Như Một Năng Lực Triển Hạn Xuyên Thấu Thực Tính Vạn Pháp

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trên cơ sở đã dẫn, để giải thuyết cho nạn đề đưa ra: khi nói lưu lại kinh nầy một trăm năm, đây là biểu trưng nhấn mạnh cho một đời của một con người trụ thế học đạo, hành đạo, độ sinh... để đi tới giác ngộ. Chính vì thế mà chúng ta không ngạc nhiên khi kinh không nói 200 hay 500 năm mà chỉ nhấn mạnh ở một thời khoảng giới hạn 100 năm.

 

Nói về kinh đạo tận diệt, điều nầy không có nghĩa là kinh đạo bị tàn lụi, mà chính là chỗ nói “học hành không thiếu cũng không dư, đến nay tính lại đà quên hết”, biểu trưng cho sự quét sạch về mặt hình tướng để Xứng Lý (phá tướng), hỗ tương cho mặt Như Lý (ngôn ngữ đạo đoạn) để bước vào lộ trình đi tới sự thành tựu cứu cánh giác ngộ ngay trên thực tính của vạn pháp, tức là đạt “NHƯ” (Chiếu Chơn). Song giai trình nầy cần phải quét sạch sành sanh tất cả mọi hình hình tướng tướng, màu màu, sắc sắc kể cả những hạt giống vô minh từ dạng thô cho đến vi tế đang ngủ ngầm từ trong tàng thức Alaya, đây là chỗ nói “sau cùng đức Phật Di Lặc lâm phàm thị hiện”. Đây là lúc mà Thiện Tài đồng tử bước vào lầu các Di Lặc khai mở tạng tâm trong lần tham vấn thứ 51. Tưởng rằng thế giới bị phong kín bởi bốn bức tường nhỏ hẹp, nào ngờ khi bước vào Thiện Tài ngộ được một pháp giới tuyệt mỹ, trùng trùng, vô tận. Muốn đi tới viên mãn cứu cánh nầy, chỉ có con đường thù thắng nhất là con đường “A-di-đà Phật” để quay về với tánh Vô Lượng Quang, Thọ của mình, tức là sống thực từng sát-na với cái thực tại bất sinh bất diệt, hằng hữu, linh minh tịch mặc. Vô Lượng Quang, Thọ chính là bản nguyên tâm địa mà kinh Phạm võng nhắc tới, tuyệt đỉnh của cứu cánh đích thực, tâm yếu bất di dịch của ba đời chư Phật cũng là nội dung muốn chỉ bày và hiện thực của Hoa nghiêm. Giá trị mà kinh Hoa nghiêm mang lại, như là một pháp lực vô biên dâng hiến cho chúng ta (những chúng sinh khổ nạn vì bị khống chế bởi ba độc tham, sân, si), một chìa khóa vô giá mở vào lòng cuộc sống, mà trong đó, vô số những vị bồ-tát, mỗi hình ảnh khổ đau, mỗi chướng nạn trong cuộc đời được phơi bày là biểu hiện cho một đạo lý nào đó, nếu chân thành, tinh tấn học hỏi và ngay đó mà thành thật hành trì sẽ giúp ta khai mở vào một kho tàng vô tận không thể nghĩ lường nơi Phật tánh.

