Đạo Phật trong thời đại chúng ta

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Kính thưa quí vị và các bạn,

Không chỉ đến hôm nay mà từ ngàn xưa, cách đây gần 3000 năm, ở xứ Ấn Độ xa xôi kia với nền văn minh cổ xưa và sự kỳ thị giai cấp độc đáo (có tới 4 giai cấp trong xã hội), đạo Phật đã đóng vai trò đặc biệt rồi.

 

Điểm nổi bật của Phật giáo là không có tính mặc khải, không dạy tín đồ “cứ tin rồi sẽ hiểu”, không tôn sùng Giáo chủ, không nói giáo lý Phật dạy là “số một”, là độc nhất vô nhị, v.v... mà dạy người Phật tử hãy thực hành và thấy có ích lợi thực tế mới theo. Đức Phật từ chối trả lời những câu hỏi xa vời hay thần bí như con người từ đâu đến, niết-bàn là gì, sau khi chết đi về đâu, có Thượng đế hay không có Thượng đế, v.v... Ngài chỉ trả lời những câu hỏi đi vào thực tế như bí quyết của hạnh phúc và an lạc, là những vấn đề phải giải quyết ngay trong hiện tại chứ không phải sau khi chết! Vì vậy, đạo Phật, ở thời đại nào cũng vậy, trong xã hội nào cũng vậy, có tác dụng tốt hay không là do con người có chịu áp dụng hay không. Giáo lý của đức Phật không chỉ dạy cho Tăng Ni mà cho cả Phật tử tại gia, từ hàng vua chúa đến dân chúng, từ bổn phận làm vua, làm cha mẹ,… cho đến bổn phận làm dân, làm con, v.v... nữa. Ngài còn nói rằng dù chư Phật có ra đời hay không, Phật pháp vẫn có đó, vẫn tồn tại.

