Phật Pháp lúc ấu thời

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Nó là một đứa bé trai sinh ra tại một vùng quê nghèo của miền Trung nước Việt. Tiếng khóc đầu đời của nó chìm lỉm trong âm ba se thắt của bối cảnh bất an của một đất nước đang bị phân đôi. 

Đối với những hình ảnh nhạt nhòa còn đọng lại trong ký ức mơ hồ của một cậu bé lên ba, lên bốn tuổi, nó nhớ một cách mường tượng đến cảnh người chị ru nó ngủ khi trời đã chập tối trên chiếc võng cũ mèm ở hiên nhà. Nó khóc. Chị nó ru bằng những bài hát ru em thường ngày mà riết rồi nó cũng thuộc làu: 

“Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi, khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học, mẹ đi trường đời...” 

Nhưng nó vẫn cứ khóc. Nó nhớ mẹ nó đi chợ bán mấy chiếc rổ tre mới đan hồi sáng mà sao đến giờ này vẫn chưa về. Nó vừa nhớ mẹ, vừa đói, vừa khát sữa. Hình như chị nó đã không quan tâm, không hỏi nó vì sao em khóc, em muốn cái gì, em có đói không? Rồi chị nó bỏ nó nằm trên võng một mình. Chị đi xuống nhà bếp coi cái nồi cháo heo đang nấu đã chín chưa. Nó một mình lò mò lăn xuống võng. Vừa đi xuống nhà bếp vừa khóc mếu máo. Nó đói quá, cho nên đã đòi ăn cháo heo. Chị múc cho nó một bát. Chị kêu nó ngồi xuống trên cái khúc củi tròn và sần sù, lắt la lắt lẻo... Vậy mà nó ăn hết bát cháo heo một cách ngon lành. 

Cái Tết lên năm tuổi của nó là một cái Tết khó quên trong đời. Nó bị tai nạn xe đạp và bị thương ở mắt cá chân phải. Không có thuốc thang để điều trị, cho nên vết thương lâu ngày đã làm độc, sưng vù lên và bắt đầu lở lói. Mẹ nó, không biết học ở đâu, đã nấu nước lá cây vông để rửa vết thương cho nó. Rửa xong, bà lấy kéo cắt mấy chỗ thịt bị hư thối bỏ đi, rồi băng bó lại bằng mấy miếng vải xé ra từ quần áo rách không dùng nữa. Mỗi lần mẹ nó rửa vết thương, nó đau đớn kinh hồn nên khóc la om sòm. Mỗi lần thấy nó đau đớn, mẹ nó cũng đứt ruột đứt gan. Nhưng vì thương con bà không thể làm cách nào khác hơn để trị lành chân cho nó. Chính vì vậy, bà phải ra mặt nghiêm khắc dọa nó: 

- Nín đi, mày mà khóc la, tao không rửa thì bỏ luôn cái chân cho mà coi. 

Nó phải đành cắn răng mà chịu đau vì sợ phải bị cưa chân, thành thằng què, đi cà nhắc! Sáng mùng một, Tết, nó bò ra ở ngạch cửa ngoài hiên nhà, ngồi đó nhìn ngó một cách thèm thuồng cảnh thiên hạ vung văng vung vẩy đi chơi Tết. Nó ước ao làm sao cho cái chân bị thương có thể lành lại thật mau để đi chơi với mấy đứa trẻ hàng xóm. Đến gần trưa, có mấy đứa ở nhà cạnh bên sang nhà nó chơi. Không khi nào nó lại có thái độ lịch lãm và hiếu khách như hôm đó. Dù vậy, nó cũng đâu có cách nào giữ được người ta ở mãi trong nhà mình. Lúc mấy đứa trẻ đòi đi về, nó năn nỉ như van xin tụi trẻ đừng bỏ nó mà đi, hãy ở lại chơi với nó. Nhưng lũ trẻ vẫn bỏ nó lại một mình! Năm ấy, nó đón xuân trong nỗi cô đơn buồn tẻ và nước mắt! 

