Như chúng ta đã biết, một triệu phú người Ấn đã chọn tác phẩm Đường xưa mây trắng của thiền sư Nhất Hạnh để quay thành phim về cuộc đời đức Phật, với kinh phí khổng lồ.
Nhân sự việc này, trong khi chờ đợi bộ phim ra đời, chúng tôi xin nêu ra một số suy nghĩ, bàn luận về việc làm phim về cuộc đời đức Phật từ tác phẩm Đường xưa mây trắng trên cơ sở lý luận điện ảnh.
Phim truyện - tài liệu từ một tác phẩm truyện ký
Đường xưa mây trắng của thiền sư Nhất Hạnh là một tác phẩm đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của đức Phật. Đây là một tác phẩm tự sự, xây dựng trên nền tảng tư liệu lịch sử và nội dung kinh điển Phật giáo. Vậy nên, có thể coi Đường xưa mây trắng là một tác phẩm thuộc thể loại truyện ký, việc hư cấu là có nhưng bám sát vào sườn những sự kiện lịch sử có thật, và mức độ chân thực rất cao. Chuyển thể một tác phẩm truyện ký như vậy thành phim, tác phẩm điện ảnh sẽ thuộc loại phim truyện-tài liệu. Yêu cầu của thể loại phim này là cố gắng trung thành với những sự kiện lịch sử, bên cạnh những hư cấu tất nhiên phải có. Phim phải cung cấp cho khán giả kiến thức sử học, tôn trọng sự thật, bên cạnh những tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn người xem có thể được sáng tác thêm, nhưng phải ở giới hạn không làm sai lệch nguyên mẫu lịch sử. Những chi tiết hư cấu phải có cùng âm hưởng với sự kiện có thật, góp phần khắc họa tính cách nhân vật trên cơ sở thống nhất với sự kiện có thật. Đây là một thể loại phim có yêu cầu cao, thực hiện thành công là một yêu cầu khó khăn, với mục tiêu vừa bảo đảm giá trị lịch sử, vừa bảo đảm giá trị nghệ thuật, thu hút được khán giả.
Có lẽ không lấy gì làm ngạc nhiên khi các nhà điện ảnh muốn làm phim về cuộc đời đức Phật chọn Đường xưa mây trắng làm kịch bản văn học. Đường xưa mây trắng đã có nhiều hư cấu nghệ thuật cần thiết. Nhưng Đường xưa mây trắng cũng khá trung thành với sự thực lịch sử. Qua thông tin báo chí phổ biến, có thể hình dung đây là việc chuyển thể, tức là, như đã nói, lấy Đường xưa mây trắng làm kịch bản văn học, không phải “dựa theo tác phẩm”. Kịch bản văn học là một thành tố trong quá trình xây dựng phim, là cơ sở từ đó viết thành kịch bản phân cảnh (có thể lấy một ví dụ để làm rõ hơn về vấn đề này: phim truyền hình nhiều tập Hoàng đế cuối cùng do các đạo diễn Trung Quốc thực hiện, trình chiếu nhiều lần trên sóng truyền hình TPHCM lấy hồi ký Nửa đời trước của tôi của vua Phổ Nghi làm kịch bản văn học, nhà vua xuất hiện trong phim với vai trò nhân vật tôi, so với phim nhựa Hoàng đế cuối cùng của đạo diễn Ý Bernado Bertolucci chỉ dựa vào hồi ký trên như là tư liệu có sự khác biệt lớn). Ở đây, Đường xưa mây trắng đã là một kịch bản văn học. Do đó, khi phim ra đời, người xem chúng ta phải đánh giá Đường xưa mây trắng phim truyện - tài liệu có trung thành với Đường xưa mây trắng truyện ký hay không, phát hiện ra khác biệt, nếu có. Và xét xem những khác biệt đó, do sự can thiệp của đạo diễn, là có giá trị, hay là làm giảm đi thành công của bộ phim.
Đường xưa mây trắng là một bộ truyện ký đồ sộ. Có lẽ, phim lấy truyện ký này làm kịch bản phải là phim truyền hình nhiều tập. Loại phim điện ảnh có độ dài tối đa chỉ 4 tập, thiết nghĩ, không thể phù hợp để thể hiện truyện ký Đường xưa mây trắng. Vả lại, phim về đức Phật có tầm cỡ 2 tập (khoảng hơn 100 phút) đã được các đạo diễn Nhật thực hiện, cũng đạt được thành công nhất định. Người xem là tín đồ Phật giáo chờ đợi một tác phẩm điện ảnh có tầm cỡ hơn về bậc đạo sư vĩ đại.
Yêu cầu thể hiện hình ảnh đức Phật
Yêu cầu này gắn liền với yêu cầu của một bộ phim truyện - tài liệu lịch sử. Nhưng đức Phật không phải chỉ là con người lịch sử . Ngài còn là một vị thánh.
Qua diễn viên và nghệ thuật diễn xuất, hàng trăm triệu khán giả là tín đồ Phật giáo sẽ hình dung ra vị giáo chủ của mình 2500 năm trước. Và đây cũng là hình ảnh đức Phật gởi đến hàng triệu triệu khán giả chưa phải là tín đồ đạo Phật, giúp cho họ có cái nhìn khái quát về đức Phật và đạo Phật.
Hình tượng đức Phật trong truyện ký Đường xưa mây trắng có thể coi là đã đạt yêu cầu nói trên. Nhưng thể hiện đức Phật trong Đường xưa mây trắng lên màn hình bằng ngôn ngữ điện ảnh còn là một chặng đường dài.
