Triết học Phật giáo Hàn quốc - Phần 2

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

3. DUY THỨC TÔNG CỦA TÂN LA THỐNG NHẤT

Thực tế có đến ba học thuyết Duy thức hay Du-già hành tông được truyền đến Hàn Quốc từ Trung Quốc trong suốt thời kỳ Tân La Thống Nhất. Học thuyết Duy thức có mặt đầu tiên tại Hàn Quốc là vào thời kỳ Tam Quốc (Goguryeo, Baekje và Silla), do ngài Nguyên Cương (Wongang, mất năm 630), giới thiệu vào Hàn Quốc sau nhiều năm nghiên cứu giáo nghĩa của Đại thừa trang nghiêm kinh luận (Mahāyānasanūgraha) với nhiều Đại sư Trung Hoa. Tuy nhiên, học thuyết Duy thức chưa thật sự được quan tâm nghiên cứu cho đến khi ngài Viên Trắc (Wonchuk 612-696) xiển dương học thuyết này. Ngài Viên Trắc (Wonchu) được xem là một trong những Đại sư của tông Duy thức. Học thuyết mà ngài diễn dương thuộc Cựu phái Duy thức, do ngài Chân Đế (499-569), một đại luận sư của Phật giáo Ấn Độ, sáng lập. Sở dĩ gọi Cựu phái Duy thức là để phân biệt với Tân phái Duy thức của ngài Huyền Trang (602-664), người biên dịch Thành Duy thức luận của Pháp Hộ từ Phạn sang Hán và y cứ vào giáo thuyết trong tác phẩm này, thành lập Tân phái Duy thức, cũng thường gọi là Pháp tướng tông.

Hai tông Cựu Tân Duy thức khác biệt trong phương pháp luận và mâu thuẫn trong giáo nghĩa. Ngài Viên Trắc (Wonchuk) cùng một số đệ tử thân tín thành lập một tông Duy thức đặc thù, có tên gọi là Tây Minh (Ximing). Tông này cũng được gọi là Tân La Duy thức tông, bao gồm nhiều Tăng sĩ nổi tiếng như: Thái Hiền (Taehyon) and Đạo Chứng (Tojung). Tân La Duy thức tông phát triển theo cách đặc thù của Tăng sĩ Tân La, khác biệt học thuyết của Duy thức tông Trung Hoa. Tông phái này không chỉ tổng hòa các học thuyết của Duy thức tông Trung Hoa, mà còn quy nhập nhiều học thuyết của nhiều tông phái Trung Hoa khác như: Thiên Thai tông và Hoa Nghiêm tông. Các nhà duy thức của Tân La dựa vào triết thuyết “Nhất thừa” trong bản sớ giải Đại thừa khởi tín của Nguyên Hiểu để tổng hợp và đề xuất học thuyết mới của họ. Cũng giống Nguyên Hiểu (Wonhyo), các nhà Duy Thức của Tân La luôn nỗ lực hòa giải những khác biệt giữa Trung quán và Duy thức, nhưng lấy thuyết “Nhất âm” (theo quan điểm của Đại chúng bộ, và sau này của Đại thừa, đức Phật chỉ nói ra một lời (âm) cũng có thể diễn bày trọn vẹn giáo nghĩa cao diệu của ngài) để triển khai học thuyết của họ. Ngài Viên Trắc chủ trương, giáo pháp đức Phật giảng dạy chỉ một nghĩa (giải thoát) nhưng tùy vào trình độ nhận thức của mỗi người mà có nhiều cách hiểu và giải thích khác nhau. Tất nhiên, nội dung “nhất âm” của Viên Trắc (Wonchuk) và nội dung “Nhất thừa” của Nguyên Hiểu, cả hai đều vô thể (siêu việt ngôn từ) nhưng phải sử dụng ngôn từ và giáo thuyết để đạt đến cảnh giới vô thể siêu việt này.

