Đón Xuân Pháp hội trên mây

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Một du khách vừa đặt chân lên đỉnh Dharamsala đã tươi cười phát biểu: “Đi tới Ấn Độ mà chưa đến được cảnh thần tiên thơ mộng này thì coi như chưa biết gì về xứ Phật và kỳ thú nữa là các bạn chỉ cần đến Dharamsala là coi như đã đến Tây Tạng rồi.”

Âm thanh trầm hùng siêu thoát của lời kinh Buddham Saranam Gacchami từ trên trời cao ngôi đại tháp Bodhgaya cao 52m liên tục lan tỏa khắp không gian như hân hoan tấu khúc chào mừng ngày Thành đạo huy hoàng của đức Thế Tôn. Hình như ngày nào cũng là ngày lễ hội của hàng ngàn Tăng ni Phật tử khắp các nơi trên thế giới quy tụ về chiêm bái lễ lạy-tụng kinh hát đạo ca hòa theo tiếng trống tiếng kèn nhạc điệu dâng cúng thật uy nghi hùng tráng khiến cho không gian thánh tích Bodhgaya trở nên thiêng liêng trang trọng khác thường.

Chung quanh ngôi đại tháp, trong cũng như ngoài khuôn viên, người ta treo nhiều biểu ngữ và những câu kinh Pháp cú song ngữ như tiếng Anh và Tây Tạng hoặc Anh và Ấn Độ. Khi đi ngang qua băng rôn câu kinh Pháp cú khá ấn tượng, sư phụ chúng tôi dừng lại đọc nhanh cho nghe rồi giải thích:
Ác được coi là thiện, khi nó chưa chín muồi.
Đến khi chín muồi rồi, người ngu mới thấy đó là ác.
(Even evil is seen as goodness. Till it ripens not.
But when it ripens. Its evil is seen).

Để trả lời câu hỏi của các đệ tử sơ cơ, thế nào là ác? Sư phụ cụ thể ngay: “Giản dị là hễ cứ làm điều gì gây đau thương sầu khổ cho người để làm lợi cho mình, đó là ác. Ỷ mạnh hiếp yếu đó là ác. Bợ đỡ luồn lách mua chuộc danh lợi địa vị để bành trướng bản ngã, để khống chế cướp đoạt tài sản của kẻ yếu, đó là ác. Các Phật tử có thấy hiện nay trên khắp thế giới kẻ ác đang thắng thế dù họ đang lầm lỗi tầy trời. Nhưng họ giỏi lý luận biện bạch cho tội ác của mình. Ngày qua tháng lại kẻ ác vẫn ung dung hạnh phúc trên nỗi khổ đau của bao kẻ bị thất thế sa cơ lỡ vận. Nhưng cuộc đời theo quy luật nhân quả vô thường; khi quả ác đã chín muồi; tai họa cũng bất ngờ úp chụp trên thân phận họ đầy bi thương khổ não như chính họ đã gieo cho bao người khác. Đúng như đức Phật đã dạy:   
Của cải vốn chẳng bền
Vua quan cũng bấp bênh
Oan trái vì tranh đoạt
Nhân quả nào dám quên.
Ta từng nghe Phật dạy:
Giàu có sẽ trắng tay
Nạn binh đao giặc cướp
Nạn lửa nước có ngày
Nạn động đất phá hủy
Nạn bệnh tật lâm nguy
Chết rồi buông tất cả
Tu tập phải cấp thời.

Ấy vậy mà lắm kẻ độc ác nay đã có phần tỉnh ngộ biết lo sợ nhân quả, lo sợ cho sự nghiệp cướp đoạt bấp bênh của mình nên bắt đầu đi lo lót mua chuộc Thần linh Phật Thánh. Dám bỏ tiền của ra sắm cúng cả xe ô tô giấy, nhà kho giấy và cả hàng triệu tiền đô la âm phủ. Nhưng họ ngu si nào có biết:
Không trời cao biển rộng
Hay hang động núi rừng
Không chỗ nào trên đời
Thoát được quả ác nghiệp.

(Neither in sky nor surrouded by sea. Nor by dwelling in a mountain cave. No where is found that place on earth. Where one’s from evil kamma free).

