Ở đây người viết chỉ giới thiệu một cách thật sơ lược về các nấc thang tu tập mà một người Phật tử tại gia có thể thực hiện để thăng hoa đời mình vượt qua khổ não. (YTA)
Người Phật tử tại gia (Tiếp theo)
BỔN PHẬN THIÊNG LIÊNG
Trên bình diện tương đối, các pháp hiện hữu trong chiều kích tương quan tương duyên mật thiết, từ một hạt bụi đến sơn hà đại địa, không một pháp nào có thể tồn tại mà không có mối tương sinh tương hệ với những pháp khác. Con người cũng vậy. Làm người ai mà không có những liên hệ gắn bó với gia đình và xã hội. Người Phật tử cũng không ngoại lệ và còn có thêm mối tương quan với đạo pháp nữa. Trong mối liên hệ ấy, người Phật tử tất nhiên phải thể hiện bổn phận của mình sao cho toàn vẹn.
1. ĐỐI VỚI BẢN THÂN: Người Phật tử trước hết phải chuyển hóa bản thân mình trong mục tiêu giác ngộ vô minh và giải thoát phiền não. Có chuyển hóa được bản thân mình thành một người hữu ích, người Phật tử mới nói đến việc làm tròn bổn phận đối với gia đình, xã hội và đạo pháp. Khi bản thân mình chưa được chuyển hóa thì mình chính là căn nguyên của mọi phiền não, khổ đau và bất ổn, như vậy làm sao người Phật tử có thể chuyển hóa cho gia đình và xã hội?
Gia đình và xã hội đều lấy cá nhân của mỗi con người làm thành tố cơ bản, vì gia đình và xã hội chỉ là một tập hợp của nhiều cá nhân. Chính vì thế, người Phật tử phải nỗ lực tu sửa bản thân, nghiêm túc chấp hành các quy giới mà mình đã thọ, y chỉ theo lời Phật dạy và theo sự hướng dẫn của vị Bổn sư tu tập các pháp môn, diệt trừ tham sân si, phá bỏ bản ngã vị kỷ. Song song với việc chuyển hóa tâm thức, xây dựng đạo đức bản thân, người Phật tử cần phải nỗ lực không ngừng trong việc lành mạnh hóa cơ thể để có đầy đủ thể lực tiếp tục con đường tu tập độ mình và người. Phát huy trí tuệ và thể hiện tâm từ bi cũng là bổn phận thiêng liêng của người Phật tử tại gia đối với bản thân.
Chuyển hóa cá nhân theo tinh thần của đạo Phật cũng chính là phương cách trọng yếu nhất để hộ trì Phật pháp. Mỗi người Phật tử tại gia sống như Chánh pháp nghĩa là thể hiện hiệu năng giác ngộ và giải thoát của đạo Phật trong đời sống thường nhật của mình, tức là góp phần xưng đáng vào việc duy trì và phát huy tinh hoa và chất liệu sinh động của đạo Phật giữa cuộc đời. Bởi vậy, những ai dù mang danh nghĩa là Phật tử nhưng trong đời sống thực tế không thật sự sống theo tinh thần của đạo Phật, không có lòng chuyển hóa cuộc đời mình từ tăm tối khổ đau lên tỉnh giác an lạc, thì đó chỉ là thứ danh nghĩa suông không ích lợi gì cho mình và đạo. Người như thế làm sao nói đến việc xây dựng gia đình, xã hội và hộ trì Phật pháp?
2. ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH: Lần đầu tiên khi con người biết nhìn ra thế giới bên ngoài và thật sự nhận thấy có sự hiện hữu của người khác ngoài bản thân mình, kẻ tha nhân ấy chính là những thành viên của gia đình, là ông bà cha mẹ anh em và vợ chồng con cái. Tha nhân ở đây không phải là kẻ xa lạ mà chính là một người khác, một hiện hữu khác ngoài bản thân của mình. Trong ý nghĩa đó, khi một người biết quan tâm và lo lắng đến gia đình tức là người đó đã thật sự bước ra ngoài cái vỏ ốc vị ngã của mình. Thể hiện tinh thần vị tha của đạo Phật, trước hết và cơ bản, có thể bắt đầu từ đây. Hơn thế nữa, công lao sinh thành dưỡng dục lớn lao của ông bà cha mẹ, tình nghĩa sâu đậm của vợ chồng, và mối liên hệ huyết thống đối với con cái là động lực để cho mỗi thành viên trong gia đình phải có bổn phận với nhau.
