Trang 1 / 2Ni đoàn Tỳ-kheo được thiết lập vào thời đức Phật và vẫn tồn tại đến ngày nay. Qua nhiều thế kỷ, phái nữ được thụ giới, đã tu học, thực chứng và duy trì pháp Phật, lợi lạc không chỉ mang lại cho bản thân họ mà còn cho những cộng đồng mà họ đã sống ở đó. Trong bản văn này, tôi sẽ nêu ra một lược sử về Ni đoàn ấy, bao hàm tính lan rộng của nó sang những quốc gia khác ngoài Ấn Độ, và diễn ngôn các điểm quan yếu trong Luật tạng hay Phật luật, gọi chung là Tỳ-nại-da hay Thi-la (Vynaya).
Hội nghị kết tập lần đầu tiên và Giới bổn Tỳ-kheo-ni
Ngài A-nan, thị giả của Phật, đã đóng một vai trò rất quan trọng đối với chư Ni. Tôn giả được chư Ni kính mến và ngài đã được cung thỉnh đến những tịnh xá của chư Ni để giảng dạy cho họ. Bởi tôn giả A-nan là người đã có cơ hội nghe được hầu hết giáo pháp của Phật và có một trí nhớ siêu phàm, cho nên ngài là nhân vật chính trong Hội nghị kiết tập lần đầu tiên, khi mà giáo pháp được phúng tụng và tuyển tập lại.
Có một số vị Tăng đã không hài lòng về việc đức Phật cho phép người nữ gia nhập Tăng đoàn. Tuy nhiên khi đức Phật còn tại thế, họ không hề biểu hiện ý niệm ấy. Tại hội nghị kết tập kinh điển lần thứ nhất, với sự tham gia của 500 vị Thánh Tăng vào khoảng 3 tháng kể từ ngày đức Thế Tôn nhập vô dư niết-bàn, sự không hài lòng đó đã thể hiện rõ. Trước khi chính thức tụng lại những giáo pháp của Phật, các vị ấy đã bảo với ngài A-nan là ngài đã phạm phải tám lỗi và yêu cầu ngài phải sám hối về những lỗi lầm ấy. Một trong số những lỗi lầm ấy là việc ngài A-nan đã xin phép đức Phật cho người nữ gia nhập Tăng đoàn. Ngài A-nan đáp rằng, ngài không cho đấy là một lỗi lầm và việc làm đó cũng không vi phạm một giới điều nào cả. Tuy nhiên, để tránh gây chia rẽ trong tăng đoàn khi đức Phật nhập diệt chưa được bao lâu, ngài A-nan đã thưa rằng, nếu chư Tăng muốn ngài sám hối thì ngài sẽ sám hối.
Ni đoàn ở Ấn Độ và Sự mở rộng Ni đoàn sang các quốc gia khác
Cả Tăng đoàn và Ni đoàn đã tồn tại ở Ấn Độ mãi đến thế kỷ thứ bảy sau Tây lịch, thời điểm Hồi giáo tấn công vào đây và phá hủy các tu viện Phật giáo. Vào năm 248 trước Tây lịch, khoảng 300 năm sau khi đức Phật diệt độ, vua A-dục, một đấng minh quân đã trị vì đất nước Ấn Độ, một vị Đại hộ pháp của Phật giáo, chính vua đã gởi phái đoàn Phật giáo đi hoằng pháp chín hướng khác nhau. Con trai của vua, Trưởng lão Mahinda, đã đến Srilanka để truyền bá chánh pháp và thiết lập Tăng đoàn ở đây. Lúc bấy giờ có công chúa Anula, người em vợ của vua Devanampiyatissa ở Srilanka, đã cải đạo để về với đạo Phật khi trưởng lão Mahinda đến truyền bá chánh pháp. Sau khi nghe được những lời giảng dạy của Trưởng lão Mahinda, công chúa đã đắc quả Dự Lưu (quả Tu-đà-hoàn) và bạch tôn giả liệu cô có thể gia nhập Tăng đoàn được hay không. Trưởng lão Mahinda đã dạy rằng, để trở thành một Tỳ-kheo-ni, thì việc thọ lãnh giới pháp từ sự truyền giới của nhị bộ đại Tăng là không thể không tiến hành. Ít nhất là phải có năm vị Tỳ-kheo-ni để thành lập Ni đoàn, và một vị Giáo thọ sư phải có ít nhất 12 năm hành trì giới luật Tỳ-kheo-ni để truyền trao giới pháp. Tôn giả đã bảo với cô ta là nên nhờ vua Devanampiyatissa cho sứ giả đến Ấn Độ để thỉnh cầu vua A-dục cho con gái của vua, Ni trưởng Sangamitta, cùng với một số Tỳ-kheo-ni khác đến để truyền giới. Ni trưởng Sangamitta vốn là một công chúa, đã từ bỏ hoàng cung xa hoa để tu hành theo giáo pháp của Phật. Ni trưởng không chỉ tinh thông giới luật mà còn là một Pháp sư. Do vậy, theo sự thỉnh cầu của vua Devanampiyatissa, vua A-dục đã gởi Ni trưởng Sangamitta và các Tỳ-kheo-ni khác đến Srilanka để thiết lập Ni đoàn. Và vua A-dục cũng gởi Ni trưởng mang đến Srilanka một nhánh Bồ-đề được chiết từ cây Bồ-đề ở Bồ-đề đạo tràng. Ni trưởng và các vị Tỳ-kheo-ni người Ấn, cùng với Tăng đoàn đã truyền giới cho công chúa Anula và các phụ nữ khác của Srilanka. Từ đó Ni đoàn ở Srilanka được hình thành, một Ni đoàn đầu tiên ở ngoài đất nước Ấn Độ.