Khi lên bảy, tám tuổi, gia đình nó chuyển ra trại ở ngoài đồng để làm ruộng. Từ đấy nó đã có dịp lân la đến ngôi chùa đầu làng gần đó để chơi một mình. Ngôi chùa nằm cách xa làng mạc trong một khu vườn thật rộng, có nhiều cây cổ thụ rất lớn. Mấy cây thị, cây xoài, cây khế, cây mít, cây bưởi có tán lá tỏa ra che mát cả một khu đất rộng... Mỗi ngày sau khi đi học về nó chạy đến chùa và lủi thủi chơi một mình dưới mấy gốc cây cổ thụ đó. Nó lượm mấy trái khế, trái thị rụng dưới gốc cây không ai nhặt, mấy hòn đá cuội, đem lại chơi đủ thứ trò: trò xe chở hàng, xây cất nhà cửa, nấu ăn, đám giỗ, v.v... Nó bày đặt ra đủ thứ trò để chơi một mình mà không thấy chán. Trú trì của ngôi chùa là một vị thầy già có thân hình thon gọn và không cao lắm. Ông thường mặc bộ đồ nâu đã nhạt màu và vén hai ống quần lên gần tới đầu gối. Thỉnh thoảng ông ra vườn quan sát xem thử nó đang làm gì và đôi khi nhắc chừng nó: “đừng có leo trèo lên cây, nếu thầy bắt gặp leo cây thì không cho vào chùa chơi đó nha”.   

Ừ, mà cũng lạ thật đấy! Đối với nó, ngôi chùa này sao mà quen thuộc quá. Nó có cảm giác yên ổn và thích thú đặc biệt khi chơi một mình trong vườn chùa này. Nó thường hay leo lên cây xoài, mọc ngả nằm trên mặt đất, ngồi thòng hai chân xuống, đong đưa, rồi ngắm mấy tàn lá cây rung rinh trước gió, trông về hướng đồng ruộng bao la, chạy dài đến tận những dãy làng mạc xa tít, ở cuối chân trời xanh thẳm là dãy núi Trường Sơn trùng điệp. Những lúc như vậy, nó cảm thấy thú vị lắm. Mặc dù nó chưa thể nghiệm được một cách sâu sắc hương vị của những giây phút độc cư và trầm lắng, nhưng có lẽ nó cũng cảm nhận được phần nào sự thanh bình của khu vườn chùa làm cho nó có được những thời khắc bình an. Mấy lần nó nghịch ngợm ở nhà. Mẹ nó rượt đánh. Nó đã vừa chạy đến chùa vừa kêu cứu. Vị thầy trú trì đã chạy ra, dẫn nó vào trong chánh điện và đóng cửa lại. Khi mẹ nó đến, thầy đã khuyên giải bà, vì vậy nó đã thoát được mấy trận đòn!  

Lần hồi, tự nhiên đối với nó, chùa đã trở thành trú xứ của sự yên bình. Nó cũng đã có cảm giác gần gũi và thân thuộc hơn đối với vị thầy trú trì. Mấy ngày ba mươi hoặc rằm mỗi tháng, lúc chùa mở cửa cho bổn đạo vào hành lễ, nó cũng mon men vào tận trong chánh điện chùa. Lần đầu tiên, bước vào chánh điện, nó nhìn thấy tượng Phật thật lớn ngồi trên cái bàn cao ở giữa, toàn thân sơn màu vàng, khuôn mặt nhìn xuống trông rất hiền từ. Đứng hầu hai bên tượng Phật là hai tượng Hộ pháp, mà sau này nó mới biết, mặt mày trông dữ tợn, một ông mặt đỏ, một ông mặt trắng, tay cầm khí giới, nhìn chằm chằm vào nó. Nó không dám nhìn hai ông Hộ pháp này lâu. Nhưng, nó lại càng sợ hãi hơn nữa khi thấy ở bên trái chánh điện có bàn thờ tượng ông Tiêu, cũng sau này nó mới biết, đầu đội ba hòn núi, mắt trợn lên thật to, miệng nhe ra, hai răng nanh thò ra ngoài, nhất là cái lưỡi dài thòng đến tận cái bụng bự. Mỗi lần nó lén nhìn lên ông đều thấy ông nhìn đăm đăm vào nó. Sợ quá, nó bỏ ra ngoài, không dám nhìn nữa. Có điều không hiểu tại sao mặc dù sợ mấy ông ấy nhưng nó lại rất thích nhìn trộm. Cho nên, những ngày chánh điện mở cửa, nó đều rón rén vào núp ở sau mấy cây cột bằng gỗ thật to để nhìn mấy ổng. 

