Nhật Bản hỗ trợ tài chánh phục hoạt Đại học cổ Nalanda

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Theo báo Headlinesindia, ngày 12 tháng 6 vừa qua, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Ấn, ông Noro Motoyasu, đã chính thức hội đàm với giới hữu trách tiểu bang Bihar về việc Nhật Bản sẽ tài trợ nguồn vốn để thực hiện kế hoạch phục hoạt Đại học cổ Nalanda.

 

Theo dự kiến, Nhật Bản ban đầu sẽ tài trợ 4.5 tỷ Rs (khoảng 11 triệu USD) và sẽ gởi một nhóm chuyên gia đến để trợ giúp, trong đó có ông Amartya Sen, người được trao giải Nobel.

Trường sẽ bao gồm 7 khoa thuộc các lãnh vực: khoa học, triết học và tôn giáo học với 46 giáo sư, học giả nước ngoài và 400 giáo sư, tiến sĩ trong nước. Viện trưởng sẽ mời một vị giáo sư quốc tế nổi tiếng.

Ý tưởng phục hoạt đại học Nalanda đã được đem ra xem xét vào những năm cuối thập niên 90; đến đầu năm 2006, tổng thống Ấn, ông A.P.J. Abdul Kalam ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng này.

Nalanda cách Bồ-đề đạo tràng khoảng 60 km về hướng Đông Bắc. Từ ‘Nalanda’ nghĩa là nơi truyền bá chánh pháp. Khi còn tại thế, đức Phật đã nhiều lần ghé thăm và thuyết pháp tại đây. Sau này, để tưởng nhớ nơi Tôn giả Xá-lợi-phất nhập diệt, vua A-dục xây dựng một tháp thờ xá lợi của Ngài tại nơi đây.

Tháp thờ xá-lợi của ngài Xá-lợi-phất sau này trở thành biểu tượng trung tâm của Đại học. Đại học bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ II Tây lịch, nhưng nó được xây dựng quy mô hơn và trở thành trung tâm học thuật mang tầm quốc tế bắt đầu từ triều đại Gupta, thế kỷ thứ IV.

Trong giai đoạn ngài Huyền Trang lưu học, trường có khoảng 2 ngàn giáo sư và 10 ngàn sinh viên. Sinh viên học và nghiên cứu các lãnh vực: Phật học, Veda, thiên văn, địa lý, kỹ thuật, v.v… Các luận sư nổi tiếng của Phật giáo như ngài Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước, Trần Na, Huyền Trang, v.v... là những giáo sư, nghiên cứu sinh tại đây. Tư tưởng Trung quán và Duy thức ảnh hưởng sâu rộng trong sinh viên.

Nhưng dần dần Đại học Nalanda cũng thăng trầm theo lịch sử đất nước và cuối cùng bị diệt vong vào thế kỷ thứ XII khi đạo quân Hồi giáo xâm chiếm Ấn Độ.

Cùng với việc tài trợ kinh phí để phục hoạt Đại học này, Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ để xây dựng những con đường cao tốc, khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế trong phạm vi các thánh tích. Trong lời đề nghị với Tổng đốc bang Bihar, ông Noro Motoyasu nói rằng, nếu đầu tư đúng mức, những thánh tích này sẽ trở thành những điểm du lịch tâm linh mang tầm thế giới.

● Nguyên Lộc

[Tập San Pháp Luân.39.tr,96.2006]