Sri Lanka phát sóng kênh truyền hình vệ tinh Phật giáo đầu tiên

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Theo báo Sundaytimes của Sri Lanka, ngày 29 tháng 6 vừa qua, tổng thống Sri Lanka, ông Mahinda Rajapaksa, chính thức khai trương kênh truyền hình vệ tinh Phật giáo đầu tiên được phát sóng trên hệ thống truyền hình vệ tinh Dialog TV tại tu viện Sambodhi.



Truyền hình vệ tinh có nhiều tính năng ưu việt hơn so với các dạng truyền hình mặt đất, truyền hình cáp, v.v.. như: có thể phủ sóng toàn cầu, băng thông truy cập rộng, phát thanh, truyền hình chất lượng cao, ứng dụng thông tin di động… Trong lời phát biểu tại Lễ hội The Poson poya day và Lễ Khai trương kênh truyền hình Phật giáo, Tổng thống Sri Lanka nhấn mạnh, với sự hỗ trợ của kênh truyền hình này, Sri Lanka sẽ giới thiệu Thông điệp của Phật giáo ra khắp thế giới cũng như giới thiệu những giá trị thiết thực lời Phật dạy đến với tuổi trẻ trong nước.

Kênh truyền hình vệ tinh Phật giáo sẽ được phát sóng 24/24, do Tổ chức The Sambodhi Vihara thực hiện với sự trợ giúp kỹ thuật của công ty Dialog Telecom. Ban đầu, chương trình sẽ phát sóng bằng tiếng Sinhala (tiếng Sri Lanka) và tiếng Anh; dần dần sẽ phát thêm tiếng Tamil, tiếng Pháp và nhiều ngôn ngữ quốc tế khác.

Chương trình đầu tiên được phát sóng là Lễ hội The Poson poya day tại tu viện Sambidhi, thủ đô Colombo vào ngày 29 tháng 6. Lễ hội này kỷ niệm 2315 năm, ngày Phật giáo đầu tiên được truyền đến Sri Lanka. Nó được tổ chức hằng năm vào đêm trăng tròn tháng 6 DL.

Ông Mahinda Rajapaksa nói: “Ngày Poson Poya hơn 2000 năm về trước, Trưởng lão Mahinda đã mang thông điệp của Phật giáo đến đất nước chúng ta. Hôm nay, sử dụng công nghệ hiện đại, chúng ta sẽ chuyển tải bức thông điệp này đến toàn nhân loại”.

Trưởng lão Mahinda truyền Phật giáo đầu tiên đến nước này. Sau kỳ kết tập kinh điển lần thứ III, với sự hỗ trợ của vua A-dục, nhiều đoàn truyền giáo đã lên đường truyền bá Phật giáo sang các nước Trung Á và Viễn đông châu Á. Trong đó, đoàn truyền giáo dưới sự lãnh đạo của trưởng lão Mahinda, con vua A-dục, đã đem Phật giáo đến quốc đảo Sri Lanka. Những ngày đầu tại Sri Lanka, ngài Mahinda đã tiếp kiến vua Devanampiya- Tissa. Qua nhiều cuộc tiếp xúc, vua Devanampiya rất hoan hỷ đón nhận Phật giáo và hỗ trợ rất nhiều trong sứ mệnh hoằng pháp. Sau đó, Tỳ-kheo-ni Sanghamitta, con gái vua A-dục, cùng đoàn truyền giáo Ni bộ cung tống một nhánh cây Bồ-đề, được chiết từ cây Bồ-đề gốc và Xá-lợi Phật đến tặng vua Sri Lanka. Từ đó, nhị bộ Tăng Ni được thiếp lập đầu tiên tại Sri Lanka vào thế kỷ thứ III B.C.

Đoàn truyền giáo đã chuyển dịch Tam tạng kinh điển Pali sang tiếng Sinhala và thiết lập nhiều tu viện lớn để làm trung tâm truyền bá và nguyên cứu Phật học. Với sự dấn thân của những sứ giả Như Lai này và sự ủng hộ của hoàng triều, Phật giáo đã nhanh chóng được truyền bá và đón nhận rộng rãi.

Dần dần Phật giáo đóng một vị trí quan trọng trong lãnh vực văn hóa, xã hội… tại đất nước này. Sau đó, văn học Phật giáo Sri Lanka được truyền đến các nước theo Phật giáo Nam truyền như Thái Lan, Myanmar, Lào, Combodia, v.v...

Phật giáo phát triển đều đặn cho đến khi người Bồ Đào Nha xâm chiếm quốc đảo này vào thế kỷ XVI. Chịu chung số phận của quốc gia, Phật giáo đã bị đàn áp. Đến thế kỷ XIX, Anh quốc kiểm soát Sri Lanka, nhiều tu sĩ Anh giáo được gởi đến để truyền đạo. Nhưng đến năm 1860, cao trào bảo vệ Tôn giáo dân tộc (Phật giáo) thành công và phá hủy kế hoạch “Anh giáo hóa” quốc đảo này của người Anh.

Từ đó, Phật giáo lớn mạnh trở lại. Nhiều tu sĩ và cư sĩ lỗi lạc của Phật giáo Sri Lanka đã đem Phật giáo đến các nước châu Á, phương Tây và châu Phi.

Ngày nay, văn học Phật giáo Sri Lanka giữ một vai trò quan trọng cho lãnh vực nghiên cứu văn học Phật giáo, sử học Phật giáo cũng như sử học Sri Lanka và Ấn Độ. Phật giáo là tôn giáo chính của quốc đảo Sri Lanka, có tín đồ trên 80% dân số.

Nguyên Lộc
[Tập san Pháp Luân - số 40, tr.94, 2007]