Một hôm, nó đang núp sau cây cột để nhìn trộm mấy ông ấy, thình lình có người vỗ vào vai. Nó giật nẩy người lên, mặt mày tái mét, tưởng là mấy ông đó đã bắt gặp, không ngờ khi quay lại thì là thầy trú trì. Thầy nhìn nó vừa cười vừa nói:

- Đã sợ, sao còn nhìn trộm làm gì?

Nó gầm mặt xuống, im lặng. Thầy lại hỏi tiếp:

- Có muốn hết sợ mấy ông đó không?

Lần này thì nó mạnh dạn đáp: 

- Muốn.

- Nếu muốn thì chiều nay ở lại, thầy sẽ tập cho con cúng thí thực là hết sợ liền.

Nó nhìn thầy trú trì với dáng vẻ không mấy tin cho lắm. Như đọc được sự nghi ngờ của nó, thầy thúc giục:

- Không tin hả, thì chiều nay cứ thử xem coi thầy nói có đúng không!

Nó gật đầu đồng ý. Nói xong nó chạy một hơi về nhà kể chuyện ở chùa cho mẹ nó nghe. Mẹ nó hỏi:

- Vậy mầy có hứa với ông thầy đó chưa?

- Hứa rồi.

Trời gần chạng vạng tối, nó lại chạy lên chùa. Thầy trú trì đang còn tưới nước mấy chậu bông ở ngoài sân. Nhìn thấy nó, ông hỏi:

- Nãy giờ con đi đâu? Thầy tưởng là con sợ quá đã bỏ về nhà rồi chứ!

Thấy nó không trả lời, thầy dặn tiếp:

- Chờ một lát, tưới nước xong thầy sẽ vào tập cho cúng thí thực. À này, mà con có biết cúng thí thực là gì không?

Nó lắc đầu, im lặng và chờ đợi lời giải thích của thầy. 

- Cúng thí thực là thành tâm tụng kinh để nương thần lực của ngài Tiêu Diện Đại Sĩ mà ban phát thức ăn cho các loài ngạ quỷ vào ban đêm. 

Thật ra nó không hiểu hết ý nghĩa lời giải thích của thầy trú trì, nhưng nó biết rằng ông Tiêu đó chắc là có nhiều phép mầu lắm mới có thể phát cơm cho ma quỷ ăn. Nghĩ đến ma quỷ, nó cảm thấy hơi ớn ớn, nhưng nhờ có thầy trú trì ở đó cho nên nó cũng an tâm phần nào. Tưới nước xong, thầy kêu nó đi theo ông vào trong. Xuống nhà bếp, ông xới một chén cơm trắng, múc một chén muối. Đưa cho nó cái tách không, ông bảo nó ra ngoài vò nước để lấy nước đem vào. Tất cả cơm, muối và nước đều được đặt lên bàn thờ ông Tiêu. Thầy trú trì vừa mặc áo hậu vàng, vừa đưa cho nó cái áo dài nâu đã cũ mèm, bảo nó mặc. Cái áo quá dài đối với nó khiến cho lúc nó đi, mấy vạt áo bị kéo lê thê trên nền chánh điện để lòi đôi chân trần đen đủi trông rất buồn cười. Nhưng thầy trú trì dường như không để ý gì đến chuyện này. Ông vừa đi thắp đèn trên các bàn thờ, vừa sai nó thắp năm cây nhang để cắm lên năm bàn thờ trong chánh điện. Xong đâu đó, ông kêu nó đến đứng bên ông trước bàn Phật ở chính giữa chánh điện. Ông lật cuốn kinh Nhật tụng bằng tiếng Việt ra, tìm đến phần Nghi thức cúng thí thực cô hồn rồi mở ra để đó. Ông quay sang nói với nó:

- Đây là phần nghi cúng thí thực. Từ nay, con cứ tụng theo trong này là được. Hôm nay con tụng theo thầy, ráng để ý coi đến chỗ nào thì làm cái gì, mai mốt biết mà làm một mình. 

Cúng xong, thầy lấy tách nước lạnh ở bàn ông Tiêu đưa cho nó và nói:

- Uống đi. Uống xong tách nước này rồi con sẽ không còn sợ ổng nữa. 

Nó ngoan ngoãn cầm lấy tách nước và uống một hơi, hết sạch. Thực ra, từ khi bắt đầu tụng kinh đến giờ này nó chừng như đã quên đi chuyện sợ hãi mấy ông Hộ pháp và ông Tiêu. 

