Quê hương đức Phật

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Với Chương trình Phát Triển Lumbini của các nước trên thế giới và Quỹ phát triển Lumbini của chính phủ Nepal, chỉ vài thập niên sau, Thánh tích Lumbini phát triển nhanh chóng rực rỡ, thu hút hàng triệu người con Phật và du khách khắp nơi trên thế giới trở về đây chiêm bái, viếng thăm hoa viên thiêng liêng cổ kính này.

 

Bên ngoài hoa viên Lumbini được bao bọc bởi một Đại hồ bán nguyệt dài đến 2km, rộng 500m. Trong hồ trồng những loại hoa sen, từ trên lề đường xuôi xuống mặt hồ, người ta trồng những thảm cỏ và cây xanh. Giữa hồ bán nguyệt là một con đường trải đá dăm. Từ hoa viên Lumbini thẳng trên con đường này khoảng chừng 1km, sẽ gặp một bệ đá hoa cương cao gần 1m, trên bệ đá là một đài sen có ngọn lửa mang tên “Eternal Peace Flame” (Ngọn lửa hòa bình vĩnh cửu), ngọn lửa này được thắp bằng ga, cháy suốt ngày đêm như một biểu tượng nguyện cầu cho hòa bình thế giới. Bên phải ngọn lửa này là Đại hồng chung Hòa bình, có đường kính khoảng 1m. Phía sau ngọn lửa Hòa bình là con kênh đào rộng 10m, kéo dài thẳng tắp khoảng 2km, hướng về Đại tháp Hòa bình. Đại tháp này là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp của người Nhật. Con kênh đào chia nơi này làm hai khu vực mang tên: “East Zone Monastery” (Khu chùa Đông) và “West Zone Monastery” (Khu chùa Tây). Khu chùa Đông gồm có các chùa theo truyền thống Nam tông như: Thái Lan, Srilanka, Myanmar, Ấn Độ, Thiền viện Vipassana… Khu chùa Tây gồm có các chùa theo truyền thống Bắc tông như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Tây Tạng, Áo… Sự hiện diện của những ngôi chùa quốc tế trên vùng đất thiêng liêng quả là niềm tự hào cho những người con Phật, đã làm cho Thánh tích Lumbini này ngày càng rực rỡ và quy mô hơn.

Mỗi một ngôi chùa là một công trình kiến trúc văn hóa đại diện cho quốc gia của mình. Chùa Nhật Bản và tháp Hòa bình là công trình đặc sắc với bản chất thiền vị, hài hòa với thiên nhiên nhưng nổi bật tính hiện đại. Chùa Trung Quốc như một mô hình thu nhỏ của Thiếu Lâm tự, được thiết kế một cách vuông vắn, có đại hùng bảo điện uy nghi, có hoa viên cổ kính… Toàn bộ vật liệu xây dựng và nhân công, cùng với pháp khí, Thánh tượng đức Phật được chuyển từ Trung Quốc sang, thể hiện đặc sắc văn hóa của người Hoa. Chùa Hàn Quốc với chánh điện trang nghiêm rộng lớn, có sức dung chứa đến 3000 người, Tăng phòng và pháp xá đủ chỗ cho 500 người cư trú… Chùa Việt Nam với những mái cong uốn lượn mang hình tượng rồng, phượng thể hiện bản sắc đặc trưng rất Việt. Chùa Tây Tạng là một công trình tuyệt mỹ có sự kết hợp và thiết kế hài hòa giữa Âu-Á, trên khắp các trần, vách, lan can của chánh điện được trang trí bằng những hoa văn lộng lẫy mang đậm nét văn hóa của người Tây Tạng.

Chùa Thái Lan, như một hoa sen trắng vươn cao, có những pho tượng vàng khảm hồng ngọc, được nhà vua và Hoàng gia Thái hiến cúng. Chùa Myanmar với bảo tháp vĩ đại vàng óng, có năm điện thờ. Đặc biệt là ngôi chùa được chạm trổ, điêu khắc mang đậm bản sắc văn hóa của người Miến, v.v…

Chỉ trên một diện tích khoảng 50 ha đã có gần 20 ngôi chùa tuyệt mỹ, mỗi một ngôi chùa là một sự phác họa văn hóa truyền thống tu tập của nước mình; tất cả đã góp phần làm cho Thánh tích Lumbini này ngày càng linh diệu và bình an, mái chùa trang nghiêm yên tĩnh, lời kinh tiếng kệ hòa chung với âm thanh chuông, mõ, trống, phách… ngân vang làm lắng dịu tâm tư của mọi người con đang quy hướng về.

