(PLO) Vì có sự bất hòa xảy ra trong hoàng tộc, nguyên nhân là do tranh cãi về cái gối của một người gác cổng nên đức Phật kể câu chuyện này.
Đức Thế Tôn kể câu chuyện này tại vườn Cây đa gần thành Ca-tì-la-vệ (Kapilavatthu), nhân vì có sự bất hòa xảy ra trong hoàng tộc mà nguyên nhân dẫn đến bất hòa là do tranh cãi về cái gối của một người gác cổng.
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói với chư vị trong hoàng tộc:
- Thưa chư vị trong hoàng tộc, chư vị không nên tranh cãi, trong cùng một hoàng tộc mà tranh cãi với nhau thì thật không thích đáng. Vào đời quá khứ, dù là loài chim cũng đã đánh bại được kẻ thù khi chúng sống hòa hợp với nhau, và khi chúng xảy ra bất hòa thì phải chịu sự diệt vong.
Rồi theo lời thỉnh cầu của hoàng tộc, đức Thế Tôn kể câu chuyện Tiền thân dưới đây.
***
Thuở xưa, khi Phạm Dự (Brahmadatta) là vua xứ Ba-la-nại (Benares), Bồ-tát thọ sanh làm một con chim cút, thủ lĩnh của hàng ngàn con chim cút sống ở trong rừng. Bấy giờ, một người bẫy chim vì muốn bắt chim cút nên đi đến chỗ chim cút sống. Ông ta thường bắt chước tiếng kêu chim cút để dụ chúng đến, rồi chờ khi bầy chim kéo đến tập họp lại một chỗ, ông ta tung lưới chụp lên chúng và rút các mép lưới lại, tóm cả hết vào một mối, sau đó nhét chúng vào trong một cái giỏ, mang về nhà và bán kiếm tiền sinh sống.
Một hôm, Bồ-tát nói với bầy chim:
– Thưa các vị, người bẫy chim này đang tàn sát thân tộc của chúng ta. Ta có một phương kế khiến ông ta không thể bắt được chúng ta. Từ nay trở đi, mỗi khi ông ta tung lưới lên, các vị hãy thò đầu của mình qua các lỗ lưới và sau đó tất cả cùng mang lấy cái lưới bay đến một nơi mà các vị muốn, và ở đó, hãy hạ cái lưới xuống trên một bụi cây gai. Làm như vậy, tất cả chúng ta sẽ thoát khỏi nhiều mẻ lưới.
– Thật là hay. Cả bầy chim cùng đồng ý.
Ngày hôm sau, khi người bẫy chim chụp lưới lên bầy chim, chúng đã làm theo những gì mà Bồ-tát đã dặn. Chúng mang cái lưới bay lên và hạ lưới xuống trên một bụi cây gai rồi trốn thoát từ phía bên dưới, làm cho người bẫy chim phải đứng đấy gỡ lưới mãi cho đến khi chiều tối, sau đó trở về nhà mà trong tay chẳng có thứ gì. Bầy chim sử dụng mưu kế ấy liên tiếp nhiều ngày sau đó. Và như thế, người bẫy chim cứ phải chịu cái cảnh loay hoay gỡ lưới cho đến chiều tối và trở về nhà tay không. Thấy chồng cứ về nhà tay không hoài như vậy, người vợ tức giận nói:
– Ngày nào ông cũng trở về tay không. Tôi nghĩ là do ông nuôi dưỡng một cơ sở thứ hai nào đó.
Người bẫy chim nói:
– Không đâu bà ơi, tôi không nuôi dưỡng một cơ sở thứ hai, thứ ba nào cả. Sự thật là do những con chim cút đó bây giờ đã cùng hợp tác làm việc. Khi tôi tung lưới lên chúng, cả bầy cùng mang cái lưới đi, để lại nó trên một bụi cây gai và bỏ trốn. Nhưng chúng sẽ không thể sống mãi trong hòa hợp được đâu. Bà đừng lo, khi nào chúng bắt đầu cãi vã nhau, tôi sẽ bắt hết cả bọn chúng, rồi bà sẽ vui cười cho coi.
