India: Tông phái Karma Kagyu của Phật giáo Tây Tạng đã tổ chức đại lễ Kagyu Monlam thứ 25 kéo dài 8 ngày để cầu nguyện cho thế giới hòa bình tại Bồ-đề đạo tràng, thuộc bang Bihar, Ấn Độ, từ ngày 17 đến 24 tháng 12, năm 2007.
Buổi lễ khai mạc với sự chủ trì của Đại Lạt-ma Karmapa Ogyen Thrinley Dorje thứ 17 đã thu hút gần 7000 Tăng ni và Phật tử theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng và nhiều truyền thống khác trên thế giới tham dự.
Theo ngài Karmapa thứ 17, lễ hội nhằm mục đích cầu nguyện cho thế giới hòa bình, cầu nguyện con người luôn sống hài hòa và bảo vệ môi trường. Báo Asian News International (ANI) trích lời thư ký của ngài Karmapa, Lạt-ma Dompo Tshering, rằng: “Tất cả chúng ta nên sống trong hòa bình và hài hòa. Theo ngài Karmapa, môi trường phải là mối quan tâm hàng đầu của nhân loại. Môi trường được ví như một quả trứng, nếu chúng ta không chăm sóc cẩn thận, nó sẽ vỡ và tất cả sẽ bị tiêu diệt.”
Đại Lạt-ma Karmapa mong rằng, khi đến tham dự lễ hội này, mọi người sẽ cảm nhận được sự an lạc và đoàn kết hơn trong tình pháp hữu. Báo ANI dẫn lời phát biểu của bà Sandreia, một Phật tử đến từ Argentina: “Đây là lần đầu tiên tôi đến đây. Tôi cảm nhận rằng, mặc dù mọi người đến từ nhiều quốc gia và nói nhiều thứ tiếng khác nhau, nhưng tất cả đều cảm nhận sự hạnh phúc và an bình.”
Tám ngày của đại lễ hầu hết diễn ra dưới cây Bồ-đề, nơi đức Thế Tôn đã trải qua suốt 49 ngày đêm thiền quán trước khi thành đạo. Mỗi ngày, có hàng ngàn Tăng Ni và Phật tử tham gia lễ cầu nguyện và nghe thuyết giảng. Ngài Karmapa chủ trì hầu hết những buổi lễ cầu nguyện theo nghi thức của truyền thống Tây Tạng và thuyết giảng nhiều bài pháp quan trọng cho hội chúng.
Bên cạnh những đại lễ cầu nguyện và thuyết pháp, nhiều hội từ tế đã tổ chức khám và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân.
Lễ Kagyu Monlam được tổ chức từ hàng trăm năm trước và được tái lập vào năm 1983. Mỗi năm, tông phái Karma Kagyu đều tổ chức đại lễ này tại Bodhgaya vào ngày 8 đến 15 tháng 11, theo lịch Tây Tạng.
Phái Karma Kagyu là một trong những tông phái lớn nhất trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Tông phái này do ngài Dusum Khyenpa thành lập vào đầu thế kỷ thứ XII. Ngài được xem là vị Karmapa đầu tiên. Và theo truyền thống này, sau khi vị tiền nhiệm viên tịch, một hội đồng tìm kiếm và thẩm định vị Karmapa kế nhiệm được thành lập. Họ có thẩm quyền xác nhận Karmapa tái sinh để kế nhiệm và lãnh đạo giáo phái.
Tông phái này đặt trụ sở chính tại tu viện Tsurphu tại miền Trung Tây Tạng. Sau khi đức Karmapa Ranjung Rigpe Dorjey thứ 16 lưu vong đến Ấn Độ, trụ sở chính của tông phái này cũng được dời đến tu viện Rumtek, tại Sikkim. Năm 1981, ngài Karmapa thứ 16 viên tịch, bốn vị Lạt-ma uy đức được bầu lên để hướng dẫn và điều hành giáo phái trong thời gian chưa có Karmapa kế nhiệm. Hiện nay, giáo phái này do ngài Karmapa Ogyen Thrinley Dorje thứ 17 lãnh đạo và có hàng trăm tu viện lớn tại Tây Tạng và nhiều nơi trên thế giới.
Ngài Karmapa thứ 17 sinh năm 1985, tại làng Lhatok phía đông Tây Tạng. Năm 1992, ngài được cung đón về tu viện Tsurphu, và chính thức trở thành vị Karmapa. Năm 10 tuổi, ngài đã có thể thẩm định sự tái sinh của nhiều vị Lạt-ma. Mặc dù ngài được chính quyền Trung Quốc xác nhận, nhưng với tư cách là Karmapa, ngài từ chối lời đề nghị lên án đức Đạt-lai Lạt-ma của Trung Quốc, và không thừa nhận Panchen Lama do Trung Quốc bầu chọn. Năm 2000, Karmapa Ogyen Thrinley Dorje thứ 17 quyết định rời khỏi Tây Tạng và sống lưu vong tại Ấn Độ. Hiện nay, ngài đang lưu trú tại Dharamsala, nơi đức Đạt-lai Lạt-ma cư ngụ. Tuy mới 23 tuổi nhưng ngài rất được Tăng ni và Phật tử theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng trong nước cũng như nhiều nước khác kính ngưỡng.
Nguyên Lộc
[Tập san Pháp Luân - số 46, tr.94, 2007]