Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ hoa mai sắp nở, sư ông Hòa thượng thường cho chúng tôi về thăm lại chùa Tổ nhân dịp để sái tịnh các tháp quanh chùa và cử lễ nhiễu tháp tạ ơn. Đây là một truyền thống hiếu kính thiêng liêng trong tông môn nhà Phật. Lần này, sư ông cho phép các chú điệu nhỏ cũng được đi theo, nhất là chú điệu Hợi có vẻ thích thú vô cùng. Điệu phụ trách vai trò thị giả chung để quý thầy sai việc.
Điệu Hợi chỉ mới 13 tuổi, sanh năm Ất Hợi, nên mẹ đặt luôn tên Hợi cho dễ nhớ. Điệu Hợi để chóp, dáng thấp tròn mũm mĩm như hột mít, có hai má lúm đồng tiền nhỏ ở hai bên, mỗi khi cười trông rất dễ thương. Điệu Hợi rất hồn nhiên đói ăn mệt ngủ, nhưng không phải lười biếng ham ăn như chú Hợi của Đường Tăng, vũ khí của điệu là cây chổi nhỏ luôn vác trên vai như sẵn sàng quét đi mọi rác rưới quanh chùa, không như vũ khí của Bát giới là cây bồ cào có chín răng, lúc nào cũng muốn ăn nuốt, cào vét tài sản của thiên hạ về mình. Điệu Hợi chùa chúng tôi có một linh thức bén nhạy, trực giác thiên phú như một Lạt-ma tái sinh.
Một hôm, sau khi làm cỏ toàn bộ quanh chùa và hoàn tất việc quét vôi, tô đắp các bia, điểm lại các nét chữ bị sứt mẻ. Sư ông cho cả chúng đến một nghĩa trang cách chùa vài cây số.
“Mô Phật! Đây là nghĩa trang dân dã, vì sao lại có vài ngôi tháp của chư Tăng hả sư ông?”. Điệu Hợi vừa bước vào đã cảm nhận như vậy. Nó hỏi bằng một giọng xúc cảm bộc trực. Điệu Hợi đi thẳng đến ngôi tháp nghe nói đã có cách đây 30 năm rồi, nó sững sờ đứng nhìn ngôi tháp ba tầng rêu mốc, nứt bể nhiều chỗ, bia hiệu cũng bị hoen ố không còn nhìn đủ chữ. Một năm mới thăm viếng một lần làm sao ngăn được sự phá hoại của loài dê bò vô tri húc vào chỗ tôn nghiêm. Thật là oan uổng, không xứng với công đức tu hành của các bậc Sa-môn sứ giả Như Lai. Cả buổi sáng trong khi mọi người đang sửa sang các ngôi tháp khác, điệu Hợi cứ quanh quẩn bên ngôi mộ tháp gần như điêu tàn loang lổ, nghiêng hẳn về một phía. Nó nhổ cỏ, cạo rong rêu, xếp lại các tảng gạch đã bể, lấy tay kính cẩn rờ từng chữ trên bia tháp. Bỗng điệu Hợi rơm rớm nước mắt nói như muốn khóc: “Sư ông ơi! Tháp này là của con đấy!”. Cả chúng đều giựt mình hướng mắt về điệu Hợi. Điệu chắp tay quỳ xuống trước tháp hai hàng nước mắt chảy dài. Sư ông chúng tôi cũng ngậm ngùi thương cảm: “Có lẽ nào Thượng tọa Giáo thọ đã viên tịch 30 năm trước đây nay tái sanh làm chú điệu Hợi và tự mình quét dọn Tháp của chính mình?!”. Sư ông ôm chú điệu vào lòng an ủi: “Thôi chúng ta đừng nói chuyện quá khứ nữa mà nên lo chấn chỉnh hoàn tất các tháp nơi đây cho xong để kịp giờ về”.
Câu chuyện này sau khi trở về chùa trở thành một bi luận tranh cãi khá sôi nổi. Một thầy phát biểu: “Nếu đúng vậy thì chùa mình quả đã thiếu phước vô cùng, không tranh thủ để Ngài được nhập tháp tại chùa là đối xử bất công, là ăn ở thất đức quá”.
Một thầy khác: “Có lẽ do vườn chùa ta quá chật hẹp gần hết đất và để tránh ô nhiễm môi trường, nên mới có tình trạng bi thương này”.
Một thầy khác phản đối: “Tại sao có chùa trong thành phố vẫn nhập tháp được, không phải đất chật hẹp mà do lòng người chật hẹp, độc ác, do thiếu Bi, Trí, Dũng đối với thực tại xã hội, coi thường tình cảm quý trọng Tam bảo của tín đồ”.
Một thầy khác dịu giọng hơn: “Cách đây 30 năm, nghe nói thầy trụ trì lúc đó có mối hiềm khích kỳ thị môn phái nên vị giáo thọ này không được ưu tiên, trong điều kiện cục bộ như vậy đành ra nhập khẩu tại nghĩa trang dân dã như vậy”.
Một thầy khác bộc trực hơn: “Thầy chùa mà không biết thương nhau, còn bè đảng, còn độc quyền môn phái tu hành, làm sao giáo hóa chúng sinh. Ôi! Rõ ràng thời mạt pháp, những con két biết nói đạo đức”.
