Thuở xa xưa ấy, khi đức Chánh đẳng giác Dīpa Ūkara ra đời, Ngài làm một vị đạo sĩ tên là Sumedha, nhờ nằm trải đường, lót thân cho đức Phật Dīpa Ūkara mà được thọ ký, rằng là trải qua hai mươi bốn vị Phật, Ngài sẽ là vị Phật tổ thứ hai mươi lăm, hiệu là Gotama Śakya.
Thế rồi, biết bao nhiêu ba-la-mật – bậc hạ, bậc trung và bậc thượng – Ngài đã hành trì rốt ráo, viên mãn công hạnh. Kiếp chót ở cõi người, Ngài làm thái tử Vesantara, đã thực hiện hạnh bố thí ba-la-mật đến cho vô lượng kẻ đói nghèo, khốn khổ. Với bảy trăm đại thí, Ngài làm cho đại địa phải chấn động. Ngài đã bố thí cả linh hồn của quốc độ là con bạch tượng oai hùng. Ngài bố thí luôn cả vợ và con với đại nguyện vô thượng. Sau kiếp ấy, Ngài hóa sinh làm vị thiên tử ở cõi trời Tusita, hiệu là Setaketu, ở đây, Ngài chờ đợi nhân duyên đầy đủ để hạ sanh xuống cõi người tiếp tục tu hành thành bậc Chánh đẳng giác...
... Đã bốn ngàn năm trôi qua, thiên tử Setaketu thọ hưởng hạnh phúc thiên đường, không một bợn nhơ phiền não. Thiên tử ngồi nhớ từ kiếp này sang kiếp kia, thấy mối nhân duyên chằng chịt không có kẽ hở. Ngay tuổi thọ của Ngài sắp chấm dứt ở đây nó cũng nằm trong vòng nhân duyên ấy. Và có lẽ không bao lâu nữa, Ngài sẽ bỏ đây mà ra đi! Điều này càng ngày càng nhận rõ vì thời gian gần đây có năm hiện tượng phát sanh ở nơi Ngài: Thứ nhất là tràng hoa mà thiên nữ đã công phu trang điểm cho Ngài chỉ mới buổi sáng là nó bắt đầu khô héo. Ngạc nhiên, thiên nữ kết tràng hoa khác, đến chiều thì nó cũng ủ rũ. Thứ hai là dù mặc bất kỳ chiếc thiên bào nào, dù tơ lụa hay gấm vóc của cõi trời, được một lát là nó biến mất màu sắc, nhợt nhạt trông đến dị kỳ. Thứ ba là mồ hôi bắt đầu tươm rỉ rất khó chịu, điều mà các vì thiên tử với cái sắc thân vi tế, tinh sạch và chí mỹ cảm nhận rất rõ ràng. Thứ tư là sự suy nhược của cơ thể, mỗi bước đi, mỗi cử động chân tay Ngài đều cảm thấy không còn tí hơi sức nào. Và sau rốt, điều thứ năm, điều này quan trọng quyết định nhất, là tâm Ngài không còn an lạc nữa, đã bắt đầu thấy chán nản những thú vui khoái lạc của ngũ dục.
Nhưng mà hết thọ mạng ở đây thì Ngài sẽ giáng sinh ở phương nào, xứ nào? Một vị đại Bồ-tát như Ngài đâu phải bất kỳ chỗ nào cũng gá thân vào được? Phải giáng sinh ở đâu, mà ở đó tuổi thọ của chúng sinh khoảng chừng một trăm tuổi. Nếu tuổi thọ hằng vạn tuổi thì chúng sanh đâu thấy rõ rệt lý vô thường và khổ não? Nếu tuổi thọ quá ít thì chúng sinh ở đấy nhiều ác căn, ít phước báu, nghiệp dày làm sao giáo hóa được? Thứ đến, địa xứ mà đại Bồ-tát chọn chỗ giáng sinh phải là nơi hội tụ tất cả khí linh thiêng của trời đất. Dòng họ Ngài chọn lựa giáng sinh thì phải là vua chúa, nhưng phải là vua chúa có gieo duyên quyến thuộc từ quá khứ; ngoài ra vị vua ấy phải có nhiều căn cơ trí tuệ, biết sống đời đạo đức và hiền thiện. Điều kiện thứ năm nữa, đại Bồ-tát phải còn biết chọn mẹ. Mẹ mà đại Bồ-tát mượn thai bào phải là người đã nhiều kiếp phát lời nguyện làm Phật mẫu, sống đời trong sáng, đức hạnh và giàu tình thương...
