Dòng người bất tận

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Du khách đến Huế thường đến viếng đàn Nam Giao, vốn khá nổi tiếng và nằm gần thành phố.

Du khách đến Huế thường đến viếng đàn Nam Giao, vốn khá nổi tiếng và nằm gần thành phố. Từ Nam Giao, rẽ tay mặt, khách có thể đi thăm nhiều lăng tẩm chùa chiền cổ kính. Trên đường rẽ phía tay mặt, chỉ cách Nam Giao không đầy một cây số, có một con đường nhỏ dẫn vào một ngôi chùa không mấy ai biết đến. Đó là chùa Châu Lâm, “chùa nhà” của tôi.

Chùa Châu Lâm không mấy ai biết đến là phải. Đó là một ngôi chùa chỉ mới được xây dựng cách đây hơn 70 năm, là một ngôi chùa nhỏ trong số hàng trăm ngôi chùa nhỏ bé khác tại Huế. Dường như các gia đình xứ Huế ai cũng có một ngôi “chùa nhà” như ngày nay xã hội tân thời ai cũng có một “bác sĩ nhà”. Không rõ cơ duyên nào mà gia đình tôi tuy ở tận Bao Vinh hầu như nằm phía đầu kia của thành phố, nhưng không chịu lấy một ngôi chùa nào đó ở Hương Trà, Hương Vinh mà lặn lội lên tận sườn núi Ngự Bình, tìm ngôi chùa nhỏ đó để xin làm đệ tử và làm nơi qui y cho con cháu.

Nói “lặn lội” thật ra không hề quá đáng vì ấn tượng của tôi với chùa Châu Lâm thường gắn liền với mùa Đông xứ Huế. Ngày xưa, tôi vốn thường tháp tùng ông tôi lên thăm chùa vào dịp Tết Nguyên Đán, một mùa mưa gió và giá lạnh của miền Trung. Trong những ngày đầu xuân của thập niên năm mươi đó, người ta thường đi xích-lô mà khách được che bằng một miếng vải bạt lỏng lẻo. Xe dừng trước cổng ở ngoài đường cái. Ông cháu chúng tôi lội đường đất vào chùa và cuối cùng leo một cái dốc mà thời xa xưa đó tôi cho là cao lắm. Một cây mít đón chào chúng tôi nhưng tôi nào có hơi sức nhìn đến nó. Cái dốc này dường như đầy đất sét trơn trợt, đi giày mà tôi vẫn cố bấm chân thật chặt cho khỏi té ngã.

Trong chính điện, tôi đợi ông tôi lạy Phật xong mới đến phiên mình. Đến chùa, lạy Phật là việc đầu tiên phải làm, điều mà tôi vẫn còn giữ đến ngày nay. Sau khi lễ Phật, chúng tôi xuống “nhà dưới” thăm Ôn Châu Lâm, Hòa thượng trụ trì của chùa. Ngày đó, tôi đâu biết Ôn tuy mới gần sáu mươi nhưng là một vị Tăng sĩ đã thực hiện nhiều Phật sự to lớn, đã dày công tham gia xây dựng phong trào Phật giáo tại miền Trung, là huynh đệ với Hòa thượng Tịnh Khiết. Tôi cũng không hề biết sau khi tu học, tham vấn và hoạt động nhiều nơi, Ôn đã về đây khai sơn ngôi chùa Châu Lâm, chỗ mà tôi đang ngồi co ro trong những mùa Đông lạnh giá đó. Đối với con mắt trẻ thơ hồi đó, Ôn là thầy của ông tôi, là người có một khuôn mặt vừa nghiêm nghị, vừa hiền hậu. Ôn là người rất thoát tục cao xa, dường như không có gì của thế gian va chạm đến, tôi nghĩ thế. Tôi lơ đãng ngồi nghe những câu chuyện đạo nho nhỏ, đợi đến lúc được phát bánh mứt. Trong không khí lạnh và đầy sương của sườn núi Ngự Bình, không gian thấm đượm mùi thơm ngát của hương trầm và thỉnh thoảng được điểm nhẹ bằng vài tiếng chuông thong thả. Chùa nào đánh chuông, chùa nào thắp hương, đó là điều không ai hỏi đến trên sườn núi xứ Huế. Những ngày đi chùa giá lạnh tưởng chừng như bất đắc dĩ đó, nào ngờ để lại ấn tượng sâu xa trong tôi để mình cứ mơ mãi về một ngày Tết Nguyên Đán được về thăm quê và đi lại trên sườn núi Ngự Bình.