Khi Ni trưởng Sangamitta đến Srilanka, hàng trăm phụ nữ ở đây mong được thọ giới xuất gia, và vua Devanampiyatissa đã xây dựng các Ni viện dành cho họ. Ni đoàn ở đó đã được phát triển mạnh cùng với Tăng đoàn, cho đến khi vua Chola từ Nam Ấn tấn công vào Srilanka thì cả Tăng lẫn Ni đoàn đều bị diệt vong. Sau đó thì một vị vua Phật tử đã nối ngôi, chính vị này đã tìm kiếm chư Tăng khắp quốc đảo này nhưng vua chỉ tìm thấy duy nhất một vị Sa-di còn sót lại mà thôi. Để phục hưng Tăng Bảo ở Srilanka, vua đã cho các sứ thần đến Miến Điện và Thái Lan để thỉnh cầu các vị vua ở đó cho chư Tăng Ni đến Srilanka để tổ chức giới đàn. Tuy nhiên, vì Thái Lan chưa từng có Ni đoàn, nên không có Tỳ-kheo-ni nào được gởi đến đây, do vậy vua Srilanka chỉ có thể phục hưng Tăng đoàn mà thôi, còn Ni đoàn thì chưa.
Ni chúng ở Trung Hoa
Từ thế kỷ thứ hai sau Tây lịch, nam giới ở Trung Hoa đã được thọ giới Cụ túc để trở thành Tăng sĩ. Vào đầu thế kỷ thứ tư, có một phụ nữ người Trung Hoa, cô Tịnh Kiểm, rất muốn được trở thành một Tỳ-kheo-ni. Mặc dù trước đó, cô được thọ giới Sa-di-ni, nhưng cô đã không được thọ giới Tỳ-kheo-ni, bởi vì chư Tăng Trung Hoa cho rằng, nhị bộ đại Tăng truyền giới là điều không thể thiếu. Sau đó có một vị Tăng sĩ người nước ngoài tên là Đàm-ma-yết-đa đã góp ý rằng, trong một đất nước chưa có Ni đoàn như thế này mà yêu cầu người nữ phải nhận được sự truyền giới từ nhị bộ đại Tăng là không phù hợp. Sau đó vị này cùng Tăng đoàn đã làm lễ truyền giới cho cô Tịnh Kiểm. Nhờ vậy, cô Tịnh Kiểm trở thành vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên ở Trung Hoa.
Sau này, người Trung Hoa đã thỉnh các vị Tỳ-kheo-ni từ Srilanka đến. Một số vị đã đến, nhưng vẫn chưa đủ số lượng cho việc thành lập Giới đàn sư để truyền thọ Tỳ-kheo-ni giới. Những vị này đã lưu lại Trung Hoa để học tiếng Hoa, trong khi đó thì vị chủ của chiếc tàu đã đưa quý cô đến Trung Hoa trở về Srilanka để thỉnh thêm cho đủ số lượng Tỳ-kheo-ni nhằm truyền trao giới pháp. Năm sau chính chiếc tàu ấy đã đưa thêm nhiều vị Tỳ-kheo-ni từ Srilanka đến Trung Hoa, trong đó có một vị tên là Tesara. Kết hợp với các vị Tỳ-kheo-ni người Srilanka đã đến trước đó, họ đã mở giới đàn truyền giới cho hơn 300 phụ nữ người Hoa tại tu viện Phương Nam Grove. Trong giới đàn ấy, một vị Tăng người Ấn, pháp hiệu là Sanghavarman, và chư Tăng người Hoa cũng đã tham gia truyền giới. Đấy là lần đầu tiên tại Trung Hoa, các vị Tỳ-kheo-ni được thọ giới từ nhị bộ đại Tăng.
