Đạo Phật là đạo của từ bi, trí tuệ, là đạo diệt khổ. Giải thoát khổ đau cho con người là mục đích của đạo Phật. Từ các giáo lý nền tảng nhất như Tứ diệu đế cho đến sau này khai triển mà ở đây đề cập với ý niệm về Tàng thức trong Duy thức học, tất cả, dù thiên diễn mênh mông cũng không ngoài mục đích ấy.
Từ cổ chí kim, trong lịch sử nhân loại, mọi sự vận động của khoa học, triết học, xã hội đều nhằm cố gắng đi tìm bản chất của con người và thế giới. Nhưng họ đã bế tắc, bởi lẽ những sự vận động ấy chỉ thuần duy lý của tư duy hữu ngã mà không gắn liền với thực tại. Vì thế, vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ, chưa giải quyết được một cách rốt ráo.
Khổ đau của con người là một sự thật hiện hữu rõ ràng. Chúng sinh sở dĩ không ra khỏi vòng luẩn quẩn của luân hồi đau khổ vì không nhận chân thế nào về bản chất của khổ, nguyên nhân và con đường đi đến sự diệt khổ. Không nhận chân, điều đó có nghĩa là đau khổ ở thế gian, chủ yếu là thế gian nội tâm hơn là thế gian bên ngoài. Ngoại cảnh là phản ảnh của nội tâm. Cho nên Tàng thức trong Duy thức học cũng là một bước triển khai trên lãnh vực nội tâm để lý giải, hiển bày rõ hơn về bốn sự thật mà giáo lý Tứ đế – bài pháp đầu tiên, nền tảng căn bản đạo học của Phật giáo đã thuyết minh.
Trong Tương ưng bộ V, kinh Chuyển pháp luân, trang 424, Phật dạy: “Thế nào là Tứ Thánh đế? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế và Khổ diệt đạo Thánh đế.
Thế nào là Khổ Thánh đế? Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, sầu bi là khổ, ưu não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.
Thế nào là Khổ tập Thánh đế? Chính là ái đưa đến tái sinh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia, tức là Dục ái, Hữu ái và Vô hữu ái.
Thế nào là Khổ diệt Thánh đế? Chính sự đoạn diệt ly tham không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước.
Thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế? Tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định”.
Trên đây là những khẳng định cô đúc, súc tích nhất của Tứ Thánh đế. Thánh đế là chân lý cao cả, là sự kiện hiển nhiên không thể tranh luận. Gọi là Thánh đế, vì đây là con đường dẫn đến bậc Thánh, được đức Thích-ca đã chứng ngộ, khai thị, thi thiết, kiến lập, phân biệt hiển lộ rộng rãi. Bốn chân lý được gọi là cao quý nhất, rõ ràng, vì không có chân lý nào trước và sau đó cao quý hơn. Như xác nhận chắc thật của tôn giả A-nậu-lâu-đà trước lúc đức Như Lai nhập Niết-bàn: “Bạch đức Thế Tôn, mặt trăng có thể làm cho nóng lên, mặt trời có thể làm cho lạnh đi, nhưng bốn chân lý mà Ngài dạy: Khổ thì thật là khổ không thể làm cho vui lên; Tập là nguyên nhân của khổ thì không còn có nguyên nhân nào khác nữa; Diệt là khổ diệt vì nguyên nhân đã diệt, mà nguyên nhân diệt đã thì kết quả cũng diệt; Đạo là phương pháp diệt khổ nên thật là Đạo, không có Đạo nào khác hơn”.
