(PLO) Muốn trở thành một Phật tử chân chính thì phải tự thân mình thực hành những điều đó trong cuộc sống của chính mọi người.
(Tiếp theo)
III. BẢN THÂN TA ĐỐI VỚI NHỮNG QUAN HỆ CHUNG QUANH:
Đức Phật dạy người Phật tử không những chỉ sống cho chính bản thân mình thôi, mà còn sống với, và liên hệ với những quan hệ chung quanh mình. Bởi vậy, cho nên Phật tử phải có bổn phận hoàn thành chức năng làm người của mình, từ phạm vi nhỏ hẹp gia đình cho đến phạm vi rộng lớn là cộng đồng xã hội. (Ở đây chúng ta phải hiểu sự quan hệ đó, không những chỉ dành cho người với người mà thôi, mà còn chỉ chung cho mọi sự vật có liên hệ duyên khởi có ích lợi cho chúng ta). Vì sự tồn tại và hạnh phúc của chính ta, chính là sự tồn tại và hạnh phúc của cộng đồng xã hội.
a/ Gia đình:
Vì liên hệ huyết thống máu mủ đắp đổi lẫn nhau và những liên hệ trực tiếp hằng ngày với nhau:
1/ Đối với cha mẹ và con cái:
- Người con phải hoàn thành năm điều kính thuận đối cha mẹ.
a. Cung phụng đầy đủ về vật chất cũng như tinh thần, không để thiếu thốn.
b. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết.
c. Không trái điều cha mẹ làm.
d. Không trái điều cha mẹ dạy.
e. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm.
Đó là năm điều kiện bắt buộc người con phải hoàn thành chức năng làm con và, bổn phận làm người của mình đối với cha mẹ trong một gia đình, nếu gia đình đó muốn có cuộc sống êm ấm đầy ấp hạnh phúc thường xuyên trong nhà.
- Ngược lại, cha mẹ cũng có năm chức năng và bổn phận của mình đối với con cái.
a. Ngăn con đừng để làm ác.
b. Chỉ bày những điều ngay lành.
c. Thương yêu đến tận xương tủy.
d. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp.
e. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng.
Đức Phật dạy:
“Này Thiện Sinh, kẻ làm con kính thuận và cung phụng cha mẹ thế thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ” và ngược lại như trên.
2/ Đối với chồng và vợ cũng phải có năm điều.
- Chồng đối với vợ phải thực hiện đầy đủ năm chức năng làm chồng của mình trong cuộc sống thường ngày đối với vợ:
a. Lấy lễ đối đãi nhau.
b. Oai nghiêm không nghiệt.
c. Cho ăn mặc phải thời.
d. Cho trang sức phải thời.
e. Phó thác việc nhà.
- Ngược lại vợ cũng phải hoàn thành năm chức năng làm vợ của mình đối với chồng:
a. Dậy trước.
b. Ngồi sau.
c. Nói lời hòa nhã.
d. Kính nhường tùy thuận.
e. Đón trước ý chồng.
Phật dạy:
“Này Thiện Sinh, ấy là vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau, như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ” và ngược lại như trên.
3/ Đối với chủ tớ cũng phải có năm điều.
- Chủ nhà đối với những người giúp việc trong gia đình cũng phải hoàn thành đúng năm chức năng và bổn phận của mình đối với những người giúp việc:
a. Tùy khả năng mà sai sử.
b. Phải thời cho ăn uống.
c. Phải thời thưởng công lao.
d. Thuốc thang khi bệnh.
e. Cho có thời giờ nghỉ ngơi.
- Ngược lại những người giúp việc trong gia đình thì cũng phải hoàn thành đầy đủ năm chức năng và bổn phận của mình để giúp chủ nhà:
a. Dậy sớm.
b. Làm việc chu đáo.
c. Không gian cắp.
d. Làm việc có lớp lang.
e. Bảo tồn danh giá chủ.
Đức Phật dạy:
“Này Thiện Sinh, nếu chủ đối với tớ được như vậy thì phương ấy được an ổn không điều chi lo sợ” và ngược lại như trên.
