Cớ sao thiên hạ người ta/ Vẫn chưa tròn một Quê Nhà Bao Dung?/ Vẫn chưa tỉnh giấc hãi hùng/ Trong cơn trường mộng vô cùng thời gian?
Từ khai thiên lập địa đến bây giờ, con người đã xuất hiện trên mặt đất hoang vu này với biết bao khổ lụy, đầy những oan khiên, nghiệt ngã, những ưu phiền biển lệ máu sông.
Sống rồi chết. Đến rồi đi. Vui rồi buồn cứ luôn tiếp diễn trong cuồng si, túy sinh mộng tử triền miên. Phải chăng, đó là cái nghiệp mệnh đa đoan, đoạn trường của muôn kiếp phù sinh bèo bọt? Khiến cho thi sĩ Hoài Khanh phải chạnh lòng, thấm thía trong niềm trắc ẩn mà thốt lên một câu hỏi sững sờ cùng tuyệt thiết tha:
Cớ sao thiên hạ người ta
Vẫn chưa tròn một Quê Nhà Bao Dung?
Vẫn chưa tỉnh giấc hãi hùng
Trong cơn trường mộng vô cùng thời gian?
Giữa nhân gian trường mộng, bồng bềnh theo dòng sông nghiệp chướng, vương mang thân phận lạc nẻo xa nguồn. Biết đâu là bờ bến, khi dòng đời cứ vẫn vô tình trôi lênh đênh một cách lạnh lùng, cô đơn rờn cóng buốt:
Cuộc đời cứ lạnh lùng qua
Cuộc tình người cứ dần dà xuôi trôi
Trôi nổi rong rêu suốt muôn chiều phiêu phưỡng, hoang mang xuôi ngược:
Ngàn năm cát bụi vô thường
Sông kia bãi nọ đoạn trường riêng sao?
Không biết. Thưa rằng không biết nữa. Thi nhân chỉ lắng nghe trong lặng lẽ ngậm ngùi:
Ngùi nghe trái đất thì thầm
Nhỏ dòng máu lệ kiếp trầm luân sâu
Mối sầu ứa lệ cảm thương của Hoài Khanh, gợi nhớ đến Trần Tử Ngang thuở nào xa ngái:
Ai người trước đã qua
Ai người sau chưa tới
Nghĩ trời đất vô cùng
Một mình tuôn giọt lệ
Giọt lệ thi nhân nhỏ xuống nấm mồ phù thế, có ý nghĩa gì giữa cuộc mộng bể dâu?:
Chiều nay chẳng hiểu vì đâu
Hai dòng nước mắt chìm sâu mặn nồng
Một hình một bóng, trong nỗi sầu vạn đại da diết miên man:
Tôi hoài trên bước lang thang
Yêu em vô lượng mà man dại buồn
Buồn hiu hắt khôn nguôi. Sầu ngậm ngùi rưng rức:
Trong ta là núi là rừng
Là trăm tiếng hát đã dừng trên môi
Để rồi chỉ còn người em Thi Ca và bằng hữu đó đây là may ra, có thể làm cho thi nhân khuây khoả ít nhiều:
Thôi còn an ủi tình yêu
Bạn bè dăm đứa hắt hiu cuối trời
Và nhất là vẫn còn thơ, một hồn thơ bát ngát, bao trùm lên trên vạn cổ sầu:
Một lần thương một lần đau
Vần thơ tuyệt diễm mắt nào không cay
Nước ơi sông vẫn còn đây
Hồn ơi thơ vẫn lên đầy không trung
Người thi sĩ cô đơn đã trót cưu mang một mối sầu thiên cổ lụy, tự gánh lên vai gầy trĩu nặng, oằn oại những bi thương. Bước đi xiêu vẹo, lên rừng xuống biển đến tận chỗ sơn cùng lộ tuyệt thì mới hoát nhiên triệt ngộ ra một điều quá giản dị, đơn sơ mà hoằng đại thâm trầm:
Ngàn năm ôi chuyên ngàn năm
Chỉ duy có một cái Tâm mới là
Thế là bước đi của thi nhân đã chuyển sang một cung bậc trầm hùng, rung ngân bất tận. Ngân rung giữa trùng trùng duyên khởi với trời mây, bụi đất, nhật nguyệt muôn thuở muôn nơi:
Niềm im lặng của mây trời
Là niềm đốn ngộ của loài thi nhân
Thiền sư thì ngộ đạo Tâm bất khả tư nghì, còn thi sĩ thì ngộ đạo Thơ cũng ly kỳ gay cấn, không thể nghĩ bàn. Chỉ biết im lặng vô ngôn trong tịch mịch tự tình:
Một hôm sực nhớ câu kinh
“Phải không chỗ trụ mà sanh tâm mình”
“Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”
Chỉ một câu nói đó thôi mà chú tiều Huệ Năng bỗng trở thành Lục Tổ Huệ Năng và nhà thơ Hoài Khanh cũng thầm nghe ra những gì vi diệu trong sâu thẳm tận đáy lòng:
Những điều biển nói với sông
Là tâm ơi hãy bao dung độ trì
Dù đời có lạc đường đi
Tâm ta mà vững thì chi sá nào
Nhẹ nhõm thở phào, một nụ cười lặng trổ đoá hoa vô ngại giữa vườn Cô Liêu của thi sĩ:
Muôn đời ánh đạo Từ Bi
Sẽ xua quỷ dữ sân si bạo tàn
Sẽ đem trả lại nhân gian
Cuộc sinh tồn ngát hoa vàng Từ Tâm
Ngàn năm hay vạn triệu năm
Người ta dẫu mất nhưng Tâm vẫn còn.
Tâm Nhiên
[Tập san Pháp Luân - số 68, tr93, 2009]