4. THIỀN TÔNG CỦA TÂN LA THỐNG NHẤT

Tư tưởng Thiền học Trung Hoa truyền vào Hàn Quốc, đã mở ra một kỷ nguyên mới cho Phật giáo nước này. Thiền pháp trực chỉ và đốn ngộ này được giới thiệu vào Hàn Quốc chỉ sau một thời gian không lâu khi nó được truyền đến Trung Hoa. Theo những sử liệu truyền thống, Thiền sư Pháp Lãng (Pômang, 632-646), sau khi đắc pháp với Tổ sư Đạo Tín (580-651), tổ thứ tư của Thiền tông Trung Hoa, đã mang Thiền học Trung Hoa giới thiệu về Hàn Quốc. Sau đó, Thiền sư Pháp Lãng truyền pháp cho Thần Hành (Sinhaeng 704-779), Thiền sư Thần Hành truyền pháp cho Đạo Phạm (Chunbom), Thiền sư Đạo Phạm truyền xuống Trí  Đạo, Thiền sư Trí Đạo truyền xuống Trí Tiên. Và năm 879, Thiền sư Trí Tiên chính thức lập tông, lấy núi Hy Dương (Huiyang) làm tổng bản doanh và là Thiền phái đầu tiên tại Hàn Quốc. Trong khoảng một thế kỷ, từ thế kỷ thứ VIII đến IX, Thiền phái này thành lập thêm tám chi phái (Đại thiền viện) tại tám ngọn núi khác. Từ đó, Thiền tông Hàn Quốc được gọi là Cửu sơn Thiền phái, mang nét đặc thù của Thiền tông Hàn Quốc và con số Đại Thiền viện này được duy trì cho đến thời kỳ đầu của triều đại Koryo.

Không giống như Thiền tông Trung Hoa, chia thành “Ngũ tông, Thất phái” và hành trì theo những phương cách khác biệt, Cửu sơn Thiền phái Hàn Quốc vẫn luôn duy trì tông chỉ và hành trì theo phương cách của những Thiền sư khai lập Thiền phái. Chỉ những Tăng sĩ du học ở Trung Hoa trở về mới thường sáng lập Tông phái mới. Hơn nữa, trong truyền thống Phật giáo Hàn Quốc, sự quan hệ giữa thầy và trò quan trọng hơn sự quan hệ tông môn; trong khi, Thiền tông Trung Hoa chú trọng hơn về tông môn pháp phái. Khuynh hướng của Tăng sĩ Hàn Quốc xem tất cả chi phái của Thiền tông đều thuộc một thiền phái chính, không giống như các Thiền phái Trung Hoa, tách biệt thành “Ngũ tông, thất phái”. Vì vậy, Tăng sĩ Thiền tông Hàn Quốc ít quan tâm đến những người sáng lập Thiền tông Hàn Quốc và luôn xem Thiền phái Hàn Quốc như một chi phái của Thiền phái Tào Khê (Chogye) do Lục tổ Huệ Năng sáng lập, một Thiền phái thống nhất và chưa phân thành “ngũ tông, thất phái”.

Tám trong chín chi phái của Thiền tông Hàn Quốc (Cửu sơn, ngoài trừ chi phái ở Tu Di sơn –Sumi) đều có nguồn gốc hoặc có liên hệ với Thiền phái Hồng Châu (Hongzhou) của Trung Hoa. Theo ngài Tông Mật, một nhà chú giải danh tiếng của Phật giáo Trung Hoa, Thiền phái Hồng Châu (Thiền pháp của Mã tổ Đạo Nhất) có quan hệ mật thiết với  Hoa Nghiêm tông. Và lúc bấy giờ, Hoa nghiêm tông là một tông phái có ảnh hưởng nhất và chiếm ưu thế nhất tại Hàn Quốc, nên hầu hết Tăng sĩ Hàn Quốc đến Trung Hoa học Phật đều theo học giáo nghĩa của Hoa nghiêm tông. Và không có gì ngạc nhiên, khi nhiều du học Tăng Hàn Quốc cũng theo học giáo nghĩa của Thiền phái Hồng Châu. Tuy nhiên, sự khác biệt căn bản nhất giữa Hoa nghiêm tông và Thiền tông là điều đáng lưu ý: trong khi Hoa nghiêm tông nhấn mạnh vào việc nghiên cứu kinh giáo, trong khi Thiền tông chủ trương “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”. Chủ trương “bất lập văn tự” của Thiền tông cũng thu hút và hấp dẫn nhiều Tăng sĩ Hàn Quốc, những người chán ngán hệ thống phân tích tỉ mỉ và phức tạp của học thuyết Hoa nghiêm tông và khuynh hướng Tăng sĩ hóa của tông phái này.