Chúng tôi gởi dép bên ngoài và đi chân không vào bên trong khu vực tháp - để tỏ lòng tôn kính nơi Thánh địa. Sư phụ chúng tôi dẫn về phía các nhà sư/Tăng Ni Tây Tạng mặc pháp phục màu đỏ sậm, vàng đang từ bốn phía thành hướng vào đại tháp đảnh lễ rất sùng kính. Họ lạy nằm dài rạp xuống đất gọi là lạy kiểu truyền thống Tây Tạng – tay chắp đưa lên cao khỏi đầu tượng trưng cho thân, rồi chắp hai tay để nơi cổ họng tượng trưng cho khẩu và để nơi tim/ngực tượng trưng cho ý. Tức là họ cúng dường chư Phật bằng sự trang nghiêm thân khẩu ý. Hai tay hạ xuống tới đầu gối và rồi lạy xuống để cho trán mình chạm mặt đất và tiếp tục nằm duỗi dài trên đất với cánh tay kéo rộng ra chắp lại hướng về phía trước, hai bàn tay chắp lại để ngay trên đầu mình. Cuối cùng ta đứng lên  một cách có oai nghi tôn kính và lập lại (lạy thêm hai lần nữa hay nhiều lần nữa do mình phát nguyện).

Chúng tôi được một vị sư Tây Tạng giải thích cho biết vì sao cách lạy lại phải nằm dài xuống đất – theo lời thông dịch của sư cô Diệu Hải. Vị Lạt-ma nói, thuở đức Phật Thích-ca còn là một vị tiên ông tên là Thiện Tuệ rất sùng mộ đạo Phật. Một hôm gặp Phật Nhiên Đăng sắp đi tới chỗ đất bùn lầy lội. Tiên ông Thiện Tuệ vội vàng cởi áo da hươu của mình phủ lên trên rồi nằm sấp mặt lấy tóc trải trên áo để cúng dường Phật đi qua cho đỡ lấm chân. Thấy lòng thành kính thiết tha của Tiên ông, đức Phật Nhiên Đăng bèn thọ ký cho rằng: “Sau này ngươi được thành Phật hiệu là Cồ-đàm Thích-ca Mâu-ni để độ chúng sinh trong đời ngũ trược ác thế.” Ngay lúc đó Thiện Tuệ xin Phật xuất gia tu học. Phật dạy “Thiện lai tỳ-kheo”. Nói xong tức thời râu tóc ông tự nhiên rụng hết, áo mặc trên mình biến thành áo cà-sa, lộ rõ một hình tướng sa môn nhân hậu.

Đến đây sư phụ chúng tôi cũng cười vui phụ họa thêm: Đấy là bước đầu của hạnh vô ngã vị tha. Quy mạng lễ, quên mình vì lợi lạc an vui cho người khác. Bậc hiền nhân đại bi, trí tuệ dám để cho Thánh giả bước qua đầu qua cổ mình mà vẫn an nhiên tự tại, nhưng không phải dễ dàng làm một hành giả nhu nhược, một thứ công cụ cho ác ma giả Phật giày xéo trên thân phận yếu hèn của hàng chúng sinh hạ liệt.

Sư phụ cũng dẫn giải thêm: “Cách lễ lạy truyền thống này chính là thiện pháp để chuyển hóa  bản ngã và tự thắng lòng kiêu mạn. (Chắp tay để nơi ba chỗ thân khẩu ý cũng là biểu tượng của ba cánh cửa thân khẩu ý của vị Phật. Tiếp xúc với các cửa trên là khát vọng của ta muốn thành đạt những phẩm hạnh như các ngài. Bởi vậy khi nằm dài xuống hành giả tưởng tượng chư Phật và chư Bồ-tát đang hiện diện quanh mình ban cho ta ân phước đại bi đại trí vô song.

Trời Ấn Độ lúc nào cũng nắng ran như muốn nhuộm thêm nước da ngâm đen rắn chắc của người dân quen kiếp đầu trần chân bụi. Sư phụ chúng tôi được quý sư cô tặng cho chiếc nón lá chính hiệu Việt Nam. Chiếc nón xa lạ không giống ai này có ngờ đâu lại là đối tượng ngộ nghĩnh của bao cặp mắt hiếu kỳ thiện cảm. Họ biết đó là người Việt Nam liền ban cho nụ cười ngưỡng mộ làm cho thiền sư nón lá cũng cảm thấy ấm áp quê hương tình người. Nhiều du khách Âu châu hay Á châu cũng nhìn cũng thích chiếc nón lá và họ không ngần ngại xin mượn để đội lên chụp ảnh. Chiếc nón lá cũng là mục tiêu rõ nét để đoàn quân cái bang khất sĩ tí hon dễ nhận ra những thí chủ quá xộp thường hay vất vả bố thí cho chúng. Tăng Ni Phật tử Việt Nam vốn rất từ tâm hào phóng không bao giờ khép cửa từ bi. Biết vậy chúng - những khất sĩ tí hon sẵn sàng đeo bám tận cùng thí chủ Việt Nam dù lên núi, vào hang hay xuống đồng cho đến khi nhận được tiền bố thí mới thôi - dù ít hay nhiều - chớ không hề kêu ca hay chụp giựt.