Người Huynh trưởng GĐPT áp dụng Phật pháp vào cuộc sống của mình và hướng dẫn đàn em áp dụng Phật pháp để có cuộc sống tốt đẹp. Họ không chỉ nói lý thuyết mà thực tập ngay trong cuộc sống. Họ làm như thế nào thì trao đổi với nhau để rút ra kinh nghiệm thực hành và truyền đạt lại cho đàn em. Xin mời quí vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại bỏ túi giữa các huynh trưởng trẻ GĐPT quen thuộc của chúng ta A, B, C.
A: Chào các bạn! Hôm nay chúng ta nói về đạo Phật trong thời đại mới của chúng ta phải không?
B: Phải rồi! Nhưng tại sao bạn lại gọi là thời đại “mới”?
C: Nghĩa là thời đại của thế kỷ 21 phải không?
A: Đúng thế, ý mình muốn nói là ngày nay đạo Phật đã được biết đến rất nhiều, đã có vai trò rất quan trọng, đã đóng góp rất nhiều trong việc giải quyết những vấn đề xã hội như “đấu tranh” giai cấp, chủng tộc, giới tính, v.v...chẳng hạn, đem lại hòa bình cho nhân tâm và thế giới.
B: Mình đồng ý trên nguyên tắc với bạn nhưng trên thực tế, những vấn đề lớn như bạn nói vẫn còn, chưa thấy được giải quyết, cũng như chiến tranh và khủng bố vẫn đang xảy ra nhiều nơi.
C: Phải! Phải! Nhưng đó là tại vì người ta không áp dụng Phật pháp vào cuộc sống, cũng giống như mùa cảm cúm (Flu) đang tới mà mình không chịu chích ngừa cảm cúm thì mình sẽ bị cúm, đâu có nói rằng thuốc không hiệu nghiệm được!
A: Đúng vậy! Mình nói chung chung là vậy vì “tâm bình thế giới bình” mà! Nhưng ở đây mình biết rằng anh chị em mình chỉ bàn đến việc chúng ta đã áp dụng Phật pháp như thế nào, dạy cho các em những gì và hữu hiệu ra sao theo những kết quả mà chúng ta thấy được.
B: Nghĩa là chúng ta chỉ nói đến vai trò của Phật giáo qua đời sống của người Phật tử tại gia trong gia đình, ngoài xã hội, trong cộng đồng… phải không?
C: Như vậy cũng đã khá to tát rồi! Chúng ta hãy bắt đầu nha! Ví dụ như mình, mình thấy Phật pháp đã dạy cho mình sống ĐÚNG, đức Phật đã thiết lập một xã hội bình đẳng ngay tại Ấn Độ qua lời dạy của Ngài: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và trong giọt nước mắt cùng mặn”. Đó là nội dung mẩu chuyện Đạo “đức Phật độ cho người gánh phân” mà chúng ta đã dạy cho các em. Từ đó mình noi theo và phát triển lên, thiết lập tâm bình đẳng. Mình thực tập bằng cách không áp đặt tư tưởng yêu - ghét lên người khác, mình cố gắng thực hành từ bi, trước hết là tha thứ bao dung…
A: Phải, mình cũng vậy, dạy cho các em bài Ngũ uẩn, mình cũng có được cái nhìn rộng rãi về con người, ai cũng giống nhau trong cảm giác ham vui sợ khổ, tham sống sợ chết, v.v… cho nên mình cũng rèn luyện lòng từ bi, sự trầm tĩnh, tập xóa bỏ thiên vị. Muốn như vậy, mình đã xét lại những định nghĩa về bạn và thù, yêu và ghét, v.v... Mình nhận thấy lâu nay mình đã dùng chữ sai lầm khi nhận xét về con người và hành động của họ. Ví dụ mình ghét anh X vì anh ta ích kỷ, bỏn xẻn; mình thích anh Y vì anh ta dễ thương, ưa giúp đỡ mọi người, v.v... Đúng ra phải nói rằng mình ghét hành động ích kỷ của anh X và thích cái tính tốt ưa giúp đỡ mọi người của anh Y, có phải không?
B: Phải rồi, vì thế nếu một ngày nào đó, ví dụ trong anh X và anh Y có sự chuyển hóa, anh X mất đi tính ích kỷ nhỏ nhen, còn anh Y trở nên bỏn xẻn, v.v... thế thì mình lại thương anh X ghét anh Y sao? Không, chúng ta chỉ ghét những tính xấu, yêu những đức tính tốt chứ không phải yêu ghét những con người! Chúng ta phải học theo đức Phật yêu thương tất cả mọi người, mọi loài mới được đó.
C: Đúng vậy, mình cũng thấy cần phải điều chỉnh lại những suy nghĩ của mình về bạn-thù, yêu-hận vì bạn bè quanh mình đó, mới năm trước thành hôn, nói yêu nhau thắm thiết, năm sau ly dị, lại nói hận nhau suốt đời! Cái gì lạ vậy? ☺☺!! Áp dụng Phật pháp như thế nào đây?!
A: Bạn không thấy rõ nguyên nhân sao? Mình thì thấy rất rõ. Đó là bởi vì “khi yêu trái ấu cũng tròn” nên mình không thấy ở người kia những tính xấu, những khuyết điểm; người kia cũng vậy, thấy ở mình toàn những ưu điểm tuyệt vời, dù thật ra đó chỉ là những ưu điểm chút chút!! Thế nhưng sau hôn nhân, sống với nhau 24/24, những khuyết điểm dần dần hiện ra hết còn ưu điểm thì biến mất vì “khi ghét bồ hòn cũng méo” thế là lục đục, lời qua tiếng lại, v.v… rồi vì thiếu lòng vị tha, bao dung mà lại dư ích kỷ, cố chấp nên dễ dàng chia tay, ly dị!