Khi Thiền tông được giới thiệu vào Hàn Quốc trong thời kỳ Tân La Thống nhất, ngay lập tức Thiền tông gặp sự chống đối từ nhiều Tông phái khác đã ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, mà mạnh mẽ nhất là Hoa nghiêm tông, một tông phái đang thịnh hành nhất lúc bấy giờ. Lúc đầu, các Tăng sĩ của Thiền tông chấp nhận đương đầu với Hoa nghiêm tông, một tông phái chuyên nghiên cứu giáo điển, trong khi tông chỉ của Thiền tông là “bất lập văn tự”. Tuy nhiên, về sau, nhiều Thiền sư đã nỗ lực dung hợp giáo nghĩa và tông chỉ của hai tông phái này.

III. THỜI KỲ CAO LY (KORYO 918-1329)

1. SỰ DUNG HÒA GIỮA GIÁO TÔNG VÀ THIỀN TÔNG

Trong lúc triều đại Tân La thống nhất đang ngày càng suy yếu, bán đảo Triều Tiên (Hàn Quốc) lại bị phân chia và cát cứ như trong thời kỳ Tam Quốc. Đến năm 918, vua Wong Geon (877-943) tái thống nhất bán đảo Triều Tiên và thành lập triều đại Cao Ly, lấy niên hiệu Taejo (Thái Tổ). Dưới triều đại Cao Ly, Phật giáo được ủng hộ mạnh mẽ, từ hoàng thân cho đến quan lại trong triều. Tuy nhiên, ít nhiều Phật giáo bị triều đình và quan phủ chi phối và quản lý.

Do đó, giữa Thiền tông và các tông phái bảo thủ đã có những bất đồng về việc thân hay không thân với triều đình và quan phủ. Sự bất đồng quan điểm này đã dẫn đến những xung đột và kéo dài hàng thế kỷ. Cho đến nửa cuối thể kỷ XI, ngài Nghĩa Thiên (Uicheon, 1055-1101) ra sức hòa giải và dung hòa những bất đồng giáo thuyết và quan điểm giữa các tông phái. Mặc dù, ngài Nghĩa Thiên thuộc truyền thống Hoa nghiêm tông; nhưng Ngài luôn quan tâm nghiên cứu học thuyết của các tông phái khác. Đáng chú ý nhất là những năm ngài lưu học tại Trung Quốc (năm 1085). Tại đây, ngài đã theo học với nhiều Đại sư danh tiếng của nhiều tông phái: Hoa nghiêm tông, Thiên Thai tông, Tịnh độ tông, Duy thức tông và nhiều chi phái của Thiền tông. Trở về Hàn Quốc, ngài Nghĩa Thiên đem phương pháp hành trì Thiền tông ứng dụng trong pháp tu của Thiên Thai tông (tiếng Hàn: Ch’ônt’ae). Theo ngài, Thiền không chỉ cần thiết đối với các Thiền sinh mà cũng cần thiết cho tất cả hành giả của các Tông phái Phật giáo khác. Ngài phê phán thái độ phân cực giữa Thiền và Giáo. Vì có quan điểm dung hòa giữa Thiền tông và Giáo tông, nên ngài cho rằng, dù các pháp là Không (siêu việt ngôn từ), nhưng cũng từ Giáo (giáo thuyết) mà đạt được Không. Cũng theo cách này, nghiên cứu giáo nghĩa và tu tập thiền quán không chống trái nhau mà nên hiểu chúng bổ sung cho nhau, mỗi tông phái đều có cùng một mục đích đạt tĩnh giác an lạc như nhau.