Theo bộ luật của bộ phái Nguyên thủy được tìm thấy ở vùng Đông Nam Á - bộ luật này khác với bộ luật Đàm vô đức được tìm thấy ở Trung Hoa - một vị giáo thọ Tỳ-kheo-ni mỗi một năm chỉ được phép truyền giới cho một vị Ni mà thôi. Ngày nay một vài người nghi ngờ về giá trị của việc thọ giới ở Trung Hoa vì nhiều vị Ni được thọ giới cùng một lúc. Tuy nhiên, khi chúng ta tìm hiểu về tinh thần của giới luật, chúng ta dễ dàng hiểu được lý do số lượng những người đệ tử của mỗi vị giáo thọ Tỳ-kheo-ni được thọ giới đã bị hạn chế trong thời gian đầu. Trước hết là vì lý do an toàn, Ni chúng không thể sống trong rừng, họ phải sống trong các tịnh thất, nhưng số lượng tịnh thất thì lại không đủ. Thứ hai là số lượng phụ nữ người Ấn xuất gia lúc bấy giờ quá đông, đến độ Ni đoàn đã không đủ Giáo thọ sư để hướng dẫn họ. Một biện pháp để giới hạn số lượng Ni chúng là hạn chế số lượng đệ tử được phép thọ giới của mỗi vị Giáo thọ. Còn ở Trung Hoa thì hoàn cảnh lại khác, do vậy không có gì sai khi truyền giới cho nhiều Tỳ-kheo-ni cùng một lúc.
Sự truyền thọ giới Tỳ-kheo-ni
Sau khi Phật nhập diệt, một vài trường phái Tỳ-nại-da đã xuất hiện. Thực tế mà nói thì kinh Giới Bổn trong mỗi trường phái đã được truyền khẩu qua nhiều thế kỷ và các trường phái này đã phát triển trong các khu vực địa lý khác biệt nhau, nhưng chúng giống nhau một cách lạ thường. Tất nhiên vẫn có đôi chút khác nhau về số lượng các giới điều cũng như trong sự phiên dịch của họ. Người Trung Hoa thì dựa theo bộ luật Đàm vô đức, luật này là một nhánh phụ của Phật giáo Nguyên thủy, truyền thống Phật giáo này được truyền bá tại Thái lan, Srilanka và các nước Đông Nam Á. Còn người Tây Tạng thì theo luật Nhất thiết hữu bộ.
Tôi không biết là các Tỳ-kheo-ni người Srilanka đã mang đến Trung Hoa bộ luật nào trong số các bộ luật ấy. Cần nghiên cứu nhiều hơn để làm sáng tỏ vấn đề quan trọng này. Ngày nay, có nhiều sự bàn luận về vấn đề những người phụ nữ từ các quốc gia như Thái Lan, Srilanka, và Tây Tạng đến tiếp nhận sự trao truyền giới pháp Tỳ-kheo-ni từ cộng đồng người Trung Hoa rồi trở về lại đất nước của họ, nơi mà hạt nhân của việc truyền thọ giới pháp Tỳ-kheo-ni chưa có mặt trong hiện tại. Tuy nhiên, nhìn chung thì chư Tăng ở Srilanka và Thái Lan không chấp nhận sự truyền thọ giới pháp Tỳ-kheo-ni theo truyền thống của người Trung Hoa vì việc làm này được xem như là xuất phát từ một nguồn gốc giới luật khác với truyền thống của họ. Theo tôi thì điều này không thành vấn đề vì tất cả các truyền thống ấy đều xuất phát từ một Luật tạng.
Đức Phật có dạy rằng, để Phật giáo hưng thịnh trong một quốc gia thì cần phải có đủ Tứ chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc (cận sự nam), Ưu-bà-di (cận sự nữ). Do vậy, rất là hữu ích khi đưa Ni đoàn đến các quốc gia Phật giáo, nơi mà Ni chúng hiện chưa có mặt. Tôi nghĩ đến hai nhóm người thảo luận về khả năng của việc thọ giới Tỳ-kheo-ni. Một nhóm thì không tán đồng việc người nữ thọ Tỳ-kheo-ni giới, và họ đã viện dẫn lời dạy trong kinh điển để bảo vệ lập trường của mình, họ bảo rằng, “các vị hãy xem, đức Phật không hề muốn những người nữ gia nhập Tăng đoàn”. Một nhóm khác thì tán đồng và họ cũng dẫn ra những lời dạy từ cùng một bản kinh ấy và bảo rằng, “các vị hãy xem, nếu dựa theo tinh thần của giới luật thì người nữ có thể thọ giới Tỳ-kheo-ni”. Tuy nhiên, những dấu hiệu của sự thay đổi đang biểu lộ dần. Chẳng hạn như vào năm 1998, tại Bồ-đề đạo tràng, Ấn Độ, một số vị Tăng ưu tú của Phật giáo Nguyên thủy đã tham gia trong một lễ truyền thọ giới pháp Tỳ-kheo-ni do một tu sĩ người Hoa tổ chức. Tại giới đàn này có 20 vị Ni người Srilanka đã lãnh thọ giới pháp.
