Ngày nay, vai trò nữ giới trong xã hội là vấn đề thế giới đang quan tâm. Vì thế, chúng ta hãy thử tìm hiểu sơ về nó theo quan điểm của Phật giáo. Trước đây, có một số sách viết về địa vị nữ giới thay đổi trong xã hội Ấn giáo và Hồi giáo, nhưng vấn đề nữ giới trong Phật giáo rất ít được quan tâm, ngoại trừ quyển sách Nữ giới trong Phật giáo nguyên thủy của cô I. B. Horner, một học giả uyên bác tiếng Pali, ấn hành từ năm 1930.
Nhưng thực tế ngoài xã hội không bao giờ đi đôi với triết lý. Tư tưởng bình quyền của Phật giáo cũng bị bất lực trước sức mạnh của thể chế trọng nam trên toàn thế giới. Cả đến thuyết Luân hồi và Tái sanh, một trong những giáo chỉ thiết yếu nhất của đạo Phật, cũng bị đưa ra chứng minh rằng nam giới vẫn được trọng vọng hơn. Qua thuyết Luân hồi, những nghiệp tạo tác đời trước sẽ định đoạt số mệnh, giàu sang, địa vị, tài năng, và cả giới tính của một người cho những kiếp sau. Tái sanh làm người nữ tức là kiếp trước nghiệp nhân không được tốt, như thế chính tôn giáo đã hạ thấp tầm quan trọng của nữ giới. Khi làm điều lành nào đó, người phụ nữ Sri Lanka vẫn ngầm hồi hướng công đức và cầu thoát khỏi được thân người nữ và trở lại làm người nam trong kiếp sau. Cho dù Miến Điện được coi như là quốc gia có quyền bình đẳng nhất trong các giới, hầu hết phụ nữ sau thời khóa tụng kinh thường tha thiết cầu nguyện: “Con nguyện sẽ chuyển thành thân nam khi tái sanh làm người”. Và ngay tại Thái Lan, năm 1399 sau công nguyên, mẫu hậu của nhà vua thời bấy giờ thiết lập một Ni viện và để kỷ niệm công đức bà đã cho khắc hàng chữ: “Nhờ công đức lành này, xin cho tôi được mang thân nam khi tái sanh”.
Chúng tôi có thể thu thập rất nhiều thí dụ, những câu nói thông thường hay châm ngôn thi ca của cả ba quốc gia này để chứng minh rằng, cho dù được bình đẳng, người phụ nữ bao giờ cũng chấp nhận vị trí thấp kém hơn, và điều này ảnh hưởng ít nhiều đến mối liên hệ vợ chồng của cả ba xã hội nói trên. Tại Sri Lanka, ý tưởng này khó có thể nhận ra vì, thậm chí ngày nay, người ta vẫn giữ cái bình phong nguời chồng làm chủ gia đình. Quyền hành của người vợ không lộ liễu và rất tế nhị. Trong khi đó thái độ hơi mâu thuẫn này có phần rõ rệt hơn ở Miến Điện; người phụ nữ Miến Điện điều khiển quản lý tất cả kinh tế gia đình; họ bình quyền với phái nam cả về giao dịch, luật pháp và chính trị. Nhưng người vợ luôn chiều theo ý chồng, không phải vì uy thế cao của nam nhân, nhưng là một cách thích nghi với tiêu chuẩn văn hóa tập quán của xã hội. Ngoài ra tại Miến Điện, phái nam có quyền đa thê (polygamy) trong khi phụ nữ chỉ chính chuyên một chồng, như thế đàn ông cũng hưởng nhiều đặc ân hơn. Sri Lanka thì ngược lại, đa thê không có chỗ đứng trong xã hội chỉ trừ bậc hoàng gia vua chúa, trong khi đa phu (polyandry) - cho dù không còn thịnh hành cho lắm - vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay. Còn bên truyền thống Thái Lan, luật pháp quy định người phụ nữ hoàn toàn lệ thuộc chồng. Cho đến năm 1935, đàn ông vẫn có quyền lấy nhiều vợ một lúc: “Nguyên tắc cơ bản của luật gia đình bao gồm trong Bộ Luật 1805 có nhắc đến thế quyền của người chồng, ông ta giữ và quản lý tất cả tài sản chung, ông cũng có quyền bán vợ cho người khác, và thẳng tay trừng trị vợ nếu vợ phạm lỗi”.
Từ bản chất của giao ước hôn nhân đưa đến câu hỏi kế tiếp là cả hai đương sự có quyền hành gì trong việc hủy bỏ hôn nhân này. Hầu hết trong mọi nền văn hóa, người phụ nữ một khi lấy chồng là trực thuộc người chồng không bao giờ tháo gỡ hủy bỏ được, trong khi người đàn ông có quyền rũ bỏ tất cả những ràng buộc gia đình một cách dễ dàng. Bộ luật của Khổng Tử cho phép người chồng có rất nhiều lý do để bỏ vợ. Từ bệnh hoạn cùi hủi, bất lực không sinh sản được, cho đến bất tuân không khâm phục chồng, hay nói lời không dịu dàng đoan chánh cũng có thể là những chứng cớ chính đáng để ly dị. Trong Ấn Độ giáo người vợ cho dù thế nào đi nữa cũng không được bỏ chồng, nhưng người chồng có quyền cưới vợ khác theo ý thích. Thần Manu dạy rằng: “Nếu người vợ 8 năm mà không có con, hay 10 năm mà con cái không sống được, hay 11 năm mà chỉ sanh con gái thì được quyền thay thế. Nếu người vợ hay cãi vã bất tuân phục chồng phải được thay thế ngay lập tức”. Ngoài ra ông chồng cũng có thể bỏ vợ nếu nàng bịnh hoạn, què quặt và không còn tiết trinh. Trong khi đó Hồi giáo cho phép người chồng bỏ vợ lúc nào cũng được không cần tòa án xét xử và cũng chẳng cần lý do. Nhưng người vợ không bao giờ có quyền ly dị chồng nếu chồng không cho phép; nếu chồng muốn ly dị thì hẳn nhiên, giao kèo hôn nhân đó bị hủy diệt.