 

Kapilavasthu (Ca-tỳ-la-vệ)  

Nếu hoa viên Lumbini là một khu vườn thiêng đón chào đức Phật giáng thế, thì Kapilavasthu là quê hương dấu yêu của Thái tử Tất-đạt-đa sinh trưởng với bao kỷ niệm gắn liền trong suốt 29 năm.

Thành Kapilavasthu tọa lạc khoảng 20 km về phía Tây của vườn Lumbini. Truyền thuyết thành Kapilavasthu được mô tả trong sử ký của sử gia Ashwagosh (khoảng 100-200 A.D): Thuở xưa, trong một khu rừng cạnh núi rừng Hymalaya có vị Thánh giả tên là Kapil Gautamar (Ca-ty Cồ-đàm) đang thực tập khổ hạnh tại tu viện của mình. Vào thuở ấy, Thái tử Ikshwaku, còn gọi là Shakya (Thích-ca) cùng thần dân đang sinh sống tại một vùng đất bị che khuất bởi những cây Sal (một loại cây chai). Thái tử và thần dân rất kính trọng Thánh giả Kapil và đệ tử của vị Thánh giả này. Thánh giả biết khu vực sinh sống của Thái tử không an toàn nên đã khuyên Thái tử xây dựng nơi cư trú trong rừng. Thái tử Ikshawaku đã xây dựng vương quốc của mình ngay tại tu viện khổ hạnh của Thánh giả Kapil Gautama. Vì lý do ấy, vương quốc này được gọi tên là Kapilavasthu.

Đến thời vua Tịnh Phạn, vương quốc Kapilavasthu là một quốc gia trù phú lộng lẫy. Vương thành Kapilavasthu ngày càng được xây dựng trang hoàng nguy nga. Chỉ riêng vườn thượng uyển đã có 3 cung điện lộng lẫy xinh đẹp được thiết kế phù hợp theo ba mùa: mùa Hạ, mùa mưa và mùa Đông đặc biệt dành riêng cho Thái tử Tất-đạt-đa. Đường phố Kapilavasthu ngày ấy luôn nhộn nhịp với những lễ hội hoa đăng, những cuộc thi tài của các vương tử và những cuộc tuyển chọn người xinh đẹp, v.v… 

Thế nhưng, chỉ vài thập niên sau ngày thái tử Tất-đạt-đa xuất gia, kinh thành hoa lệ ngày ấy đã bị tàn phá dưới vó ngựa hung tàn của vua Tỳ-lưu-ly. Cuộc thảm sát tàn phá của vua Tỳ-lưu-ly đã làm cho dòng tộc Shakya gần như tuyệt chủng. Vị đệ nhất thần thông như Tôn giả Mục-kiền-liên cũng không cứu được, đành ngấn lệ than rằng: “Thần thông không thắng được nghiệp lực”. Bi kịch của cuộc tàn phá thảm sát ấy là bài học về sự phân biệt giai cấp, cũng là kết quả của những nghiệp bất thiện trong quá khứ của dòng tộc Shakya.

Khoảng 2 thế kỷ trôi qua sau cuộc thảm sát ấy, Kapilavasthu cũng như vườn Lumbini đã hồi phục lại phần nào. Do vậy, khi vua Asoka (A-dục) đến chiêm bái, ông cho biết nơi đây là một thôn làng trù phú, cảnh vật nên thơ. Nhà vua đã cho xây dựng rất nhiều ngôi bảo tháp và các trụ đá quanh vùng để tưởng niệm.

Hơn 600 năm sau, năm 403 A.D, ngài Pháp Hiển đến chiêm bái nơi này đã ghi lại trong ký sự của mình: “Toàn vùng này là một rừng hoang vu, cỏ dại, dân cư thưa thớt, với những di tích hoang tàn. Có một số tu sĩ khổ hạnh và khoảng 30 gia đình sinh sống… những đàn voi và sư tử hoang dã thường bắt gặp trên các con đường cũ…”.

