HỎI: Trong chuyến hành hương tại Bồ-đề đạo tràng, xứ Ấn Độ, chúng con được tận mắt thấy cây Bồ-đề nơi đức Thế Tôn chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không những tại đây mà hầu như khắp nơi trên đất Phật đều trồng cây Bồ-đề. Kính xin quý Thầy Cô giải thích về ý nghĩa cây Bồ-đề.
(Nhóm Phật tử Nguyên Hương - Đà Lạt)
ĐÁP: Cây Bồ-đề (Ficus religiosa), gọi tắt là cây đề, một loài cây thuộc chi đa đề (Ficus) có nguồn gốc ở Ấn Độ, Tây Nam Trung Quốc và Đông Dương về phía đông Việt Nam. Nó là một loài cây rụng lá về mùa Hè hoặc thường xanh bán mùa, cao 30 m và đường kính thân dài 3 m. Lá của nó có hình trái tim với phần chóp kéo dài đặc biệt; các lá dài 10-17 cm và rộng 8-12 cm, cuống lá dài 6-10 cm. Quả của cây Bồ-đề là loại quả nhỏ giống quả và đường kính 1-1,5 cm có màu xanh lục điểm tía.
Theo tín ngưỡng Phật giáo, cây Bồ-đề trong một số ngôn ngữ khác được gọi là cây Bo, Pipul hay Aśvattha, Assattha (tiếng Pali). Từ Aśvattha là tiếng Phạn; Śvaḥ có nghĩa là “ngày mai”, a chỉ sự phủ nhận, và tha có nghĩa là “người hay vật dừng lại hay tồn tại”. Nhà triết học trứ danh thuộc hệ phái Advaitavedānta (Bất nhị phệ-đà) là Śaṅkara diễn giải tên gọi này là “Người hay vật không thể tồn tại giống như thế vào ngày mai”, cũng giống như toàn thể vũ trụ. Loài cây này được những người theo Ấn Độ giáo, Kì-na giáo và Phật giáo xem là biểu tượng thiêng liêng nhất. Thật sự, cây Bồ-đề liên quan mật thiết đến sự kiện lịch sử về quá trình chứng đắc của thái tử Tất-đạt-đa, Ngài ngồi thiền định dưới cội Bồ-đề và trở thành một vị Phật. Về sau, người ta lấy cây này biểu trưng cho cây của sự giác ngộ, nên Bồ-đề có nghĩa là Giác ngộ.
Thật ra, cây Bồ-đề thời đức Phật thành Đạo đã bị vua Bengal là Śaṣaṅka phá hủy vào thế kỉ thứ 7. Cây con được trồng kế nó cũng bị bão thổi trốc gốc vào năm 1876. Cây con ngày nay được chiết xuất từ một nhánh của cây Bồ-đề gốc được vua A-dục tặng vua Tích Lan vào khoảng 288 TCN. Nó mang tên Śrī Mahā (điềm lành và to lớn). Ngày nay, tại cố đô Tích Lan Anurādhapura, cây Bồ-đề đó vẫn còn xanh tốt và thời điểm trồng này làm cho nó trở thành cây già nhất trong số các thực vật có hoa và có thể kiểm chứng được tuổi. Cây Bồ-đề mà người hành hương thường dừng chân chiêm ngưỡng lễ bái chính là con của cây Bồ-đề mà ngày xưa đức Thế Tôn đã ngồi thiền định 49 ngày sau khi thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Nó được trồng ở chùa Đại Bồ-đề (Mahābodhi), Bồ-đề đạo tràng (Bodhgayā), khoảng 96 km từ Patna thuộc bang Bihar của Ấn Độ.
Ngoài yếu tố tôn giáo ra, về mặt dược lý, cây Bồ-đề có tác dụng rất lớn. Trong vỏ Đề có vitamin k1, trong đó hai chất bergapten và bergaptal có tác dụng kháng sinh sinh vật. Nhờ những thớ sợi trong thân có tính chất tăng huyết hồng cầu lipid với 0,7-1,5% tannic acid, lá đề là thức ăn được loài dê ưa chuộng, tuy acid này có ảnh hưởng một phần ở tim, gan, thận cũng như ở da. Trong kỹ nghệ, cây Đề được dùng làm mỹ phẩm bảo vệ da hay thuốc khử mùi và thuốc chữa hen suyễn rất tốt.
Hậu duệ của cây Bồ-đề tại Bồ-đề đạo tràng (bodhgayā, buddhagayā) được ứng dụng theo phương pháp sanh sản vô tính hiện nay đang trồng tại vườn bách thảo Foster ở Honolulu, Hawaii.
Ý nghĩa về cây Bồ-đề có tầm quan trọng rất lớn đối với người xuất gia cũng như tại gia. Khi nói đến hai chữ “Bồ-đề”, chúng ta hình dung được đây là một loài cây thiêng liêng và cao quý nhất, có thể cảm nhận niềm hỉ lạc vô biên khi ngồi dưới bóng cây Bồ-đề. Hơn nữa, cây Bồ-đề còn tượng trưng cho niềm tin vững chắc về sự sinh tồn của Phật giáo cũng như tín tâm của người Phật tử đối với ngôi Tam bảo. Cây Bồ-đề chính là tâm Bồ-đề, là bóng râm che mát, là ánh sáng trí tuệ luôn soi sáng và tưới tẩm cho những ai đang khát khao tìm về cội nguồn an lạc. Đó cũng là tuệ giác được nuôi dưỡng bằng mầm non Bồ-đề trong từng sát na của tâm thức, nhất là đối với Ấn Độ Giáo cũng như các Đạo giáo khác lúc bấy giờ. ■
TG.
[Tập San Pháp Luân.39.tr,93.2006]