Đạo Phật trái lại không thừa nhận hôn nhân là một khế ước linh thiêng tôn giáo, và vì không có luật lệ riêng cho việc kết hợp vợ chồng như trong Bộ Luật của Manu, hay Luật Sharia của Hồi giáo, nên sự hủy bỏ hôn nhân chỉ do đương sự hay gia đình của họ định đoạt. Tại nước Sri Lanka, chúng tôi tìm thấy một văn kiện năm 1769 trong đó quan niệm chính thống dựa theo luật pháp được trưng ra. Những người Hà Lan lúc bấy giờ đang thống lãnh vùng bờ biển hải cảng Sri Lanka. Thống đốc Hà Lan là Ngài I. W. Falck; vì muốn hiểu rõ luật lệ và phong tục tập quán của dân bản xứ nên đã ghi chép thành bộ luật địa phương và ông cũng đã gởi một số câu hỏi đến cho nhiều vị cao tăng thạc đức vùng Kandy để thăm hỏi ý kiến. Câu trả lời của các vị được đúc kết thành văn kiện luật pháp tên là Lakrajalosirita.
Một trong những câu hỏi là người Sri Lanka có được phép ly dị không? Dưới đây là câu trả lời: “Một người nam và một người nữ khi đã ký kết hôn nhân thành vợ chồng dưới sự chấp thuận của cha mẹ dòng họ đôi bên và theo luật pháp quốc gia, không có quyền tự ý hủy bỏ hôn nhân này chỉ vì không còn thích hợp với nhau. Người chồng muốn được ly dị vợ phải có đầy đủ bằng chứng là vợ không còn có sự trọng kính xứng đáng cho chồng, vợ chửi rủa mắng nhiếc đối xử tệ với chồng, vợ ngoại tình yêu thương người khác hay đem tiền của của gia đình cho tình nhân… nếu chứng minh được những điều sai quấy này trước tòa án dân sự, ông có quyền bỏ vợ”.
Câu hỏi kế tiếp là phụ nữ có quyền ly dị chồng không, và ông chồng phải phạm những lỗi lầm trầm trọng gì để vợ phải bỏ? Quý ngài trả lời: “Nếu ông chồng không còn thương yêu vợ, không lo lắng cho vợ ăn mặc những quần áo và nữ trang hợp với giai cấp của nàng, không cung cấp đầy đủ cho cuộc sống gia đình, không lo làm ăn bằng những nghề ngay thẳng chính trực như buôn bán, nông nghiệp, nếu chồng nghiện ngập, trộm cắp, lươn lẹo, khoác lác, làm nhục nhã hổ thẹn cho gia đình, nếu chồng đối xử tệ bạc với vợ mình trong khi tâng bốc nuông chiều những người đàn bà khác… khi người vợ có bằng cớ chứng minh những điều này trước pháp luật, nàng được quyền ly dị chồng”.
Điểm quan trọng phải được nhắc đến ở đây là trên lý thuyết luật Sri Lanka rất công bằng cho cả chồng và vợ. Và ta cũng thấy được ảnh hưởng của lời huấn thị của Phật trong kinh Thi-ca-la-việt (Sigalovada Sutra) về sự phát triển những quy chế này.
Tuy nhiên thời đó cũng như bây giờ, việc tòa án xét xử bao giờ cũng bị đình trệ và kéo dài thời gian, nên hầu như người Sri Lanka một khi hữu sự đều không đi đến pháp luật. Văn kiện Lakrajalosiritawas được viết bởi những tăng sĩ, một nhóm người ngoại quốc, phần nhiều những tiết mục trong đó được quy định một cách lý tưởng; cho nên chỉ những người giàu có mới đưa nhau ra tòa. Còn người thường dân hành xử một cách ít phức tạp và thực tế hơn, trong nhận xét của ông Robert Knox, người đã sống hòa đồng giữa nông dân nghèo hơn 19 năm: “Hôn nhân của họ rất đơn thuần, và mang ít giá trị pháp lý. Nếu họ không còn duyên với nhau nữa, hay chán ghét nhau, họ chỉ giã từ đường ai nấy đi không làm tổn thương danh dự của ai. Nhưng phần đông điều này áp dụng cho đàn ông nhiều hơn đàn bà: ông không thích nữa ông bỏ đi thế thôi”.
Theo như luật pháp của người Sri Lanka thời bấy giờ, khi ly dị người vợ được hưởng quyền lợi khá hậu. Tất cả của hồi môn mà cha mẹ nàng cho lúc lấy chồng đều được trả lại, và gia tài chung có được sau ngày cưới được chia làm đôi. Người vợ còn được một số tiền để bảo đảm cuộc sống trong vòng 6 tháng. Trước phong trào du nhập của người Âu châu vào Sri Lanka, cả hai phái nam và nữ đều đồng quyền hành trong việc cưới hỏi và ly dị trên phương diện lý thuyết cũng như hành xử. Chỉ sau khi người Âu châu đến cai trị và thống lãnh đất nước, tình thế hơi đổi ngược vì có sự tác động mạnh của Cơ-đốc giáo và Hiến chương La mã của người Hà Lan được áp dụng trên lãnh thổ họ cai quản.