Tóm lại, dứt đoạn con đường ngôn ngữ (vô ngôn), quét sạch mọi hình tướng (vô tướng): Như lý, Xứng lý, biểu hiện tuyệt đích của vô tác. Như đã đề cập, kinh Vô Lượng Thọ biểu trưng của Như (theo Pháp sư Tịnh Không, đây là trung bản Hoa nghiêm, mà Hoa nghiêm chính là nền tảng của toàn bộ 45 năm tuyên thuyết của đức Phật Thích-ca Mâu-ni). Như vậy, khi quét sạch chữ Như trở về lục tự Di Đà, thực tại hằng hữu - tức tánh Vô Lượng Quang, Thọ - chính là giải thuyết cho ý “khi kinh đạo tận diệt, sau cùng chỉ còn A-di-đà Phật” bằng biểu trưng đức Phật Di Lặc ra đời (tức khai mở tạng tâm và chính Bồ-tát Di Lặc hiện đang thuyết Duy thức học tại cõi trời Đâu Suất), đó là chỗ nói Như lý, Xứng lý ở đoạn trước. Nghĩa là Tam tạng kinh điển đi vào một chữ “NHƯ”. Còn “100 năm” như đã nói là một đời người, một dòng sinh mệnh tiêu chuẩn, bao gồm một quá trình tu đạo để giải thoát. Còn nói “kinh Lăng nghiêm mất đi đầu tiên” có lẽ từ ở trên cơ sở của Tịnh độ mà nói. Trong kinh Lăng nghiêm, có thể kể hai phẩm điển hình, quan trọng: thứ nhất là Niệm Phật viên thông chương, trong đó Bồ-tát Đại Thế Chí dạy chấp trì danh hiệu, niệm niệm tương kế, đô nhiếp sáu căn, dẫn đến sự thành tựu về Sự; thứ hai là phẩm Quán Âm quảng trần, Bồ-tát Quán Thế Âm dạy phương pháp phản văn văn tự tánh, dẫn đến sự thành tựu về Lý. Lúc mà căn trần, năng sở... gọi là song vong hay viên dung thì tất cả chỉ là thiện xảo bước vào Trung đạo, đi tới Nhất thể viên mãn (đây cũng là ý nghĩa, nếu để ý, sẽ thấy được cách sắp xếp bộ tượng Tam Thánh trên bàn thờ: ở giữa là đức Phật A-di-đà, biểu trưng cho Trung đạo, cho tánh Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ; bên phải Ngài là Bồ-tát Đại Thế Chí, biểu trưng cho Sự niệm Phật; bên trái Ngài là Bồ-tát Quán Thế Âm biểu trưng cho Lý niệm Phật. Một khi phải - trái, lý - sự viên dung vào nhất thể thì hành giả hoàn toàn tự tại, vô ngại khai mở tạng tâm, tức thành Phật). Ý nghĩa nầy đại biểu cho chặng đường tiên quyết mà hành giả phải vượt qua. Như vậy ở đây chữ “mất” có nghĩa là song vong hay viên dung nhất thể, tạo nên năng lực triển hạn xuyên thấu vào thực tính vạn pháp.

Năng lực nầy như là lưỡi kiếm kim cương khi chém thời xuyên thấu cả hai mặt, giống như kinh Kim-cang, vô ngại, năng đoạn triệt để nhất thiết phiền não. Nếu chỉ đứng ở một mặt để giải lý, giải sự, thời Lý-Sự đều là hư vọng. Chẳng qua là nói lý để tỏ sự, nói sự để tỏ lý. Thực thì mọi hình thức phiến diện, bằng tư tưởng đối đãi, đều không thể thể nhận chân thật chân tướng của “Như”. Chừng nào còn ở trong trường tác động của thức, chừng đó vẫn còn chuyên tải mọi sai biệt tương đối: Sai khác - bình đẳng, phủ nhận - siêu việt... Cũng do ở tính vốn chuyên tải đó cho nên sự  sai khác, bình đẳng... như là những mâu thuẫn nội tại cần phải chân thật chứng nghiệm. Vũ trụ trong tương quan chân thật phải được thực tiễn quan sát, soi sáng vào hai mặt tương đối (Sự) và tuyệt đối (Lý), nghĩa là giữa hỗ tương giao thiệp và lý tính hiện hữu trên lý tắc hỗ nhập hỗ tức. Nếu “hỗ nhập” (câu khởi, hỗ nhiếp, hỗ dung) ở mặt nầy, thời “hỗ tức” (sự tức lý, lý tức sự) ở mặt kia. Điểm này, Phật đã dạy vô cùng sâu sắc trong kinh Pháp hoa, phẩm Phương tiện rằng “Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ”.