Do đó, nếu thấy rõ Tứ Thánh đế thì đó là dấu hiệu báo trước của sự giác ngộ như thật về Tứ Thánh đế. Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, đây là điềm đi trước, đây là tướng báo trước mặt trời sắp mọc tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đây là điềm đi trước, đây là tướng báo trước sự giác ngộ như thật Tứ Thánh đế, tức là chánh tri kiến”. Vì vậy, từ lòng thương tưởng của đức Phật, mỗi đế đã được cắt nghĩa qua ba chuyển: đó là thấy rõ và chỉ cho chúng sanh thấy rõ khổ đau (thị chuyển); khích lệ chúng sanh thấy rõ khổ đau (khuyến chuyển); rồi khẳng định có sự chứng ngộ hay chứng đạt, dứt trừ hết khổ đau (chứng chuyển). Mỗi đế có ba chuyến như thế bốn đế thành mười hai hành tướng. Chính “chứng chuyển” là một khích lệ lớn từ tự thân đức Thế Tôn đối với chúng ta là toàn bộ chúng sanh. Bởi lẽ Ngài chẳng phải là một đấng thần linh mơ hồ nào, mà trước đó Ngài cũng là một chúng sanh, là một con người. Cho nên, qua đó, với Tứ diệu đế, ta có bốn nhiệm vụ thi hành là: Khổ nên biết, Tập nên đoạn, Diệt nên chứng và Đạo nên tu.
Khổ đế là diệu đế thứ nhất, được trình bày trước hết là trong hai cặp nhân quả thế gian và xuất thế gian của Tứ diệu đế.
Khổ – Duḥkha – là một thuật ngữ bao hàm nhiều nghĩa, như sự bức bách khó chịu… sự khổ đau trong thế giới hữu tình chứa đựng nhiều vị chua, cay, đắng, chát, đem lại cảm giác khổ đau bất an.
Có ba nghĩa của sự khổ: thứ nhất là nghĩa vật chất sinh lý (khổ theo nghĩa thông thường); thứ hai là nghĩa tâm lý tinh thần; và nghĩa thứ ba mang tính triết học như Phật nói: cái gì vô thường là khổ. Ứng trên ba nghĩa này về sự khổ, mà Phật giáo có ba khái niệm khổ (tisro-duḥkhatāḥ, 三苦): khổ khổ (duḥkha-duḥkhatā, 苦苦), hoại khổ (vipariṇāma-duḥkhatā, 壞苦) và hành khổ (saṃskāra-duḥkhatā, 行苦).
Khổ khổ là cảm giác khổ về thân tâm hiện tiền, cảm giác khổ dễ nhận thấy như: sinh, già, bệnh, chết, xa người mình thương, gần người mình ghét, cầu không được…
Hoại khổ được hiểu là nỗi khổ tiếp theo sau niềm vui tàn tạ. Hành khổ là nỗi khổ sâu xa thầm kín của tất cả chúng sinh. Đó là sự chuyển biến ngấm ngầm trong từng sát-na, nó bao trùm cả vô thường (anitya, 無常), khổ (duḥkha, 苦), sự trống rỗng giả tạm (śūnya, 空, không), không có một thực thể cố định (anātman, nir-ātman, 無我, vô ngã). Cho nên Hành khổ mang ý nghĩa sâu sắc hơn hai nghĩa trên, vì ở đó nói lên được cội rễ nỗi khổ thế gian, đó là sự chấp ngã. Như định nghĩa trên, chấp thủ lấy thân tâm năm uẩn này là ta, là của ta, là tự ngã của ta, đó là mầm mống sinh khởi ái dục, đưa đến vô vàn đau khổ mà ở diệu đế thứ hai được trình bày tường tận.
Tập đế (samudaya-satya, 集諦) – chân lý cao cả về sự phát sinh hay nguồn gốc của Duḥkha, bao hàm tất cả những yếu tố gì sinh khởi, phát triển, kéo dài, liên hệ đến phiền não hữu lậu pháp. Những yếu tố ấy tựu trung mang một trong những bốn nghĩa: nhân (hetu, 因), tập (samudaya, 集), sinh (prabhava, 生) và duyên (pratyaya, 緣).