Truyền thống nước Miến Điện cũng thế, có luật dành riêng cho những hôn nhân không thành. Nếu cả hai đương sự đồng tình chịu ly thân vì không tương hợp nữa, họ có quyền bỏ nhau và chia đều của cải và con cái. Nếu một người không đồng ý, thì người muốn ly dị có quyền ra đi nhưng để lại tất cả của cải. Phụ nữ có thể xúc tiến thể thức xin ly dị nếu người chồng đánh đập vũ phu, hoặc không nuôi nấng lo liệu đầy đủ; và ông chồng có thể ly dị vợ nếu vợ bất lực không có con, hay vợ ngoại tình. Một cách nữa rất dễ dàng, cho dù hiếm khi xảy ra, là người bất đồng đang phiền toái có thể tìm đến cửa Phật xin đi tu. Một khi xuất gia, mọi cam kết trước đó đều được hủy bỏ hoàn toàn. Cách được ly dị và hủy bỏ hôn nhân dễ dàng như thế này ở Burma đã bị Giám mục Ki-tô giáo địa phận Rangoon, cha Bigandet lên án là “một tình trạng lỏng lẻo không nghiêm túc đáng bị đọa”. (Theo Thiên Chúa giáo hôn nhân là một bí tích thiêng liêng trước mặt Chúa, không thể tháo gỡ). Nhưng cho dù việc ly dị nhau có phần dễ dãi ở Miến Điện, người ta cũng quan sát nhận xét rằng vợ chồng gắng sức chịu đựng hơn, gia đình có vẻ êm ấm hơn, và những tranh chấp bất bình cãi lẫy cũng vơi đi không thường xảy ra.
Trong khi đó ở Thái Lan, cho dù người nữ bị bất lực trước pháp lý, họ vẫn có quyền đề xướng thủ tục ly dị để thoát ra khỏi môi trường bị hành hung đánh đập bởi người chồng vũ phu. Từ năm 1687 đã có bài viết của những thành viên người Pháp của sở Ngoại giao cho Hoàng gia Thái như sau: “Người chồng đương nhiên là chủ nhân của việc ly dị, nhưng thường là ông không từ chối, nếu vợ tuyệt đối muốn bỏ ông. Ông chấp thuận trả lại hết của hồi môn, và chia đều gia sản cũng như con cái trong vấn đề này…”. Cho dù người chồng có quyền hành tuyệt đối trong hôn nhân được quy định rõ ràng trong Bộ Luật 1805, nhưng người vợ vẫn có quyền đòi hỏi ly dị, và được đối xử rất rộng lượng khi hôn nhân được bãi bỏ.
Bây giờ chúng ta đi qua vấn đề những quả phụ và người đàn bà ly dị có được quyền lập gia đình trở lại hay không. Trong một vài xã hội thời bấy giờ như Ấn Độ, người vợ được xem như là sở hữu riêng tư của các ông chồng, cho nên có những tập tục người vợ bị chôn sống để làm vật tế lễ thần linh khi chồng chết. “Soti puja” là một tập tục tự thiêu của những người đàn bà quả phụ có đẳng cấp cao của đạo Hindu. Tập tục này không được tìm thấy trong Bộ luật Rigveda, dĩ nhiên chỉ phát triển sau này với Bà-la-môn giáo, và không phổ biến lan rộng, chỉ thực hiện tại một vài nơi cô lập, mãi đến thời kỳ người Anh cai trị thì tập tục này được ngăn cấm. Mặc dù không thi hành được, các bà quả phụ Ấn giáo vẫn giữ một cuộc sống nghiêm khắc, hoàn toàn độc thân, và suốt đời thủy chung với người chồng quá cố. Ngoài ra, họ còn bị xem là xui xẻo, là điềm xấu, và thường bị khai trừ khỏi mọi hoạt động xã hội, tôn giáo và được xem như một người bất hạnh. Còn vấn đề người phụ nữ ly dị cũng không tài nào lập gia đình với một người khác trong đạo Hindu, vì cho dù bị chồng ruồng bỏ và ly dị trước pháp lý thế gian, họ vẫn trực thuộc ông ta nên cũng đành sống độc thân suốt đời.
Trong khi đó đạo Phật xem cái chết như là một điều tự nhiên không ai tránh khỏi được. Cho nên người nữ không cần phải chịu đựng sự hạ cấp đạo lý luân thường một khi chồng quá vãng. Địa vị xã hội của họ cũng chẳng bị ảnh hưởng, họ không phải phô trương thân phận góa bụa của mình bằng cách cạo đầu hay cởi bỏ nữ trang và trang phục đẹp; cũng không cần ăn chay hay nằm đất để hành xác hy sinh; vẫn có quyền tiếp tục giao du tham dự lễ lạy và các sinh hoạt thường ngày. Và hơn thế nữa, không có một luật lệ nào trong đạo Phật cấm cản người phụ nữ tái giá hay lập gia đình với người khác. Sự việc hiển nhiên này cũng được nhắc đến trong kinh điển nhà Phật.
Cũng vậy, người phụ nữ ly dị chồng cũng có quyền tiến bước thứ hai mà không phải mang một vết nhơ sĩ nhục nào cả. “…Nếu như họ không còn hợp nhau và ly thân không sống chung nữa… thì người nữ đó vẫn có quyền tự do đi lấy chồng khác.” Cả văn kiện luân lý Lakrajalosirita, với cái nhìn chính thống Phật giáo, cũng cho phép người phụ nữ ly thân với chồng được quyền lập gia đình lần nữa. Sự việc này được nhìn nhận ở những cấp bậc cao hàng vua quan trong xã hội Sri Lanka. Cũng vây, ở Thái Lan và Miến Điện, người phụ nữ vẫn có thể tái giá sau lần ly dị chồng. Năm 1687 Ông La Loubere, một người Pháp trong phái đoàn ngoại giao ở Thái Lan đã nhận định trong thư viết: “Sau khi ra tòa ly dị, cả hai bên đều được lập gia đình trở lại, người đàn bà này có thể làm lễ cưới ngay trong ngày ly dị của mình”.
Một lần nữa ta có thể nhìn nhận rằng đạo Phật đã cứu vãn tình thế cho người phụ nữ không còn phải mang sự sỉ nhục, tì vết nhơ bẩn; đã đưa người vợ bình đẳng hơn trong hôn nhân, và đã khôi phục bà quả phụ khỏi tầng lớp khốn khổ bất hạnh hèn hạ.