Thế đấy, như một đóa kỳ hoa muôn triệu năm mới nở một lần, khi đóa hoa nở, sắc màu kỳ diệu và tỏa hương thơm tối thượng – thì nó đã kết tụ trong tự thân mọi tinh hoa của trời đất. Cũng vậy, sự xuất trần của một vị đại Bồ-tát phải hội đủ năm điều kiện hy hữu nêu trên. Thiếu một điều kiện là thiếu tất cả.
Sau khi dùng thần thông quan sát bốn châu thiên hạ, thiên tử Setaketu thấy rõ chỉ có cõi Nam thiệm bộ châu, dưới dãy núi Hymalaya, có một vương quốc Kapilavatthu nhỏ bé, thuộc dòng tộc Śakya, có một vị vua là Suddhodāna và Hoàng hậu Mahāmāyā là hội đủ năm điều kiện nêu trên:
- Châu: Nam thiệm bộ châu.
- Tuổi thọ: Trăm tuổi.
- Quốc độ: Trung Ấn Độ – vương quốc Kapilavatthu.
- Dòng dõi: Hoàng tộc Śakya.
- Phật mẫu: Hoàng hậu Mahāmāyā .
Quan sát và thấy rõ điều đó xong, thiên tử Setaketu chợt mỉm cười. Ngài biết rõ, chính một tiền kiếp xa xôi, Ngài đã thành lập vương quốc ấy. Còn nữa, chính vào thời làm đạo sĩ Kapila, Ngài đã giúp đỡ năm công chúa và bốn hoàng tử lập nên kinh đô Kapilavatthu này. Lại nghĩ đến câu nói “Tằng tằng tổ tổ” xưa của đạo sĩ Kapila... mà lắc đầu chán ngán, quả thật ta đã sinh tới sinh lui mãi trên cái quả đất chật chội dưới kia!
Trong khi đang suy nghĩ như vậy thì hằng hà sa số chư thiên vương, chư thiên trong rất nhiều thế giới đồng quy hội về, đứng dày đặc cả không gian, xung quanh bảo điện của Ngài, đồng thanh cất lời thỉnh nguyện:
“- Thời đã đến! Thời đã đến! Trong tam thiên đại thiên thế giới, chỉ có đại Bồ-tát, thiên tử Setaketu là chúng hữu tình duy nhất đã thực hành tròn đủ Ba mươi pháp ba-la-mật(1). Nay vì sự lợi ích, sự an vui, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người, chúng tôi thỉnh nguyện thiên tử hãy xuất trần giáng thế để thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề...”
Thiên tử Setaketu cũng biết vậy, thời đã đến rồi, nên Ngài nhẹ nhàng gật đầu.
- Thôi được rồi, các vị hãy lui về đi. Ta biết rõ là ta sẽ làm những gì!
Hằng ngàn, hằng ngàn đám mây lành ngũ sắc ở xung quanh rực sáng niềm hoan hỷ; vô số chư thiên vương, chư thiên bay lượn ba vòng về phía hữu, biểu hiện sự tôn kính mà cũng biểu hiện niềm vui và lời từ giã. Thiên tử Setaketu đăm đăm nhìn theo, Ngài biết rằng chúng sinh đang chờ đợi ở nơi Ngài phương thuốc diệt khổ – mà Ngài thì đã lặn lội kiếm tìm bằng thời gian của vô lượng hạt vi trần trên thế gian này.
***
Dưới chân ngọn Hymalaya có vương quốc Kapilavatthu nhỏ bé nhưng núi sông xinh tươi, hùng vĩ, chính là quê hương từ ngàn xưa dòng giống Śakya anh hùng đã đến đây lập quốc. Đức vua hiện tại là Suddhodāna, Hoàng hậu là Mahāmāyā. Mahāmāyā là em ruột của đức vua Suppabuddha ở vương quốc Koliya kế cận, cách nhau bởi con sông Rohini. Đức vua Suppabuddha lại kết duyên với bà Amitā Pamitā, là em út của đức vua Suddhodāna. Vì vậy tình thân của hai vương quốc này như môi với răng, thiết cốt vô cùng.