Chính vì vậy, người Phật tử tại gia có bổn phận thiêng liêng phải xây dựng và chuyển hóa gia đình. Xây dựng gia đình có nghĩa là làm tròn trọng trách của ông bà đối với con cháu, của cha mẹ đối với con cái, của chồng đối với vợ hay của vợ đối với chồng, và của con cháu đối với ông bà cha mẹ. Khi mỗi người trong gia đình làm tròn bổn phận của mình tức là cách xây dựng gia đình hữu hiệu nhất. Cha mẹ thì cấp dưỡng đầy đủ cho con cái từ tinh thần đến vật chất, từ cách sống đạo đức đến cách tiếp xử với tha nhân. Vợ chồng thì đối xử nhau tương kính tương thuận và thành thật chung thủy. Con cái thì đối với cha mẹ một lòng kính trọng hiếu thảo.
Chuyển hóa gia đình có nghĩa là mỗi thành viên trong gia đình đều có bổn phận mang tinh thần của đạo Phật vào đời sống gia đình để từ đó cảm hóa những người thân của mình. Phương cách cảm hóa kiến hiệu nhất là chính mình làm gương cho gia đình trong việc thực nghiệm sự giác ngộ và giải thoát của đạo Phật. Đem tinh thần của đạo Phật vào đời sống thực tế bằng cách hiếu thảo với người trên, hòa thuận và thương yêu kẻ dưới, sống không tà hạnh để giữ hạnh phúc vợ chồng, sống không nói dối để dạy con thành thật, sống không rượu chè cờ bạc để làm gương kỷ cương, giáo dục vợ chồng con cái bằng tinh thần tự giác giác tha, từ bi khoan dung và độ lượng để khai mở tâm thức cho người thân. Hướng dẫn gia đình đến gần với đạo Phật bằng cách đưa gia đình đi chùa thường xuyên, khuyến khích việc đọc tụng kinh điển, hay nghe giảng kinh thuyết pháp. Cổ võ việc thực hành các điều lành và xa lánh các việc ác.
3. ĐỐI VỚI XÃ HỘI: Một cá nhân hay một gia đình không thể tồn tại nếu không có mối tương quan tương duyên với xã hội. Con người thọ nhận rất nhiều ân huệ từ xã hội mà họ sinh trưởng, từ vật chất đến tinh thần. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, nhà chúng ta ở, kiến thức chúng ta có được, đạo đức và luân lý chúng ta thừa hưởng, tất cả đều là sản phẩm của xã hội mà trong đó chúng ta sinh tồn. Như thế, làm người ai cũng phải có bổn phận đóng góp vào việc xây dựng xã hội theo khả năng và hoàn cảnh của mình.
Đối với người Phật tử tại gia, ngoài ân huệ của xã hội, đối với họ còn là vấn đề hạnh nguyện vị tha xuất phát từ tâm niệm từ bi đối với đồng loại, đối với chúng sanh. Ngày nào mà xã hội còn phiền não, khổ đau và bất ổn thì ngày đó người Phật tử tại gia còn phải thi thiết hạnh nguyện cứu khổ ban vui cho mọi người. Mục tiêu xây dựng xã hội của người Phật tử tại gia là để chuyển hóa xã hội từ vô minh và phiền não đến giác ngộ và giải thoát. Để hoàn thành việc xây dựng xã hội, người Phật tử tại gia cần thực hiện bốn phương thức nhiếp hóa mà đạo Phật gọi là Tứ Nhiếp Pháp sau đây:
a. Bố Thí: Ban phát điều gì cho người khác với tâm niệm từ bi bình đẳng gọi là bố thí. Người Phật tử tại gia có thể thực hiện việc bố thí qua ba cách: Thứ nhất, đem tài sản của cải mà mình có ban phát cho người khác, hoặc cũng có thể đem thân xác của mình mà bố thí cho người khác. Thứ hai, đem giáo pháp thậm thâm vi diệu của chư Phật mà ban bố cho người khác để họ có thể theo đó mà tu tập. Thứ ba, làm chỗ che chở cho người khác khiến ho không còn sợ sệt.
b. Ái ngữ: Người Phật tử tại gia có thể dùng lời lẽ dịu dàng, bình dị và khoan dung để cảm hóa nhân quần xã hội. Người sử dụng ái ngữ đúng theo tinh thần của đạo Phật là người không khởi niệm hận thù, sân si đối với tha nhân, hay nói cách khác, là người luôn luôn mang tâm niệm từ bi bình đẳng trong mọi hoàn cảnh. Người như thế lúc nào cũng nghĩ đến việc cứu giúp kẻ khác thoát khỏi khổ đau.
c. Lợi hành: Để cảm hóa tha nhân và xây dựng xã hội, người Phật tử tại gia cũng phải lăn xả vào các công tác từ thiện làm lợi ích cho mọi người. Làm bất cứ điều gì, người Phật tử tại gia cũng nghĩ đến lợi ích giác ngộ vô minh và giải thoát khổ đau cho con người, cho xã hội. Trong phương cách này, người Phật tử tại gia đôi khi phải thể hiện đức hùng lực để khuất phục các thế lực vô minh manh động và kiến tạo sự an lạc thái bình cho xã hội.
d. Đồng sự: Vì để cảm hóa con người và xã hội, người Phật tử tại gia có lúc cũng phải dấn thân vào mọi hình thái sinh hoạt đa dạng của xã hội, như nhập cuộc vào các tầng lớp xã hội, như làm người thương gia, viên sĩ quan, vị tướng, nhà giáo, vị tu sĩ, người nông dân, v.v… Có dấn thân vào các hình thái sinh hoạt đa dạng của xã hội như thế, người Phật tử tại gia mới có thể thực hiện thuận tiện hạnh nguyện tự giác giác tha của mình.