Bẵng đi mấy mươi năm xa quê, tôi không về lại Châu Lâm. Một ngày nọ trong năm 1977, tôi nhận được thư từ xứ Huế, cũng vào một ngày Xuân, báo tin Ôn Châu Lâm đã mất. Tôi tự hỏi, như thế Ôn đã chứng kiến những lần dâu biển của Đạo pháp và đất nước, những cảnh vùi dập của năm 1963, những biến cố miền Trung của năm 1965 và cuộc đổi dời trong năm 1975. Ôn đã nghĩ sao? Rồi tôi tự trả lời, chuyện thế gian chắc không thể tác động đến Ôn, một người tu hành ẩn dật đích thực. Rồi cũng nhiều năm mà tôi đi tham bái chùa chiền trong nhiều nước khác nhau và thấy rõ một điều, có lẽ trên đời ít có chùa nào nhỏ hơn chùa nhà của mình, nhưng cũng khó có những pho tượng nào đẹp hơn tượng chùa mình.

Tháng 12 năm 2002, tôi lại đến thăm chùa trong một ngày mưa phùn giá lạnh. Cây mít ngày xưa không còn nữa và dốc lên chùa bây giờ xem ra rất tầm thường, xe Honda chạy thẳng lên sân. Sau khi lên chánh điện lạy Phật và ngắm lại các bức tượng xưa mà tôi đã thầm mang theo hình ảnh đi khắp nơi trên thế giới, tôi ngồi lại ngay chỗ ngày xưa ông tôi ngồi, còn ngồi chỗ của Ôn Châu Lâm là thầy Phước Thành, một vị đệ tử của Ôn. Bên cạnh tôi là chú Hạnh Viên, một vị xuất gia còn rất trẻ, từ miền Nam ra đây tu học. Theo truyền thống mùa Đông xứ Huế , chúng tôi rút chân lên ghế cho ấm, ngồi uống trà trong ngôi nhà xưa, nơi Ôn từng sống hẳn cũng gần 40 năm. Tôi nhìn ảnh của Ôn, tưởng chừng như thời gian đọng lại trong căn nhà mờ tối này.

Tôi nhìn chú Hạnh Viên với chút thú vị. Trong Nam xa xôi tại sao chú lại “lặn lội” ra đây tu học, bộ trong đó không có chùa sao mà ra Huế chịu khổ vì lạnh và ẩm, nhất là tại sao chú lại chọn đúng ngôi chùa vô danh và nhỏ bé này. Chùa Châu Lâm của tôi bây giờ đã được đồn xa tiếng lành rồi chăng? Thời gian không hề đọng lại như tôi tưởng vì bây giờ trong ngôi chùa khang trang đã có điện thoại, có máy vi tính, có tủ sách, có internet.

Tôi nhìn thầy Phước Thành, tính ra thì Thầy hơn tôi có vài tuổi, y như ngày xưa Ôn hơn ông tôi vài tuổi. Ôi, thời gian đâu có bao giờ đọng lại, Ôn và ông tôi đã mất, còn tôi nay bằng cỡ tuổi ông tôi năm xưa. Chỉ căn nhà mờ tối này và mùi thơm của hương trầm mới không hề thay đổi. Tôi nhìn mắt thầy Phước Thành, hỏi thăm bệnh mắt của thầy. Thầy cho biết một bên mắt không thể cứu chữa được và bỗng buột miệng ngâm:

Phù nghiệp hệ thọ thân,    
Vị miễn hình lụy.               

(Bởi do nghiệp trói buộc mà có thân,
Chưa ai khỏi khổ lụy về thân).

Đó là hai câu đầu trong Qui sơn cảnh sách. Tôi đã biết Qui sơn cảnh sách là một tập luận nhằm khuyến cáo chư Tăng, nhưng hôm nay tôi nhận ra nó được bắt đầu bằng hai câu đầy lòng từ bi và thương xót. Thân người chỉ là tập hợp của những yếu tố vật chất, hai câu này vang lên như một lời cảm khái, đầy an ủi cho cuộc đời nhân sinh.

Tuy nãi tứ đại phù trì
Thường tương vi bội
Vô thường lão bịnh, bất dữ nhân kỳ         
Triêu tồn tịch vong, sát na dị thế.

(Tuy nhờ bốn đại giữ gìn
Nhưng chúng thường trái nghịch
Vô thường già bệnh, chẳng hẹn với người
Sớm còn tối mất, một sát-na đã qua đời khác).

Tôi nhìn hình Ôn, nhớ Ôn và ông tôi. Cả hai vị đã trường thọ nhưng quả có người sống một cuộc đời rất ngắn ngủi, quả là cái chết chẳng hẹn với người. Người Tây Tạng chẳng từng hay nói: “Kiếp sau có khi tới sớm hơn ngày mai”. Thấm thía thay! Tôi lắng nghe giọng ngâm trầm ấm của thầy Phước Thành và lắng nghe chính lòng mình, khám phá có vài điều khác lạ.

