Trang 1 / 2(PLO) Muốn trở thành một Phật tử chân chính thì phải tự thân mình thực hành những điều đó trong cuộc sống của chính mọi người.
(Tiếp theo)
III. BẢN THÂN TA ĐỐI VỚI NHỮNG QUAN HỆ CHUNG QUANH:
Đức Phật dạy người Phật tử không những chỉ sống cho chính bản thân mình thôi, mà còn sống với, và liên hệ với những quan hệ chung quanh mình. Bởi vậy, cho nên Phật tử phải có bổn phận hoàn thành chức năng làm người của mình, từ phạm vi nhỏ hẹp gia đình cho đến phạm vi rộng lớn là cộng đồng xã hội. (Ở đây chúng ta phải hiểu sự quan hệ đó, không những chỉ dành cho người với người mà thôi, mà còn chỉ chung cho mọi sự vật có liên hệ duyên khởi có ích lợi cho chúng ta). Vì sự tồn tại và hạnh phúc của chính ta, chính là sự tồn tại và hạnh phúc của cộng đồng xã hội.
a/ Gia đình:
Vì liên hệ huyết thống máu mủ đắp đổi lẫn nhau và những liên hệ trực tiếp hằng ngày với nhau:
1/ Đối với cha mẹ và con cái:
- Người con phải hoàn thành năm điều kính thuận đối cha mẹ.
a. Cung phụng đầy đủ về vật chất cũng như tinh thần, không để thiếu thốn.
b. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết.
c. Không trái điều cha mẹ làm.
d. Không trái điều cha mẹ dạy.
e. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm.
Đó là năm điều kiện bắt buộc người con phải hoàn thành chức năng làm con và, bổn phận làm người của mình đối với cha mẹ trong một gia đình, nếu gia đình đó muốn có cuộc sống êm ấm đầy ấp hạnh phúc thường xuyên trong nhà.
- Ngược lại, cha mẹ cũng có năm chức năng và bổn phận của mình đối với con cái.
a. Ngăn con đừng để làm ác.
b. Chỉ bày những điều ngay lành.
c. Thương yêu đến tận xương tủy.
d. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp.
e. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng.
Đức Phật dạy:
“Này Thiện Sinh, kẻ làm con kính thuận và cung phụng cha mẹ thế thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ” và ngược lại như trên.
2/ Đối với chồng và vợ cũng phải có năm điều.
- Chồng đối với vợ phải thực hiện đầy đủ năm chức năng làm chồng của mình trong cuộc sống thường ngày đối với vợ:
a. Lấy lễ đối đãi nhau.
b. Oai nghiêm không nghiệt.
c. Cho ăn mặc phải thời.
d. Cho trang sức phải thời.
e. Phó thác việc nhà.
- Ngược lại vợ cũng phải hoàn thành năm chức năng làm vợ của mình đối với chồng:
a. Dậy trước.
b. Ngồi sau.
c. Nói lời hòa nhã.
d. Kính nhường tùy thuận.
e. Đón trước ý chồng.
Phật dạy:
“Này Thiện Sinh, ấy là vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau, như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ” và ngược lại như trên.
3/ Đối với chủ tớ cũng phải có năm điều.
- Chủ nhà đối với những người giúp việc trong gia đình cũng phải hoàn thành đúng năm chức năng và bổn phận của mình đối với những người giúp việc:
a. Tùy khả năng mà sai sử.
b. Phải thời cho ăn uống.
c. Phải thời thưởng công lao.
d. Thuốc thang khi bệnh.
e. Cho có thời giờ nghỉ ngơi.
- Ngược lại những người giúp việc trong gia đình thì cũng phải hoàn thành đầy đủ năm chức năng và bổn phận của mình để giúp chủ nhà:
a. Dậy sớm.
b. Làm việc chu đáo.
c. Không gian cắp.
d. Làm việc có lớp lang.
e. Bảo tồn danh giá chủ.
Đức Phật dạy:
“Này Thiện Sinh, nếu chủ đối với tớ được như vậy thì phương ấy được an ổn không điều chi lo sợ” và ngược lại như trên.
Đó là năm điều kiện cần và đủ để những người thân thuộc cùng sống trong một gia đình, có liên hệ trực tiếp hằng ngày trong một gia đình cần phải có của một gia đình Phật tử chúng ta, nếu gia đình đó muốn có hạnh phúc an vui thường xuyên hiện hữu trong gia đình. Ở đây vừa có liên hệ huyết thống và liên hệ trực tiếp trong một gia đình thuộc phạm vi nhỏ, ngoài ra chúng ta còn có những quan hệ với, thuộc phạm vi gián tiếp, mà gần nhất là bà con quyến thuộc, xa chút nữa là Sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn cho đến bạn bè.