Cái tự do trong đời sống xã hội của phụ nữ ở những nước theo Phật giáo, nếu chẳng gì hơn, thì cũng đã làm chấn động những người phương Tây viếng thăm và sống tại nơi đây để họ phải thốt lên những lời ngỡ ngàng nhận xét khó tin mà chúng ta vừa bàn luận ở phần trên. Không phải chỉ sự bình đẳng ở địa vị thôi, mà là không có sự khác biệt giữa hai giới tính nam và nữ nữa. Đó mới là đặc điểm phân biệt nữ giới sống trong ảnh hưởng của Phật giáo và phái nữ dưới những chế độ khác khắp vùng Trung Đông, Đông Nam Á và lục địa Ấn Độ. Sự tách biệt phân ly giai cấp và giới tính đưa đến ẩn náu che đậy và giam hãm phụ nữ đằng sau những bức tường; đằng sau áo thụng và khăn vải che mặt. Bộ luật của Khổng Tử vạch rõ tư cách đạo đức đối xử giữa người khác phái với nhau. Luật của thần Manu còn đi xa hơn nữa về sự tách biệt giữa hai giới nam nữ đến nỗi mà người đàn ông không được ở bên cạnh một người nữ lâu dài, cho dù người đó là mẹ hay là chị của họ. Sự phân biệt giới tính tràn ngập hết mọi khía cạnh của xã hội theo đạo Hồi giáo.
Trong đạo Phật thuở ban đầu, mọi giới được tự do hoà lẫn nhau nghe Phật thuyết pháp. Cho dù tăng ni có nơi ở riêng biệt nhưng thường ngày vẫn sum vầy chung với nhau bên đức Phật. Kinh điển cũng có kể lại những cuộc đàm thoại dài giữa Phật và những nữ đệ tử của Ngài. Ngoài ra nữ thí chủ Visakha thường viếng thăm tịnh xá trong quần là áo lụa và nữ trang lộng lẫy, luôn luôn có một cận thần nam đi theo, bà đi khắp cùng tịnh xá lo việc cúng dường cho tăng đoàn. Quần áo thời trang của bà làm cho nhiều người khó chịu nhưng cả Phật và Tăng đoàn không cấm đoán hay chỉ trích. Chỉ sau khi bà sinh khởi tuệ giác, và phát nguyện xuất gia, bà mới tự bỏ đi đồ trang sức sang trọng quý giá đó.
Quyền tự do và thái độ hào phóng đã tác động mạnh đến cách cư xử của cả phái nam lẫn phái nữ trong những quốc gia theo Phật giáo. Ở Sri Lanka vào khoảng thế kỷ thứ XVII, “người đàn ông không cảm thấy ganh tị hay ghen tuông cho dù các mệnh phụ vẫn tự do trò chuyện với người khác phái ngay trước mặt”. Cũng có những nhận xét là người nữ được tự do viếng thăm những nơi thờ phượng trong quần áo và đồ trang sức đẹp và lộng lẫy nhất của họ. Đây cũng là một tập tục hoàn toàn khác biệt với luật Manu cấm ngặt phụ nữ không được trang hoàng diện mạo bằng tơ lụa và nữ trang, vì đó là những vật tính tà gian mà phụ nữ hay bị nó lôi cuốn; còn luật Koran cũng dạy tương tự là nữ trang và sắc đẹp phải được phủ kín đằng sau vải che mặt. Trong khi đó phụ nữ Miến Điện thong dong đi lại tự do không phải che đậy, với trang sức lộng lẫy, chưng diện màu mè cho tất cả những lễ hội. Bên cạnh họ, người phụ nữ Ấn Độ thuộc đạo Hồi thì phải mặc purdah (áo choàng đen hay nâu che khắp thân thể) và mang burqa (khăn che mặt), còn phụ nữ Trung Hoa phải chấp nhận tục bó chân. Tại Thái Lan, cho dù không bị ngăn cấm, nhưng phái nữ thuộc giới cao cấp, thường sống ẩn dật ít xuất hiện ra ngoài khuôn viên tư gia của họ.
Tóm lại, vì hôn nhân được xem như hoàn toàn thế tục, vì quyền hạn ly dị dễ dàng không bị ngăn cấm, vì quyền lợi được tái giá, vì nam nữ bình quyền, và trên hết vì người phụ nữ được tự do trong mọi mặt, nhất là vấn đề sở hữu của riêng, không phải có sự đồng ý hay ngăn cấm của chồng… tất cả những điều kiện kể trên đã giúp phục hồi giá trị của nữ giới trong những nền văn hóa thiên về đạo Phật. Đồng thời cái uy thế của nam giới vẫn được coi trọng toàn cầu, nên ảnh hưởng tích cực của đạo Phật cũng bị phủ định một phần nào, và sự việc cũng có phần hơi mâu thuẫn về mặt tư tưởng trong thái độ đối với phụ nữ. Tuy nhiên, vị trí của người phụ nữ vẫn được nâng cao và xem trọng hơn trong nền văn minh xã hội của các nước châu Á với đặc tính riêng biệt của Phật giáo.
Viên Minh dịch
Tập san Pháp Luân - số 75, tr77, 2010]
Có thể nói, nữ giới trong những xã hội Phật giáo đã tốt hơn những xã hội phi Phật giáo ở châu Á. Chúng ta có thể thấy ngay địa vị nữ giới tại các nước như Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện và Tây Tạng, ở thời điểm trước khi bị ảnh hưởng Tây phương.