4. ĐỐI VỚI ĐẠO PHÁP: Nhờ ân đức của đạo Phật, của Tam bảo mà người Phật tử tại gia mới thấy được hướng đi đích thực, mới xác định được chánh tín, mới tìm được phương thức chuyển hóa đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của mình một cách thực tiễn và ích dụng. Trong ý nghĩa này, đạo Pháp quả thật là quý giá vô ngần, là mầu nhiệm vô lượng đối với người Phật tử tại gia. Đạo Pháp quý giá và mầu nhiệm này cần phải được bảo trì và xiển dương để làm lợi ích cho mình và nhân quần xã hội.
Vì vậy, hộ trì Tam bảo và xiển dương Phật pháp là bổn phận thiêng liêng của người Phật tử tại gia. Nhưng người Phật tử tại gia hộ trì đạo pháp như thế nào?
Trước hết và căn bản nhất là mỗi người Phật tử tại gia phải nỗ lực hành trì Phật pháp và chuyển hóa đời sống cá nhân mình. Đem Phật pháp nhiệm mầu phổ biến khắp nơi bằng kinh sách, bằng thuyết hóa, bằng đời sống gương mẫu của mình. Thường xuyên đi chùa tụng kinh, nghe Pháp, và làm việc từ thiện hay góp phần vào những sinh hoạt của các tổ chức Phật giáo. Xem Phật pháp là mạng mạch của đời sống, người Phật tử tại gia cho đến trọn đời không bao giờ rời bỏ.
KẾT LUẬN
Người Phật tử tại gia nên thường trực quán niệm rằng, chúng ta sinh ra trên cõi đời này dù là với muôn ngàn khổ lụy, song có điều thật hy hữu mà chúng ta lại có được đó là làm người. Đức Phật đã từng dạy rằng làm người là một điều rất khó trong thân phận của một chúng sinh. Nhưng Ngài cũng đồng thời dạy rằng gặp được Chánh pháp lại càng khó hơn. Người nào càng lịch nghiệm trong sự vô thường và khổ đau của cuộc đời càng nhiều thì sẽ nhận thức được một cách sâu sắc về giá trị mầu nhiệm của giáo pháp đức Phật. Bởi vì, giáo pháp ấy là diệu dược có công năng phi thường trong việc chữa lành bệnh khổ não cho chúng sinh.
Đời này, chúng ta không những đã được sinh làm người mà còn được gặp Chánh pháp. Chính vì thế, là một Phật tử tại gia, chúng ta phải biết trân quý và vận dụng giá trị của kiếp người cho việc học hỏi và thực nghiệm Chánh pháp. Đồng thời phát tâm dõng mãnh trong việc bảo tồn và xiển dương Phật pháp để làm lợi lạc cho quần sinh. Có như vậy, chúng ta mới có thể báo đáp phần nào trong muôn một ân đức hóa độ sâu dày của đức Phật và lịch đại Tổ sư, cũng như không hỗ thẹn mang danh là người con Phật.
Ỷ Thu Am.
[Tập san Pháp Luân - số 5, tr.]
Vì tâm đại từ bi thương xót chúng sanh lặn chìm trong vô minh phiền não thọ nhận vô lượng thống khổ cho nên, sau khi thành đạo dưới cội cây Bồ-đề đức Phật đã không an hưởng sự tịch diệt của Niết-bàn mà du hóa khắp nơi để khai thị con đường giải thoát và giác ngộ cho quần sinh suốt bốn mươi chín năm ròng rã. Đạo giải thoát và giác ngộ do vậy, là liều thuốc mầu nhiệm chữa lành mọi căn bệnh vô minh phiền não cho tất cả chúng sinh không phân biệt đẳng cấp hay chủng loại.
Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu có mặt của hàng ngũ đệ tử của đức Phật, chúng ta thấy có sự hiện hữu của hàng Phật tử tại gia thường được mệnh danh là chúng Ưu-bà-tắc (Upàsaka) và Ưu-bà-di (Upàsika). Trong hàng ngũ Tứ chúng (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di), hoặc Thất chúng (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di) chúng ta đều thấy có sự hiện diện thường trực của hàng Phật tử tại gia. Vì thế, sự hiện hữu của hàng ngũ Phật tử tại gia gắn liền với sự có mặt và phát triển sâu rộng của đạo Phật trên thế giới trải dài hơn hai mươi lăm thế kỷ qua.