Một hôm chúng tôi bất ngờ được chiêm ngưỡng một cuộc đấu pháp tại Phật học viện Tsuglag Khang gần trụ xứ của đức Đạt-lai Lạt-ma. Hàng trăm Ni sinh trong pháp phục đỏ sậm chia từng nhóm đối diện nhau, bộ dạng đầy khí thế. Họ, một tay đưa lên cao vỗ mạnh vào tay kia miệng phát ra một câu hỏi hóc búa, tạo thành những âm thanh chan chát sôi nổi vang động cả sân trường gọi là để truy vấn hay cuộc chiến ngôn ngữ. Được hỏi cách tranh luận trong phương pháp Debate theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng - vỗ tay đạp chân ăn nói thô bạo - có phạm về oai nghi trong nhà Phật không? Sư cô Diệu Hải sinh viên College for Tibetan studies (Dharamsala) đã trả lời theo sự tham khảo của mình như sau:

Mục đích chính của phương pháp tranh luận trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng là để đánh tan sự nhận thức sai lầm; thiết lập nên một quan điểm đúng đắn, chính xác. Bằng nỗ lực, tinh tấn không ngừng, các vị tu sĩ Tây Tạng đã tranh luận hùng biện không hề mệt mỏi nhằm để nắm bắt và hiểu biết thật rốt ráo từng lời, từng chữ cũng như cả những ý nghĩa cốt yếu tinh hoa trong từng lời của Phật dạy.

Trong Jatakas (chuyện tiền thân của đức Phật), ngài Asvaghosa đã nói rằng: “Để đẩy lùi những học thuyết ngu xuẩn của sự lười nhác, trước tiên, ta cần phải mở rộng sự học hỏi về giáo pháp. Sự học hỏi luôn được xem như ngọn đèn tỏ rạng có khả năng soi sáng và đẩy lùi bóng tối của vô minh”. Vô minh chính là nguồn gốc của mọi khổ đau và trí tuệ chính là phương thuốc hữu hiệu nhất để giải trừ căn bệnh vô minh.

Phương pháp học hỏi chủ yếu trong chốn thiền môn của Tây Tạng chính là phương pháp tranh biện. Tranh biện đối với các Tăng sĩ Tây Tạng không phải chỉ mang tính học thuật mà là phương pháp sử dụng những hàm ý trực tiếp từ những sự kiện, những hiện tượng hiển nhiên, rõ ràng, để phát triển những suy luận từ các pháp ở trạng thái ẩn tàng, mơ hồ, không hiển lộ rõ ràng, cụ thể. Các hành giả đã nghiên cứu, truy tầm, tìm hiểu, để liễu ngộ được bản chất của chơn đế thông qua phương pháp phân tích tỉ mỉ, cặn kẽ, tận tường những trạng thái hiện hữu của các hiện tượng thuộc về thế gian pháp (tục đế). Đó chính là mục đích chủ yếu của sự tranh biện. Họ như những chú ong cần mẫn hút mật; chỉ chắt lọc những tinh chất của mật hoa và bỏ lại những thành phần không cần thiết.

Mục đích của việc tranh biện quả là vô cùng đặc biệt! Tuy nhiên, có một ý kiến cho rằng phương pháp ấy quá thô tháo, không phù hợp với phong cách oai nghi của nhà Phật. Thật ra, mỗi một cử chỉ, động tác của họ đều thể hiện được trọn vẹn ý nghĩa của sự giác ngộ giải thoát và họ luôn ý thức, chánh niệm về mỗi một động tác của mình.

Quá trình tranh biện đòi hỏi cần phải có hai người: người biện hộ (defender) - ở tư thế ngồi để trả lời và người thách đấu (challenger) ở tư thế đứng để đặt câu hỏi. Mở đầu cho cuộc tranh biện, người thách đấu vỗ hai bàn tay với nhau và đọc chủng tự ‘dhīḥ’ của ngài Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát. Đức Văn Thù chính là hiện thân cho trí tuệ của chư Phật và là một vị Bồ-tát đặc biệt của phương pháp tranh luận. Trong quá trình tranh luận, người thách đấu phải có động cơ tốt với lòng khát khao muốn giúp cho tất cả chúng sanh đều được giải thoát và giác ngộ. Tuy nhiên, tâm nguyện này không dễ gì hoàn thành được nếu như hành giả không có được đại trí tuệ. Vì vậy, người thách đấu phải đọc chủng tự ‘dhīḥ’ để thỉnh cầu ngài Văn Thù rót vào tâm mình dòng trí tuệ siêu việt của Ngài. Kế đến, người thách đấu sẽ mở đầu cuộc tranh biện bằng lời tuyên bố: “Ngài Văn Thù đã đưa ra những đề tài để đánh bại những tà kiến và sự nghi ngờ của đối phương; tôi cũng sẽ làm như vậy với tất cả thiện chí và hảo ý của mình”.

