Suy nghĩ nhân đọc bài Cõi vĩnh hằng: Phải chăng vấn đề từ chính Phật giáo?

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tại sao “công tác hoằng pháp của người Phật tử e không mạnh và sâu rộng bằng của người theo Tin Lành hay Thiên chúa giáo”? Tại sao việc truyền giáo này đã có kết quả vì “trong bà con, bạn bè, học trò cũ, v.v… có rất nhiều người làm công tác này”. Quả thực, bài báo đặt cho chúng ta nhiều vấn đề cần “suy gẫm”!

 

Bài Cõi vĩnh hằng của Tâm Minh

Bài báo trên được đăng trên tập san lưu hành nội bộ Pháp luân số 45, lược ghi lại một buổi trao đổi ý kiến của chính tác giả với một nhóm truyền đạo Cơ Đốc diễn ra tại nhà tác giả tại Houston, Hoa Kỳ. Kèm với phần lược ghi buổi nói chuyện, mà nội dung cho thấy tinh thần tích cực, chủ động và nỗ lực lớn lao của nhóm truyền đạo (có người đã từng là Phật tử “cũng đi chùa, niệm Phật”), trong cố gắng thay đổi lòng tin của tác giả. Cuối bài, tác giả có bình luận: “…câu chuyện rất bình thường nhưng vẫn có cái cho mình suy gẫm. Công tác hoằng pháp của người Phật tử e không mạnh và sâu rộng bằng của người theo Tin Lành hay Thiên Chúa giáo vì họ chịu khó đi đến từng nhà để giảng đạo (Tây phương cũng vậy mà Á Đông cũng vậy). Ở những nước kém mở mang và nghèo đói, những người truyền giáo này còn cho tiền bạc, lúa gạo, nghĩa là cứu đói cứu nghèo kèm theo việc rao giảng đạo. Riêng TM, đây là lần đầu tiên thật sự “đón tiếp” họ, mặc dù trong bà con, bạn bè học trò cũ, v.v… có rất nhiều người làm công tác này…”.
Tại sao “công tác hoằng pháp của người Phật tử e không mạnh và sâu rộng bằng của người theo Tin Lành hay Thiên chúa giáo”? Tại sao việc truyền giáo này đã có kết quả vì “trong bà con, bạn bè, học trò cũ, v.v… có rất nhiều người làm công tác này”. Quả thực, bài báo đặt cho chúng ta nhiều vấn đề cần “suy gẫm”!

Tại sao “công tác hoằng pháp của người Phật tử e không mạnh và sâu rộng bằng của người theo Tin Lành hay Thiên chúa giáo”?

Tất cả Tăng, Ni, Phật Tử chúng ta đều rất hiểu rằng bố thí pháp là việc bố thí cao thượng hơn hết trong mọi pháp bố thí. Hoằng pháp, không gì khác hơn là bố thí pháp! Thế nhưng, trong thực tế việc bố thí pháp lại được ít chú trọng hơn so với tài thí. Một số báo cáo cho thấy hoạt động làm từ thiện của Phật giáo tại Việt Nam lên đến con số đáng kinh ngạc, có thể là vượt trội hơn so với các tôn giáo bạn. Nhưng hoạt động pháp thí thì lại đúng như nội dung bài báo Cõi vĩnh hằng nhận định, “e là không mạnh và không sâu rộng bằng của người theo Tin Lành hay Thiên chúa giáo”, trong khi tiềm năng về tài chính của Phật giáo có lẽ kém xa các tôn giáo bạn như vừa nêu trên?

Theo chúng tôi, điều này có nguyên nhân từ chính Phật giáo. Mặc dù vẫn biết “pháp thí” là thù thắng và tối thượng, nhưng trong Phật giáo lại ăn sâu tư tưởng “tùy duyên”, “cầu pháp”, “khát ngưỡng pháp”… Tư tưởng này phân biệt hai loại đối tượng bố thí pháp, đó là đối tượng “có duyên” và “không có duyên”, đối tượng đến “cầu pháp” và đối tượng “không cầu pháp”. Việc bố thí pháp chỉ tập trung vào đối tượng thứ nhất “có duyên”, “cầu pháp”.

Quan niệm phân biệt như vậy có đúng với tinh thần đạo Phật? Đây là một vấn đề lớn, có tính chất truyền thống, việc bàn luận đúng sai không dễ. Để góp phần làm sáng tỏ vấn đề, chúng tôi xin trích ở đây lời đức Phật đã dạy cho các Tỳ-kheo trong lần chuyển pháp luân đầu tiên: “Hãy ra đi, rày đây mai đó, vì sự an lành và hạnh phúc của nhiều người, vì lòng bi mẫn đối với thế gian. Mỗi người hãy đi một ngả. Hai người không cùng đi về một hướng. Hãy hoằng dương Giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo trong phần khai triển, và toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo trong cả hai tinh thần và văn tự” (Tạng Luật 1 trang 10 – Tạp A-hàm, câu 420, trích theo Pryadassi: Phật giáo, một nguồn hạnh phúc – Dịch giả: Phạm Kim Khánh, Thành hội Phật giáo TPHCM xuất bản, Phật lịch 2539-1996, trang 24)

Cũng theo sách dẫn trên, trang 25, thì: “Trên đường hoằng pháp, đức Phật không bao giờ có sự phân biệt nào về chủng tộc, đẳng cấp hay giai cấp, nam, phụ, lão ấu từ những tầng lớp khác nhau trong xã hội, người bần cùng, thiếu kém, kẻ thấp hèn, người lạc lõng, học thức, cũng như dốt nát, quý phái, bà-la-môn, hạng cùng đinh, bậc hoàng tử, và lớp người nghèo nàn đói rách…”. Như vậy là đã quá rõ.