DANH NGHĨA VÀ BỐI CẢNH LỊCH SỬ
Upàsaka và Upàsika là tiếng Phạn, các nhà Phật học Trung Hoa dịch âm là Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di, dịch nghĩa là Cận sự nam và Cận sự nữ, có nghĩa là người đàn ông và người đàn bà phụng sự gần gũi đối với Tam bảo (Phật, Pháp và Tăng). Vì Cận sự nam hay Cận sự nữ là những người nương nhờ và thâm tín nơi Tam bảo để thực nghiệm sự giải thoát và giác ngộ, bỏ ác làm lành, hướng tâm đến mục tiêu chí thiện cho nên cũng được gọi là Thiện nam tử, Thiện nữ nhơn.
Trong những ngày khởi nguyên của hàng ngũ Phật tử tại gia, họ đóng vai trò là những thí chủ dân cúng tứ sự (y phục, ngọa cụ, y dược và ẩm thực) lên đức Phật và các vị xuất gia, rồi nhân đó thọ nhận giáo pháp để nổ lực tu tập diệt trừ khổ não. Người Phật tử tại gia cũng có thể đến các tịnh xá để nghe chư Tăng Ni giảng giáo lý rồi theo đó mà hành trì. Người Phật tử tại gia cũng có thể cúng dường trai tăng tại tư gia hay tại các tịnh xá để cầu phước và nhân đó thọ nhận giáo nghĩa. Hình ảnh sáng chói của một Cấp Cô Độc hay một Thái tử Kỳ-đà mà trong các kinh thường nhắc đến là biểu tượng cao quý cho tinh thần hộ trì Tam bảo của hàng ngũ Phật tử tại gia thời đức Phật còn tại thế.
Dần dà, đạo Phật ngày càng được phổ cập trong nhân gian vì con người ngày càng nhận ra giá trị ưu việt của giáo lý giác ngộ và giải thoát cho cuộc đời dẫy đầy vô minh và phiền não. Đạo Phật với tâm nguyện từ bi không thể không đáp ứng nguyện vọng cấp thiết của nhân quần xã hội. Chính đây là nguồn mạch cho sự hưng phát của Đại thừa mà từ đó một triêu lộ mới huy hoàng đã ló dạng. Phổ cập hay đại chúng hóa đạo Phật là sứ mệnh không phải chỉ của hàng ngũ xuất gia mà còn là bổn phận thiêng liêng của hàng ngũ Phật tử tại gia nữa. Khi đạo Phật đi sâu vào các sinh hoạt đa dạng của xã hội, vai trò phụng sự và hộ trì Tam bảo của người Phật tử tại gia lại càng quan yếu. Hàng ngũ xuất gia không thể đồng sự hay dấn thân quá sâu vào những sinh hoạt phức tạp của thế sự để mang ánh sáng của đạo giác ngộ đến cho mọi thành phần trong xã hội. Ngược lại, người Phật tử tại gia có thể thực hiện được các sứ mệnh như vậy. Vai trò và sứ mệnh hành hoạt của hàng Phật tử tại gia, do đó, đã có phần chuyển hướng theo bối cảnh lịch sử. Đó cũng là điều tất yếu của tiến trình lịch sử phát triển của đạo Phật. Hình ảnh sáng chói của một A Dục Vương (Asoka), một Ca Nị Sắc Ca (Kanishka) là đặc trưng cho vai trò và sứ mệnh hộ đạo của hàng Phật tử tại gia trong bước ngoặt mới của vận trình lịch sử phát triển của đạo Phật.
Thêm vào đó, các bộ kinh Đại thừa như Duy-ma-cật, Thắng Man, Ưu-bà-tắc Giới, v.v... đã được phát kiến và phổ cập đến các quốc gia theo hệ Bắc truyền. Đó là những bộ kinh liễu giải tường tận hạnh nguyện, quy giới, pháp môn tu chứng, và các phương thức phụng sự Phật pháp, phụng sự Tam bảo, phụng sự chúng sinh của người Phật tử tại gia. Từ đây, hàng Phật tử tại gia thật sự có được trong tay các phương tiện cốt thiết để vững tiến trên đường tu tập và hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của mình.
Nhờ vậy, song song với việc đạo Phật phổ cập trong nhân gian là việc lớn mạnh của khối lượng Phật tử tại gia ở khắp các quốc độ mà đạo Phật có mặt. Không phải chỉ là mặt số lượng hình thức, hàng Phật tử tại gia thật sự có phẩm lượng về mặt nội dung kiến giải Phật pháp, đức hạnh tu trì, khả năng hành hoạt trong sứ mệnh hộ trì Tam bảo và phục vụ quần sinh. Tất nhiên phẩm lượng ấy là thành quả của bao kiên trì và huấn dục mà hàng xuất gia đã dày công tác tạo.