b/ Xã hội:
Đây là những quan hệ với xã hội không phải là những quan hệ trực tiếp như trong một gia đình, mà là những quan hệ gián tiếp rộng ra ngoài xã hội, mà một thành viên trong một gia đình, trong một xã hội cộng sinh cần phải có những liên hệ duyên khởi trong cuộc sống này. Qua đó, chúng cũng cần có những điều kiện để điều hòa cuộc sống, trong một trật tự mà mọi thành viên trong xã hội đó tham gia và, cần hoàn thành chức năng làm người đúng nghĩa của nó mới mong mang đến hạnh phúc cho mọi người được. Theo đức Phật mối quan hệ đó phải đặt nền tảng trên những điều kiện như dưới đây chúng tôi sẽ trình bày, đối với mỗi thành viên trong xã hội, và mỗi thành viên phải hoàn thành chức năng bổn phận của mình đối với chính mình trước đã, và sau đó mới đến xã hội, và ngược lại.
1/ Chúng ta đối với bà con và, ngược lại.
- Đối với bà con chúng ta phải lấy năm điều thân kính đối với bà con[1]:
a. Chu cấp.
b. Nói lời hiền hòa.
c. Giúp đạt mục đích.
d. Đồng lợi[2]
e. Không khi dối.
- Bà con cũng phải lấy năm điều đối lại:
a. Che chở cho mình khỏi buông lung.
b. Che chở cho mình khỏi hao tài vì buông lung.
c. Che chở khỏi sự sợ hãi.
d. Khuyên răn nhau lúc ở chỗ vắng người.
e. Thường ngợi khen nhau.
Đức Phật dạy:
“Này Thiện Sinh! Người biết thân kính bà con như vậy thì phương ấy được yên ổn không điều chi lo sợ” và ngược lại như trên.
2/ Đệ tử (chúng ta) đối với Sư trưởng và, ngược lại.
- Đệ tử cung phụng thờ kính Sư trưởng có năm việc:
a. Hầu hạ cung cấp điều cần.
b. Kính lễ cúng dường.
c. Tôn trọng quý mến.
d. Thầy có dạy bảo điều gì không trái nghịch.
e. Thầy có dạy bảo điều gì nhớ kỹ không quên.
Kẻ làm đệ tử cần phải hoàn thành bổn phận cung phụng thờ kín Sư trưởng với năm điều ấy.
- Thầy cũng có năm điều để săn sóc đệ tử:
a. Dạy dỗ có phương pháp.
b. Dạy những điều chưa biết.
c. Giải nghĩa rành rõ những điều trò hỏi.
d. Chỉ cho những bạn lành.
e. Dạy hết những điều mình biết không lẫn tiếc.
Đức Phật dạy:
“Này Thiện Sinh, nếu đệ tử kính thuận, cung kính Sư trưởng, thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.” và ngược lai như trên.
3/ Chúng ta đối với hàng Sa-môn, Bà-la-môn, và ngược lại.
- Kẻ đàn việt chúng ta cung phụng cúng dường các hàng Sa-môn, Bà-la-môn với năm điều:
a. Thân hành từ.
b. Khẩu hành từ.
c. Ý hành từ.
d. Đúng thời cúng thí.
e. Không đóng cửa khước từ.
- Ngược lại, Sa-môn, Bà-la-môn cũng khuyên dạy chúng ta theo sáu điều[3]:
a. Ngăn ngừa chớ để làm ác.
b. Chỉ dạy điều lành.
c. Khuyên dạy với thiện tâm.
d. Cho nghe những điều chưa nghe.
e. Những gì đã được nghe làm cho hiểu rõ.
g. Chỉ vẻ con đường sanh thiên.
Đức Phật dạy:
“Này Thiện Sinh, nếu đàn việt kính phụng hàng Sa-môn, Bà-la-môn như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ” và ngượi lại như trên.
Tóm lại, muốn hoàn thành một nam nữ Phật tử chân chánh đúng nghĩa của nó, thì như đức Phật đã dạy, trước hết phải hoàn thành chức năng làm người của chính mỗi người trong chúng ta, kế đến cá nhân chúng ta đối với những thành viên gần nhất là gia đình, và xa hơn nữa là ngoài xã hội, và ngược lại, mỗi người trong xã hội sau khi hoàn thành chức năng và bổn phận của chính mình rồi sau đó mới đối với xã hội, gia đình như người khác đã đối với chính mình. Có như vậy chính bản thân của mỗi người an lạc hạnh phúc thì gia đình xã hội mới an lạc và hạnh phúc được. Nếu cá nhân mỗi thành viên mà không hoàn thành chức năng và bổn phận của chính mình thì sẽ không có bất cứ một xã hội nào được gọi là an lành hạnh phúc cả.
Thích Đức Thắng.(Hết)
Chú thích:
1. Hán: thân tộc 親 族; đoạn trên: thân đảng.
2. Tức bốn nhiếp sự: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Pāli: dāna, peyyavajja, atthacariya, samānatta.
3. No. 26. 135: tớ phụng sự theo 9 điều.
[Tập san Pháp Luân - số 5, tr.]