩm. Căn có nghĩa là năng sinh và tăng trưởng. Ở đây cụ thể là chỉ cho tín căn, cần căn, niệm căn, định căn và tuệ căn. Phật giáo cho rằng tu tập năm pháp này có thể làm phát sinh và tăng trưởng tất cả thiện pháp. Năm pháp này cũng là cơ sở phát sinh mọi thiện pháp, tức là nói đến “5 nền tảng tu hành”. Như Câu-xá luận, quyển 3, dạy: “Ở nơi pháp thanh tịnh, ngũ căn gồm tín, v.v... có lực dụng tăng thượng. Tại sao vậy? Bởi vì, thế lực của chúng hàng phục được các phiền não, dẫn vào Thánh đạo”.
Tín căn, trong một ý nghĩa nào đó chỉ cho niềm tin kiên định của hành giả cần có đối với Phật giáo, lòng tin kiên cố ấy nhắm vào giáo nghĩa “Tứ đế” được Phật giảng dạy và đấy là thật lý, nhờ vậy mà khởi tâm tu hành. Niềm tin kiên định ấy không những nói lên trạng thái nhậm trì phương pháp tu hành được lưu xuất từ giáo nghĩa, mà chúng còn có thể dẫn dắt chúng ta chứng đắc giải thoát, tức là đạt tới bồ-đề.
Cần căn còn được gọi là tinh tấn căn. Trên mặt cơ bản, pháp tu này chỉ cho niềm tin kiên cố của hành giả đối với Phật giáo. Nói một cách cụ thể, Cần căn là kiên trì tu tập “tứ chánh cần” trong 37 trợ đạo phẩm không một giây phút nào mang tâm trạng lười biếng.
Niệm căn chỉ cho trạng thái nhất tâm chuyên chú, ghi nhớ thường xuyên những lời Phật dạy, y chỉ tu hành không cho tán thất.
Định căn tức là khi tu hành Phật pháp, hành giả chuyên tâm vào một cảnh, không cho tán loạn. Định chính là “Thiền định”, thực tế là chỉ cho “tứ thiền” hay tứ thần túc trong 37 trợ đạo phẩm.
Tuệ căn, ở ý nghĩa lâm thời, là chỉ cho khả năng nhận thức và để soi sáng Phật pháp một cách chính xác triệt để, với lại có thể lấy quan điểm của Phật giáo để khảo sát và nhận thức thế giới. Tuệ căn là nền tảng đạt được trí tuệ Bát-nhã ở nghĩa hàm ngôn của giáo chỉ.
Phật giáo cho rằng, hành giả tu tập ngũ căn, chẳng những khai triển và tăng trưởng sự nhận thức đối với giáo nghĩa của Phật một cách vững chắc, mà còn mau chóng phát sinh công năng “kiến đạo” nữa.
Ngũ lực
Lực có nghĩa là năng lực và sức mạnh. Đây là một chủng loại tu hành nằm trong 37 trợ đạo phẩm của Phật giáo. Luận Đại trí độ, quyển 19 giải thích: “Ngũ căn tăng trưởng, do không bị phiền não phá hoại, thế nên gọi là sức mạnh vậy”. Đoạn luận giải này muốn nói là bởi vì tu tập năm căn gồm tín căn, v.v… khiến cho năm lực lượng nội tại hùng mạnh phát huy để có thể duy trì sự tu tập và chứng đắc giải thoát. Loại năng lực mạnh mẽ này, Phật giáo tuyên dương và tán thán là: “Thiên ma, ngoại đạo không thể nào gây chướng hoại được”.
Như vậy, năm sức mạnh này do phối hợp với việc tu tập năm căn mà được sản sinh, tức là do năm chi ngũ lực dựa vào năm chi ngũ căn mà thành tín lực, tinh tấn lực, niệm lực, định lực và tuệ lực.
Tín lực là lòng tin kiên định vào giáo nghĩa của Phật và sau đó do trau dồi niềm tin căn bản này mà căn lành ấy càng ngày càng phát triển. Người ta cho rằng, sức mạnh đó có khả năng triệt phá mọi nghi hoặc, mọi tư tưởng bất định và tất cả tà tín.
Tinh tấn lực là sức mạnh diệt trừ sự lười biếng trong quá trình tu tập, có năng lực đoạn tận các pháp ác bất thiện chủ yếu nhờ vào pháp tu tinh tấn này.
Niệm lực do tu pháp môn Tứ niệm xứ khiến cho chánh niệm được kiên định, phá trừ mọi quan niệm sai lầm không phù hợp với Phật pháp. Định lực, do tu định căn mà năng lực thù thắng của thiền định được tăng thịnh. Định lực này có thể phá vỡ mọi tư niệm loạn động trong tiến trình chuyên chú tập trung tu hành.