Đó là năm điều kiện cần và đủ để những người thân thuộc cùng sống trong một gia đình, có liên hệ trực tiếp hằng ngày trong một gia đình cần phải có của một gia đình Phật tử chúng ta, nếu gia đình đó muốn có hạnh phúc an vui thường xuyên hiện hữu trong gia đình. Ở đây vừa có liên hệ huyết thống và liên hệ trực tiếp trong một gia đình thuộc phạm vi nhỏ, ngoài ra chúng ta còn có những quan hệ với, thuộc phạm vi gián tiếp, mà gần nhất là bà con quyến thuộc, xa chút nữa là Sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn cho đến bạn bè.
b/ Xã hội:
Đây là những quan hệ với xã hội không phải là những quan hệ trực tiếp như trong một gia đình, mà là những quan hệ gián tiếp rộng ra ngoài xã hội, mà một thành viên trong một gia đình, trong một xã hội cộng sinh cần phải có những liên hệ duyên khởi trong cuộc sống này. Qua đó, chúng cũng cần có những điều kiện để điều hòa cuộc sống, trong một trật tự mà mọi thành viên trong xã hội đó tham gia và, cần hoàn thành chức năng làm người đúng nghĩa của nó mới mong mang đến hạnh phúc cho mọi người được. Theo đức Phật mối quan hệ đó phải đặt nền tảng trên những điều kiện như dưới đây chúng tôi sẽ trình bày, đối với mỗi thành viên trong xã hội, và mỗi thành viên phải hoàn thành chức năng bổn phận của mình đối với chính mình trước đã, và sau đó mới đến xã hội, và ngược lại.
1/ Chúng ta đối với bà con và, ngược lại.
- Đối với bà con chúng ta phải lấy năm điều thân kính đối với bà con[1]:
a. Chu cấp.
b. Nói lời hiền hòa.
c. Giúp đạt mục đích.
d. Đồng lợi[2]
e. Không khi dối.
- Bà con cũng phải lấy năm điều đối lại:
a. Che chở cho mình khỏi buông lung.
b. Che chở cho mình khỏi hao tài vì buông lung.
c. Che chở khỏi sự sợ hãi.
d. Khuyên răn nhau lúc ở chỗ vắng người.
e. Thường ngợi khen nhau.
Đức Phật dạy:
“Này Thiện Sinh! Người biết thân kính bà con như vậy thì phương ấy được yên ổn không điều chi lo sợ” và ngược lại như trên.
2/ Đệ tử (chúng ta) đối với Sư trưởng và, ngược lại.
- Đệ tử cung phụng thờ kính Sư trưởng có năm việc:
a. Hầu hạ cung cấp điều cần.
b. Kính lễ cúng dường.
c. Tôn trọng quý mến.
d. Thầy có dạy bảo điều gì không trái nghịch.
e. Thầy có dạy bảo điều gì nhớ kỹ không quên.
Kẻ làm đệ tử cần phải hoàn thành bổn phận cung phụng thờ kín Sư trưởng với năm điều ấy.
- Thầy cũng có năm điều để săn sóc đệ tử:
a. Dạy dỗ có phương pháp.
b. Dạy những điều chưa biết.
c. Giải nghĩa rành rõ những điều trò hỏi.
d. Chỉ cho những bạn lành.
e. Dạy hết những điều mình biết không lẫn tiếc.
Đức Phật dạy:
“Này Thiện Sinh, nếu đệ tử kính thuận, cung kính Sư trưởng, thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.” và ngược lai như trên.
3/ Chúng ta đối với hàng Sa-môn, Bà-la-môn, và ngược lại.
- Kẻ đàn việt chúng ta cung phụng cúng dường các hàng Sa-môn, Bà-la-môn với năm điều:
a. Thân hành từ.
b. Khẩu hành từ.
c. Ý hành từ.
d. Đúng thời cúng thí.
e. Không đóng cửa khước từ.
