Sơ chuyển Pháp luân - Tứ đế, Thập nhị nhân duyên - Trang 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Cụ thể, Bát thánh đạo là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Đây là tám con đường mà bất cứ bậc Thánh nào đều phải đi qua. Hay nói khác hơn, đây là những đạo trình đưa phàm phu vào nẻo Thánh. Bát thánh đạo là Trung đạo, chúng dành cho những ai từ bỏ những lối mòn của thế gian, cho dù các lối đi ấy được xưng là hợp lý hay thiện hạnh. Thế thì, Tám đạo trình này riêng dành cho giai tầng xuất gia, bởi lẽ, đời sống của hàng cư sỹ chưa đủ sức để đảm đương giáo pháp tinh túy và uyên bác ấy. Uyên bác và tinh túy, bởi vì, chúng đòi hỏi người ta phải từ bỏ mọi hệ lụy của thế gian, cả những gì được cho là thường lý, là quy ước chưa được gạn lọc [hữu lậu] mà ta nên tuân thủ. Chúng đòi hỏi người ta từ bỏ những lý thuyết siêu hình, những thực hành rời rạc, đặt hẳn thân tâm của mình trên nền tảng chân thật và nhất thể của Phật giáo, tức là từ bỏ cái thân thường chấp và cái tâm ngã kiến. Rõ ràng là, sống đời sống Tám thánh đạo chính là sống đời sống xuất thế. Hơn thế, Bát thánh đạo ví như mũi tên nhắm thẳng vào tâm điểm của giác ngộ và chúng liền đưa tâm thức mình đến ngay trung tâm của tuệ giác Phật-đà. Vậy thì, Tám thánh đạo có thể được xem như là tấm gương phản chiếu toàn diện thánh hạnh của Phật giáo mà mọi nền văn hóa của nhân loại cần soi rọi và tự mình tu chỉnh theo sự phản rọi ấy. Những ai muốn đi ra khỏi ngôi nhà lửa, tuyệt đối phải đi theo đạo trình này. Người ta lấy làm lạ là tại sao khi ta khai thác được đôi bộ phận của đạo trình này, thì người ta sẽ được hạnh phúc hơn cả bấy nhiêu điều được khai thác ấy. Thậm chí, những mái vòm tăm tối của ngôi nhà vô minh khi xưa được tháo dỡ, mà ngay cả đời sống hiện tại cũng được an lành, đưa đến những điều kiện tái sinh thuận lợi có môi trường tu học tuyệt hảo bằng chính những mảng rời của chúng. Hơn thế, sự kiện này lại còn tác dụng đến pháp giới quanh ta nữa. Bát chánh đạo là:

Chánh kiến

Chánh kiến có nghĩa là sự kiến giải chân thật, chính xác, phù hợp với giáo chỉ Phật giáo. Phật giáo cho rằng, chánh kiến là một loại trí tuệ chân thật, tách ly hoàn toàn những hệ thống lý thuyết điên đảo và vọng tưởng. Những loại lý thuyết đặt nặng trên ngã tưởng và đệ nhất nguyên nhân hoặc là những lý thuyết định khuôn.