Nhân là những điều làm nhân đưa đến quả khổ. Tập là những điều tập hợp lại đưa đến quả khổ. Sinh là những cái có khả năng làm phát hiện Khổ đế. Và duyên là những gì làm duyên cho khổ được hình thành. Trong đó, khát ái (taṇhā, 渴愛) được xem như nguyên nhân chính yếu, trực tiếp và dễ thấy nhất của khổ mà tham (lobha, 貪), sân (pratigha, dveṣa, 瞋), si (moha, mūḍha, 癡) là bản chất biểu hiện qua thân, khẩu, ý, tạo nghiệp luân hồi muôn kiếp. Nhưng Ái không phải là nguyên nhân đầu tiên. Theo Duyên khởi, chính ái (tṛṣṇā, 愛) do thọ (vedanā, 受) sinh, thọ do xúc (sparśa, 觸) sinh, xúc do hành (saṃskāra, 行) sinh… Khổ đau do khát ái, như thế cũng có nghĩa là do mười hai nhân duyên hay năm thủ uẩn mà tập khởi. Sự chấp thủ năm uẩn vô hình trung là biểu tướng của vô minh, ý niệm sai lầm về ngã từ năm thủ uẩn. Và trong vòng luân hồi có bốn loại thức ăn (atvāra āhārāḥ, 四食) theo nghĩa duyên (ở trên) để hữu tình tiếp tục sống và tồn tại. Trong đó, tư niệm thực là ý chí muốn sống, muốn tồn tại, tái sinh, tương tục, tăng trưởng, tạo nên nguồn gốc của sự sống và tiếp tục tiến tới trước những nghiệp thiện và bất thiện. Khi hiểu được tư niệm thực sẽ hiểu được ba hình thức khát ái: dục ái (khao khát khoái lạc giác quan), hữu ái (khao khát sự hiện hữu) và vô hữu ái (khao khát sự không hiện hữu).
Nói tóm, vô minh, ái, thủ, hành nghiệp, v.v… đều là những sự thật về nguyên nhân của Khổ, không có nguyên nhân nào khác.
Ta thấy nguyên nhân của Duḥkha nằm ngay trong bản chất Duḥkha, nên đến diệu đế thứ ba – Khổ diệt Thánh đế (nirodha-satya) – chính là sự trừ diệt nguyên nhân của Khổ. Cho nên trạng thái niết-bàn chỉ được định nghĩa một cách gián tiếp qua việc phủ nhận những gì nội dung của Tập đế như: ái tận niết-bàn, thủ diệt niết-bàn, uẩn diệt niết-bàn, vô ngã niết-bàn. Hay ngược lại, niết-bàn là tham, sân, si diệt, hoặc thức diệt, hành diệt, vô minh diệt… Và điều căn trọng khi nhận thức niết-bàn đó là cảnh giới giải thoát, thoát ly ngôn ngữ khái niệm, vượt ngoài các phạm trù đối lập của nhị nguyên, nói rõ hơn, niết-bàn không còn nằm trong phạm vi nhân quả. Đó không phải là kết quả của con đường. Công phu tu tập để đoạn diệt ái chỉ là con đường dẫn đến niết-bàn mà thôi. Điều này thấy rất rõ, khi trong các bộ luận, chư Tổ đã phân tích về cặp nhân quả xuất thế Diệt đế và Đạo đế. Đạo đế được coi là hữu vi, hữu lậu, ngầm mang ý nghĩa chỉ là phương tiện đưa đến vô lậu. Trong khi Diệt đế gọi là vô vi, vô lậu, nằm ngoài mọi biểu đạt của ngôn từ, khái niệm. Và con đường đi về giải thoát ấy chính là nội dung của Khổ diệt đạo Thánh đế, bao hàm toàn bộ giáo lý tu tập Phật giáo được xây dựng trên nền tảng căn bản của giới, định, tuệ mà hầu hết các kinh nói nhiều đến Bát thánh đạo như là một phương hướng chung cho tất cả các con đường về niết-bàn.