- Ngược lại, Sa-môn, Bà-la-môn cũng khuyên dạy chúng ta theo sáu điều[3]:
a. Ngăn ngừa chớ để làm ác.
b. Chỉ dạy điều lành.
c. Khuyên dạy với thiện tâm.
d. Cho nghe những điều chưa nghe.
e. Những gì đã được nghe làm cho hiểu rõ.
g. Chỉ vẻ con đường sanh thiên.
Đức Phật dạy:
“Này Thiện Sinh, nếu đàn việt kính phụng hàng Sa-môn, Bà-la-môn như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ” và ngượi lại như trên.
Tóm lại, muốn hoàn thành một nam nữ Phật tử chân chánh đúng nghĩa của nó, thì như đức Phật đã dạy, trước hết phải hoàn thành chức năng làm người của chính mỗi người trong chúng ta, kế đến cá nhân chúng ta đối với những thành viên gần nhất là gia đình, và xa hơn nữa là ngoài xã hội, và ngược lại, mỗi người trong xã hội sau khi hoàn thành chức năng và bổn phận của chính mình rồi sau đó mới đối với xã hội, gia đình như người khác đã đối với chính mình. Có như vậy chính bản thân của mỗi người an lạc hạnh phúc thì gia đình xã hội mới an lạc và hạnh phúc được. Nếu cá nhân mỗi thành viên mà không hoàn thành chức năng và bổn phận của chính mình thì sẽ không có bất cứ một xã hội nào được gọi là an lành hạnh phúc cả.
Thích Đức Thắng.(Hết)
Chú thích:
1. Hán: thân tộc 親 族; đoạn trên: thân đảng.
2. Tức bốn nhiếp sự: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Pāli: dāna, peyyavajja, atthacariya, samānatta.
3. No. 26. 135: tớ phụng sự theo 9 điều.
[Tập san Pháp Luân - số 5, tr.]
I. DUYÊN KHỞI:
a/ Nguyên nhân xa:
Vì xã hội Ấn Độ vào lúc bấy giờ, chính trị thì phân chia thành bốn giai cấp rõ ràng, có kẻ thống trị và người bị trị. Bất công xã hội ngày càng được củng cố bởi các hàng Tăng lữ Bà-la-môn và, giai cấp vua chúa. Hai giai cấp này đại diện cho kẻ thống trị, họ bóc lột tận xương tủy hai giai cấp dưới Phệ-xá, Thủ-đà-la; và biến hai giai cấp này thành những kẻ phục vụ cho hai giai cấp trên. Nhất là giai cấp Thủ-đà-la suốt đời làm nô lệ cho hai giai cấp trên như là một truyền thống cha truyền con nối, từ đời này sang đời khác. Về tư tưởng thì bị phân hóa, theo kinh Trường A-hàm 14, kinh Phạm Động thì vào lúc bấy giờ xã hội Ấn Độ có 62 loại kiến giải tà kiến của ngoại đạo. Đạo đức xã hội vào lúc bấy giờ dựa vào thần quyền. Tất cả mọi sinh hoạt đạo đức của con người, đều đặt đức tin vào sự ban phước giáng họa của thần linh. Con người không làm chủ được chính mình, mà tùy thuộc vào một thượng đế tối cao, hay những thần linh nào khác, để rồi đánh mất tánh tự chủ và, trở thành vong thân.
Đứng trước một xã hội như thế, muốn trở lại với chính mình, và làm chủ vận mạng của chính mình thì dứt khoát phải từ bỏ quyền uy của Thánh kinh Veda, cũng như quyền uy của Phạm thiên như là một vị sáng thế và phải cắt đứt mọi mối quan hệ giữa người và thần linh, và chỉ nhìn nhận mối quan hệ duyên khởi giữa người và người, giữa người và mọi vật chung quanh với quan hệ bình đẳng. Lúc này con người mới thể hiện được tính nhân bản mà con người cần phải có trong sự hiện hữu của chính mình qua cuộc sống.
b/ Nguyên nhân gần:
Nhân một buổi sáng đức Thế Tôn vào thành Xá-vệ khất thực, gặp một thanh niên tên là Thiện Sinh (Singālovāda) đang làm lễ ngoài thành, đức Phật hỏi lý do. Thiện Sinh trả lời là lúc cha mình sắp qua đời, người có dặn dò sáng nào cũng nên làm lễ sáu phương: Đông, Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới. Đức Phật liền chỉ dạy cho Thiện Sinh biết trong pháp của Ta cũng có lễ sáu phương, nhưng không có ý nghĩa như vậy.