Theo Phật dạy, mọi tri thức của thế gian chỉ là một loại nhận thức hữu hạn, nó chỉ chính xác trong một phạm vi nhất định nào đó, và không phải chân lý thật sự; do vậy, tri thức của thế gian chưa phải là trí tuệ. Trí tuệ chân thật là sự nhận thức dựa trên nền tảng Phật giáo để quan sát thế giới, và như vậy mới có thể gọi là trí tuệ chân chánh, mới có thể được xưng là chánh kiến. Nói như thế tức là Phật giáo cho rằng, trên thế giới chẳng có bất cứ sự kiện và vật thể nào thường trụ bất biến, bất cứ sự vật nào cũng đều ở trong tình trạng đổi thay, chuyển biến từng phút từng giây, do đó mà nói “chư hành vô thường”. Trên thế giới này, dứt khoát là bất cứ sự vật nào cũng đều thành hình do nhân duyên hòa hợp, bất cứ sự vật nào cũng tồn tại qua tương quan nhân quả, ngay đến bản thân của nhân quả, cả hai đều hỗ tương tồn tại, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không; do vậy, dứt khoát là bất cứ sự vật nào cũng đều tồn tại trên cơ sở của những điều kiện khác. Sự khẳng định này không hề đưa đến một khẳng định phủ định nào cả, nó dựa trên chân lý thường nghiệm mà thế gian luôn thừa nhận. Nghĩa là, bất cứ sự vật nào cũng đều sở y trên các điều kiện nhất định nào đó mà tồn tại, bản thân của sự vật mà ta biết hoặc chưa biết, tất nhiên đều không có bất cứ tính chất quy định nào cả, nói như vậy tức là muốn chỉ cho sự vật chẳng có một chủ thể nào chi phối hoặc một cái tự tính nào ở trong nó thường hằng bất biến, tức là nói đến sự tồn tại của một cái ngã ảo tưởng của chúng sinh, áp dụng chung cho những ai theo chủ nghĩa Thường và Đoạn. Do vậy, nên nói là “chư pháp vô ngã”. Tuy nhiên, Phật giáo cho rằng, chúng sinh ở thế gian ít ai hiểu rõ đạo lý này. Theo đó mà chúng sinh quan niệm sự vật là thường trụ bất biến, hoặc quan niệm về nhân, ngã  tái sinh, tất cả đều bị hiện tượng bên ngoài của sự vật quyến rũ và làm cho mê muội, nhắm mắt thừa nhận sự vật có tính quy định, có bản chất ở tự thân, có cái tôi tồn tại bất biến. Phật giáo cho rằng, xét về mặt cơ bản, do sự hiểu biết kém yếu này mà sản sinh biết bao sai lầm thuộc về mọi lãnh vực nhận thức của thế gian đối với sự vật và sự nhận thức ấy, quyết chẳng phải là trí tuệ. Cái gọi là chánh kiến được Luận đại trí độ lý giải là một loại đạo lý chân thật được Phật giáo tuyên dạy, nghĩa là chúng ta phải thông qua sự tu hành của Phật giáo mới mong đạt tới cái chủng loại trí siêu việt ấy. Phật giáo cho rằng chỉ có loại trí tuệ như thật ấy là cần phải được chứng nghiệm, hành giả và đối tượng tu hành của vị ấy phải kết hợp làm nhất thể thì mới có thể được gọi là Chánh kiến. Nói như thế cũng có nghĩa là, cái được gọi là chánh kiến, trên mặt thực tế bao hàm hai phương diện: tu và chứng, tức là sự kết hợp giữa tri và hành. Thế thì, Chánh kiến không phải là một cái gì đó thuộc về lãnh vực hợp lý, mà nó là một loại trí như thực được Phật dạy và hành giả phải trực tiếp chứng nghiệm, cho dù con đường học lý về tuệ không phải là không cần thiết. Chánh kiến hay là minh triết vẫn luôn là chủ luận của Phật giáo. Thế nên, Du già sư địa luận cho là, chỉ có con đường tu hành của Phật giáo mới có thể thu hoạch được trạng thái này mà thôi. Và như ta biết, mọi học thuyết của thế gian đều thiếu hẳn bản sắc tu hành như Phật giáo. Người ta nói rằng, Phật giáo là tôn giáo của thế giới, quan niệm ấy không phải là một cái gì được cho là cường điệu.

Chánh tư

Chánh tư, đôi khi còn gọi là Chánh tư duy (惟 / 維 - chánh văn nêu ra hai từ loại này có ý chỉ cho trạng thái cột buộc tâm vào một đối tượng tu hành nào đó trong Phật giáo, như loài chim chỉ bay theo một hướng N.D), hoặc gọi là Chánh chí, Chánh dục. Pháp môn tu này muốn nhắm vào thái độ từ bỏ vĩnh viễn tà kiến và có được sự tư duy chính xác về các vọng tưởng phân biệt của chúng ta. Tư duy vốn là hiệu năng và tác dụng của tâm thức, Phật giáo đặt trọng tâm một cách phi thường vào sự nhận thức và hiệu năng tác dụng của nó, bởi vì tác dụng nhận thức ấy có thể phán xét và thấu triệt ở mọi cấp độ. Cụ thể là, 1/ Quán sát và thẩm lự. 2/ Phân tách và phán đoán. 3/ Quyết định và dứt khoát chọn lực tác dụng.

Quán sát và thẩm lự là bước ban đầu của tác dụng tâm thức. Trong phạm vi chúng sinh mà nói, để tiếp xúc với thế giới ngoại tại và nhận thức được thế giới, tất nhiên là ta phải thông qua năm cánh cổng quan năng của mình, tức là năm giác quan, rồi thông qua tác dụng của tâm thức để có nhận thức khái quát về chúng. Đấy là khái niệm sơ bộ đối với sự vật, quá trình nhận thức khái quát ở bước ban đầu này, chính là quán sát và thẩm xét vậy.