Có lẽ phong thái rõ ràng nhất của một cuộc tranh biện thật sự chính là những cử chỉ, điệu bộ của động tác tay. Khi người thách đấu đặt câu hỏi đầu tiên cho người biện hộ, tay phải của anh ta đưa lên cao khỏi đầu và tay trái duỗi thẳng về phía trước, lòng bàn tay hướng lên trên. Sau khi đặt xong câu hỏi cho đối phương anh ta sẽ vỗ tay thật to và lập tức rút tay phải về, lòng bàn tay hướng lên trên. Bấy giờ anh ta sẽ giữ bàn tay phải của mình cao hơn vai một tí, lòng bàn tay vẫn hướng lên trên - đồng thời đưa tay trái về phía trước và lật úp lòng bàn tay xuống.

Động tác của tay trái tượng trưng cho hành động đóng lại cánh cửa tái sinh trong trạng thái bất lực của vòng sanh tử luân hồi. Động tác rút bàn tay phải về và đưa lên cao tượng trưng cho ý chí của hành giả muốn đưa tất cả chúng sanh vượt khỏi sự luân hồi và đặt họ vào trong Nhất thiết chủng trí. Tay trái tượng trưng cho trí tuệ của Tánh Không - với năng lực siêu phàm có khả năng vượt qua được sự luân hồi sanh tử. Tay phải tượng trưng cho phương tiện quyền xảo của tinh thần Phật giáo Đại thừa – đó chính là tâm vị tha của sự giác ngộ được thúc đẩy bởi tâm đại từ bi và vì tất cả chúng sanh muôn loài. Động tác vỗ tay tượng trưng cho sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và phương tiện (lòng bi). Dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa Trí tuệ và Phương tiện – hành giả có thể đạt được quả vị giải thoát và giác ngộ của Phật.

Đối với người quan sát từ phía bên ngoài, dường như những vị Tăng này đang tranh cãi với nhau một cách rất giận dữ. Sự nhận xét đó quả thật là sai lầm. Các nhà hùng biện tranh luận với giọng nói thật dõng dạc và đầy tự tin; họ vỗ tay với sự hăng hái, nhiệt tình sôi nổi và khi có một câu trả lời sai thì họ sẽ quở trách thật gắt gỏng đối với người phạm phải lỗi lầm. Bởi vì họ cho rằng để phát triển được trí tuệ không phải là điều đơn giản; họ cần phải thật dũng mãnh và kiên cường! Họ rất quả quyết chắc chắn về những điều mà họ đã nghiên cứu; và phương pháp tranh luận sẽ giúp cho nền tảng kiến thức của họ trở nên vững vàng hơn.

Sự tranh biện không những chỉ lợi lạc cho những người tham gia tranh biện mà còn giúp cho những người ngoài cuộc đang theo dõi sự tranh biện có thể hiểu được vấn đề đang tranh luận. Các cuộc tranh luận thường hay thu hút sự tham gia của nhiều thính chúng bên ngoài. Thật là thú vị khi các nhà hùng biện đang do dự chưa tìm được câu trả lời thì thính chúng sẽ hô lên thật to: “Trả lời đi! Trả lời đi!”. Và khi có một câu trả lời bị sai thì họ sẽ cười ầm lên và hét: “Xấu hổ! Xấu hổ” (Lêu lêu… lêu lêu…). Các Tăng sĩ Tây Tạng thường tỏ ra rất hào hứng và sôi nổi mỗi khi đề cập đến vấn đề tranh luận! Trong nền văn hóa của mình, những cuộc tranh tài đầy gây cấn đều trở nên rất có ý nghĩa; bởi vì nó đã từng hiện hữu trong truyền thống văn hóa tổ tiên của họ trước thời kỳ Phật giáo du nhập vào. Sự tranh biện ở chốn thiền môn không phải là một hiện tượng nằm bên lề của văn hóa Tây Tạng mà nó đã trở thành một phần trọng yếu trong truyền thống văn hóa của họ.

Thích Hạnh Thiền
[Tập san Pháp Luân - số 60, tr87, 2009]