Tuy nhiên, ngài Nghĩa Thiên không chấp nhận hoàn toàn học thuyết của Thiền tông. Ngài chỉ chấp nhận Thiền tông khi mà Tông phái này phải nghiên cứu giáo nghĩa và kinh sách Phật giáo. Với ngài, chủ trương “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” của Thiền tông không thể được xem như là một học thuyết có giá trị. Nghĩa Thiên cho rằng, những hành giả Thiền tông từ bỏ giáo điển trong thời đại của ngài là những người đang thực hành theo con đường sai hiểm của ngoại đạo. Nghĩa Thiên cho rằng vừa nghiên cứu giáo điển vừa hành trì thiền quán là một phương cách phù hợp và đúng đắn nhất. Do vì xem học thuyết của Thiên Thai tông là học thuyết dung hòa giữa Thiền và Giáo, nên Nghĩa Thiên luôn nỗ lực sáp hợp Thiền tông vào Thiên Thai tông. Tuy nhiên, Nghĩa Thiên đã không hoàn thành tâm nguyện đó. Quan điểm về Thiền tông của ngài có những hạn chế nhất định, có thể do ngài chưa hiểu hết phương pháp hành trì của Thiền tông.

Sau Nghĩa Thiên, một đại sư nổi bật khác là Trí Nột. Thiền sư Trí Nột (Chinul, 1158-1210) nỗ lực đưa Thiền tông thành dòng phái chính của Phật giáo Hàn Quốc, nếu không toàn bộ, thì chí ít cũng đưa giáo nghĩa của Thiền tông trở thành tư tưởng chủ đạo trong đời sống tinh thần và tâm linh của Phật giáo đồ tại Hàn Quốc. Ngài sinh ra trong giai đoạn khó khăn nhất của Phật giáo Cao Ly. Lúc bấy giờ, Phật giáo Cao Ly, do vì quá lệ thuộc vào triều đình, không còn đủ khả năng và nội lực để tự tồn tại, đánh mất nhiều giá trị tinh thần cao đẹp vốn có của nó, nạn quan liêu tham nhũng đã lan tràn trong cửa thiền, Tăng sĩ ít tuân giữ giới luật. Trí Nột nhận thấy Phật giáo lúc bấy giờ như một cơ thể “mang 10 loại bệnh tật”. Nên theo ngài, việc cần làm trước tiên và ưu tâm hàng đầu là hòa giải những bất đồng và xung đột giữa Giáo tông và Thiền trong lúc Phật giáo đang có nhiều tranh chấp và suy thoái này.

Nếu triết lý dung hòa của Nguyên Hiểu là nhằm chấm dứt những mâu thuẫn học thuyết giữa các Tông phái, thì ý nguyện của Trí Nột là đưa ra một hệ thống lý luận để dung hòa Thiền tông và Giáo tông (nhiều tông phái khác) và đồng thời đề ra một phương pháp hành trì cho mục đích giác ngộ cứu cánh (Phật quả) dựa vào những giáo thuyết của kinh điển Đại thừa. Thiền sư Trí Nột đề ra một hệ thống luận lý để hợp nhất giữa lý thuyết và thực hành. Là một Tăng sĩ thuộc Thiền tông, Ngài ý thức rõ, chỉ có thể thông qua kinh nghiệm thiền quán của cá nhân mới có thể đạt được giác ngộ và giải thoát. Tuy nhiên, theo quan điểm của ngài, hành giả muốn tu tập thiền định trước phải thông hiểu những giáo điển căn bản và cần thiết.

Không giống như quan điểm của Nghĩa Thiên thiên trọng giáo điển, quan điểm của Trí Nột chú trọng Thiền quán. Do đó, quan điểm dung hòa các học phái của ngài là thành lập một Tông phái mới, gọi là Tân phái Thiền tông (phái Tào Khê), với ước nguyện sẽ dung hòa, không những, các chi phái của Thiền tông Trung Hoa, mà còn dung hòa tất cả Tông phái khác đang hiện hữu tại Hàn Quốc. Công việc đầu tiên của Thiền sư Trí Nột là hệ thống các giản đồ Thiền học thích hợp theo trình độ và căn cơ của hành giả. Ý nguyện của Trí Nột được khích lệ từ tư tưởng của Tông Mật, tổ sư của cả Hoa Nghiêm tông và Thiền phái Hà Trạch (do Hà Trạch Thần Hội, môn đệ của Lục tổ Huệ Năng, sáng lập). Trí Nột, trong lúc đang nản lòng trước sự tha hóa của Thiền tông, đã bắt gặp học thuyết của Thiền phái Hà Trạch, một học thuyết dung hòa giữa việc nghiên cứu kinh giáo của Giáo tông và sự từ bỏ kinh giáo của Thiền tông. Học thuyết trước đốn ngộ, sau tiệm tu của Trí Nột chịu ảnh hưởng nhiều từ thiền pháp của Hà Trạch.