Sau khi thông qua quá trình thẩm xét và quan sát để có được nhận thức sơ bộ đối với sự vật rồi, sau đó chức năng nhận thức mới tiến hành loại biệt và phán đoán, do vậy, phân biệt và phán đoán là tác dụng và hiệu năng của tâm thức ở bước thứ nhì. Nếu như nói, trạng thái tiếp xúc quan sát ở bước ban đầu là một loại hoạt động có tính cách tỷ giảo thuộc về khách quan, thế thì phân biện và phán đoán lại có thêm đôi phần nhân tố chủ quan nữa. Nói như vậy, tất nhiên là chúng ta đối với hiện tượng khách quan hoặc một sự tình nào đó, sau nhận thức khái quát ở bước ban đầu rồi, chúng ta liền khảo lự tư duy, chúng ta đánh giá là sự kiện ấy, đúng hay sai, sự kiện ấy đối với chúng ta lợi hay hại như thế nào... Đương nhiên là loại phân biệt và phán đoán này nó có tiêu chuẩn của nó, tùy theo khía cạnh thẩm xét đa diện như vậy của chính tâm thức mình, mà các tiêu chuẩn sai biệt được nắm bắt. Hoặc giả, sự phán đoán của ta phát triển tùy theo khuynh hướng giá trị của sự kiện ở chính tâm thức ta, hoặc là, tùy theo khía cạnh đạo đức mà ta tiến hành phân tích, hoặc là theo tính chất quan hệ lợi hại để mà suy nghiệm. Tóm lại, đây là một quá trình tư duy phức tạp mà ta nắm lấy một chuẩn mực nào đó để phán đoán, đây đã là vấn đề chủ quan rồi vậy.

Kinh qua phân biệt và phán đoán, cần phải nhắc lại là chúng ta đã trải qua sự nhận thức có tỷ lượng sâu sắc đối với sự kiện rồi, ta tiến đến một bước nữa, chính là việc quyết định, nói khác hơn là ta quyết định chọn lựa, cần phải biết chính xác đâu là cái có lợi, hại, tốt đẹp... cái gì là sai lầm, đưa đến tổn hoại, bất lợi là ta cương quyết từ bỏ hoặc đối phó. Đây là điều mà Phật giáo cho là tác ý sinh thân ở mức độ sơ cấp có gắn vào hai cấp độ hữu lậu và vô lậu, sẽ được đề cập sau.

Tư duy là một tiến trình tương tục gắn kết, muốn nắm được sự tư duy chính xác, phải là do kết quả tổng hợp của các nhân tố. Phật giáo phân chánh tư duy làm hai cấp độ, tức là cấp độ hữu lậu và cấp độ vô lậu, hay nói khác hơn là hai loại tư duy thế tục và tư duy xuất thế. “Chánh chí là gì? Chánh chí có hai loại, có chánh chí là thế gian, thô tục, còn dơ bẩn, có bám chấp, hướng vào trong điều thiện. Có chánh chí là thánh, xuất thế gian, trong sạch, không bám chấp, tận dứt khổ, chuyển hướng khổ. Thế nào là chánh chí mang tính chất thế gian, thô tục, chưa trong sạch, còn bám chấp, hướng vào thiện? Đó là chánh chí mà nó là sự hiểu biết cần thể hiện, sự hiểu biết về không si mê, sự hiểu biết về việc không gây tai hại, đây là những gì được cho là thế gian, phàm tục, chưa trong sạch, còn bám chấp, hướng vào đường thiện. Thế nào là chánh chí mà nó là thánh, xuất thế gian, vô lậu, không bám chấp, hoàn toàn hết khổ, chuyển hướng ra khỏi khổ giới? Đó là sự tư duy về khổ khổ của các vị thánh đệ tử, sự tư duy về tập, diệt, đạo đế, sự tư duy về vô lậu gắn kết với tâm pháp, kiến giải, tự quyết, phân biệt, ý thức thiết lập theo hệ thống toán số, những gì được mệnh danh như vậy là chính chí thánh, xuất thế gian, vô lậu, không bám chấp, khổ hoàn toàn dứt tận, chuyển hướng ra khỏi khổ cảnh”. (Tạp A-hàm, q.28).