Các vị Ni đã dâng trọn cuộc đời của họ cho Chánh pháp, họ không có gì phải ngần ngại trong việc chứng tỏ cho người khác biết những ảnh hưởng tích cực mà họ có thể đem đến cho xã hội. Những lời dạy cuối cùng của Phật là, “hãy sống có ích lợi cho bản thân; và hãy đem lại lợi ích cho tha nhân.” Để được xã hội ủng hộ, Ni đoàn có thể chứng tỏ rằng, nhờ sự tu tập Chánh pháp mà họ có được an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống. Họ cũng có thể chứng tỏ là họ đem đến lợi ích cho người khác bằng cách giúp họ trở nên an lạc. Nếu chư Ni mạnh dạn biểu hiện những khả năng của mình thì xã hội sẽ ủng hộ họ. Và qua đó, các vị Tăng thủ cựu sẽ nhận ra rằng thật là đáng quý nếu người nữ được đứng vào hàng ngũ của Tăng-già. Họ sẽ thấy rằng các vị Ni có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề và phục vụ tha nhân theo những cách thức mà nam giới không thể làm được.
Chư Ni có thể giúp đỡ cho xã hội bằng cách nào?
Các vị Ni có thể đóng góp cho xã hội bằng cách đơn giản là làm một tấm gương tốt của những con người biết khiêm nhường và sống trong tinh thần bất hại. Bên cạnh những nghiên cứu về tâm linh và tu tập, chư Ni còn có thể trực tiếp làm lợi ích cho xã hội theo những cách khác, một trong những cách đó là quan tâm đến những vấn đề liên quan đến phụ nữ. Chẳng hạn, các vị Tỳ-kheo-ni có thể giúp giải quyết những vấn đề liên quan đến việc nạo phá thai, vấn đề mãi dâm, sự mãn kinh, và những vấn đề khác mà người nữ thích thảo luận với các chị em phụ nữ. Các vị Ni cũng có thể giúp đỡ những người mẹ mang thai trước hôn nhân, nhiều người trong số họ không muốn tiến hành nạo phá thai nhưng họ lại không biết làm sao để giải quyết trong tình huống ấy. Ở Thái Lan, chúng tôi vừa mới lập nên một căn nhà cho những người phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, nhờ vậy họ có thể tránh được sự nạo phá thai và nhận được sự chăm sóc cần thiết đối với họ.
Các vị Ni cũng có thể giúp những người phụ nữ bị đau khổ sau khi nạo phá thai. Là những người Phật tử, chúng ta tìm cách ngăn chặn việc nạo phá thai, tuy nhiên vẫn có một số chị em phụ nữ đã làm điều này. Về sau, một vài người trong số những phụ nữ này cảm thấy hối hận và mang những tâm trạng rối bời về những việc làm của họ. Chúng ta cần giúp họ ý thức được rằng đấy là hành động đã phạm phải trong quá khứ, chúng ta cần chỉ dạy cho họ những biện pháp để thanh lọc những nghiệp quả của nó, và động viên họ hướng về tương lai để sống một cuộc sống không bị đè nặng bởi sự cắn rứt của lương tâm do mặc cảm tội lỗi sinh ra. Một vài nữ Phật tử ở Tây phương đã sáng chế ra những nghi thức nhằm giúp những người phụ nữ như thế sống có ý nghĩa hơn.
Ni đoàn có một tiềm lực lớn lao, bởi vì bất cứ những gì chư Ni làm đều sẽ có sự ảnh hưởng lan nhẹ dần đến người nữ Phật tử trên toàn thế giới. Tôi mong sao chư Ni sẽ sử dụng năng lượng tập thể của họ để giúp đỡ lẫn nhau, để cống hiến cho xã hội và cũng là để giữ gìn và truyền bá những lời dạy quý báu của đức Phật đến với mọi người.
Pháp Thưởng
[Tập san Pháp Luân - số 54, tr.26 2008]