Từ đó về sau, chiều nào nó cũng về chùa để cúng thí thực, một mình. Chuyện sợ hai ông ấy đã không còn nữa. Tụng riết, nó đã thuộc lòng mấy bài kinh trong cái nghi thức cúng thí thực hồi nào cũng không hay. Có điều, thuộc thì thuộc, nhưng nó không hiểu trong đó nói cái gì, vì toàn là chữ Hán Việt. 

Tối nọ, thầy trú trì đứng đợi nó ở trước hiên chánh điện. Khi nó cúng thí thực xong, ra ngoài, ông đưa cho nó một cái dĩa đựng mấy cái bánh ít, mấy cái bánh in và hai cái bánh cúng. Ông dặn:

- Bánh cúng ở chùa hồi trưa còn, con đem về nhà ăn đi, thầy cho đó. 

Nó vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, vừa bối rối, chỉ biết trả lời cộc lốc:

- Dạ.

Dưới ánh đèn dầu leo lét, thầy nhìn nó và hỏi như thăm dò:

- Con đọc kinh mà có hiểu gì trong đó không?

- Hông.

- Vậy con có muốn học chữ Hán để hiểu kinh nói cái gì không?

Nó ngơ ngác hỏi lại:

- Học chữ Hán?

- Đúng rồi. Học chữ Hán tức là học ngay chính gốc chữ mà trong kinh đã phiên âm theo tiếng Việt để con đọc đấy.

Nó ồ lên một tiếng như để bày tỏ sự thấu hiểu. Nhưng rồi nó lại hỏi:

- Làm sao con học? Học ở đâu?

- Thì thầy dạy cho con và học ở đây chứ ở đâu.

- Muốn.

- Nếu muốn thì mấy ngày cuối tuần đến đây thầy dạy cho. 

Nó ra về, vừa đi vừa nghĩ đến chuyện học chữ Hán mà lòng cảm thấy nao nao!  Khi về gần tới trại, giữa đồng, nó mới phát hiện ra đêm nay trăng sáng quá, ánh trăng trải lai láng trên đồng ruộng mênh mông, bầu trời không một gợn mây. Những vì sao bạc lấp lánh khi tỏ khi mờ trên một tấm thảm không gian không bờ bến. 

Bài đầu tiên về chữ Hán mà nó học là kinh A-di-đa. Thầy trú trì đưa cho nó một cây bút lông và cuốn sách giấy quyến đóng bìa bằng chỉ theo kiểu đóng sách ngày xưa. Trong đó, có một tờ giấy đã gạch ô sẵn, mực màu đỏ, lồng vào giữa để có thể lấy ra hoặc nhét vào. Hàng trên cùng của tờ giấy quyến, đọc từ phải sang trái, ở mỗi trang, là năm chữ Hán thầy đã viết sẵn. Thầy kêu nó ngồi xuống bàn rồi dạy nó cách cầm và viết bút lông. Thầy còn bắt nó viết lại âm tiếng Việt để đọc mấy chữ Hán đó: 

- Nam Mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ-tát. Diêu Tần Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập phụng chiếu dịch. Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Xá-vệ quốc, Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên, ... 

Đọc cho nó âm tiếng Việt xong, Thầy còn dịch nghĩa cho nó nghe. Nhưng nó không tài nào hiểu và nhớ hết, dù chỉ có năm chữ một ngày. Mấy ngày đầu tập viết chữ Hán, nó có cảm tưởng trông giống mấy con cua bò quờ quạng trên trang giấy, chữ không ra chữ, hàng không thành hàng, thật buồn cười làm sao! Vậy chứ vài tháng sau, nó đã có thể viết ngay ngắn vài trang giấy mỗi ngày. Càng về sau, nó càng lên chùa thường và nhiều hơn. Mấy lúc tập viết kinh mỏi tay, nó lại chạy ra vườn chùa chơi một mình. Có khi nó ngồi đong đưa trên cây xoài và nhìn cây, nhìn trời, nhìn xa xăm ra tận cánh đồng xanh phơi phới...

Lâu lắm sau đó, một hôm nó đi học về thấy thầy trú trì đang nói chuyện với mẹ nó ở nhà trên. Khi thầy ra về rồi, mẹ nó hỏi:

- Mầy có muốn lên chùa ở không?

- Ông thầy đâu có cho! 

- Ông thầy vừa xin tao cho mầy lên chùa ở đó. 

- Thiệt hả, mẹ? Muốn.

- Mầy chỉ mong lên chùa để phá mà thôi, chứ gì! 