Trụ Pháp vị là bởi hỗ nhập nhưng không tạp, không biến; Tướng thường trụ là bởi cái muốn vươn tới là sự tồn sinh của pháp tánh thường trụ. Ý nầy làm sáng tỏ thêm tiến trình quan hệ từ Như tới Viên dung. Tiến trình của sự chứng nghiệm: sai khác cũng không phải sai khác, bình đẳng cũng không phải bình đẳng... nằm trong biện chứng Bát-nhã mà Phật đã dạy cho Tu-bồ-đề. Tại sao? Bởi “pháp nhĩ như thị”, nó tuyệt đối không hiện hữu cách nào khác hơn như nó là. Nội dung của nó không thể dung chứa bất cứ thứ gì khác, nó là SVI, không phải cái muốn biểu thị hay cái không muốn biểu thị. Cách thi vi nào cũng là hư vọng. Cách biểu đạt nào cũng “bất năng kiến Như Lai”. Phải có một năng lực để ra khỏi cái gì đó để tới chỗ năng đoạt hết thảy mọi ý niệm hiện khởi, cái mà lưỡi kiếm kim cương xuyên thấu, giao triệt và dung nhiếp, chỗ gọi là Pháp giới tính, tức Tánh không (śūnyatā).

Đây cũng là chỗ khéo lấy bỏ (thiện xảo thủ-xả). Chính chỗ nầy mà Trì Thế bồ-tát khi đối trước Đế Thích, sau khi hỏi chào Kiều-thi-ca và được trao 12 ngàn nữ nhân để hầu hạ, Trì Thế từ chối không nhận cho rằng đấy là món quà phi pháp. Ngay khi đó, Duy-ma-cật xuất hiện, bảo với Trì Thế đó là Ác ma đến quay nhiễu Ngài chứ không phải Đế Thích rồi quay sang Ác ma nói, ta sẽ nhận ngay 12 ngàn cô gái nầy, một cách tự tại, không do dự, không chướng ngại. Đây là khéo nhận và trước sự lung túng của tập đoàn nữ nhân: “Ở trong cung điện của Ma, chúng tôi phải sống như thế nào?”, Duy-ma-cật liền trao cho họ pháp Vô tận đăng (pháp của ngọn đèn vô tận) và dạy rằng hãy dùng ánh sáng của nó mà soi rọi, dẫn dắt vô lượng con trai, vô lượng con gái của trời khiến họ phát tâm cầu giác ngộ, báo ân Phật và nhiêu ích chúng sanh.

Trên căn bản mà quán sát thì một mặt, sự từ chối không nhận của Trì Thế bồ-tát là ở trên tịnh tức trên lý mà lập. Nếu không khéo nhận ra, tưởng rằng một cách đối người, tiếp vật như vậy còn ở cấp độ biên kiến.Mặt khác, sự khéo nhận của Duy-ma-cật đích thực là thiện xảo thủ xả, từ trên uế, bất tịnh (tức trên sự) mà hành, đồng thời ngọn đuốt trí tuệ đã bừng sáng vào cả hai mặt uế-tịnh của cùng một thực tại. Quả như là lưỡi kiếm cùng lúc chém xuống cả hai mặt, xuyên suốt vô ngại vào Như, vào lý tính bình đẳng vốn sẵn nơi vạn pháp. Phải nói là đỉnh cao của sự thành tựu của Duy-ma-cật được xây nền từ bài học không buông lung của Trì Thế trước những thử thách và một đội quân Ma nữ của Ác ma đưa ra. Nhưng ánh sáng trí tuệ Vô tận đăng đã dập tắt ngọn sóng ái dục đang nhấp nhá xô ập tới và sợi dây thừng ái dục đang sẵn chờ trói buộc kẻ si mê như trói con voi lớn trong rừng cũng đã bị chặt đứt tan tành. Biểu trưng sinh động nầy chính là sự giải thoát bất khả tư nghị từ nữ tính ở cấp độ uế nhiễm đã được nâng cấp thành chất liệu của thẩm mỹ và đề thăng tuyệt vời về hình ảnh phản diện của thẩm mỹ. Nói rõ hơn, nữ tính, tham ái dẫn đến tái sinh đã được thăng hoa trở thành phẩm tính cao quý cho giác ngộ và giải thoát. Do đó có thể rút ra một một phương cách cho hành động khi còn bị ràng buộc ở trong trường tác động của thế tục: “Cái gì tiếp xúc, hãy ở ngay đó mà hành”. Sự dung nhiếp giữa cái thế giới Lokadhātu và pháp giới Dharmadhātu giống như một giọt nước và đại dương. Muốn giữ cho giọt nước thường trú trong bản chất tuyệt vời của nó chỉ có một cách: “Hãy đem giọt nước nầy nhỏ vào lòng đại dương”. Một bầu trời xanh thênh thang mở ra, hưng khởi một nguồn đại bi tràn ngập trong một pháp giới duyên khởi tuyệt mỹ trùng trùng vô tận.