CHUYỂN HÓA ĐỜI SỐNG THẾ TỤC
Không phải ai cũng có đủ duyên lành để xuất gia và theo đuổi mục tiêu giác ngộ và giải thoát toàn vẹn. Vậy đối với đại đa số quần chúng tại gia thì sao? Họ có thể nào thành đạt sự giải thoát và giác ngộ trong cuộc sống thế tục? Nếu mục tiêu giải thoát và giác ngộ chỉ có thể đạt được trong đời sống xuất gia thì đạo Phật quả là một ốc đảo giữa sa mạc nhân gian khổ lụy chập chùng! Hiển nhiên đạo Phật không phải thế, vì đức Phật đã dạy rằng: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, đều có khả năng thành tựu sự giác ngộ và giải thoát cứu cánh.”
Đời sống của người Phật tử tại gia so với đời sống của những vị xuất gia thì có nhiều hệ lụy hơn, nào là công việc làm ăn sinh kế, nào là trách vụ đối với gia đình vợ chồng con cái, trách vụ đối với bà con quyến thuộc và xã hội, quốc gia, nào là thường xuyên kề cận với những chướng duyên phiền não tham, sân, si, nào là bị ràng buộc trong mê cung của lợi danh ái nhiễm, v.v... Nhưng không phải vì thế người Phật tử tại gia hoàn toàn không thể thực hiện mục tiêu giác ngộ và giải thoát. Chính trong bối cảnh trầm luân và khổ lụy ấy, người Phật tử tại gia mới phải cần cầu và nỗ lực thực nghiệm hơn bao giờ hết các phương thức giải thoát khổ đau của đạo Phật.
Truyền đạt giáo lý giải thoát và giác ngộ cho nhân quần xã hội, đức Phật và chư vị xuất gia không ngoài tâm nguyện trao truyền cho người Phật tử tại gia những pháp môn hành trì để giải thoát phiền não và giác ngộ vô minh ngay trong đời sống thường nghiệm của mỗi người. Từ đó, người Phật tử tại gia có thể tìm thấy được nguồn mạch bất tận của đời sống an lạc và giải thoát ngay giữa cuộc đời uế trược và đảo điên. Đây chính là giá trị đặc thù của đạo Phật mà người Phật tử tại gia cần phát huy vừa để mang lại phúc lợi cho mình và người, vừa để hiển thị sự mầu nhiệm của đạo giải thoát.
Cuộc đời lộ hiện ra đó với muôn vàn khổ đau và đen tối. Dù cho con người có cố gắng che đậy bộ mặt thật khổ đau và đen tối này bằng những mỹ ngữ hay những biểu tượng hào nhoáng của thức tâm vọng động thì sự thật vẫn là sự thật rằng vô thường, sinh tử, thống hận, tham si vẫn bám sát theo bước chân luân hồi của chúng sinh từ cõi này sang cõi khác. Chỉ có mỗi một phương cách để giải thoát tình trạng bi thống ấy chính là nhổ sạch cội rễ tác tạo ra chúng. Cội rễ ấy chính là vô minh và các phiền não cấu nhiễm trong tâm thức. Muốn nhổ sạch vô minh và phiền não thì phải giác ngộ nguồn tâm và gạn lọc trần cấu ở thân, khẩu, ý. Đấy chính là con đường chuyển hóa của đạo Phật vậy.
ĐỊNH HƯỚNG ĐI VÀ XÂY DỰNG NỀN MÓNG
Khi bước chân vào chùa hay đến với đạo Phật, con người ắt hẳn mang sẵn một tâm niệm minh nhiên rằng họ đang đi tìm một lối ngõ, một hướng giải thoát khỏi tình trạng khổ đau và bế tắc hiện tại. Họ có thể đã trải qua một bi vận nào đó chẳng hạn, người thân nhất vừa qua đời, thất bại trên đường danh lợi khoa bảng, tuyệt vọng vì đổ vỡ tình yêu, v.v... Cũng có thể, họ vừa giác tỉnh thân phận mỏng manh của kiếp người, hoặc giá trị miên trường của đời sống siêu thoát lên trên những hệ lụy thế tục lẩn quẩn, v.v... Nói tóm lại, tất cả đều có cùng một ý nguyện: đi tìm một lối ngõ, một hướng giải thoát.
Tại sao những khổ đau cứ bám theo chúng sinh như hình với bóng? Những khổ đau ấy bắt nguồn từ nguyên nhân nào? Và làm thế nào để giải thoát khỏi chúng?
Nguyên nhân của tất cả những khổ đau nằm ngay trong tâm thức vô minh của chúng sinh. Tâm chúng sinh còn vô minh thì còn vọng động. Tâm còn vọng động thì còn tạo ra nghiệp phiền não trói buộc. Tâm chưa hết vô minh thì dù ở bất cứ cảnh giới nào, bất cứ chủng loại nào cũng vẫn còn gây ra nghiệp phiền não. Giác ngộ vô minh và giải thoát phiền não đến rốt ráo thì ở đâu và lúc nào cũng được tự tại giải thoát và an lạc. Đạt đến mục đích tối thượng ấy chính là thành Phật. Cho nên, Phật là địa vị tối thắng trong nhân gian mà người Phật tử cần phải tôn quý và lập nguyện thành đạt.