Cơ sở của vô lậu chính tư là đạo trình Phật giáo, chủ yếu đối với giáo nghĩa là chỉ cho ý thú Tứ đế có nhận thức và tư duy chính xác, thế nhưng nói về chúng sinh, mọi hoạt động nếu có thể hướng vào thiện tính, quy hết vào Phật đạo, tự tại tư duy tu hành theo thánh giáo, mọi hoạt động như vậy đều có thể cho là Chánh tư duy cả, chẳng qua, tư duy của thế nhân chỉ là những nghĩ suy chưa được gạn lọc, không lấy nó làm cơ sở để tìm cầu giải thoát. Thế nên, xét cho cùng, cái gọi là tư duy của thế gian chỉ là phân biệt hư cấu mà thôi. Đối với Phật giáo, cái gọi là tư duy chân chính phải là tư duy vô lậu, lấy việc truy cầu trí tuệ tối thắng làm mục đích, do vậy, chánh tư vô lậu phải có sự tư duy và nhận thức chính xác đối với nghĩa thú của Tứ đế. Như trong luận Đại trí độ dạy: “Cái gọi là chánh tư duy, cốt yếu là khi quan sát giáo nghĩa Tứ đế, phải phát động cho được sự tư duy tương ưng với tâm vô lậu, như vậy mới cho là Chánh tư”. Du-già sư địa luận lại dạy: “Do nơi chánh kiến mà đắc hiệu năng tăng trưởng tư duy chính xác, tức là năng lực quán sát và nhận thức tất cả các pháp, được phát triển dưới sự chi phối của Phật pháp, nhờ vậy mà có thể loại trừ các loại hư cấu phân biệt mê mờ”.

Chánh ngữ

Chánh ngữ là nhiếp tu khẩu nghiệp, tức là lấy trí tuệ của Phật giáo làm chỉ đạo, lấy Phật pháp làm tiêu chuẩn, không bao giờ nói nghịch lại với sự thật, với giáo chỉ Phật. Phật giáo chia nghiệp lực của chúng sinh làm ba loại: thân, khẩu, ý. Chẳng hạn chánh kiến hay chánh tư duy đã nêu ở trên, trạng huống ấy thuộc về ý nghiệp, còn chánh ngữ này quy cho khẩu nghiệp. Nói chung, chánh ngữ tức là bất vọng ngữ vậy. Chánh ngữ cũng phân ra làm hữu lậu và vô lậu. Kinh Tạp A-hàm giải thích như sau: “Chánh ngữ là gì? Có chánh ngữ thuộc về thế gian, phàm tục, chưa được trong sạch, hướng vào thiện tánh; có chánh ngữ thuộc về thánh, xuất thế gian, vô lậu, hoàn toàn dứt khổ, chuyển hướng ra khỏi khổ cảnh. Những gì là chánh ngữ được cho là thuộc về thế gian, phàm tục, hữu lậu, quy cho thiện tánh? Đó là, lời rời vọng ngữ, rời lưỡng thiệt, ác khẩu, thêu dệt; các biểu hiện bằng lời như vậy được gọi là chánh ngữ thuộc về thế gian, phàm tục, quy cho thiện, hữu lậu, bám chấp. Những gì là chánh ngữ được cho là thuộc về thánh ngữ, xuất thế gian, vô lậu, không bám chấp, sạch tận khổ, chuyển hướng rời khỏi khổ cảnh? Đó là sự tư duy về khổ, tập, diệt và đạo đế của các vị Thánh đệ tử, trừ tà mệnh, niệm bốn loại ác hạnh của miệng, niệm các tàn dư còn sót lại của hạnh ác khẩu, rời hẳn các trạng huống đó, vô lậu, xả bỏ, không bám chấp, nắm lấy thật chặc, nhiếp trì không cho vi phạm, bất luận khi nào không vượt qua giới hạn phòng ngự, đây là những gì được mệnh danh là thuộc về thánh, xuất thế gian, vô lậu, không bám chấp, hoàn toàn sạch khổ, chuyển hướng hoàn toàn ra khỏi khổ cảnh.”

Không vọng ngữ, không nói hai lời, không nói lời ác, không nói thêu dệt, đây là bốn động thái trong Thập thiện nghiệp. Không vọng ngữ là phải nói lời chân thật, không nói dối, nói quàng xiên; không nói hai lời là không nói lời thị phi xuyên tạc, lập mưu ly gián, trước mặt thì nói thế này, sau lưng lại nói thế khác; không nói lời ác [bất ác khẩu] là không nói lời thô lỗ, lời ác độc, khi nói ra cần ôn hòa từ tốn; không nói lời thêu dệt, tức là không hoa ngôn xảo ngữ, tức là không tô vẻ sự kiện theo tư ý của mình với ý đồ mong cầu trục lợi. Ngược lại với những gì vừa nêu, là sở y trên sự chỉ đạo của giáo nghĩa mà phân thành tiêu chuẩn có bộ phận để tu tập.

Pháp Hiền cư sĩ (còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 39, tr.37, 2007]