Ông Hugh Boyd - Đại diện ngoại giao cho chính phủ Kandyan khoảng năm 1782 đã nhận xét trong bài viết của ông: “Người phụ nữ Sri Lanka rất khác biệt so với tất cả phái nữ ở những nước Á châu, nhất là về phần cá tính rất đặc biệt và nổi bật. Họ không mang vẻ lãnh đạm thờ ơ lười biếng, hay một sự khiêm tốn tẻ nhạt, hay chanh chua khó tính như hầu hết mọi phụ nữ những sắc dân Á châu khác đều có. Bao giờ cũng vậy, từ bao nhiêu thế hệ, những người phụ nữ tại quần đảo Sri Lanka đều mang một sắc thái nhanh nhẹn lanh lợi, với một tí e thẹn quyến rũ, và sự thanh thản thân tình; những đặc điểm này tương tựa như phần đông phụ nữ Tây Âu. Người phụ nữ Sri Lanka thường không bị xem như là nô lệ hay tình nhân; họ được trọng vọng và xem như một người bạn đồng hành cho người chồng của họ. Cho dù đàn ông nước này theo pháp luật, có quyền hạn độc đoán chuyên chế đối với con gái của họ, nhưng thực tế họ có phần dễ dãi trong sự giao lưu và cuộc sống gia đình. Chế độ đa thê hầu như vắng mặt, và ly dị được chấp nhận rộng rãi nên các ông không mang tính độc tài ghen tuông cố hữu; từ đó sinh sôi nẩy nở hiện tượng chuyên quyền một cách thái quá và thiếu phong nhã lịch sự đối với phái yếu mà ta thường thấy ở hầu hết các nước châu Á; thái độ này còn được thừa nhận là thích đáng và cần thiết bởi nhiều tôn giáo Đông phương. Người đàn ông Sri Lanka không bao giờ giam cầm hay kiềm chế vợ con họ, họ cũng không bắt buộc phụ nữ phải cam chịu những che đậy hay giam cầm ẩn náu một cách nhục nhã”.
Đoạn văn trên chỉ là một trong những lời bình luận của người Âu châu nhận xét về phụ nữ nước Sri Lanka vào khoảng thế kỷ thứ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX. Họ là những đại diện ngoại giao, nhà truyền giáo, người quản lý, lính tráng, bác sĩ, thiện nguyện viên, thủy thủ, v.v… Họ là những người biết nhiều về phụ nữ Âu Tây, và nhiều người cũng đã từng đi ngang qua hoặc đã sống ở Ấn Độ nên cũng biết khá nhiều về văn hóa và tập tục của Ấn Độ giáo và Hồi giáo.
Cho nên, những nhận xét của họ rất có giá trị. Những lời phê bình chung chung của hầu hết những người đã từng du hành khắp nơi, về phụ nữ Sri Lanka làm cho chúng tôi phải hiếu kỳ muốn tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này. Những sưu tầm sau đây sẽ bàn luận và nhận xét về cuộc sống xã hội khoảng thời gian giữa thế kỷ XIX. Trước đó, nguồn tài liệu hơi mập mờ nên không nhận ra được những đổi thay lớn lao trong xã hội. Và sau đó vì ảnh hưởng của chủ nghĩa đế quốc thống trị của người Tây phương, qua thương nghiệp và kinh doanh, cùng với những hoạt động truyền giáo của Cơ đốc, nên những đổi thay vừa chớm nở là đã nhận biết được liền. Chỉ có những bài viết của người Âu là đầy đủ nhận xét tỉ mỉ chi tiết về những điều kiện sống trong xã hội xảy ra thường xuyên trên quần đảo. Văn chương của dân bản xứ phần đông là sách tôn giáo, không mang nhiều nhận xét về những sự việc trần tục như lời bàn về phụ nữ. Nhưng chứng cớ hiển nhiên rành rành trong cuộc sống đã nói lên được thái độ tự do hào phóng đối với phái nữ ở tại nước Sri Lanka, một sự kiện sẵn có từ nhiều đời. Khi nhắc đến người phụ nữ ở các nước Á châu, phần đông ta thấy được hình ảnh một người phụ nữ trùm kín mặt của Hồi giáo, hay khuê phòng nơi những phụ nữ đẹp và giàu sang của Ấn Độ thường ẩn náu, hoặc hậu cung của những triều đại Trung Hoa nơi mà cả ngàn nàng hầu của vua được canh giữ bởi hoạn quan, hay các vũ nữ của thần linh đã hy sinh thân mạng vì đạo giáo… tất cả đều biểu hiện sự lợi dụng bóc lột người nữ ở các nước phương Đông. Rất ít người biết đến những xã hội hiếm hoi, những quốc gia nhỏ bé ngay tại vùng đất Á châu, trong đó nữ giới được trọng vọng, nếu so sánh với tiêu chuẩn hiện đại thời nay. Thái Lan và Miến Điện cũng nằm trong những chế độ này. Phần lớn, chúng tôi căn cứ kết luận về vị trí của phái nữ ở hai nước này bằng cách đối chiếu văn bản thu thập được từ những khách du hành Âu châu thăm viếng và sinh sống ở những xứ sở này vào thế kỷ thứ XIX và XX.
Ông R. Grant Brown, một Sĩ quan ngành lợi tức thu nhập sống tại Miến Điện 28 năm (1889-1917) đã nhận xét như sau: “Tất cả mọi người đều viết về mức độ tự do, thật là đặc biệt dành cho người nữ khi bàn luận về nước Miến Điện. Vị trí của phụ nữ trong xã hội này thật là một điều quá đỗi ngạc nhiên khi xét rằng ở các nước lân cận chung quanh như Ấn Độ hay Trung Hoa, đàn bà con gái thường bị “nhốt”, bị lệ thuộc, hay bị tách biệt khuất lánh nơi riêng lẻ.”