Thế nhưng, không ít Tăng, Ni, Phật tử lại vẫn quan niệm kiểu truyền đạo theo Tin Lành hay Thiên chúa giáo là một cách không thích hợp với đạo Phật, có tính chất “tiếp thị”, nếu làm theo cách đó thì hạ thấp giá trị của Phật giáo, một tôn giáo chỉ dành cho người khát ngưỡng, tìm cầu, kẻ không có phước duyên thì không thể hóa độ. Như vây, căn bản của vấn đề cũng là ở chỗ có sự phân biệt đối tượng hoằng pháp.

Hệ quả của sự phân biệt này là gì, chúng ta có thể tìm thấy ngay trong bài viết, được ghi nhận một cách có thể nói là vô tình: “trong bà con, bạn bè, học trò cũ, v.v… có rất nhiều người làm công tác này”. Ghi nhận này có gì khác hơn là rất nhiều người từng là Phật tử, nay đã trở thành tín đồ của tôn giáo khác, và hơn thế nữa, họ trở thành những người làm công tác truyền đạo cho tôn giáo khác.

Và điều gì xảy ra khi tiến trình này được tiếp tục. Nhiều tài liệu ghi nhận, ở nhiều tỉnh ở Việt Nam, như các tỉnh Tây Nguyên, Phật giáo đã trở thành tôn giáo thiểu số. Số người “có duyên” ngày càng ít đi?

Thực ra, vấn đề có duyên và không có duyên là một thực tế không thể phủ nhận. Bài viết Cõi vĩnh hằng cũng ghi nhận đoàn truyền đạo của tôn giáo bạn cũng có nói đến điều này: “Như vậy là cô TN chưa sẵn sàng để rước chúa vào lòng”, “chưa sẵn sàng”, tất nhiên, là chưa “có duyên”. Họ cũng có sự phân biệt.

Nhưng cái khác, là họ phân biệt ở cuối tiến trình truyền đạo, còn phía Phật giáo tại Việt Nam chúng ta, thì phân biệt ngay từ đầu tiến trình hoằng pháp. So sánh với lời dạy đức Phật dẫn trên thì đức Phật quan niệm không phân biệt ngay ở khi bắt đầu công cuộc hoằng pháp (theo tài liệu dẫn trên là “đến khi số người xuất gia theo Ngài lên đến sáu mươi”).

Thực ra, trong Phật giáo không phải là không có xu hướng hoằng pháp tích cực, không phân biệt đến vấn đề duyên. Có thể lấy ví dụ ở trường hợp Hòa thượng Tinh Vân, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Phật Quang Sơn, Đài Loan. Hồi ký của Ngài cho thấy một hoạt động hoằng pháp không ngơi nghỉ, không phân biệt đối tượng. Ngài chỉ biết hoằng pháp và hoằng pháp, hoằng pháp trong mọi cơ hội, ở mọi đối tượng, mọi nơi, mọi lúc. Duyên hay không duyên trước tiên là ở nơi người hoằng pháp, có nói được Pháp với mọi đối tượng hay không, chứ không phải ở nơi đối tượng.

Xây dựng Giáo hội Phật Quang Sơn trên vùng núi non, ngài cũng không quan niệm là cứ ở yên trên núi để chờ người có duyên đến cầu đạo. Theo Thích Nguyên Tạng: Phật giáo khắp thế giới, Nhà xuất bản Phương Đông, năm 2006, thì từ 1962, ngài đã tổ chức phát hình các chương trình truyền hình Phật giáo trên đài truyền hình Đài Loan TTV. Và bên cạnh đó đã có đài phát thanh. Phát thanh phát hình rộng rãi là nhắm đến tuyệt đại đa số những người chưa có duyên. Không những hoằng pháp tại châu Âu, châu Mỹ, ngài tổ chức các đoàn hoằng pháp ở châu Phi (nếu theo quan điểm phân biệt đối tượng, thì châu Phi là khu vực không có duyên với đạo Phật).

Chúng tôi nghĩ rằng, đã đến lúc đặt lại vấn đề phân biệt đối tượng trong hoạt động hoằng pháp của Phật giáo. Chính cách suy nghĩ phân biệt đối tượng đã làm một bộ phận trong Phật giáo đã đảo ngược thứ tự ưu tiên hoạt động bố thí mà Phật đã dạy, dẫn đến tình trạng “Công tác hoằng pháp của người Phật tử e không mạnh và sâu rộng bằng của người theo Tin Lành hay Thiên chúa giáo” mà tác giả bài báo Cõi vĩnh hằng nêu ra cho chúng ta suy gẫm. Quan niệm phân biệt như vậy đã đặt một sợi dây trói vô hình vào chính hoạt động hoằng pháp của Phật giáo chúng ta, mà chính chúng ta cũng không biết. Việc trở lại tinh thần không phân biệt mà đức Phật đã nêu ra và làm gương trong hoạt động hoằng pháp chính là cắt sợi dây trói vô hình đó.

Đức Vinh
[Tập san Pháp Luân - số 46, tr.80, 2007]