Tuệ lực, do tu tập tuệ căn mà sự thông tuệ được tăng trưởng, khiến cho hành giả có thể tiếp nhận năng lực của Phật giáo để mà quán sát, nhận thức và nắm bắt được bản chất của thế giới một cách rõ ràng. Thực tiễn mà nói, tuệ lực là dựa trên nền tảng trí tuệ của Phật giáo mà thẩm nghiệm được nghĩa thú của Tứ đế, tháo bỏ và tận trừ các phiền não kiến hoặc của tam giới, từ đó mà thành tựu trí tuệ của Phật giáo, chứng đắc cảnh giới vô thượng Bồ-đề.
Tóm lại, ngũ lực hiện khởi là do tu ngũ căn, phối hợp với ngũ căn mà tu tập, duy trì và thúc đẩy ngũ căn tăng trưởng. Ngũ lực và ngũ căn phối hợp với nhau mà tương bổ tương thành, chỉ có thành quả của chúng là có sai biệt. Theo sự lý giải của bản văn Nhiễm tập luận, khi tu tập ngũ căn và ngũ lực, đối tượng phát sinh nhận thức [sở duyên chi cảnh], cùng với bản thân của sự tu tập, tức là ngũ căn đều giống nhau, còn hiệu năng của hai pháp tu thì hoàn toàn bất đồng. Nói một cách tương đối, ở phương diện diệt trừ những chướng ngại và các nhân tố bất lợi trong quá trình tu tập, thì ngũ lực có hiệu năng mạnh hơn là pháp tu tập ngũ căn.
Thất giác chi
Thất giác chi, thường được gọi là thất giác phần, thất đẳng giác chi, thất bồ-đề phần, v.v...những danh từ như vậy, thật ra đều chỉ cho “giác ngộ”, hoặc “trí tuệ”, trong Phật giáo chúng được gọi chung là “bồ-đề”. “Chi”, là ý nghĩa của sự phân loại hay loại biệt. Do thế, kết tinh “thất giác chi” lại trong thực hiện tu tập, khiến hành giả có thể đạt đến sự giác ngộ triệt để như Phật giáo tuyên thuyết. Phật giáo lại đem pháp tu đặc biệt này với các cấp độ của chúng quy vào trong 37 trợ đạo phẩm, do vậy, thất giác chi trở thành một khoa trong bảy khoa của 37 trợ đạo phẩm.
Nói cụ thể, thì thất giác chi là: niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi.
Niệm giác chi, có nghĩa là nhớ nghĩ Phật pháp, không để vong thất.
Trạch pháp giác chi, có nghĩa là tuyển chọn pháp nào là chân, pháp nào là hư dối, cũng chỉ cho là phải lấy Phật pháp làm tiêu chuẩn phân biệt pháp nào thiện và pháp nào ác.
Tinh tấn giác chi, có nghĩa là nỗ lực không lười biếng trong tiến trình tu tập, cho đến bao giờ đạt đến giải thoát như nguyện ước trong tinh tấn.
Hỷ giác chi, có nghĩa là vì khế ngộ Phật pháp mà sinh tâm vui mừng. Trạng thái này có thể khiến cho thân tâm nhu nhuyến thanh thoát.
Khinh an giác chi, có nghĩa là hoàn toàn trừ diệt những gì đè nặng tâm thức dẫn sinh phiền não, khiến cho thân tâm nhẹ nhàng khoan khoái.
Định giác chi, có nghĩa là chuyên dùng sức thiền định do nhất tâm quán sát đối tượng để đạt đến cảnh giới trí tuệ.
Xả giác chi, có nghĩa là tách ly hẳn mọi vọng tưởng phân biệt, tách ly hẳn mọi cảnh giới sở niệm và bản chất của tư kiến, dùng quan điểm Phật pháp quan sát các pháp.
Bát chánh đạo
Bát chánh đạo còn được gọi là Bát chi chánh đạo, Bát thánh đạo, Bát thánh đạo phần… “Chánh” là không nghiêng lệch, đạo có nghĩa là lộ trình, là con đường. Như vậy, Bát chánh đạo là những con đường hay là các pháp tu hành đưa đến Niết bàn giải thoát được Phật giáo vạch ra. Bát chánh đạo còn được gọi là Bát thánh đạo, nói thế có nghĩa là tu hành theo phương pháp này, hành giả có thể đạt đến cảnh giới siêu phàm nhập thánh và đấy cũng là các pháp tu mà các bậc thánh đã tuần tự tu tập qua, do vậy mà chúng được gọi là “Thánh đạo”. Bát thánh đạo là một loại tu pháp trong 37 trợ đạo phẩm do Phật thuyết. Theo truyền thuyết, sau khi thành đạo dưới cội bồ-đề, đầu tiên đức Phật hướng đến năm vị tỳ-kheo sơ chuyển pháp luân. Nội dung được Ngài giảng dạy trong đó có Bát thánh đạo này. Thế nên, Bát thánh đạo là một trong những giáo nghĩa cơ bản của Phật giáo.
(còn nữa)
[Tập San Pháp Luân.37.tr,47.2006]
Sơ chuyển Pháp luân - Tứ đế, Thập nhị nhân duyên
Typography
- Smaller Small Medium Big Bigger
- Default Helvetica Segoe Georgia Times
- Reading Mode