Nhưng chúng sinh vì thiếu duyên lành nên sanh ra đời không gặp được Phật. Rất may là giáo nghĩa thâm diệu của Ngài vẫn còn lưu bố ở thế gian. Giáo nghĩa ấy là những lời dạy vàng ngọc của đức Phật, của chư vị Thánh Tăng khai thị và chỉ lối cho con người các phương thức tu tập để giác ngộ vô minh và giải thoát phiền não. Giáo nghĩa ấy không phải là hệ thống lý thuyết hý luận bàn cãi đến những vấn đề siêu hình hay chỉ có tính cách thuần lý. Giáo nghĩa ấy đòi hỏi người học tập một sự thực nghiệm nghiêm túc và tinh tấn không giải đãi. Giáo nghĩa ấy chú trọng đến sự giác ngộ vô minh và giải thoát phiền não một cách triệt để và tận gốc. Đây chính là kim chỉ nam mà người Phật tử tại gia không thể không trân trọng và bảo trì.
Một người chưa từng biết học cách xem bản đồ và định phương hướng thì dù có nhìn vào bản đồ trước mắt cũng không thể định ra đúng hướng mà mình phải đi. Tương tự như vậy, người Phật tử tại gia nếu không có Đạo sư khai thị và chỉ dạy giáo nghĩa trong các kinh thì cũng không thể thực nghiệm Đạo một cách đúng Chánh pháp. Con đường thực nghiệm Đạo cốt ở chỗ thực chứng nội tâm không phải bị hệ lụy ở điều biết nhiều học rộng. Cho nên, đừng nghĩ rằng mình đọc nhiều kinh, hiểu được nhiều pháp số, thông suốt được nhiều thuật ngữ của đạo Phật là có thể giải thoát được khổ đau. Chính vì thế, người Phật tử tại gia cần những bậc Đạo sư dìu dắt trên con đường tu tập để thành tựu mục tiêu giác ngộ vô minh và giải thoát phiền não.
Như thế, người Phật tử tại gia, trước hết, là quy kính Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Quy kính Phật, Pháp, Tăng cũng có nghĩa là xác định mục tiêu tối thượng thành tựu tuệ giác siêu việt, cũng có nghĩa là nắm chắc phương thức hành trì để tận diệt vô minh phiền não, và cũng có nghĩa là cần cầu bậc Đạo sư trợ lực trên đường thực nghiệm tâm linh. Người Phật tử tại gia không thể thiếu một trong ba chỗ nương tựa ấy. Xác định được mục tiêu tối thượng mà không có phương thức hành trì hay không có Đạo sư chỉ lối thì không thể đạt đến đích cứu cánh. Có phương thức hành trì mà không xác định được mục tiêu tối thượng hay không có Đạo sư dẫn lối thì không biết mình phải đi về đâu, hoặc gặp chướng ngại thì không biết đâu mà giải quyết. Xác định được hướng đi và có phương thức hành trì nhưng không có Đạo sư khai thị và chỉ vẽ thì không tránh khỏi rơi vào mê lộ của vọng tâm điên đảo.
Việc quy kính Tam bảo còn mang lại cho người Phật tử tại gia một ích dụng khác, đó là việc xây dựng một chánh tín kiên định. Thế nào là chánh tín? Là niềm tin ấy có khả năng đưa người Phật tử tại gia tiến thẳng trên đường diệt trừ khổ đau và phá đổ vô minh. Là niềm tin ấy khai thị cho người Phật tử tại gia giá trị đặc hữu của con người trong việc quyết định vận mệnh của chính họ. Từ đây, an lạc hay khổ đau là do chính người Phật tử tại gia tự làm chủ lấy, không ai và không có bất cứ thế lực ngoại tại nào có thể làm việc đó thay thế cho con người.
Đây là điểm vô cùng hệ trọng trên con đường tu tập thiện pháp. Đối với người xem việc tu trì như trò tiêu khiển cho vui thì có lẽ việc quy kính Tam bảo chẳng có gì quan trọng. Nhưng, đối với người xem việc giải thoát giác ngộ như “cứu lửa cháy đầu” thì việc quy kính Phật, Pháp, Tăng là một điều vô cùng ý nghĩa và trọng yếu.
Có người nghĩ rằng chỉ cần quy kính Phật-Pháp là đủ, cần gì phải quy kính các vị xuất gia? Có người còn đi xa hơn cho rằng Phật tại tâm đâu cần phải quỵ lụy vào ai nữa, chỉ cần ở nhà đọc kinh sách là đủ để tự mình tu tập cho đến khi thành tựu Bồ-đề!