Nói vậy xong, ông ta đọc cho bà vợ nghe bài kệ này:
Khi hòa hợp có mặt
Chim mang lưới bay xa
Khi tranh cãi xuất hiện
Chúng rơi vào tay ta.
Không lâu sau đó, một con chim cút khi đậu xuống bãi đất kiếm mồi đã vô ý đạp lên đầu một con chim cút khác. Con chim cút này kêu lên một cách giận dữ.
– Kẻ nào đạp lên đầu ta thế.
– Ôi! xin lỗi, tôi đấy. Nhưng tôi không cố ý, xin đừng giận tôi. Chim cút thứ nhất nói.
Nhưng không thèm đếm xỉa đến câu trả lời phân trần này, chim cút thứ hai cứ ôm lòng sân hận, tiếp tục nói:
– Ngươi nghĩ là một mình ngươi có thể nhấc bổng cái lưới lên được sao?
Và thế là chúng bắt đầu lời qua tiếng lại, lớn tiếng mắng nhiếc lẫn nhau.
Khi nhìn thấy chúng cãi vã nhau như vậy, Bồ-tát nghĩ: “Mỗi khi đã có tranh cãi thì không có an toàn. Giờ thì bầy chim sẽ không còn nhấc nổi cái lưới lên được nữa rồi, và do đó chúng sẽ nhận lấy sự đại diệt vong. Gã săn chim rồi sẽ tìm được cơ may của mình. Thôi, ta không ở đây nữa.” Nghĩ như vậy, Bồ-tát cùng với đàn chim của mình bay đến một chỗ khác.
Đúng như dự đoán, một vài ngày sau, gã bẫy chim lại đi đến chỗ đó. Trước tiên, gã dụ đàn chim lại bằng cách giả tiếng chim cút, sau đó gã tung lưới lên chúng. Thế rồi một con chim cút nói:
– Nghe nói khi ngươi nhấc bổng lưới lên thì lông trên đầu của ngươi rơi xuống cả. Bây giờ ngươi hãy nhấc lưới lên đi.
Con chim kia đáp trả:
– Khi ngươi nhấc lưới lên, nghe nói lông cánh của ngươi đều rụng cả. Bây giờ hãy nhấc lên đi.
Trong khi chúng đang còn đề nghị nhau nhấc lưới như vậy, thì người bẫy chim đi đến, rút các mép lưới lại và nhấc lên, tóm chúng lại thành một mối và nhét vào trong giỏ mang về nhà. Bà vợ thấy vậy thì vui cười.
***
Đức Thế Tôn nói:
– Như thế, thưa chư vị trong hoàng tộc, trong cùng thân tộc với nhau mà tranh cãi thì thật không thích đáng. Tranh cãi chỉ có đưa đến diệt vong mà thôi.
Kết thúc pháp thoại này, đức Thế Tôn liên kết hai câu chuyện lại với nhau và nhận diện Tiền thân:
– Vào thuở đó, Đề-bà-đạt-đa là con chim cút ngu ngốc, còn ta chính là con chim cút hiền trí.
(Tiền thân Sammodamāna, Số 33, dịch từ bản Anh ngữ.)
Lời bàn:
Hòa hợp là chất keo không thể thiếu trong một tổ chức. Một tổ chức, mỗi khi sự hòa hợp không còn thì không sớm cũng muộn tổ chức ấy sẽ đi đến chỗ tan rã, hoặc nếu có tồn tại thì tồn tại trong sự què quặt, thương tật. Điều này dĩ nhiên ai cũng biết, nhưng biết là một đường, còn sống hòa hợp được với nhau hay không lại là chuyện khác. Ai cũng biết đoàn kết, hòa hợp là tốt; chia rẽ, bất hòa là nguy hại, nhưng vì sao người ta lại rất khó đoàn kết trong khi chia rẽ lại rất dễ xảy ra?