Đức Phật giảng nói kinh này, nội dung chỉ rõ nếp sống đạo đức của người Phật tử tại gia, thay vì lễ phương Đông là lễ trời Đế Thích, thì lễ cha mẹ. Thay vì lễ phương Nam là lễ Diêm La vương, thì lễ sư trưởng. Thay vì lễ phương Tây là lễ Bà-la-na thiên thì lễ vợ. Thay vì lễ phương Bắc là lễ Câu-tỳ-la thiên thì lễ bạn bè. Thay vì lễ phương Dưới là lễ Vu Hỏa thiên thì lễ tôi tớ. Thay vì lễ phương Trên là lễ Vu Phong thiên thì lễ Sa-môn, Bà-la-môn. Nhân phương pháp lễ lạy những người quá cố này, đức Phật dạy người Phật tử tại gia cần phải có bổn phận đối với chính mình và, đối với những quan hệ chung quanh.
II. ĐỐI VỚI BẢN THÂN:
Muốn trở thành một Phật tử tại gia chân chính, trước hết phải tự hoàn thiện bản thân chính mình trước đã, bằng cách quay về nương tựa nơi ba ngôi báu.
1/ Phật: Người đã giác ngộ hoàn toàn bản thể vũ trụ vạn hữu, các pháp hữu tình cũng như vô tình, các pháp xuất thế gian cũng như thế gian, các pháp hữu vi cũng như vô vi.
2/ Pháp: Là những lời dạy về những sở ngộ của đức Phật về phương pháp giác ngộ các pháp trong vũ trụ đưa đến giải thóat khổ đau và đạt an vui tịch diệt Niết-bàn.
3/ Tăng: Là đoàn thể Tăng già, hòa hợp thanh tịnh, là những người nối dõi hạt giống trí tuệ của chư Phật; đại diện cho chư Phật truyền trao Chánh pháp lại cho mọi người, khiến cho mọi người cùng giác ngộ như chư Phật.
Sau khi đã quay về nương tựa nơi ba ngôi báu, người Phật tử cần phải phát tâm cầu mong đạt được giác ngộ như chư Phật.
Kế đến phải giữ gìn, không được phạm vào những cấm giới mà mình đã nguyện thọ trì trong khi quy y thọ giới.
1/ Không sát hại những sinh vật có mạng sống.
2/ Không được trộm cắp những vật của kẻ khác mà họ không cho.
3/ Không được tà hạnh, (phải sống một nếp sống trong sạch, không phá vỡ tình cảm hạnh phúc gia đình mình, và hạnh phúc tình cảm gia đình kẻ khác. Không vượt qua khỏi chức năng làm vợ làm chồng của mỗi người.)
4/ Không được nói dối.
5/ Không được uống rượu.
Nếu phạm 4 điều giới cấm trên gọi là phạm ba nghiệp thân, khẩu và ý. Vì sao vậy? Vì hành vi của thân có ba: sát hại, trộm cắp, tà dâm; hành vi của miệng có bốn: nói dối, nói lời thêu dệt, nói hai lưỡi, nói lời thô ác. Nếu thân và miệng tạo ra những hành vi để trở thành nghiệp thì những tạo tác của thân và miệng ấy cũng chính là sự tạo tác của ý. Vì ý làm chủ, ý sai khiến thân và miệng tạo tác. Ý luôn câu hữu với tham, sân, si để nuôi lớn bản ngã; nên tham, sân, si là ba động cơ thúc đẩy ý thực hiện việc nuôi lớn bản ngã và vô minh qua thân và miệng trong tạo tác.