B: Nếu hai người đó có học và hành Phật pháp, họ sẽ trầm tĩnh xét đoán người bạn gái (hay trai) trước khi kết hôn, xem thử tính nết có khác biệt quá hay không… và sau khi kết hôn, biết tha thứ cho những khuyết điểm, tìm thấy những cái tốt của nhau sống hòa thuận tin yêu lẫn nhau, v.v… thì có thể sẽ tránh được đổ vỡ.
C: Mình còn nghĩ rằng hình như đó không phải tình yêu, nghĩa là không phải tình yêu dành cho người kia mà chỉ là ham muốn, là tự yêu mình!
A: Có lý lắm, bởi vì nếu thật sự yêu người kia thì vì hạnh phúc của họ, đâu có làm cho họ đau khổ, đâu có ghen tuông, gây gổ, to tiếng …, để cuối cùng đến ly dị, có phải không?!
B: Một cách chung, mình thấy mỗi người chỉ cần sống đúng Năm giới là xã hội đẹp đẽ, thanh bình nhất rồi!
C: Phải đó, (1) Không sát sanh (2) Không trộm cắp (3) Không tà dâm (4) Không nói dối (5) Không uống rượu. Chỉ cần mọi người đều giữ giới thứ hai thôi, chứ đừng nói là cả năm giới, thì xã hội đã quá đẹp rồi: ban ngày không có cướp, ban đêm không có trộm và “đời thanh bình cửa thường bỏ ngỏ” là được rồi!!
A: Đó là chưa nói “trộm cắp” còn có nhiều ý nghĩa, giữ được giới này thì giới thứ ba cũng nhất định không phạm rồi.
B: Thế mới nói không cần xa vời, chỉ nói sơ như vậy đủ thấy Phật giáo đóng góp sâu rộng vào nếp sống văn hoá của xã hội như thế nào, không phải chỉ xã hội đương đại mà cả từ trước đây rất lâu nữa.
C: Biết vậy rồi nhưng trước kia người ta chỉ biết Phật giáo trong việc chữa trị tâm bệnh, ngày nay người ta còn biết đến giá trị của Phật giáo trong việc trị liệu thân bệnh nữa!
A: Đúng rồi đó! Ngày nay trên thế giới có rất nhiều trung tâm trị liệu các bệnh tâm thần, cả các bệnh về ung thư nữa, bằng phương pháp thiền định Phật giáo.
B: Phải phải! Mới đây Y khoa nói riêng, khoa học nói chung, đã phát hiện những sóng của não bộ của những vị thiền sư đang thiền định và họ còn đo được những sóng đó, từ đó tìm ra phương pháp để “chữa” lành những bệnh tâm thần, khảo sát được sự biến chuyển trong óc của bệnh nhân …
C: Đừng tưởng rằng chúng ta hoàn toàn khỏe mạnh, không bị tâm thần đâu nha! Những khi chúng ta giận dữ thì chúng ta không khác gì đang điên loạn đó! Vì cái giận có một năng lượng rất lớn nhưng là năng lượng phá hoại như năng lượng của một quả bom, làm nổ tung môi trường chung quanh gây ô nhiễm nặng nề và làm nổ luôn chính con người đang giận dữ.
A: Không sai! Vì vậy khi chúng ta dạy các em bài “Tam độc Tham, Sân, Si”, chúng ta có nhắc và giảng cho các em câu nói của đức Phật là “Một niệm sân khởi lên sẽ đốt cháy cả rừng công đức” và riêng mình còn dặn các em của mình rằng tham là một bệnh rất nguy hiểm và rất hay lây nữa! ☺☺!!
B: Phải rồi, bệnh này giống như là bệnh kinh niên của mọi người, ai cũng mắc phải và chỉ lo bệnh càng ngày càng nặng hơn trước những cám dỗ của đời sống vật chất; chúng ta phải chú ý để chữa trị. Phần mình, mình đã và đang chữa trị bằng phương pháp “trở về với hơi thở” đó. Các bạn thì sao?
C: Mình cũng vậy thôi, vì hơi thở và trái tim là gắn liền với cuộc sống, một hơi thở ra không vào hay một hơi thở vào không ra là sự sống không còn nữa. Vì biết sự sống gắn liền với hơi thở, mình thực tập theo kinh Quán niệm hơi thở.
A: Mình cũng giống các bạn. Mình thực tập theo dõi hơi thở ra, vào và quán sát những cảm thọ đang xảy ra cho đến khi an tịnh những cảm thọ trong mình (vui, buồn, không vui không buồn…). Cái này gọi là thâu nhiếp tâm ý hay quán niệm:
Tôi đang thở vào và làm an tịnh những cảm thọ trong tôi.
Tôi đang thở ra và làm an tịnh những cảm thọ trong tôi, v.v...
Khi những cảm thọ thực sự được an tịnh thì tâm trở nên mát dịu, đó là tâm đã được an định.
B: Đúng vậy! Tâm an định là gì? Đó là khi chúng ta đã thấy được tính vô thường của vạn pháp cũng như thấy được tính không sinh không diệt của chúng; khi đó chúng ta sẽ không còn ham muốn mà khi không còn ham muốn thì đâu có thể nổi sân hay si mê trước những cám dỗ của những sắc màu, bóng dáng… mong manh của cuộc đời.
C: Tâm an định cũng là khi chúng ta làm chủ được những tình cảm vui buồn, giận, yêu ghét… tâm không tán loạn, không bị dính mắc ràng buộc với những tư tưởng chật hẹp của đời thường.
A: Phải rồi, lúc đó chúng ta có thể hiểu được rõ ràng ý nghĩa những câu như:

Tất cả các pháp hữu vi
Như mộng huyễn, như bọt nước.
hay :
Thân như bóng chớp, có rồi không


Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.
hay:
Không một Pháp nào sanh
Không một Pháp nào diệt,

Nếu thấy được như nó đang là (as it is).
Tức là thường thấy chư Phật.
B: Đúng vậy, rồi tiến thêm một bước, chúng ta có cái nhìn vô tư khách quan để thấy tự tánh các pháp hiển lộ và qua đó chúng ta thấy được sự liên hệ mật thiết giữa chúng ta và vũ trụ, vạn vật, sự tương tức tương nhập, v.v... chúng ta thấy rất rõ khổ đau là một yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống con người. Vì vậy con người phải học yêu thương để đem vui, cứu khổ cho đồng loại, không chỉ yêu thương loài người mà còn yêu thương thiên nhiên, bảo vệ súc vật, cây cối, v.v... nữa.
C: Phải đó, lúc xưa mình rất sợ sấm chớp, mưa gió, lụt lội, v.v… nhưng từ khi tập quán chiếu, nhìn sâu vào những cái mình sợ, mình không còn chấp nhất nữa. Ví dụ, mình thích nước trong, nước mát… thì mình cũng không thể ghét nước mưa, nước lũ lụt…; mình thích gió mát trăng thanh thì mình cũng không có lý do gì để ghét bão tố, chỉ là một trạng thái khác của gió; cũng vậy, mình thích sự nhiệt tình, hăng hái thì mình cũng phải chấp nhận sự nóng nảy, hung hăng vì đó chẳng qua là hai hình thức của cùng một yếu tố lửa!
A: Như vậy, chúng ta đã nói lên những ích lợi của Phật pháp mà chúng ta đã và đang áp dụng vào cuộc sống của bản thân, gia đình, đoàn thể… nói chung là xã hội chúng ta đang sống.
B: Phải! Một người thay đổi sẽ có ảnh hưởng đến cả tập thể, một tập thể thay đổi sẽ ảnh hưởng đến xã hội vì trong xã hội đương đại của chúng ta không còn “bế môn tỏa cảng” như ngày xưa. Người ta nói rằng: “Một con bướm vỗ cánh ở bên này bờ Đại Tây dương cũng ảnh hưởng đến bên bờ kia của Thái bình dương” để nói lên sự tương tức tương nhập của mọi người mọi loài trên quả đất này, không ai có thể sống riêng rẽ.
C: Đó cũng không ngoài giáo lý Duyên sinh, Duyên khởi của đạo Phật, có phải không?
A: Như vậy là tạm đủ cho buổi mạn đàm của chúng ta hôm nay rồi các bạn hở? Xin tạm biệt và hẹn lần sau nha!
B và C: Tạm biệt! Tạm biệt!

Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân số - 43, tr.73, 2007]