Trong một bia ký của Kunsu Kim (bằng đá phiến 1216–1220), có ghi rằng, Thiền sư Trí Nột thiết lập ba phương pháp hành trì, phản ánh trực tiếp từ những kinh nghiệm thiền quán của ngài: 1. Thực hành dung hòa giữa (Thiền) Định và (Trí) Tuệ, dựa trên lời dạy của Lục tổ Huệ Năng trong Lục Tổ Đàn Kinh (Pháp Bản Đàn); 2. Thực hành dung hợp Tín và Trí theo giáo lý Viên Đốn, dựa vào những luận giải kinh Hoa nghiêm của Lý Thông Huyền; 3. Hành trì Công án của Nam Thiền Đốn ngộ Trung Hoa. Chúng ta có thể tìm hiểu hệ thống triết của Trí Nột bằng sự nghiên cứu ba phương pháp này.

2. SỰ DUNG HÒA GIỮA THIỀN ĐỊNH VÀ TRÍ TUỆ

Trong tác phẩm Sumsim Kyol (Bí quyết dưỡng tâm), Thiền sư Trí Nột trình bày phương pháp tiệm tu sau khi đã trải qua những kinh nghiệm đốn ngộ. Theo Trí Nột, đốn ngộ có nghĩa là thấy biết thực thể của chơn tâm bao gồm hai khía cạnh: thể tính thì vắng lặng, bất biến, nhưng tướng trạng thì linh hoạt và hằng chuyển. Cách trình bày này phù hợp với hai khía cạnh của dhamara (pháp), thường hằng bất biến và linh hoạt chuyển biến. Bản thể của Tâm là thanh tịnh, vắng lặng, nhưng cùng lúc, thể dụng của nó có khả năng thích nghi và linh hoạt vô cùng, tùy vào cấp độ tâm thức của mỗi cá nhân. Do đó, nếu ý thức khởi lên vọng niệm, thì tâm tánh liền xuất hiện si mê; nhưng nếu ý thức luôn trong thức tỉnh, tâm thức sẽ biểu lộ diệu dụng.

Theo phương pháp hành trì của Thiền sư Trí Nột, tiệm tu phải tiếp tục được thực hành sau khi đốn ngộ, đốn ngộ ở đây được hiểu là sự nhận thức đúng bản chất của chơn tâm. Trí Nột dung hợp Thiền định (Samādhi) và Trí tuệ (Prajñā) trong phương pháp hành trì. Theo ngài, thiền định là căn bản, trí tuệ có chức năng hỗ trợ. Chúng không tách biệt nhau, mà hỗ trợ lẫn nhau cho việc tu tập thiền quán. Sự quan hệ sinh động giữa Thiền định và Trí tuệ có thể trình bày chi tiết: trong khi tu tập thiền định, hành giả phải cần trí tuệ cảnh (tỉnh) giác để tâm thức không rơi vào trạng thái trống không và phải cần Thiền định để tâm thức đạt an tịnh. Tỉnh giác và an tịnh là hai đặc tính của Thiền định và Trí tuệ; chúng không hai, không khác, phải cùng lúc áp dụng trong phương pháp hành trì.

Thậm chí, đối với hành giả liễu ngộ bản thể của chơn tâm và thấu triệt được bản chất của thiền định và trí tuệ, phương pháp hành trì dung hợp thiền định và trí tuệ vẫn còn quan trọng đối với họ, vì họ vẫn còn những nhiễm ô vi tế và nghiệp báo kết tập từ nhiều đời trước. Hai khía cạnh này là không hai, không khác của tâm, nếu chúng là hai thực thể riêng biệt, thì thể tính và diệu dụng có thể trở nên phân ly, nhưng chúng là không hai không khác, nên chúng luôn hỗ trợ lẫn nhau. Tánh (thiền định) và dụng (trí tuệ) phải luôn kết hợp để hỗ trợ hành giả, nếu hành giả quá thiên về tánh (tĩnh lặng), tâm thức dễ rơi vào trạng thái rỗng không, và dẫn đến cùn độn; còn nếu hành quá quá thiên về tướng (suy lý), tâm thức dễ trở nên tỉnh giác thái quá và dẫn đến giao động.