Một sứ giả tại triều đình nước Miến Điện cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước thái độ tự do của hàng vua chúa trong cung điện: “Hoàng hậu ngồi ngang hàng với vua khi tiếp chuyện với đại sứ nước ngoài. Cả hai được giới thiệu là “hai vị chúa tể tối cao”. Vì đối với người Miến Điện, theo thường lệ, phụ nữ gần như là bình đẳng với phái khỏe mạnh cường tráng nam giới hơn bất cứ xã hội nào vùng châu Á”.
Thiếu tướng Albert Fytche, đại biểu chính quyền Anh quốc ở Miến Điện và cũng là Sĩ quan phụ tá cho Thống đốc Ấn Độ, cũng viết tương tự như thế vào năm 1878: “Không như những người Ấn Độ giáo hay Hồi giáo rất hay nghi kỵ và ngờ vực, người phụ nữ ở đây (Miến Điện) phần nhiều được thoải mái tự do. Họ không chỉ là những nô lệ tình yêu cho người chồng, mà còn được thừa nhận và tôn trọng quyền bình đẳng và thế đứng của họ đôi khi trội hơn trong hầu hết những giao dịch hằng ngày của cuộc sống. Vị trí của họ chắc hẳn cao hơn bất cứ ai dù ở phương Tây hay Đông”.
Chỉ cần một chút quan sát và thẩm vấn cũng đủ để nhận thấy, tại Thái Lan cũng thế, cho dù kém hơn, nhưng người phụ nữ Thái Lan cũng được hưởng sự tự do đáng kể. Thí dụ như trong bài viết của ông J.G.D. Campbell, một cố vấn ngành Giáo dục cho Chính phủ Thái, năm 1902 cũng nhắc đến: “Trong quốc gia Thái Lan, không biết vì nguyên do gì, mà vị trí của người phụ nữ vẫn có phần tốt đẹp hơn ở những nước Á châu khác. Chỉ cần đến Bangkok một vài ngày thôi, người ta không khỏi ngạc nhiên nhận ra ngay phong độ và dáng vẻ hiên ngang của người phụ nữ bình dân trong xã hội. Có thể nói rằng đạo Phật mang đến ảnh hưởng tích cực này cho phái yếu về cả mặt tôn giáo và nhân cách phẩm hạnh.”
Cũng vậy, Công Tước Charles Bell, đại diện Hoàng gia Anh tại Tây Tạng, Bhutan, và Sikkim, cũng đã nêu vấn đề này năm 1928: “Khi khách du hành đến Tây Tạng ngang qua trấn ải những nước láng giềng như Ấn Độ hay Trung Quốc, điều đầu tiên họ sẽ ngỡ ngàng nhận ra cái khác biệt của người nữ ở Tây Tạng. Họ không bị kềm chế trong ràng buộc và tách biệt như phụ nữ Ấn Độ. Trái lại họ rất thoải mái trong các sinh hoạt với người khác phái, vì họ đã quen với lối sống không phải khép nép, e thẹn, lo sợ. Họ không khác so với những phụ nữ các nước tân tiến trên thế giới.” Ông Bell lại bàn tiếp: “Cũng vậy, ta có thể nói một cách chắc chắn rằng những quốc gia hoàn toàn theo đạo Phật như Miến Điện, Sri Lanka và Tây Tạng, người phụ nữ có một vị trí rất khác biệt, rất bình đẳng”.
Những lời bình luận về sự tự do bình đẳng của phái nữ trong những quốc gia phần nhiều cô lập, cách biệt riêng lẻ tại Á châu, nhất là trong thời tiền công nghiệp, thật là một điều đáng sửng sốt. Không phải nữ giới nắm quyền hành ngang hàng với người nam tại những nước như Sri Lanka, Miến Điện và Thái Lan, cả về phần lý thuyết cũng như thực hành. Nhưng họ được ưu đãi đặc biệt, so với các nước láng giềng như Ấn Độ hay Trung Quốc, nơi mà những giáo điều của Hồi giáo, Ấn Độ giáo và Khổng giáo thật sự thống trị đã lâu đời. Quan điểm này có thể xảy ra mâu thuẫn vì Thái Lan và Miến Điện được tổng hợp của hai nền văn minh ngôn ngữ hệ Ấn - Âu và âm thanh. Cũng vậy tại Sri Lanka bị ảnh hưởng của đạo Hindu khá trầm trọng. Vấn đề này xuất hiện như là một tình huống liên quan đến phụ nữ trong ba xã hội khác nhau từ nền văn hoá chính của châu Á, chỉ có thể suy diễn và giải thích bằng sự nhìn nhận là cả ba quốc gia cùng mang sắc thái và điểm đặc trưng duy nhất rất giống nhau là đạo Phật phát triển hùng mạnh tại những quốc gia nhỏ bé này. Như vậy, ta có thể kết luận rằng nhờ đạo Phật mà người phụ nữ tại Sri Lanka, Miến Điện và Thái Lan có một vị trí thích đáng về bình quyền trong xã hội.
