Kinh nghiệp báo sai biệt

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Ông lão ăn mày cụt một chân, chống đôi nạng len lỏi giữa dòng người, rồi sải nhanh vào cổng chùa Long Sơn (Nha Trang), tìm một chỗ, ngồi xuống; lúc này gần điểm 12 giờ giao thừa, người người đến chùa đốt hương lễ Phật đầu năm ngày một đông.

Dẫn nhập:

Từ cổng tam quan đến sân chùa cũng khá nhiều người hành khất… Năm ấy, tôi tự hỏi: Lẽ nào số phận của họ “mai nở rồi vẫn không thành Tết”? Hay là “Cuộc đời con người như được gọt ra từ một khối đá huyền bí, cho dù có mài giũa đến mấy, những đường vân tiền nghiệp vẫn mãi mãi hiện lên”?

Nhân dịp xuân về, chúng tôi xin giới thiệu đến quí Phật tử kinh “Nghiệp báo sai biệt”, như cánh thiệp đầu năm, thay cho một tấm lòng chia sẻ, cảm thông, trải đại bi tâm, gởi đến những mảnh đời nghiệt ngã, nhiều số phận kém may mắn trên khắp dải đất này.

Nguyên văn bản kinh này là “Phật vì trưởng giả Thủ-ca mà nói về nghiệp báo sai khác - Sūtra on the difference of the results of the actions (karma)” (Phật vị Thủ-ca trưởng giả thuyết nghiệp báo sai biệt kinh 佛為首迦長者說業報差別經) 1 quyển, Cư sĩ Cù-đàm Pháp Trí (Gautama Dharmajñāna, quê ông ở thành Ba-la-nại tại Trung Ấn Độ, năm sinh và mất không rõ) dịch vào thời Tùy, trong Đại Chánh quyển 1 thuộc A-hàm bộ, số hiệu 80, trang 891. Bản kinh này giống với kinh “Phân biệt thiện ác báo ứng kinh 分別善惡報應經 - Sukarma-duḥkarma-phalaviśeṣaṇa-sūtra” 2 quyển, Tam tạng Thiên Tức Tai (?- 1000, Cao tăng nước Ca-thấp-di-la thuộc Bắc Ấn Độ) dịch vào thời Tống, Đại Chánh 1, số hiệu 81, trang 895.

Toát yếu nội dung kinh:

Một thời đức Phật ở tại vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc, trong nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Phật bảo với trưởng giả Thủ-ca, con của Đao-đề-da:
- Này trưởng giả Thủ-ca! Ta sẽ nói cho ông nghe về các loại nghiệp báo thiện ác sai khác. Ông hãy lắng nghe và khéo nhớ nghĩ.
- Bạch Thế Tôn! Con xin lắng nghe.
- Tất cả chúng sanh bị lệ thuộc nơi nghiệp, nương vào nghiệp, tùy theo nghiệp của mình mà lưu chuyển. Do nhân duyên đó mà có sự sai khác. Có nghiệp khiến chúng sanh chết yểu, có nghiệp khiến chúng sanh sống lâu. Có nghiệp khiến chúng sanh ít bệnh, hay nhiều bệnh, hoặc đẹp hoặc xấu; hoặc được quả báo có oai thế, sinh trong dòng họ cao quí, hoặc sinh làm người, hoặc đọa địa ngục… hoặc sinh nơi xa xôi hẻo lánh, hay sinh nơi trung tâm quốc gia. Hoặc có nghiệp khiến chúng sanh nghèo mà ưa bố thí, hay giàu mà keo kiệt. Hoặc giàu thường bố thí mà nghèo lại keo kiệt. Hoặc có nghiệp khiến chúng sanh thân được vui mà tâm khổ, hoặc tâm vui mà thân khổ, hay thân tâm đều vui, hoặc thân tâm đều khổ… Đó là lược thuyết về các loại nghiệp báo sai khác ở thế gian.

Này Thủ-ca! Có 10 loại nghiệp khiến chúng sanh bị quả báo chết yểu: là tự mình sát sanh; hay bảo người khác sát sanh; khen ngợi sự giết; thấy giết vui sướng; muốn tiêu diệt người mình oán ghét; thấy người mình oán ghét bị tiêu diệt lòng vui sướng; làm hư bào thai người khác; dạy người hủy hoại bào thai; xây dựng miếu thờ trời để giết hại chúng sanh; dạy người đánh nhau để hai bên tàn hại.