Từ khi Thiền sư Trí Nột hành trì theo phương pháp đốn ngộ, trước phải trải qua kinh nghiệm đốn ngộ, sau mới thực hành phương pháp tiệm tu, cách giải thích của ngài về Thiền và định, chẳng hạn về thể và dụng, khác biệt với phương pháp tiệm tu của Thiền tông đương đại. Phương pháp hành trì của Thiền tông đương đại chủ trương hành giả phải đoạn dần phiền não tham chấp để thành tựu Phật quả. Họ sử dụng thiền định để đối kháng với nhiễm ô thuộc tục đế và sử dụng trí tuệ để đối kháng với tư duy phân biệt. Hai phương cách riêng biệt này được áp dụng nhằm thấu đạt bản thể của thực tại. Mặc dù, Thiền sư Trí Nột không phủ nhận hoàn toàn phương pháp tiệm tu sử dụng thiền định và trí tuệ như là một phương tiện để đoạn dần phiền não này, nhưng Trí Nột cho rằng phương pháp này chỉ có thể hành trì sau khi trải qua kinh nghiệm đốn ngộ cá nhân. Trong thực tế, Thiền sư Trí Nột cho rằng sự dung hợp thiền định và trí tuệ phải được áp dụng cho mọi trình độ tu tập, nó như một nguyên lý dung hợp giữa an định và tỉnh giác, phải luôn được duy trì trên con đường tiến đến Phật quả.

3. DUNG HỢP TÍN VÀ TRÍ THEO GIÁO THUYẾT VIÊN ĐỐN

Những học thuyết y cứ vào giáo điển luôn bị các Thiền sư của Thiền tông xem là những học thuyết sai lầm, làm trở ngại con đường tu chứng. Quan điểm của các Thiền sư cho rằng, thực tại tuyệt đối không thể hiểu được thông qua ngôn thuyết. Trái lại, Hoa nghiêm tông, một trong những giáo tông, cho rằng chủ trương đốn ngộ của Thiền tông chỉ là tiểu pháp so với pháp môn rốt ráo của Hoa nghiêm tông. Hai tông phái chính của Đại thừa này dường như có những khác biệt và mâu thuẫn, không chỉ về những thuật ngữ giáo thuyết mà còn trong phương pháp hành trì của họ.

Tuy nhiên, Thiền sư Trí Nột tin rằng giữa Thiền tông và Hoa nghiêm tông không mâu thuẫn, mà có thể bổ sung lẫn nhau. Trí Nột cho rằng một số giáo thuyết của Hoa nghiêm tông có thể giúp nâng cao trí năng của hành giả Thiền tông, đặc biệt là với những hành giả năng lực thấp kém và với bí pháp truyền tâm của Thiền tông. Ngài đặc biệt quan tâm đến những hành giả đang hành trì sai phương pháp chỉ vì sự thiếu hiểu biết Phật pháp của họ. Ngài lo sợ họ đang hành thiền trong tâm trạng si mê và như vậy, thật nguy hiểm. Trí Nột cho rằng họ cần phải nghiên cứu kinh điển và phương pháp tu tập, mới có thể giúp họ thành tựu viên mãn trên con đường tu đạo.

Nhưng thật không phải dễ dung hòa những khác biệt giữa Giáo tông và Thiền tông. Học thuyết của Hoa nghiêm tông hệ thống hóa giản đồ tu đạo phải trải qua 52 giai vị, bắt đầu là Thập tín và kết thúc là Phật quả. Thời giant u tập là ba A-tăng-kỳ kiếp, từ giai đoạn phát khởi tín tâm cho đến thành tựu Phật quả. Với học thuyết như vậy, hành giả của Hoa nghiêm tông phải, đầu tiên phải nghiên cứu kinh giáo, sau đó hành trì và chứng đắc, giai đoạn trước hỗ trợ giai đoạn sau trong quan hệ nhân quả. Thiền sư Trí Nột sáp nhập giản đồ tiệm tu của Hoa nghiêm tông vào phương pháp đốn ngộ của Thiền tông. Trí Nột sử dụng cách lý giải tư tưởng kinh Hoa nghiêm của Lý Thông Huyền để sát nhập hai hệ thống khác nhau của Thiền và Hoa nghiêm thành một biểu đồ tu đạo có giá trị.