Kết luận này đưa chúng ta trở lại vấn đề quan điểm của đạo Phật đối với nữ giới và tại sao thái độ này khác biệt với những tôn giáo khác. Khi nhìn lại nước Ấn Độ cổ đại, quyển Rigveda, một tác phẩm văn học Ấn - Âu lâu đời nhất còn lưu trữ được, đã đề cập rất rõ ràng là phụ nữ có một thế đứng rất vững chãi và vinh dự trong xã hội Ấn thời đó. Trong tác phẩm văn học này, tác giả một vài bài thơ văn tán tụng cũng là phái nữ. Người nữ được quyền tham gia tất cả nghi thức tôn giáo và được tìm hiểu học hỏi mọi kiến thức cao cấp nhất. Trong gia đạo, cũng không có chứng cớ là phụ nữ bị hạn chế chèn ép hay kìm giữ, và không có chuyện cưới hỏi lúc còn vị thành niên. Nói chung, Rigveda phác họa một nữ giới rất được trọng vọng trong xã hội cổ xưa ở Ấn Độ. Chỉ sau này khi giai cấp Bà-la-môn bắt đầu chế ngự và thống trị xã hội, tôn giáo bắt đầu mất đi tính thanh thoát và trở thành đa nghi thức với lễ bái; từ đó người ta nhận thấy có sự suy đồi thay đổi về vị trí dành cho phụ nữ. Thần Manu, một trong những Bà-la-môn khắt khe tàn nhẫn nhất, ban hành quyển Những Điều Luật có thể nói là đã tước đoạt hết mọi quyền hạn và đặc ân của phái nữ. Khi điều luật này ra đời, nữ giới không còn tôn giáo, không được tin tưởng, không có đời sống tâm linh. Manu cấm hẳn “người của đẳng cấp su-dra, nô lệ, và phụ nữ” không được nhìn đến, huống hồ là đọc kinh thánh Vệ-đà. Một người nữ không được “về trời” do thực hiện điều lành theo cá nhân. Một người nữ không có quyền cúng tế hay thờ tự một mình. Một người nữ chỉ cầu giải thoát qua một đời phục tùng chồng một cách triệt để; nếu ông chồng trác táng hư hỏng, người vợ cũng bị đọa theo. Đã triệt loại hết mọi hình thức tâm linh, trí năng và hiểu biết của người phụ nữ. Manu còn đổ mọi trách nhiệm và tội lỗi lên họ, cho rằng người nữ là tồi bại, xấu ác, tội lỗi. Manu dẫn chứng: “Chúng nó không biết tủi nhục hổ thẹn, không đoan trang chính trực, không lương thiện chân thật, và không biết bẽn lẽn, e dè. Đó là lý do tại sao chúng nó mất đi trinh tiết và chỉ mong cầu được chinh phục bởi đàn ông.” Bởi vậy nên người phụ nữ Hindu lúc nào cũng cần được canh giữ cẩn thận; một cách dễ dàng nhất là làm sao bắt họ luôn trong tư thế sanh nở nuôi nấng con cái và lo cho gia đình để không còn thời gian sinh khởi ý đồ phiền toái. Nhưng cho dù với sự phỉ báng tối đa này, người Ấn Độ vẫn mong lý tưởng hóa một gương phụ nữ hoàn hảo, và một người mẹ thần tượng. Lý thuyết là vậy, thực tế Những Điều Luật của Thần Manu cũng ảnh hưởng nặng nề về cách cư xử với phái nữ trong mọi đẳng cấp, nhất là giới phong lưu cao cấp Ấn Độ.
Chính những nhận xét như thế đòi hỏi ta phải chú trọng đến ảnh hưởng của đạo Phật đã tác động mạnh mẽ vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên khi Phật còn tại thế. Nhưng chúng ta không thể cho rằng đức Phật đã đưa ra kế hoạch vận động dân chủ và bình quyền cho phái nữ ở Ấn Độ. Mà thật ra lời giáo huấn của Ngài đã tạo ít nhiều những làn sóng chống đối lại giáo điều và sự cuồng tín của Bà-la-môn. Đức Phật lên án chế độ đẳng cấp đương thời của người Bà-la-môn, cùng với quá nhiều lễ nghi và cúng tế thần linh. Ngài bác bỏ sự hiện hữu của một Giáo chủ duy nhất và nhấn mạnh về lời dạy của Ngài là mọi người đều có thể đạt tới giải thoát theo sự cố gắng hành trì của chính bản thân mình. Đó là giáo lý căn bản của đạo Phật – ai cũng có thể chứng quả giải thoát - vì mọi chúng sanh đều có Phật tính như nhau, đây là lời dạy hoàn toàn đi ngược lại với uy thế tối cao của đàn ông. Phải là một người rất can đảm và đầy đủ nghị lực mới dám tuyên bố và đưa người phụ nữ lên ngang hàng với phái nam trong thời điểm đó. Vì thấy được khả năng tâm linh của người nữ cũng không thua kém so với người nam, nên đức Phật đã tạo dựng một Ni đoàn đông đảo sau một thời gian dài lưỡng lự và đây là một tổ chức tập thể người nữ đầu tiên thời bấy giờ. Tứ chúng của Phật giáo gồm có Tỳ-kheo (Bhikkhu), Tỳ-kheo ni (Bhikkhuni), Ưu-bà-tắc (laymen), và Ưu-bà-di (laywomen); như thế người nữ không bị loại ra ngoài vòng hoạt động tâm linh hay tôn giáo nào cả. Nếu người nam chứng đắc quả vị Vô thượng, thì người nữ cũng có thể đạt được điều đó bằng chính công phu tu tập của họ, mà không cần phải có sự giúp sức của phái nam. Như thế, chúng ta có thể khẳng định và đồng ý với nhận xét của tác giả I.B. Horner là Phật giáo đã đưa nữ giới lên mức độ xấp xỉ bình đẳng với nam giới.
Rời phần triết lý để đi vào cuộc sống thường nhật trong gia đình, người ta nhận thấy có ít nhiều những đổi thay về ý tưởng bình quyền. Trong những xã hội chế độ phụ hệ, gia đình nào cũng mong ước sanh được con trai để nối dõi tông đường; ngoài ra trong Ấn giáo, chỉ có người con trai mới có quyền chôn cất cha để ông đạt được trọn vẹn hạnh phúc ở thế giới bên kia. Vì lẽ này nên trong đạo Hindu, nếu người vợ không sanh con trai, người chồng có thể ngang nhiên lấy vợ hai, vợ ba, và bà cũng có thể bị đuổi hẳn ra khỏi nhà. Có câu châm ngôn: “Qua một đứa con trai, ông có thể chiến thắng vinh quang, và qua đứa con trai của con trai ông, ông có quyền trường sanh bất tử.” Cho nên khi người đàn bà sanh ra một đứa bé gái, mọi người trong gia đình than khóc. Nhưng trong đạo Phật, hạnh phúc vĩnh cửu không lệ thuộc vào sự cúng kiếng khi chôn cất mà là do công đức tạo được trong cả đời của người đó trước khi chết. Lễ nghi chôn cất trong đạo Phật rất đơn giản, và do chính người quả phụ hay đứa con nào đó trai hay gái đều có thể thực hiện, không bắt buộc phải là người con trai trong gia đình.