Nói thì dễ, làm mới là khó! Việc nhận biết bằng kiến thức góp nhặt thông thường rằng Phật tại tâm, rằng tự tánh vốn thanh tịnh, rằng pháp tánh vốn thường minh, rằng phiền não tức Bồ-đề, rằng sắc tức là không, v.v... điều ấy không khó, vì đa số Phật tử xưa nay đều ít nhiều có nghe biết đến. Vấn đề là ở chỗ: chúng ta đã thật sự tẩy sạch vô minh và trừ diệt hết phiền não trần cấu chưa? Hãy tự vấn mình một cách thành khẩn và cẩn trọng như thế. Nếu tự mình thấy rằng quả thật mình đã tẩy sạch vô minh và trừ diệt hết phiền não thì không còn gì để nói. Nhưng, nếu tự thấy rằng mình chưa được như vậy thì không nên tự lừa dối bằng những hý luận vô ích mà phải cấp tốc nương tựa vào Tam bảo để sớm giải thoát khổ đau.
Trong phần thực nghiệm phương thức tẩy sạch vô minh và trừ diệt phiền não, người Phật tử tại gia, trước hết và căn bản nhất là phải xây dựng cho mình cái nền tảng vững chắc để từ đó bước lên các địa vị Hiền Thánh cao hơn. Nền tảng vững chắc ấy chính là hoàn thành cuộc sống nhân thừa bằng cách tuân thủ theo ngũ giới. Là một con người, người Phật tử tại gia hãy sống như một con người trước đã. Như thế nào là sống với ý nghĩa như một con người? Nghĩa là sống với thể xác và tâm thức thuần lương: Không làm hại mình và người, không khiếp nhược, không tàn bạo, không độc ác, không phá hoại hạnh phúc của tha nhân, mang tâm niệm từ bi khoan dung và độ lượng, nuôi dưỡng tâm trí sáng suốt minh mẫn và hồn nhiên, giữ lấy thân thể khỏe mạnh lương trinh. Muốn sống được như vậy, người Phật tử tại gia được khuyến khích thọ trì năm quy tắc điều phục thân tâm và thanh tịnh xã hội như sau:
1. Không sát hại mạng sống của chúng sinh.
2. Không trộm cắp.
3. Không tà hạnh.
4. Không nói dối.
5. Không uống rượu.
Là một phàm phu, tất cả chúng ta đều mặc nhiên cảm nghiệm rằng trong đời sống hằng ngày, chúng ta đã không thể giám sát hết những hoạt dụng của thân, khẩu và ý. Trong mỗi người chúng ta thế lực của vô minh thật cường bạo đến nỗi chúng ta thường xuyên bị thao túng bởi nó mà chẳng hề tỉnh ngộ ra lẽ thật hư. Nào đam mê ngũ dục - tài sắc danh thực thùy - từ vô lượng vô số kiếp, nào đảo điên khởi động thức tâm nhận giả làm chân không biết khởi thỉ từ đâu. Chính vì vậy, nếu để cho thân khẩu ý tự do thao tác thì chúng ta không tránh khỏi tiếp tục bị cuốn hút vào quỹ đạo trầm luân thống khổ triền miên. Đó chính là lý do tại sao người Phật tử tại gia phải chí thành thọ nhận năm giới để kiểm thúc ba nghiệp và hoàn thiện cuộc sống nhân thừa.
NHỮNG NẤC THANG TRÊN ĐƯỜNG TU TẬP
Tam quy và Ngũ giới là nấc thang thứ nhất để cho người Phật tử tại gia bước lên lộ trình thăng hoa đời sống khổ đau và tăm tối của mình. Khi người Phật tử tại gia xây dựng vững chắc nền tảng căn bản ấy rồi, họ có thể tiếp tục bước lên những nấc thang kế tiếp để hoàn thành mục tiêu tối hậu.
1. Thiên thừa: Ở đây lấy việc tu tập và hành trì mười điều thiện làm phương thức căn bản để điều phục ba nghiệp một cách chu toàn hơn so với ngũ giới, hơn nữa nó còn chú trọng đến mặt tích cực làm việc thiện chứ không phải chỉ cấm chỉ điều ác. Kết quả của việc thực hiện mười điều thiện này không phải chỉ đưa đến một đời sống phước báo ở các cõi trời, mà còn là hoàn tất một nền tảng căn bản nhất để từ đó vươn tới những phẩm vị tu chứng cao hơn. Mười điều thiện là:
1. Không sát sanh mà bảo vệ sinh mạng cho chúng sinh.
2. Không trộm cướp mà bố thí tài sản cho người.
3. Không tà hạnh mà góp phần vào việc xây dựng đời sống hạnh phúc cho kẻ khác.
4. Không nói dối mà nói lời thành thật.
5. Không nói lời xiểm nịnh mà nói lời ngay thật.
6. Không nói lời đâm thọc mà nói lời xây dựng.
7. Không nói lời hung ác mà nói lời từ ái.
8. Không tham lam mà thực hành bố thí.
9. Không sân hận mà thực hiện lòng từ bi.
10. Không si mê mà phát huy diệu lực của trí tuệ.
2. Thanh văn thừa: Đây là nấc thang cho người Phật tử tại gia bước lên địa vị Hiền và Thánh. Ở đây người Phật tử tại gia quán chiếu và hành trì bốn sự thật mầu nhiệm gọi là Tứ diệu đế hay Tứ thánh đế. Kết quả của việc tu tập bốn sự thật mầu nhiệm này là người Phật tử tại gia có thể nhận thức rõ bản chất và nguyên nhân của khổ đau, thực hành những pháp môn đưa đến sự tận diệt khổ đau, và chứng đắc các quả vị giải thoát khổ đau đạt đến Niết-bàn an lạc. Bốn sự thật mầu nhiệm ấy là:
a. Sự thật về khổ: Bản chất thật của cuộc đời là khổ: Sanh, già, bệnh, chết, thương yêu mà xa cách, mong muốn mà không được, oán ghét mà gặp gỡ, và năm uẩn không điều hòa.
b. Sự thật về nguyên nhân của khổ: Sở dĩ chúng sinh phải thọ nhận khổ não vì còn cưu mang những nguyên nhân đưa đến khổ như: Tham, sân, si, kiêu mạn, nghi hoặc, chấp thân thể là thật có, chấp đoạn diệt hay thường còn, chấp chặt vào quan kiến của mình, chấp chặt vào giới điều, và có những quan điểm sai lầm như đả phá nhân quả, không tin nghiệp báo, v.v...
c. Sự thật về cảnh giới an lạc của Niết-bàn: Đó là kết quả thành đạt của người tu tập diệt trừ nguyên nhân của khổ, là một cảnh giới không còn khổ não gọi là Niết-bàn; đó cũng là cảnh giới chứng đắc của bốn phẩm vị Hiền- Thánh: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hoàn, A-na-hàm và A-la-hán.
d. Sự thật về con đường diệt khổ: Gồm có ba mươi bảy con đường tu tập để dẫn đến chỗ diệt trừ khổ: Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy chi bồ đề, và Tám chánh đạo.
3. Duyên giác thừa: Hay còn gọi là Độc giác thừa vì người tu theo thừa này do tự mình quán sát hành quả của lý Mười hai nhân duyên mà thành tựu đạo quả gọi là Độc giác Phật. Mười hai nhân duyên là:
a. Vô minh (không giác ngộ được tự tánh).
b. Hành (vọng động).
c. Thức (thức tâm).
d. Danh - sắc (tinh thần và thể xác).
đ. Lục nhập (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý).
e. Xúc (sự hòa hiệp của căn, cảnh và thức).
g. Thọ (cảm thọ khổ lạc).
h. Ái (thương yêu, ham muốn).
i. Thủ (chấp giữ khi thương yêu).
k. Hữu (bào thai, chủng tử, mầm móng của sự hiện hữu).
l. Sanh (sự có mặt).
m. Lão tử (già và chết).
4. Đại thừa: Các nấc thang tu tập ở trên chú trọng vào việc giác ngộ và giải thoát cho tự thân mà không đặt nặng đến phần giác ngộ và giải thoát cho tha nhân, mặc dù ích lợi của một người thành tựu việc giải thoát cho cá nhân luôn luôn có sự tương quan hữu ích cho xã hội. Đại thừa lấy việc giác ngộ và giải thoát cho tha nhân làm phương thức tu tập để giác ngộ và giải thoát cho mình. Đại thừa bao gồm Bồ-tát và Phật thừa, vì khi phát tâm Bồ-đề, hành giả đã là một Bồ-tát sơ phát tâm và đến khi thành tựu hạnh quả thì là một vị Phật toàn giác. Đại thừa lấy Lục độ làm kim chỉ nam cho việc hành trì và thực nghiệm sự giác ngộ và giải thoát. Lục độ là:
a. Bố thí
b. Trì giới
c. Nhẫn nhục
d. Tinh tấn
đ. Thiền định
e. Trí tuệ
Ở đây người viết chỉ giới thiệu một cách thật sơ lược về các nấc thang tu tập mà một người Phật tử tại gia có thể thực hiện để thăng hoa đời mình vượt qua khổ não. Nhưng, chừng ấy sơ lược thì không đủ để làm kim chỉ nam cho việc hành trì. Vậy kính mong người đọc tri nhận cho điều này. Nếu quý vị muốn thực nghiệm giáo pháp của đức Phật thì xin tìm hiểu tường tận hơn nơi kinh điển hoặc nơi chư vị tôn đức xuất gia hay thiện hữu tri thức.
Ỷ Thu Am. (Còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 4, tr.]