Dựa vào những luận giải độc đáo về kinh Hoa Nghiêm của Lý Thông Huyền và tóm lược thông điệp cơ bản của Thiền tông, Thiền sư Trí Nột đề xuất một phương pháp khả thi khác cho hành giả Thiền tông, một phương pháp Tín và Trí: tin tưởng vào khả năng giác ngộ và lý giải bằng giáo thuyết của Hoa nghiêm, như được trình bày chi tiết trong tác phẩm Wondon Songbullon của ngài (Viên mãn và Đốn ngộ, Thành tựu Phật quả). Trí Nột lưu ý rằng trí tuệ siêu việt là trí tuệ nhận biết chân xác tâm nhiễm ô. Thông qua sự đốn ngộ để nhận biết các pháp như thật, hành giả có thể trực tiếp trở về với “bản lai diện mục”, một tâm trái lưu xuất từ Bồ-đề tâm, nhờ tâm Bồ-đề này, hành giả có thể trực nhận được đức Phật bên trong. Nhờ vào giai vị tu đạo này, những giai vị tu đạo khác của Bồ-tát hạnh có thể đạt được liền ngay, vì hoạt dụng của Phật tính vốn có trong mỗi chúng sanh. Như vậy, theo biểu đồ tu đạo này, trí tuệ siêu việt không chỉ là kết quả viên mãn của con đường tu đạo, mà còn là phương tiện để thành tựu viên mãn Phật đạo. Hơn nữa, trong quá trình tu đạo, từ khi phát khởi tâm Bồ-đề cho đến khi thành Phật quả, Phật trí luôn hoạt dụng trong tâm hành giả.

4. PHÁP THIỀN CÔNG ÁN (HWADU)

Mặc dù Thiền sư Trí Nột đã dung hợp biểu đồ tu đạo của Hoa nghiêm tông và phương pháp hành trì của Thiền tông, nhưng ngài cũng luôn cảnh giác rằng đến một giai vị tu đạo cần thiết thì những lý luận và giáo thuyết cần phải loại bỏ. Do đó, Trí Nột trình bày pháp thiền công án theo cách của ngài, nó giống như ngón tay chỉ mặt trăng.

Thiền sư Trí Nột luôn ý thức rõ rằng mục đích của Thiền là siêu việt tri thức, vượt qua những tư duy phân biệt. Trí Nột nhận thấy pháp tu công án là một phương tiện hiệu quả nhất để đạt đến mục đích cứu cánh, mà theo cách gọi của ngài, nó như “chém sắt, chẻ đinh”.

Từ Hwadu thường được đồng nghĩa với từ kongan (tiếng Hán: Công án). Tuy nhiên, chính xác hơn, hwadu là nghĩa cốt lõi của từ kongan, được dùng để chỉ cho một pháp tu của Thiền tông (Son). Mục đích của thiền công án là giúp hành giả đập tan thành trì tri kiến sai biệt về các pháp và trở lại thấy biết các pháp như thật. Như vậy, Trí Nột sử dụng phương pháp công án như là một pháp hành trì để gột rửa những trí năng và thấy biết sai lầm.

Thiền công án cũng được gọi là thiền trực chỉ chơn tâm, nó không hàm chứa những khái niệm tri thức, mà hàm chứa những cảm thức tâm linh tu đạo của hành giả. Trong Công án quyết nghi (Kanhwa Kyorui Ron), Trí Nột trình bày ba pháp môn bí mật hay ba phương pháp khác nhau để thấu hiểu pháp thiền Công án: 1. Bí mật của bản chất, phương pháp để thấu hiểu pháp Phật, hiểu về học thuyết hiện tượng luận của Hoa nghiêm tông chẳng hạn; 2. Bí mật của ngôn từ, dùng câu thoại đầu để giúp hành giả loại trừ và hủy diệt những tri kiến phân biệt; 3. Bí mật của bí mật, theo đó, hành giả dẹp bỏ mọi suy lý và tập trung vào câu thoại đầu. Thiền công án vượt siêu mọi biểu hiện suy lý, chỉ sử dụng công án (thoại đầu) mới có thể đạt được cảm thức siêu việt và tĩnh mặc.