Đạo Phật không có nghi thức hay lễ lạy ăn mừng một bé trai chào đời, nhưng cũng không phải là một chuyện đau buồn cho gia đình khi sanh con gái. Chuyện kể khi Vua Ba-tư-nặc đến than vãn với Phật là Hoàng hậu Mạt-lị vừa hạ sanh một công chúa, Phật liền trấn an vua: “Này Hoàng đế, sanh một đứa con gái nhiều khi còn quý phái hơn sanh con trai…”, đây là một phát biểu rất chính đáng thời bấy giờ. Cho dù Phật dạy nam nữ bình đẳng trong phẩm chất tâm linh, và tự mình phải tìm cầu giải thoát chứ không phải có con trai mới đảm bảo được hạnh phúc miên viễn; thế nhưng, chính những xã hội chủ yếu theo đạo Phật, người ta vẫn khát vọng có con trai, ngay cả ngày nay, chỉ vì tư tưởng quá thâm căn cố vị về sự trịch thượng cao tột của phái nam.
Việc cưới hỏi và cuộc sống gia đình thường là những thể chế cơ bản của mọi xã hội, cho dù là xã hội thời xa xưa hay thời hiện đại. Và vị trí của phụ nữ trong xã hội sẽ ảnh hưởng và được nhận định rõ ràng trong những thể chế này. Những câu hỏi như: người nữ có quyền hành trong việc giải tỏa hôn nhân như chồng họ không? Họ có quyền tìm ý trung nhân khác sau đó hay chỉ có đàn ông mới được lấy vợ lần thứ hai thứ ba? Câu trả lời cho những câu hỏi trên sẽ là nền tảng ấn định vị trí của phái nữ trong bất cứ một xã hội nào. Bây giờ chúng ta sẽ đi vào vấn đề xem xét quan niệm của Phật giáo về những câu hỏi này.
Không như những tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo, Phật giáo không xem hôn nhân là một sự thề nguyện thiêng liêng tôn giáo. Hôn nhân chỉ là một liên kết hoàn toàn mang tính cách thế tục, tăng ni không phải có mặt để làm chứng hoặc ban phép. Ở các nước như Sri Lanka, Thái Lan và Miến Điện, đám cưới thường có rất nhiều nghi thức rườm rà rượu tiệc ăn mừng kéo dài cả ngày đêm, nhưng những nghi thức này không mang tính cách tôn giáo. Đôi lúc tăng ni được thỉnh mời đến tham dự cúng dường trai tăng, nhân dịp đó quý ngài cũng chúc phúc cho đôi vợ chồng và gia đình họ. Ngay trong kinh điển, Phật chỉ nhắc đến bổn phận của chồng vợ đối với nhau trong kinh Thi-ca-la-việt (Sigalovada Sutra) chứ không chỉ dạy hay chú trọng nghi thức, nghi lễ về hôn nhân hay việc thực hiện lời thệ nguyện cưới hỏi.
Phật dạy: “Có năm điều mà người vợ đoan chính phải được chồng lo lắng chăm sóc chu đáo bằng sự tôn trọng quý mến, bằng lịch sự nhã nhặn, bằng lòng chung thủy, bằng cách san sẻ ủy quyền cho nàng, và luôn mang quà cáp biếu tặng vợ. Và người vợ cũng có năm trách nhiệm đối với chồng là yêu thương quý mến chồng, lo liệu cho cả gia đình đôi bên với tất cả lòng mến mộ, thủy chung với chồng, dành dụm cất giữ đồ vật tiền tài chồng làm ra, và quán xuyến mọi việc trong ngoài một cách hữu hiệu”.
Một điều quan trọng cần được nhấn mạnh ở đây là lời giáo huấn của Phật ứng dụng cho cả đôi bên; hôn nhân là một quan hệ tương đồng cả về trách nhiệm lẫn quyền hành giữa hai người trong cuộc. Lời huấn thị này là một sự đổi hướng trọng yếu đối với tập quán và suy nghĩ thịnh hành của thời bấy giờ. Thí dụ như trong kinh Thần Manu có dạy: “Con cái - kết quả của hạnh phúc và là niềm vui vô bờ bến cho bản thân và gia đình tổ tiên nòi giống – hoàn toàn phụ thuộc vào người vợ”. Trong khi đó, Khổng Tử – người được xem như đàn anh đồng thời với Phật – cũng dạy tương tự như vậy: “… khi sự tôn kính phục tùng của người vợ thật hoàn hảo, nội tâm nàng được hài hòa cân đối, bấy giờ sự tồn tại dài lâu của gia đình mới được định đoạt”. Khổng Tử cũng chỉ dạy cặn kẽ về trách nhiệm của con cái với cha mẹ, bổn phận của vợ đối với chồng, của con dâu đối với mẹ chồng, nhưng không chỉ dạy điều ngược lại; cho nên người vợ chỉ có bổn phận và nhiệm vụ, trong khi ông chồng thì được hưởng quyền lợi và ân sủng. Trong kinh Thi-ca-la-việt (Sigalovada Sutra), lời giáo huấn của Phật về cách cư xử trong gia đình họ hàng đều là những mối quan hệ có qua có lại giữa những đối tượng, như vợ với chồng, con cái với cha mẹ, ngay cả chủ nhân với tôi tớ. Như vậy theo lý tưởng Phật giáo, hôn nhân chỉ là một sự khế ước giữa hai người bình đẳng với nhau. (còn tiếp)
Viên Minh dịch
[Tập san Pháp Luân - số 74, tr77, 2010]