Có 10 nghiệp khiến chúng sanh nhiều bệnh: là thích đánh đập chúng sanh; khuyên người đánh; khen ngợi đánh, làm cha mẹ buồn; não loạn Thánh hiền, thấy người mình oán bị bệnh trong lòng vui; họ hết bệnh trong lòng mình không vui…

Có 10 nghiệp khiến chúng sanh xinh đẹp, đoan chánh: là không sân; bố thí; thương yêu cha mẹ; tôn trọng Hiền thánh; tu bổ, sơn phết tháp Phật; lau quét chùa; quét dọn đất Tăng; lau quét tháp Phật; thấy người xấu không khinh khi; thấy người đoan chánh biết rõ do nhân đời trước mà được.

Có 10 nghiệp khiến chúng sanh được quả báo sinh vào dòng họ cao quí: là biết kính cha, mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, tôn trưởng, sư trưởng; thấy bậc sư trưởng cung kính mời ngồi; nghe lời giáo huấn cha mẹ; tôn kính, thọ giáo bậc Hiền thánh; không khinh kẻ thấp hèn.

Có 10 nghiệp khiến chúng sanh bị quả báo nghèo khổ: là tự mình trộm cắp; khuyên người trộm cắp; khen ngợi trộm cắp; thấy trộm cắp vui theo; nương cha mẹ không lo làm ăn; chiếm đoạt tài vật của Hiền thánh; thấy người khác có tài vật tâm không vui; ngăn cản người khác được tài lợi; thấy người bố thí tâm không tùy hỷ; thấy đời đói kém tâm không thương xót.

Lại có 10 nghiệp khiến chúng sanh được quả báo thông minh: là khéo học hỏi với các vị có trí tuệ; rao truyền pháp thiện; nghe và thọ trì chánh pháp; thấy người nói pháp, khen “lành thay!”; ưa nói chánh pháp; thân cận người có trí; hộ trì chánh pháp; siêng tu hạnh “nghe nhiều kinh pháp”; xa lìa tà kiến; thấy người ngu si hung ác không khinh chê.

Lại có 10 nghiệp khiến chúng sanh đọa địa ngục: là thân làm nghiệp ác nặng; miệng nói lời ác nặng; ý nghĩ việc ác nặng; không tin nhân quả; chấp linh hồn bất diệt; chủ trương không có nhân; tin không có nhân duyên tạo tác; không tin có quả báo thiện ác; chấp một bên (không tin nhân quả, hoặc chấp linh hồn bất diệt); không biết báo ân.

Lại có 10 nghiệp khiến chúng sanh bị quả báo làm súc sanh: là thân làm nghiệp ác bậc trung; miệng nói ác bậc trung; ý nghĩ ác bậc trung; từ phiền não tham, sân, si khởi ác nghiệp; chửi mắng chúng sanh; làm đau khổ chúng sanh; cho vật bất tịnh; hành tà dâm.

Lại có 10 nghiệp khiến chúng sanh làm ngạ quỷ: là thân làm nghiệp ác nhẹ, miệng nói nghiệp ác nhẹ, ý nghĩ nghiệp ác nhẹ; tâm ác; tham nhiều; ganh ghét; tà kiến; quá tham luyến của cải cuộc sống mà mạng chung; đói mà chết, bị khô khát bức bách mà chết.

Lại có 10 nghiệp khiến chúng sanh bị quả báo A-tu-la: là thân làm nghiệp ác chút ít, miệng nói nghiệp ác chút ít; ý nghĩ nghiệp ác chút ít; có tính cao ngạo; cao ngạo chấp ngã; cao ngạo cho mình hơn người khác hay chưa chứng được quả vị mà cho là chứng; tự cao tự đại; chẳng có đức hạnh gì mà khoe mình là có; người ta hơn mình lại cho mình hơn người ta; đem các thiện căn hướng về Tu-la đạo.

Lại có 10 nghiệp khiến chúng sanh được sanh ở cõi người: là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không nói thêu dệt, không nói hai lưỡi, không nói lời ác, không tham, không sân, không tà kiến.

Lại có chúng sanh bị quả báo sinh ở nơi xa xôi hẻo lánh, là do không cúng dường bố thí cho Phật, Pháp, Tăng, người trì giới thanh tịnh.