Thiền công án của thiền tông Hàn Quốc do Thiền sư Trí Nột thiết lập chịu ảnh hưởng nhiều tư tưởng của Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo (1089-1163), đệ tử của Viên Ngộ Khắc Cần thuộc phái Dương Kỳ, Trung Quốc. Được hấp dẫn bởi tư tưởng của Đại Huệ trong Đại Huệ Ngữ lục (Dahui yulu), Thiền sư Trí Nột là thiền sư Hàn Quốc đầu tiên giới thiệu thiền Công án vào dòng thiền Hàn Quốc. Thiền công án đã trở thành điểm son của Thiền tông Hàn Quốc. Pháp thiền công án của Trí Nột là một sự dung hợp Thiền định và Trí tuệ; kết hợp đốn ngộ và tiệm tu, tạo nên một Thiền phái đặc trưng Hàn Quốc.

Tóm lại, Thiền sư Trí Nột đã hệ thống hóa phương pháp hành trì của Thiền tông Hàn Quốc. Nó là một pháp môn tổng hợp lý thuyết và thực hành của nhiều Tông phái khác, đưa ra một biểu đồ tu đạo mới, mà trong đó, lấy công án làm phương tiện chính để trực chỉ chân tâm và kiến tánh thành Phật. Tuy có một số thay đổi cho phù hợp với từng thời đại, nhưng pháp thiền công án của Thiền sư Trí Nột hiện nay vẫn còn được hành trì trong nhiều Thiền viện tại Hàn Quốc.

Những năm sau khi Thiền sư Trí Nột viên tịch, Phật giáo Cao Ly suy thoái trầm trọng. Phật giáo suy thoái là hệ lụy tất yếu của nhiều nguyên nhân, một phần do vì tình hình chính trị và xã hội Hàn Quốc bất ổn sau khi nước này bị Mông Cổ xâm chiếm và một phần do vì tệ nạn tham nhũng lan tràn trong cửa thiền. Tuy nhiên, trước tình hình suy thoái đó, ba thiền sư Bạch Vân Cảnh nhàn (Kyongha Paegu-1290-1374), Thái Cổ Phổ Ngu (Taego Pou-1301-1382) và Huệ Cần (Naong Hyegun 1320-1376) đã ra sức chấn hưng Phật giáo cuối thời Cao Ly. Ba thiền sư này đều sang Trung Hoa tham học với nhiều Thiền sư phái Dương Kỳ, phái này nhấn mạnh thiền công án. Phương pháp tấn công trực tiếp và quyết liệt vào tâm thức của hành giả của phái Dương Kỳ được hành trì rất phổ biến tại Hàn Quốc và ảnh hưởng sâu rộng đối với Thiền sinh tại nước này. Tuy nhiên, vì tình hình bất ổn xã hội loan rộng cả nước, nên công cuộc chấn hưng Phật giáo này không thành công.

Khi Phật giáo suy thoái, giới trí thức Hàn Quốc, những người khoa bảng, đã tiếp nhận tư tưởng Tân Khổng giáo (Tống Nho), và lấy Nho giáo làm tư tưởng chủ đạo đời sống tinh thần của xã hội thay thế tư tưởng Phật giáo. Triết học Trung Hoa, như Nho học và Đạo học, ảnh hưởng nhanh trong xã hội Hàn Quốc và nhiều Tăng sĩ như Bạch Vân và Huệ Cần, bắt đầu nghiên cứu học thuyết của Khổng Lão giáo. Nó mở ra một khuynh hướng mới lạ cho Phật giáo Hàn Quốc: nhiều tăng sĩ bắt đầu quan tâm nghiên cứu những học thuyết tư tưởng ngoài Phật giáo. Đất nước Hàn Quốc ngày càng bị Khổng giáo hóa, đầu tiên trong lãnh vực chính trị, và dần dần lan rộng trong toàn xã hội. Khổng giáo bắt đầu phát triển trong giai đoạn cuối triều đại Cao Ly và tăng nhanh khi triều đại nhà Lý (Choson) lên nắm chính quyền vào năm 1392.
(còn tiếp)

Tuệ Giác dịch
Tập san Pháp Luân - số 75, tr50, 2010]