Cứ trên lăng kính nầy mà quán sát thời Như là tự tâm cũng là biểu hiện của pháp giới tính duyên khởi, vì duyên hiện các pháp nên có tính mầu nhiệm, vì duyên biết các pháp nên có tính sáng suốt. Phát hiện và dẫn tới chỗ thể nhận Như là phương tiện thiện xảo mà Hoa nghiêm khẳng định không gì khác hơn là Sự nhập và Sự tức hỗ tương giữa thế giới và pháp giới, giữa Lý và Sự. Nhưng tại đó phải như thực thấy thế giới không phải pháp giới mà cũng là pháp giới, sự-lý sai biệt cũng không sai biệt. Tại sao? Bởi Sự luôn là biểu hiện của một Lý nào đó; Lý luôn là biểu hiện của một sự nào đó. Lý là thể tính của các pháp. Sự là hiện tượng của lý tánh. Sự, Lý không rời nhau mà nhất thiết hỗ nhập hỗ tức, trong ngoài toàn dụng, tức thể tức dụng nghĩa là viên dung vào một nhất thể tuyệt đối.

Ngang đây, nếu thực tiễn vào pháp môn Tịnh độ, có thể lý giải được: vì sao phải niệm A-di-đà Phật? Bởi chính mình đã là A-di-đà, một thực tại vốn Vô Lượng Quang, Thọ, hằng hữu và tịch mặc. Cho nên niệm là để tu chứng cái thực tại đó. Phật A-di-đà không gần cũng không xa. A-di-đà là bản chất nguyên sơ của chúng ta, của hết thảy chúng sinh. Không luận là khi nào và ở đâu của khoảng không thời gian tương đối, trong tiến trình hóa dịch tự thân như thực của vạn hữu luôn luôn hiển lộ tánh A-di-đà.

Do đây có thể biết, từ trong pháp Phật, tu tập, chứng ngộ đồng nhất (viên dung) phải nhất quán, tiến trình nội tại, một tiến trình không có khoảng cách. Đạo Nguyên nói tu là tu nơi sự chứng, không gì khác hơn là “Bản chứng diệu tu”. Thường xuyên áp dụng, thi vi thời kho tàng tự nhiên mở cửa và mở ra bất tận.

Tất cả những hàm nghĩa mà tác giả đã nỗ lực trình bày trong khuôn khổ của bài viết nầy qua sự gợi ý của bài kệ mở đầu và một đoạn trong kinh Vô Lượng Thọ trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác, chính là một sự sách tấn chân thành nhất cho chính tự thân cũng như cho bất cứ những ai nếu thực tâm muốn lên đường và quay lại với chính mình bằng “A-di-đà Phật” để kịp lúc dự vào Liên trì hải hội nơi ao bảy báu trên quê nhà Cực Lạc.

Tâm Tịnh
[Tập san Pháp Luân số - 43, tr.38, 2007]