- Đâu có đâu. Con lên chùa để học chữ Hán, học kinh. 

- Mầy thiệt muốn đi? Vậy để hôm nào tao dẫn mầy lên đó nói với ông thầy một tiếng mới được. 

Mùa hè năm đó, lúc nó chín tuổi, mẹ nó dẫn lên chùa gởi cho thầy trú trì. Thầy đã làm lễ quy y cho nó tại chánh điện. Trước khi ra về mẹ nó dặn:

- Từ rày về sau, mày phải nghe lời thầy dạy, đừng nghịch, nghe chưa!

Nó im lặng lủi thủi đi ra ngoài vườn chơi một mình. Tối hôm đó, lần đầu tiên nó ngủ lại chùa một mình, sau lưng bàn Tổ, trong chánh điện. Thầy trú trì thì ngủ ở nhà Tây. Nó có cảm giác vừa đơn độc, vừa thích thích. Nhưng rồi nó đã thiếp đi lúc nào không hay. Đang ngủ say, bỗng dưng nó trực giấc ngồi dậy hoảng hốt, nhất thời không nhớ mình đang ở đâu khi bị tiếng đại hồng chung đánh thức bất ngờ! Một lát sau nó mới hoàn hồn tỉnh lại để nhận ra là mình đang ngủ trong chánh điện chùa và thầy trú trì đang thỉnh chuông buổi sáng. Nó ngồi dậy, dựa lưng vào vách, lắng nghe tiếng chuông ngân vang rồi lịm dần... rồi ngân vang, rồi lịm dần... trong giọng kệ chuông trầm ấm của thầy trú trì. Thầy thỉnh chuông xong, gọi nó dậy, đi rửa mặt rồi vào công phu sáng với thầy. Nó cầm cuốn kinh, chỉ có thể kịp dò theo chứ không thể tụng được vì thầy tụng rất nhanh, đến chú Lăng Nghiêm thì nó không thể dò theo nổi nữa, chỉ đứng trân ra đó mà nghe. Vậy mà mấy tháng sau, nó cũng thuộc lòng hai thời công phu chiều và khuya. Thời gian này, thầy đã khuyến khích nó đọc báo Viên Âm của Hội An Nam Phật học và bộ sách Phật học phổ thông của Hòa thượng Thích Thiện Hoa. Đọc đến chỗ nào không hiểu thì ghi nhớ và đem lên để nhờ thầy giải thích cho nghe. 

Rồi chiến cuộc lan tràn đến các miền quê hẻo lánh, gia đình nó phải dời chỗ ở. Nó cũng đã đến lúc phải lên tỉnh để theo học bậc trung học. Phần thầy, thầy không thể bỏ chùa mà đi. Thầy phải ở lại để tiếp tục sứ mệnh hoằng pháp. Ngày chia tay, thầy nói với nó:

- Con phải đi để tiếp tục học, nhớ đừng bỏ dở việc học. Phật pháp là tư lương, là hành trang cho suốt cuộc đời mình. Khi nào có thì giờ nhớ cố gắng học Phật. Có duyên thì sẽ gặp lại, đừng cưỡng cầu.  

Chỉ tiếc là cái duyên hạnh ngộ ấy ngắn ngủi quá! Sau đó nó không còn gặp lại thầy nữa. Dù ngắn, nhưng đó là những năm tháng trọng đại nhất trong đời nó, những năm tháng nó được nuôi lớn cả tinh thần lẫn thể xác trong cái nôi Phật Pháp. Khi trưởng thành và trải nghiệm giữa cuộc đời qua nhiều hoàn cảnh xã hội khác nhau với bao nhiêu bất an, khổ não, được mất, thị phi, v.v… nó mới thực sự chứng nghiệm được cái giá trị vi diệu và không gì sánh bằng của Phật Pháp. Quả thật, phương thức làm sạch thân, tâm và trí bằng giới, định và tuệ trong Phật Pháp có khả năng kiến tạo chất vô nhiễm nơi con người để chuyển hóa tất cả mọi nhiễm trược phát sinh từ bên trong hay bên ngoài. 

Sau này, mỗi khi chiêm nghiệm về cuộc đời, nó cảm nhận sự may mắn và hạnh phúc hạn hữu mà nó có được trong cái nôi Phật Pháp lúc ấu thời.■ 

[Tập San Pháp Luân.35.Tr,74.2006]