Ngài Huyền Trang viếng thăm Kapilavasthu vào thế kỉ thứ VII, đã diễn tả trong cuốn Đại Đường Tây Vực ký như sau: “Thành Kapilavasthu chu vi hơn 400 dặm, kiến trúc theo lối cổ kính, xây dựng toàn bằng gạch, đá quý… Cung thành đa số đều bị hoang phế, bức tường thành vẫn còn… Hiện tại chỉ còn 634 phố, nhà cửa lơ thơ với rất ít dân chúng sinh sống ở đó. Chung quanh có độ một trăm Tinh xá bị hư hỏng… khoảng 30 tu sĩ tiểu thừa và hai ngôi đền Bà-la-môn giáo…”. Cũng trong tác phẩm này, Ngài cho biết lúc ấy trụ đá vua Asoka và hình tượng sư tử trên đầu trụ vẫn còn, các bảo tháp của vua Asoka vẫn nguyên vẹn…

Qua sự mô tả của hai Ngài, thì trong những thế kỉ ấy và nhiều thế kỉ về sau, vương thành Kapilavasthu rất ít người trên thế giới biết đến. Vào thế kỷ thứ XII trở đi những cuộc chiến tranh Tôn giáo đã xảy ra, quân xâm lược đã tàn phá hầu hết những Thánh tích Phật giáo và vương thành Kapilavasthu cũng chịu chung số phận trong các cuộc xâm lăng tàn khốc này. Những bức tường thành xưa đều bị đập phá, các bảo tháp và những trụ đá tưởng niệm của vua Asoka xây dựng trong những vùng lân cận cũng bị phá hủy. Từ ấy về sau, biết bao thăng trầm đã diễn ra từ sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên như bão tuyết, mưa đá, sự lấn át của cây rừng, núi đồi Hymalaya, cho đến những cuộc chiến tranh kinh hoàng…   Kapilavasthu cũng ngày càng bị vùi lấp, lãng quên trong cát bụi của thời gian.

Đến với Kapilavasthu ngày nay, chúng ta có cảm giác như một người con sau những tháng năm xa quê ngàn phương nơi viễn xứ, hôm nay được trở về thăm lại quê hương đất tổ. Mảnh đất thiêng liêng ngày xưa vẫn còn đó, nhưng cảnh vật và con người đã hoàn toàn đổi thay. Đất tổ quê hương đã gần một triệu ngày thiếu người viếng thăm và chăm sóc, lại bị phá hủy hoang tàn bởi những kẻ thiếu hẳn lương tâm. Cảnh vật và con người điêu tàn theo dòng thạnh suy của cuộc thế đổi thay. Lòng dâng lên những cảm xúc bồi hồi, những câu hỏi như vấn nạn mọi người, mà lời giải đáp chính xác vẫn còn là những đáp án nan giải xa xăm: Đâu rồi vườn Thượng uyển ngày xưa với ba cung điện huy hoàng của Thái tử Tất-đạt-đa? Đâu là nơi Thái tử quán sát lễ Hạ điền hay trầm tư chứng đắc sơ thiền dưới cây Hồng táo? Những cổng thành nào Thái tử đã du ngoạn và mục kích bốn cảnh khổ của kiếp sống nhân sinh, v.v…

Trong những thập niên gần đây, vương thành Kapilavasthu đã được các nhà khảo cổ học tìm đến nghiên cứu và khai quật, sự phát hiện những bình xá-lợi, những di vật giá trị (những di vật này hiện đang được bảo quản tại bảo tàng quốc gia của Nepal), những nền móng của kinh thành Kapilavasthu ngày xưa, những trụ đá của vua Asoka trong vùng lân cận, v.v… đã giúp cho các nhà khảo cổ và các học giả xác định lại những vị trí ngày xưa để đánh dấu những nơi Thái tử Tất-đạt-đa du ngoạn bốn cửa thành, nơi Thái tử vượt hoàng thành xuất gia, nơi Thái tử thi tài, nơi vua Tỳ-lưu-ly sát hại hoàng tộc Shakya, nơi đản sanh của các đức Phật trong quá khứ...

Đặc biệt, ngày nay cùng với những dự án phát triển Lumbini của các nước trên thế giới cũng như chính phủ Nepal, vương thành Kapilavasthu cũng đang có những dự án để phát triển. Vùng đất Kapilavasthu mến yêu này cũng đang ẩn chứa trong mình những tiềm năng để phát triển thành một khu vực nổi tiếng.

Với một hoa viên Lumbini thiêng liêng tráng lệ, với những ngôi chùa quốc tế tuyệt mỹ, với vương thành Kapilavasthu cổ kính, lưu dấu những di tích vô cùng giá trị của một thời xa xưa... quê hương đức Phật như người mẹ hiền bao dung, giữ trong lòng một gia tài tâm linh vô giá, mang những nguồn năng lượng an lạc đang đón chờ những người con Phật và du khách tha phương khắp mọi nơi trên thế giới, trở về đón nhận gia tài tâm linh ấy, đón nhận nguồn năng lượng từ bi giải thoát của Thánh tích thiêng liêng linh diệu này. ■

[Tập San Pháp Luân.39.tr,17.2006]