Mahāmāyā kết tóc xe tơ với vua Suddhodāna năm vừa mười sáu tuổi. Bà có năm vẻ đẹp và sáu mươi bốn tướng tốt của người phụ nữ do sự tích lũy công hạnh lâu đời, tính tình mềm mỏng, dịu dàng, đoan trang, phúc hậu lại giàu lòng nhân ái nữa. Em ruột của bà là Pajāpati Gotami cũng cùng chung mối lương duyên này, làm hoàng phi của vua Suddhodāna. Thế nhưng, đã lớn tuổi mà hai bà vẫn không có con, đức vua trông người nối dõi đã mỏi mòn con mắt.
Ngày ấy, theo lệ thường vào mỗi buổi sáng, Hoàng hậu Mahāmāyā thức dậy thật sớm, tắm rửa sạch sẽ, nếu đúng kỳ sóc vọng thì bà thọ bát quan trai giới. Khi tiếng trống từ lâu thành đã điểm tàn canh ba là lệnh bà đã chuẩn bị sẵn sàng cùng với thị nữ thắng kiệu ra ngoại thành, đến các phường ấp xa xôi để làm việc từ thiện. Đây là niềm vui của bà, mà chính đức vua Suddhodāna cũng khuyến khích điều ấy. Nhà vua còn thầm nguyện rằng, biết đâu nhờ vậy mà các vị thượng đẳng thần trên đầu trên cổ thương xót mà ban cho họ một mụn con trai?
Lệnh bà Mahāmāyā bố thí rất nhiều, lúc rau trái, lúc y áo, lúc chăn nệm, lúc thuốc men, lúc lương thực gạo bắp, sắn khoai hoặc tiền bạc, v.v... Với tâm bi mẫn, lệnh bà bố thí có đến bốn ức đồng tiền vàng vào mỗi ngày như thế. Những giọt sương nhân ái kia dẫu không thấm đẫm được sa mạc cuộc đời nhưng cũng mát dạ những loài lau cỏ thân phận thấp hèn, bé mọn!
Hôm kia, sau khi trao tặng hết đồng tiền cuối cùng, như có mối giao cảm linh thiêng nào đó, lệnh bà cảm thấy tâm hồn an vui, khoan khoái lạ lùng, niềm hỷ lạc lâng lâng no đầy suốt cả ngày. Đêm ấy, lệnh bà đi vào giấc ngủ an lành rồi từ từ chìm vào giấc mộng huy hoàng, mát mẻ. Tứ đại Thiên vương cao sang, chói sáng từ hư không hiện xuống, phò long sàng của lệnh bà đi vào những ngọn núi cao trên tuyết lãnh. Với cử chỉ nghiêm cẩn và đầy trân trọng, Tứ đại Thiên vương đặt lệnh bà trên tảng đá cao sáu mươi do tuần, dưới gốc cây sālā cao một trăm do tuần, gần ao lưu ly Anotatta, đoạn thỉnh lệnh bà xuống tắm. Các vì thiên nữ kiều diễm đến nghinh tiếp lệnh bà bước xuống trên vùng hoa sen trắng tỏa hương ngào ngạt. Xong đâu đó, họ mang trân châu, bảo ngọc và hương hoa của cõi trời trang điểm cho lệnh bà rồi thỉnh lệnh bà vào nghỉ trong một tòa lầu bằng bạc.
Phía Bắc có một quả núi bằng vàng long lanh chóa mắt, đủng đỉnh bước ra một con voi trắng to lớn, sáu chiếc ngà như sáu cánh tay trân trọng ôm một đài sen trắng tươi thắm còn đọng sương mai. Bạch tượng đi quành về hướng Đông, tiến xuống phía Nam, rống một tiếng to, nhiễu ba vòng về phía hữu quanh long sàng rồi chui vào hông phải của Hoàng hậu.
Đại Bồ-tát, thiên tử Setaketu từ cung trời Đâu-suất, thế là đã giáng sanh vào lòng Phật mẫu Mahāmāyā.