Lại có chúng sanh vừa đọa địa ngục liền được giải thoát là do bỏ điều ác, ân cần sám hối, không tạo tội nữa, như vua A-xà-thế giết cha, v.v…

Đức Phật liền nói kệ:
Nếu ai tạo tội nặng
Hết lòng tự trách mình
Sám hối không tạo nữa
Nhổ hết nghiệp căn bản.

Lại có nghiệp ban đầu vui kết thúc khổ, là do tâm bố thí không kiên cố, sau hối tiếc, nên sinh ở nhân gian trước giàu sau bị nghèo; đó gọi là ban đầu vui kết thúc khổ.

Lại có nghiệp ban đầu khổ kết thúc vui, là tuy miễn cưỡng bố thí nhưng bố thí rồi thì vui vẻ không hối tiếc, nên sinh ra ban đầu nghèo sau giàu có, sung sướng; đó gọi là ban đầu khổ kết thúc vui.

Lại có nghiệp ban đầu sung sướng kết thúc cũng sung sướng, là có chúng sanh gặp thiện tri thức được khuyên bố thí, hoan hỷ bố thí, kiên cố tu nghiệp bố thí, nên sanh ra giàu có sung sướng, sau cũng giàu có sung sướng.

Lại có nghiệp nghèo mà ưa bố thí, là có chúng sanh trước đã từng bố thí, nhưng không gặp phước điền, vì không gặp phước điền nên quả báo rất ít. Do nhân đã bố thí nên dù có bần cùng nhưng vẫn hay bố thí.

Lại có nghiệp giàu mà hay bố thí, là có chúng sanh gặp thiện tri thức, tu hạnh bố thí nhiều, gặp được phước điền tốt, nên sinh ra được giàu có và có thể hành bố thí.

Lại có nghiệp nghèo mà tham lam keo kiệt, là có chúng sanh xa lìa thiện tri thức, không ai khuyên bảo bố thí, do đó mà sinh ra bần cùng mà còn tham lam keo kiệt.

Lại có nghiệp khiến chúng sanh thân an lạc nhưng tâm không an lạc, là người phàm phu có phước.

Lại có nghiệp khiến chúng sanh thân không an lạc nhưng tâm an lạc, là A-la-hán vô phước.

Lại có nghiệp khiến chúng sanh tâm và thân đều không an lạc, là người phàm phu vô phước.

Lại có nghiệp khiến chúng sanh cả thân tâm đều an lạc, là A-la-hán có phước.

v.v...

Đức Phật thuyết pháp xong, trưởng giả Thủ-ca được tín tâm thanh tịnh. Thủ-ca cúi lạy Phật và thưa:
- Con thỉnh nguyện Thế Tôn đến nhà trưởng giả Đao-đề, là cha của con ở thành Xá-bà-đề (Xá-vệ), giúp cha con và tất cả chúng sanh mãi mãi được an lạc.

Đức Phật vì lợi ích mọi người nên im lặng nhận lời.
(Kinh Nghiệp báo sai biệt)

Lời Kết:

Nội dung kinh Nghiệp báo sai biệt này tương đồng với kinh Phân biệt tiểu nghiệp (Cūḷakammavibhangasuttam), kinh số 135 trong Trung bộ kinh. Trưởng giả Thủ-ca con của Đao-đề-da chính là thanh niên Subha Todeyyaputta (Subha con Bà-la-môn Todeyya) trong kinh Trung bộ.

Thanh niên Subha đến hầu Thế Tôn và hỏi: “Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, duyên gì giữa loài người, khi họ là các con người, lại có người liệt, người ưu?”

Thế Tôn dạy: “Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu”.

Chỉ có đức Thế Tôn là bậc Tuệ giác vô thượng mới vén được bức màn bí ẩn của đời người, hé mở cho chúng ta thấy những hiện tượng hữu hình đều có nguyên nhân vô hình tạo tác. Bằng lý trí phàm phu, với những giác quan nhục thể như chúng ta làm sao thấu triệt cùng tận nghiệp lực của chúng sanh muôn vàn dị biệt sai khác?!

Vậy nghiệp là gì mà đức Phật nói với trưởng giả Thủ-ca: “Tất cả chúng sanh bị lệ thuộc nơi nghiệp, nương vào nghiệp, tùy theo nghiệp của mình mà lưu chuyển…”?