Những câu kinh luận như trong Qui sơn cảnh sách ngày xưa là những lời căn dặn thường tình nay bỗng có chiều sâu thẳm. Đó chính là những kết luận lớn nhất của con người. Những điều mà ta chỉ hiểu bằng trí năng, bằng lý luận nay là sự trải nghiệm đích thực của chính mình. Đạo Phật quả có nhiều mức độ và chiều kích mà có lẽ lòng người chỉ thấu hiểu nó sau khi bản thân mình đã sống trải và tâm phải đang dò tìm thực sự.

Tôi nhìn thầy Phước Thành với lòng hâm mộ giọng ngâm. Thầy cho biết Tăng sinh nào cũng phải thuộc nằm lòng Qui sơn cảnh sách từ hồi nhập môn. Tôi quay nhìn chú Hạnh Viên, chú mỉm cười gật đầu. Tôi lại khám phá ra một điều mới mẻ nơi chính mình. Thầy Phước Thành không quá xa tôi như hình ảnh của Ôn Châu Lâm ngày trước, vì một lẽ là chúng tôi cùng một thế hệ, nhưng một lẽ khác quan trọng hơn là tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ cả, một tu sĩ cũng có những “khổ lụy” về thân. Đúng thôi, chưa có ai được “vị miễn hình lụy”. Có lẽ ngày xưa Ôn Châu Lâm cũng thế mà tôi không biết chăng. Hình ảnh của một nhà tu thâm nghiêm của thời xa xưa bỗng biến đi và nhường chỗ cho một con người với lòng thương yêu gần gũi. Tôi nhìn hình Ôn, nhìn thầy Phước Thành, nhìn chú Hạnh Viên, nhìn chính mình và nhận ra một điều kết nối giữa bốn chúng tôi, một điều mà tôi chưa bao giờ nhận thấy thật rõ, đó là tình đồng đạo.

Tình đồng đạo, một điều vốn được nói đến quá nhiều để trở thành sáo ngữ, nhưng trong buổi sáng mùa Đông nọ tại Huế, tôi thấy vô cùng đích thực. Thoắt một cái tôi bỗng nhớ tới những người bạn quí đang sống trên đất nước Việt Nam, tại Pháp, tại Đức, có những người đã rất lâu tôi chưa gặp lại, nhớ cả những người tôi chưa bao giờ được gặp, chỉ trao đổi bằng thư từ. Tất cả giữa chúng ta có một điều chung, đó là những người cùng nhận đức Phật làm thầy. Tất cả đều ập về một lúc như thể trái đất chật ních những người đó, những người mà ta gọi là “Tăng”, một trong ba ngôi Tam bảo.

Trong một lúc tôi nhớ đến những bất mãn, những phê phán, những nghi kỵ của mình đối với nhiều thầy, nhiều bạn về các mặt như giáo lý, chủ trương, phép tu tập,... và nhận thấy mình phiến diện. Không phải vì những điều khác biệt đó không có, mà vì đầu óc thiển cận của mình chỉ cho thấy cái khác, cái riêng, mà không chịu thấy cái gốc rễ to lớn đã sinh ra muôn vạn lá cành, không thấy cái tình nghĩa, cái chung nhất của những người đi chung một đường. Không dại dột sao khi ta chỉ thấy sóng nhấp nhô khác nhau mà không thấy chất nước? Huống hồ gì những người như chúng ta không hề “chật ních” trên trái đất mà thật ra vô cùng mỏng yếu và đang bị các yếu tố xã hội phân hóa và xói mòn một cách không thương tiếc.

Nhưng tôi vẫn không tuyệt vọng. Tôi nhìn hình Ôn Châu Lâm và hai vị tu sĩ trong căn nhà mờ tối nọ của Ôn để lại và thấy tính chất liên tục của thời gian và đạo pháp. Sau Ôn có thầy Phước Thành, sau thầy Phước Thành có chú Hạnh Viên. Sau lớp người chúng tôi vẫn có những con người rất trẻ hướng về ánh sáng chân lý của tự thân. Những dòng người tự nguyện tiếp nhau đi trên một con đường đạo, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tôi bỗng nhớ đoàn người kéo nhau lên đỉnh Linh Thứu tại Ấn Độ để đảnh lễ đức Thế Tôn, họ cũng tự nguyện đi đường xa vất vả đến đó, tất cả cũng chỉ vì một lòng kính mộ sự thật.

Tôi chợt nhận ra rằng chính những khổ lụy về thân và những thử thách của xã hội mới làm ta thấu hiểu nhiều điều. Có những điều giản đơn mà sau nửa thế kỷ ta mới nhận ra nó. Đó là một ngày mùa Đông, trong chùa Châu Lâm vô danh và nhỏ bé...

Nguyễn Tường Bách.
[Tập san Pháp Luân - số 10]