Sáng ngày, trong không gian còn tỏa nức mùi hương, lệnh bà cảm thấy tinh thần phơi phới và tâm hồn thanh khiết một cách kỳ lạ. Đức vua Suddhodāna được nghe lệnh bà kể lại, lập tức lâm triều, cho vời sáu mươi bốn vị Bà-la-môn tinh thông điềm triệu đến bàn về giấc mộng ấy.
Nghe xong, tất cả các thầy Bà-la-môn đều phủ phục lạy mừng. Một vị cất giọng sang sảng:
- Quả thật là giấc mộng đại cát tường, tâu đại vương! Thế là Hoàng hậu đã thọ thai một nhân cách phi phàm, cao cả; là linh khí kết tụ của núi sông, nhật nguyệt muôn triệu năm mới có một lần. Đây chính là một ân sủng thiêng liêng mà đức Brāhman đã ưu ái ban tặng cho đại vương.
Đức vua Suddhodāna vô cùng đẹp dạ, ban thưởng trọng hậu cho các thầy Bà-la-môn rồi truyền ngự y túc trực sẵn sàng để săn sóc sức khỏe cho Hoàng hậu.
Tứ đại Thiên vương được nhận lệnh từ thiên chủ Sakka; thay nhau cầm bửu kiếm hộ trì lệnh bà luôn suốt mười tháng như thế.
Đại Bồ-tát từ khi vào lòng Phật mẫu, gá thai bào, lần lần lớn lên, không hề làm cho lệnh bà khó chịu; trái lại, được sức khỏe, an vui và mát mẻ hơn. Thai nhi ngồi an nhiên ở trong bụng như một bức tượng vàng trong động báu, chân xếp kiết già, hướng mặt ra phía trước, rất khác với phàm nhân.
Thế rồi... tháng ngày chim ca hoa nở, lá nẩy hương, chồi xanh nẩy ngọc, trăng thanh gió mát, phơi phới mây lành... khắp nơi cung tía lầu son, nhạc vui thanh thoát, tiếng cười nói dịu dàng... bao quanh Hoàng hậu như tạo thêm duyên lành cho Đấng Siêu Việt sẽ ra đời.
Đến ngày trăng tròn tháng Vesākha, theo phong tục thời bấy giờ, Hoàng hậu xin được phép về kinh đô Devadaha, nước Koliya, là quê của lệnh bà để chờ ngày mãn nhụy khai hoa. Thế rồi, một toán phi mã cấp tốc mang thông điệp của đức vua Suddhodāna sang đức vua Suppabuddha đưa tin ngày lệnh bà lên đường. Dân chúng cả hai nước hớn hở chào đón ngày vui, họ tự động sửa sang đường sá, cầu cống, khe rạch; nhà nhà treo đèn kết hoa, cờ ngũ sắc... rực rỡ, náo nhiệt, tưng bừng...
Hôm ấy, trời thanh, gió nhẹ, lệnh bà bước lên kiệu hoa có cung nga dìu hai bên. Hoàng phi Pajāpati Gotami cùng thị nữ thân tín bước lên những chiếc kiệu sang trọng khác. Đoàn người rầm rộ lên đường, trước sau có hai đội quân danh dự của hoàng gia nai nịt, yên cương, quân phục, khí giới, giáp bào sáng chói, uy nghi trên thân chiến mã cẩn trọng hộ giá. Ra khỏi cổng thành kinh đô hoa lệ, đoàn xa giá lần ra ngoại ô. Hai bên đường, dân chúng hò reo, tung hoa, rảy nước. Khi tới một rừng cây sālā, vườn Lumbini, giáp ranh biên địa hai nước, thấy phong cảnh xinh đẹp lạ thường, Hoàng hậu Mahāmāyā truyền lệnh dừng lại. Lúc ấy cả rừng hoa sālā trổ hoa trái mùa, rực rỡ phô sắc giữa những mảng màu xanh biếc. Hoàng hậu Mahāmāyā thấy lòng khoan khoái, thanh thản dạo chơi. Sao lạ? Không khí như ướp hương, muôn chim như trỗi nhạc. Trời đất, cây lá, cỏ hoa... tất thảy đều xanh trong, mịn màng như nhung, như ngọc... Đến một gốc sālā đại thụ, hoa nở từ gốc tới ngọn, kết dệt như một tấm thảm gấm, Hoàng hậu ngước nhìn. Có một vòi hoa vươn dài ra, hoa to và đậm sắc – Hoàng hậu vươn tay định bẻ. Bất chợt, vòi hoa ấy đột nhiên oằn xuống rồi đặt nhẹ lên lòng bàn tay của lệnh bà. Ngay lúc ấy, Hoàng hậu Mahāmāyā trở dạ, cung nga thể nữ hối hả giăng màn. Đại Bồ-tát đản sanh trong giờ phút thiêng liêng này. Ngài ra khỏi lòng mẹ nhẹ nhàng như vị pháp sư duỗi chân bước xuống pháp tòa.