Diễn viên, ngoài ngoại hình phù hợp với vai diễn đức Phật, còn phải hiểu rõ đức Phật và Phật pháp, để có thể tái hiện sinh động và chân thực hình ảnh một vị Đạo sư - Từ phụ. Do đó, việc thiền sư Nhất Hạnh yêu cầu diễn viên thủ vai đức Phật phải trải qua khóa tu tập tại Làng Mai là một yêu cầu hết sức cần thiết và phù hợp. Không những chỉ diễn viên thủ vai đức Phật, mà toàn bộ đoàn làm phim, từ người viết kịch bản phân cảnh (triển khai chi tiết tác phẩm Đường xưa mây trắng theo yêu cầu của kỹ thuật điện ảnh) đến chuyên viên ánh sáng, âm thanh…, cần phải qua một khoá tu để tích lũy kiến thức và nuôi dưỡng tín tâm đối với đức Phật. Thành công của bộ phim không chỉ phụ thuộc vào tài năng và nỗ lực của chỉ riêng diễn viên thủ vai, mà đòi hỏi công sức của toàn bộ những người làm phim. Một chút sơ suất trong ánh sáng, trong cảnh trí, trang phục, thể hiện… do chưa hiểu biết thấu đáo về đức Phật đều có thể làm sai lệch hình tượng đức Phật, và như vậy là làm hỏng bộ phim.
Bên cạnh đó, để thể hiện thành công hình tượng đức Phật, tập thể đoàn làm phim, đặc biệt là đạo diễn và diễn viên thủ vai chính, không thể không am hiểu giáo pháp. Cuộc đời đức Phật không tách rời giáo pháp. Ngài không chỉ nói giáo pháp mà còn là người thực hành giáo pháp và là khuôn mẫu của giáo pháp. Cho nên, yêu cầu của việc tìm hiểu không thể dừng lại ở kịch bản văn học của bộ phim là truyện ký Đường xưa mây trắng, mà còn cần mở rộng những cơ sở để xây dựng nên truyện ký Đường xưa mây trắng, tức là toàn bộ kinh đại tạng và những tư liệu lịch sử liên hệ. Khi bộ phim hoàn thành, một trong những tiêu chuẩn để đánh giá sự chân thực của hình tượng là đức Phật được thể hiện trong phim có chiều sâu tâm linh của một vị thánh hay không. Điều đó liên hệ đến việc am hiểu Phật pháp. Bộ phim không thể chỉ dừng lại ở việc minh hoạ tiểu sử đức Phật, mà hình tượng đức Phật trong phim cần có tầm vóc tương đương hình tượng đức Phật trong truyện ký Đường xưa mây trắng và phù hợp với đức Phật mà 600 triệu Phật tử toàn cầu vẫn hình dung trong kính ngưỡng.
Vấn đề chuyển tải Phật pháp
Truyện ký Đường xưa mây trắng và phim lấy Đường xưa mây trắng làm kịch bản văn học đều nhằm vào cùng một mục tiêu: tái hiện cuộc đời đức Phật. Nhưng, cần lưu ý rằng, Đường xưa mây trắng truyện - ký còn là bản tổng kết, hệ thống những vấn đề cơ bản của Phật pháp, trình bày nó trong sự gắn bó với quá trình hoằng hóa của đức Phật từ thời niên thiếu đến khi thị tịch. Trong khoảng nửa thế kỷ đó, có không biết bao nhiêu sự kiện, tình huống mà đức Phật phải đối mặt, ứng xử, giải quyết, và từ đó, giáo pháp được thể hiện. Có thể coi truyện ký Đường xưa mây trắng là sự trình bày những nội dung chính của tư tưởng Phật giáo thông qua câu chuyện chi tiết về cuộc đời đức Phật. Khi chuyển thành phim, những tình huống, sự kiện là cái rất dễ thể hiện. Còn nội dung tư tưởng Phật pháp, nội dung cốt lõi của tập truyện ký thì sẽ rất khó thể hiện, mà ở truyện ký, sự kiện, tình huống chỉ là cái phụ, cái duyên, để từ đó phục vụ cái chính, cái nhân, là nội dung Phật pháp.
Ở truyện ký Đường xưa mây trắng, đã có sự cân bằng tương đối về sự kiện, tình huống và nội dung thuyết giáo. Khi chuyển thành phim, nếu sa đà vào những sự kiện, tình huống để tạo sự hấp dẫn theo yêu cầu thông thường của phim truyện, thì sẽ hạn chế giá trị của tác phẩm. Khán giả sẽ chỉ thấy diễn tiến cuộc đời đức Phật, không thấy giá trị Phật pháp và tiếp thụ được Phật pháp. Nhưng nếu cố gắng thể hiện giáo pháp như truyện ký Đường xưa mây trắng, qua sự kiện để gởi gắm những nội dung chính của tư tưởng Phật giáo, thì có khi lại không thích hợp với một phim truyện, và nếu là phim nhiều tập lại càng khó khăn hơn. Các nhà làm phim phải giải quyết thành công mâu thuẫn này, thể hiện được giáo pháp thâm sâu của đạo Phật bằng ngôn ngữ điện ảnh, như truyện ký Đường xưa mây trắng đã làm bằng hình tượng văn học, đồng thời vừa bảo đảm những yêu cầu về nghệ thuật của một bộ phim, nhất là phim nhiều tập.
Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân số - 43, tr.62, 2007]