Nguyên nhân đưa đến sự bất hòa có thể nói là rất nhiều, nhưng chung quy vẫn do thấy cái “ngã” của mình quá lớn. Một tổ chức mà ai cũng thấy mình quan trọng, ai cũng thấy mình lớn, ai cũng thấy mình hay, mình đúng… thì thật khó nói đến sự hòa hợp, có hòa hợp chăng chỉ là sự hòa hợp giả tạo, hòa hợp vì không thể khác được.
Trong kinh luật, nhất là trong luật, khi nói đến vấn đề hòa hợp, đức Phật thường dạy rằng phải hòa hợp như nước với sữa. Tức là một sự hòa hợp mà cái “Ta” hoàn toàn vắng mặt. Anh và tôi phải tan biến trong nhau, hòa quyện vào nhau. Thường thì ai cũng kêu gọi đoàn kết, kêu gọi hòa hợp, nhưng đoàn kết và hòa hợp xung quanh “Ta”, chứ không phải đoàn kết và hòa hợp với nhau. Đoàn kết hòa hợp như vậy thì không phải là sự hòa hợp thực sự.
Ở câu chuyện tiền thân này, sự chia rẽ của những con chim cút bắt đầu từ một nguyên nhân rất nhỏ xuất phát từ sự vô tình của một con chim cút khi đậu xuống bãi kiếm mồi. Sự vô tình đó đã đụng tới cái “ngã” của một con cút khác. Do vì thấy mình quan trọng, thiếu đi hiểu biết và cảm thông, con cút này bắt đầu gây gỗ và rồi dẫn đến sự bất hòa mà kết quả của nó thì như đã được trình bày trong câu chuyện.
Cũng như tất cả những câu chuyện Tiền thân khác, câu chuyện này cũng chia làm ba phần: duyên khởi, chuyện Tiền thân và kết luận. Ở đây, mỗi phần ta có thể rút ra một câu để làm bài học:
Phần duyên khởi: “Trong cùng một hoàng tộc mà tranh cãi với nhau thì thật không thích đáng.”
Phần chuyện Tiền thân: “Mỗi khi có sự tranh cãi thì không có sự an toàn.”
Phần kết luận: “Tranh cãi chỉ đưa đến diệt vong mà thôi.”
Từ những lời trên, ta có thể khai triển rộng hơn: không những trong cùng hoàng tộc, mà trong cùng một gia đình, một đoàn thể hay một tổ chức, nếu cứ tranh cãi, bất hòa với nhau thì đúng là không thích đáng chút nào. Và vì sao mỗi khi có tranh cãi, bất hòa thì không có sự an toàn? Vì sự bất hòa là những kẽ hở tạo cơ hội cho những ngoại duyên bên ngoài xâm nhập vào quấy phá. Chúng ta thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của các tổ chức hầu như đều phát xuất từ vấn đề nội tình bên trong, trong đó nguyên nhân chia rẽ là điều không thể không nói đến. Và chính sự chia rẽ nội tình là cơ hội cho những kẻ khác dòm ngó và tìm cách phá hoại, nên từ tranh cãi, bất hòa đi đến diệt vong là điều không xa.
Câu chuyện Tiền thân mang màu sắc ngụ ngôn này tưởng chừng như đơn giản, nhưng ngẫm lại thấy thật sâu sắc. Câu chuyện nhắc ta phải biết sống hòa hợp và cảm thông. Phải biết hóa giải những nguyên nhân nhỏ nhất nếu nguyên nhân ấy dẫn đến sự chia rẽ về sau. Hơn ai hết, đối với những người chủ trong gia đình, những người lãnh đạo trong một tổ chức phải làm sao uyển chuyển để giải quyết những vấn đề bất hòa trong một tinh thần tương thân tương ái, và cần phải xem câu chuyện này như một bài học: bài học về sự lợi ích của hòa hợp, và sự nguy hại của chia rẽ.
Quang Sơn.
[Tập san Pháp Luân - số 10]