Và đồng thời, như va đập vào cánh cửa huyền mật, siêu nhiên; ba tầng trời thảy đều rúng động, đại địa chao đảo, nước biển trong bốn đại dương dâng cao, ầm ào vỗ giữa hư không. Thiên nhạc trỗi lên, thiên hoa tung bay. Phạm thiên, thiên chúng trong ba ngàn cõi mở hội vui mừng. Hai con rồng vàng trong mây xanh bay sà xuống, tuôn hai vòi nước nóng và lạnh ngào ngạt hương, tắm cho đại Bồ-tát. Bốn vị đại Phạm thiên ở cõi trời Tịnh Cư đứng bốn góc, giăng tấm lưới bằng vàng mịn đỡ thân đại Bồ-tát không cho rơi xuống đất. Họ nói thoảng vào tai lệnh bà Mahāmāyā rằng:
- Xin hoan hỷ chúc mừng Hoàng hậu. Vị ấu nhi này sẽ là một bậc thiên hạ vô song, trí tài và đức hạnh khắp cả ba cõi, sáu đường không ai dám sánh. Ngài chính là một bậc Vô thượng Chí Tôn. Lời vừa dứt, Tứ đại Thiên vương đã che chiếc lọng báu và đưa tấm nhung mịn tiếp bồng Ngài, rồi trao qua cho cung nữ ẵm Ngài trên tấm lụa Dukala.
Bỗng, đại Bồ-tát vùng đứng dậy, đi về hướng đông bảy bước, dưới đất trồi lên bảy hoa sen đỡ bước chân Ngài, có hai vị thiên bưng năm món triều phục của Chuyển luân Thánh vương đi hầu hai bên. Đại Bồ-tát một tay chỉ thượng, một tay chỉ hạ, nói lên câu kệ:
“Aggohamasmi lokasmin
Settho jettho anuttaro
Ayamantimāme jāti
Natthi dāni punabbhavoti”.
Nghĩa là: “Ta là chúng hữu tình cao quý và lớn hơn tất cả các loài trong tam giới. Đây là kiếp cuối cùng của ta. Ta sẽ không còn luân hồi tái sanh nữa”.
Kinh kể rằng, ngay khi đại Bồ-tát đản sanh, vì do túc duyên ba-la-mật từ nhiều a-tăng-kỳ kiếp, lúc ấy cùng có bảy nhân vật đồng sanh để trợ duyên cho quả vị Chánh Đẳng giác:
- Công chúa Yosodharā.
- Ānanda, con hoàng thân Amitodana, em ruột đức vua Sudhodāna.
- Channa – người hầu cận.
- Kāludāyi – con một lão thần lương đống, sau này thỉnh đức Đại Giác về thăm Kapilavatthu.
- Ngựa Kanthaka.
- Cây Bodhi – nơi Phật ngồi thành đạo.
- Bốn hầm châu ngọc.
Như vậy là nhằm ngày trăng tròn tháng Vesākha, năm 623 trước Tây lịch kỷ nguyên, tại kinh thành Kapilavatthu thuộc vương quốc Śakya cổ kính, bên ranh giới Tây Bắc Ấn Độ thuộc xứ Népal ngày nay, dưới chân ngọn Hymalaya hùng vĩ, trong vườn Lumbini, đã giáng sinh một hoàng tử mà sau này trở thành giáo chủ của những giáo chủ, đạo sư của những đạo sư vĩ đại nhất trên thế gian, trong lịch sử loài người, đó là đức Siddhattha, họ là Gotama, vua cha là Suddhodāna, mẫu hậu là Mahāmāyā.■
[Tập San Pháp Luân.38.tr,8.2006]