Nói cách khác, các pháp môn hành trì đều bao hàm trong Bát thánh đạo. Và tất cả tựu trung đều mang ý nghĩa sau:
– Đạo (mārga, 道): Con đường của tinh thần, của hành động, của tâm niệm; con đường dẫn đến ly dục, ái tận, niết-bàn.
– Như (nyāya, 如): Con đường đúng như chánh pháp, đúng chánh lý, có thể thành tựu được.
– Hành (pratipad, 行): Những pháp môn có thể thực hành được và hợp lý.
– Xuất (nairyāṇika, 出): Có khả năng đưa ra khỏi sinh tử luân hồi, có khả năng dứt sạch phiền não.
Trên đây là khái lược về Tứ thánh đế. Trước khi đi vào phân tích nội dung, tính chất vận hành của Tàng thức trong sự tương quan của nó với giáo lý Tứ đế, thiết tưởng, ở đây ta cũng cần điểm qua về lập trường của Duy thức học.
Nếu Tứ diệu đế chỉ ra sự thật của thế và xuất thế, thì trong một tương quan rất gần, Duy thức học là môn học chuyên khảo sát thực tại trên phương diện hiện tượng. Hiện tượng của những hành tướng tâm lý được trình bày một cách khúc chiết bởi sự chứng ngộ của chư Tổ sư. Qua sự khảo sát đó, giáo lý Duy thức giúp ta nhìn thẳng vào bản chất thực tại từ quan điểm hiện tượng học mà Tàng thức (藏識) là tận cùng biên giới của sư khảo sát ấy.
Chúng ta đang sống trong phạm trù phân biệt của khái niệm, của hiện tượng. Với những lý tính của Tàng thức sắp trình bày sẽ chỉ ra những sai lạc của nhận thức khái niệm hoá thói quen vọng tưởng mê lầm xưa nay của chúng sinh dẫn đến khổ đau.
Quá trình nhận thức ấy là cả một hệ thống tâm lý phức tạp, vận hành sâu nhiệm mà Duy thức thuyết minh với Bát thức tâm vương và các điều kiện tâm lý phụ trợ phối hợp. Luận Duy thức tam thập tụng (Triṃśikā-vijñapti-mātratā-siddhi, 唯識三十論頌) của Bồ-tát Thế Thân (Vasubandhu, 世親) cô đọng thành ba tướng năng biến mà Tàng thức còn gọi là A-lại-da thức (ālaya, 阿賴耶識), tức tướng năng biến thứ nhất đóng vai trò nền tảng cho hoạt động của hai tướng năng biến kia đưa ra, chiếu kiến, phát hiện bên ngoài. Hành tướng của Tàng thức được mô tả như sau:
Đệ nhất năng biến thức,
Sơ A-lại-da thức,
Dị thục nhất thiết chủng
Bất khả tri chấp thọ,
Xứ liễu thường dữ xúc,
Tác ý, thọ, tưởng, tư,
Tương ưng duy xả thọ,
Thị vô phú, vô ký,
Xúc đẳng diệc như thị,
Hằng chuyển như bộc lưu,
A-la-hán vị xả.
(Còn nữa)
Chú Thích :
1. HT Trí Quang dịch, Kinh Di-giáo
2. Tương Ưng V, tr.447
3. Tứ thực (atvāra āhārāḥ, 四食): đoàn thực (s: kavaḍiṃkārāhāra, kavlīkārāhāra, p: kabaliṅkārāhāra, 段食), xúc thực (s: sparśākārāhāra, p: phassākārāhāra, 觸食), tư thực (s: manaḥ-saṃcetanākārāhāra, p: mano sañcetanākārāhāra, 思食), thức thực (s: vijñānākārāhāra, p: viññāṇākārāhāra, 識食).
Định Thông
[Tập san Pháp Luân số - 43, tr.24, 2007]