Người Phật tử muốn sống cuộc sống hạnh phúc thanh tao trong tâm hồn mình, thì phải giữ năm điều giới cấm trên. Vì lúc chúng ta giữ giới, không những tránh được ba nghiệp ác của thân, miệng và ý trói buộc chúng ta vào sinh tử luân hồi khổ đau, mà còn mang lại cho người và vật những lợi lạc do việc giữ gìn giới của chúng ta mà ra.
Ngoài ra đức Phật còn phân tích có sáu nguyên nhân làm cho người thế gian khuynh gia bại sản đó là:
1/ Nghiện rượu,
2/ Cờ bạc,
3/ Sống phóng đãng (rong chơi không đúng lúc)
4/ Say mê kỹ nhạc (la cà đình đám)
5/ Giao du bạn xấu,
6/ Lười biếng.
Đức Phật dạy:
“Lại nữa, này Thiện Sinh, nên biết, uống rượu có sáu điều lỗi: một, hao tài; hai, sanh bệnh; ba, đấu tranh; bốn, tiếng xấu đồn khắp; năm, bộc phát nóng giận; sáu, tuệ giảm dần.
“Này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả ấy uống rượu không thôi thì nghiệp gia sản ngày mỗi tiêu tán.
“Này Thiện Sinh, cờ bạc có sáu điều tai hại: một, tài sản ngày một hao hụt; hai, thắng thì gây thù oán; ba, bị kẻ trí chê; bốn, mọi người không kính nể tin cậy; năm, bị xa lánh; và sáu, sanh tâm trộm cắp. Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả mê đánh bạc mãi thì gia sản ngày mỗi tiêu tán.
“Này Thiện Sinh, phóng đãng có sáu lỗi: một, không tự phòng hộ mình; hai, không phòng hộ được tài sản và hàng hóa; ba, không phòng hộ được con cháu; bốn, thường hay bị sợ hãi; năm, bị những điều khốn khổ ràng buộc xác thân; sáu, ưa sinh điều dối trá. Đó là sáu điều lỗi. Nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả phóng đãng mãi không thôi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.
“Này Thiện Sinh, say mê kỹ nhạc có sáu lỗi: một, tìm đến chỗ ca hát; hai, tìm đến chỗ múa nhảy; ba, tìm đến chỗ đàn địch; bốn, tìm đến chỗ tấu linh tay; năm, tìm đến chỗ có âm thanh vi diệu; sáu, tìm đến chỗ đánh trống[1]. Đó là sáu tai hại của kỹ nhạc. Nếu trưởng giả hoặc con trai trưởng giả say mê kỹ nhạc mãi không thôi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.
“Này Thiện Sinh, giao du với bạn xấu có sáu lỗi: một, tìm cách lừa dối; hai, ưa chỗ thầm kín; ba, dụ dỗ nhà người khác; bốn, mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người khác; năm, xoay tài lợi về mình; sáu, ưa phanh phui lỗi người. Đó là sáu tai hại về bạn xấu. Nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả làm bạn với kẻ ác mãi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.
“Này Thiện Sinh, lười biếng có sáu lỗi; một, khi giàu sang không chịu làm việc; hai, khi nghèo không chịu siêng năng; ba, lúc lạnh không chịu siêng năng; bốn, lúc nóng không chịu siêng năng; năm, lúc sáng trời không chịu siêng năng; sáu, lúc tối trời không chịu siêng năng. Đó là sáu điều tai hại của sự lười biếng. Nếu trưởng giả hay con trưởng giả lười biếng mãi, thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.”
Trong bạn bè ta, đức Phật phân ra làm bốn loại bạn xấu:
1/ Cho ít, xin nhiều mưu lợi cá nhân,
2/ Đa ngôn xảo mép ngọt ngào, chỉ biết nói không biết làm,
3/ Nịnh hót (trước khen sau chê) tán đồng việc ác, chống lại việc thiện,
4/ Bạn ác ăn tiêu xa xỉ (rượu chè, cờ bạc, rong chơi phóng túng.)