Nghiệp là do tác ý (manaskāra), do tư tâm sở (cetanā – ý chí) tạo tác, tức là hành vi của việc làm (thân) và lời nói (khẩu) đều do lực đẩy của tâm tác động, nếu hướng đến thiện thì gọi là thiện nghiệp, hướng đến ác gọi là ác nghiệp. Và những hành vi thiện ác đó không bao giờ mất đi sau khi thọ mạng con người kết thúc, nó trở lại huân tập vào tâm, Duy Thức Học gọi là hạt giống (chủng tử) hay tập khí, công năng. Hạt giống hay công năng này nó luôn luôn tồn tại từ trạng thái này qua trạng thái khác, “như con tằm hóa thành nhộng, nhộng biến thành con ngài, biến thái như nhau liên tục”, thuyết ấy Phật giáo gọi là luân hồi hay tái sanh. Như vậy nghiệp là đời sống, là nhân quả, là một chuỗi diễn tiến liên tục từ đời sống quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến tương lai.

Cho nên trong kinh đức Phật dạy rõ, mỗi mỗi quả báo của chúng sanh đều do nhân tốt, nhân xấu hay nghiệp thiện, nghiệp ác của mình tạo ra, thọ lãnh một cách thỏa đáng. Đồng thời đứng về phương diện giá trị luân lý mà nói, còn có nhân quả dị loại (khác loại), tức là thay vì người sống gây nhân hung ác giết hại sanh mạng, thì kiếp sau phải bị quả là tánh tình hung ác, thế sao lại chết yểu? Hay người có tánh tham lam ăn cắp, kiếp sau phải bị quả báo sống với tánh đó, thế sao nghèo khổ? Vì nghiệp, một mặt tích cực hiển hiện những quả tương tự như chính nó, mặt khác lại thể hiện quả thưởng phạt. Cũng thế, các vị A-la-hán tuy đã đoạn tận vô minh và ái dục (nguồn gốc của nghiệp), không tạo nghiệp mới nhưng vẫn chịu những nhân đã gieo trong quá khứ, nên đức Phật dạy: “Lại có nghiệp khiến chúng sanh thân không an lạc nhưng tâm an lạc, là A-la-hán vô phước.” Như Tỳ-kheo Ưu-ba-tiên-na lúc ngồi thiền định bị rắn cắn, chốc lát nọc độc lan khắp cơ thể, nhưng sắc diện của ông vẫn bình thường, vì ông đã liễu ngộ lý vô ngã. Ông ung dung bình thản mà chết.

Vậy “Nghiệp” là tâm, “Tâm” là nghiệp; “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ tạo tác, nói năng hay hành động, với tâm niệm thanh tịnh, hạnh phúc liền theo sau, như bóng không rời hình”. Tâm cũng được đức Phật ví như con trâu trong phẩm “Phóng ngưu” kinh Tăng nhất a-hàm, Phật dạy: Người chăn trâu biết được hình tướng của mỗi con trâu trong đàn trâu của mình, thì Tỳ-kheo cũng phải biết hành động của thân, miệng, ý, hành động nào đáng làm và hành động nào không đáng làm. Người chăn trâu biết bến tốt cho trâu qua sông, thì Tỳ-kheo cũng phải biết bến bờ tốt để đưa tâm qua.

Năm nay là năm con trâu (Kỷ Sửu), con trâu lại đến với mọi người, như nhắc nhở mọi người phải biết hình tướng của mỗi con trâu trong đàn trâu của mình. Và hãy chọn bến bờ hạnh phúc để đưa “trâu” mình qua sông mê cuộc đời.

Chú Thích:
1. A-tu-la 阿修羅: Skt. Asura, dịch là Phi thiên. Loài này tuy thần thông phước lực không thua gì chư thiên nhưng không được thuần thiện nên gọi Phi thiên (không phải cõi trời), được liệt vào hàng quỷ thần.
2. Phước điền 福田: Skt. Puṇya-kṣetra, thửa ruộng có năng lực sinh ra phước đức. Vì kính thờ Phật, chúng Tăng, cha mẹ và xót thương cứu giúp những người nghèo khổ, đau ốm thì được phước đức; giống người nông phu gieo trồng trên mảnh ruộng thì được thu hoạch. Cho nên Phật, chúng Tăng, cha mẹ và những người nghèo khổ được gọi là phước điền.

Thích Tâm Nhãn
[Tập san Pháp Luân - số 59, tr48, 2009]