Phật bảo Thiện Sinh:
“Hạng úy phục thì thường hay làm bốn việc: một, cho trước đoạt lại sau; hai, cho ít mong trả nhiều; ba, vì sợ gượng làm thân; bốn, vì lợi gượng làm thân.
“Hạng mỹ ngôn thì thường hay làm bốn việc: một, lành dữ đều chiều theo; hai, gặp hoạn nạn thì xa lánh; ba, ngăn cản những điều hay; bốn, thấy gặp nguy tìm cách đun đẩy.
“Hạng không thuận thì thường làm bốn việc: một, việc trước dối trá; hai, việc sau dối trá; ba, việc hiện dối trá; bốn, thấy có một chút lỗi nhỏ đã vội trách phạt.
“Hạng bạn ác thì thường làm bốn việc: một, bạn lúc uống rượu; hai, bạn lúc đánh bạc; ba, bạn lúc dâm dật; bốn bạn lúc ca vũ.”
Và ngược lại, theo đức Phật có bốn hạng người bạn tốt thân nên thân cận:
1/ Ngăn ta làm điều quấy, thường khuyên ta làm điều lợi ích,
2/ Giàu lòng từ bi thương yêu người vật,
2/ Biết giúp đỡ,
4/ Chung thỉ, đồng sự với mình.
Phật lại bảo Thiện Sinh:
“Này Thiện Sinh, hạng ngăn quấy thì thường làm bốn việc đem lại nhiều lợi ích và hay che chở: thấy người làm ác thì hay ngăn cản, chỉ bày điều chánh trực, có lòng thương tưởng, chỉ đường sinh Thiên[2]. Đó là bốn trường hợp ngăn cản việc quấy đem lại nhiều lợi ích và hay che chở. Hạng thương yêu thì thường làm bốn việc: Mừng khi mình được lợi, lo khi mình gặp hại, ngợi khen đức tốt mình, thấy mình nói ác thì tìm cách ngăn cản. Đó là bốn điều thương yêu đem lại nhiều lợi ích và hay che chở. Hạng giúp đỡ có bốn việc. Những gì là bốn? Đó là: che chở mình khỏi buông lung, che chở mình khỏi hao tài vì buông lung, che chở mình khỏi sợ hãi, khuyên bảo mình trong chỗ vắng người. Hạng đồng sự thì thường làm bốn việc: không tiếc thân mạng với bạn, không tiếc của cải với bạn, cứu giúp bạn khỏi sợ hãi, khuyên bảo bạn lúc ở chỗ vắng người.”
Những điều trên đây đức Phật dạy cho Phật tử tại gia, nếu muốn trở thành một Phật tử chân chính thì, phải tự thân mình thực hành những điều đó trong cuộc sống của chính mọi người. Có nghĩa là mọi người trước hết hãy hoàn thiện chính mình đã, rồi sau mới đem chúng hướng dẫn cho mọi người cũng thực hành như chính mình đã thực hành.
Thích Đức Thắng. (Còn tiếp)
[1] Hán: ca, vũ, cầm sắt 歌舞琴瑟 (Pāli: vādita: tấu nhạc), ba nội tảo 波內早 (Pāli: pānissara?), đa-la-bàn 多羅盤 (Pāli: saravant?), thủ ha na 首呵那 (Pāli ? So sánh: kumbhathunanti). No. 26. 135: 1. Hỷ văn ca 喜聞歌 ; 2. Hỷ kiến vũ 喜見舞; 3. Hỷ vãng tác nhạc 喜往作 樂; 4. Hỷ kiến lộng linh 喜 見 弄 泠
[2] Hán; thị nhân thiên lộ 示人天路. Các bản Nguyên, Minh: thị nhân đại lộ 示人大路. Pāli: saggassa maggam acikkhati: chỉ cho con đường lên trời.
[Tập san Pháp Luân - số 4]