Cuộc tranh cãi đang diễn ra sôi nổi thì sư ông chúng tôi dắt điệu Hợi bước vào giới thiệu: “Có nhân chứng đây rồi, các thầy muốn hỏi cớ sự gì, ra sao thì nên nghe lời phát biểu của điệu Hợi nhé”. Điệu Hợi nhẹ nhàng buông tay sư ông ra, chấp hai tay tròn như búp sen với giọng từ tốn lễ phép: “Thưa sư ông và quý thầy, được sư ông cho phép con nói lại nơi đây những gì mà con đã nói với sư ông. Chắc là cái nghiệp của thầy Giáo thọ trong kiếp nào đó do bất đồng chính kiến, đã nhẫn tâm cắt đứt liên hệ, cô lập linh cốt của một vị chân tăng ra vùng biên địa để không ai nhớ đến mà thăm viếng chiêm bái, rồi một kiếp nữa, ỷ làm quan không cho phép chư Tăng được an táng trong vườn chùa nên kiếp này phải bị nhân quả báo ứng như vậy. Điệu Hợi con có đề nghị nay xin cải táng linh cốt của các ngài về chùa làm tháp vọng, được ba điều hoan hỷ như sau:
Một là, các tháp được tập trung về chùa gần với tháp của chư Tổ đức để các ngài tương phùng, không còn mặc cảm về sự phân biệt đối xử.
Hai là, Phật tử đi chùa hằng ngày được dịp gặp gỡ ngôi bảo tháp để chăm sóc và hương khói nguyện cầu đền ơn đáp nghĩa, mới đúng tinh thần kính Phật thì phải trọng Tăng.
Ba là, Phật tử không phải đi xa viếng tháp, không phải đau lòng vì mộ tháp bị hư sập vì thiếu người quản lý. Phật tử không còn ray rứt ngậm ngùi vì chư Tăng lại ở chung nhà với chúng sinh vạn loại như một lưu đày nghiệp chướng”.
Quý Thầy và điệu chúng có mặt lúc đó đều kinh ngạc như nghe được lời khai thị của một thánh giả hóa thân, tất cả không ngại chấp tay đồng thanh “A-di-đà Phật”. Đúng là “Sa-di thuyết pháp Sa-môn thính. Bất tại niên cao tại tánh linh”.
Nhân lúc đạo tràng hân hoan, sư ông vui miệng kể thêm vài câu chuyện nữa về điệu Hợi, cũng là một hiện thân cứu nguy cho quí thầy nhiều lần.
Một hôm, vị thầy giảng sư trong chùa nghe tin mẹ mất từ quê nhà, thầy vội cho người mua vé máy bay, và chuẩn bị hành lý để sáng mai lên đường. Buổi chiều, thầy sai chú điệu Hợi rửa sạch bộ tách để tiếp trà quý cho chư Tăng, ai ngờ chú điệu xảy tay làm rớt bể một cái tách xịn - thầy không ngăn được cơn giận dữ, quát tháo và chửi mắng liên tục cho đến giờ chỉ tịnh mà thầy vẫn còn ấm ức ngủ không được. Hậu quả là sáng hôm sau thầy ngủ quên quá giờ máy bay quy định. Thức dậy thầy đổ thừa cho chú điệu làm mình hao tài tốn của, vậy là chú điệu Hợi lại bị một trận chửi mắng thậm tệ nữa. Nhưng đâu ai ngờ, “Trong cái dở, cái xấu lại có cái hay cái tốt”. Qua ngày sau, thầy nghe đài thông báo chính chuyến bay mình đi bị rớt tại Quảng Ngãi. Thầy mừng thầm đến ôm chú điệu vào lòng xin lỗi và cho quà khen tặng. Ngay hôm sau, thầy tổ chức tiệc mừng thoát tay thần chết và nhân dịp công bố lý do có tiệc mừng này và cám ơn hộ pháp đã xuôi khiến cho chú điệu Hợi đánh rơi chiếc tách quý mới ra cớ sự nhiệm màu này. (*Tương tự như kinh Phật dạy: Nếu có chúng sanh nào đáng dùng thân tiểu Tăng để độ thoát thì Bồ-tát Quán Thế Âm liền hiện đúng thân đó mà nói Pháp).
Lại điệu Hợi một hiện thân cứu khổ nữa. Số là một hôm đến lượt điệu kệ chuông tối, không hiểu thế nào mà điệu ngủ quên trên giá chuông, chùa tắt đèn hết, cứ yên chí điệu đi ngủ rồi. Đúng vào đêm đó một băng trộm bò vào chùa định khiêng đại hồng chung, chúng rờ trúng đầu chú điệu, hoảng chạy vừa hô: Ma! Ma! Cũng không kịp lấy đi hai thùng phước sương trong chùa đầy ắp tiền cúng ngày đại lễ hôm đó.
Sư ông lại kể câu chuyện thoát nạn nhờ điệu Hợi. Số là một ngày nọ điệu làm thị giả cùng sư ông đi liệm một đám tang trên đầu xóm, chỉ có hai thầy trò người mõ, người chuông làm lễ nơi bàn Phật đặt ngoài hiên nhà. Sư ông vừa niêm hương thì trời báo hiệu sắp mưa, tiếp đến nhất tâm đảnh lễ thì mưa bắt đầu trút xuống, tấm bạt che trên đầu hai kinh sư bắt đầu căng nước, sư ông vẫn nhất tâm đảnh lễ lần thứ hai, điệu Hợi lạnh run giựt mình gõ vào chuông nghe cái “bẹp” vì chuông dính nước mưa. Thầy trò không ai dám cười, quay ra sau thì gia chủ cao bay xa chạy đâu rồi chỉ còn vũng nước đọng lại. Nhất tâm đảnh lễ lần thứ ba cho trọn lời nguyện, lại một tiếng chuông “bẹp” nữa. Bỗng điệu Hợi nhìn thấy chiếc dép của sư phụ trôi theo dòng nước từ trên bờ đường tràn vào nhà, nó lật đật chạy theo sợ dép trôi xuống hầm cống. Sư ông sợ nó mê chơi bỏ đánh chuông nên cũng lao theo gọi nó thì may thay vừa lúc đó những thanh gỗ to chịu đựng tấm bạt chứa hàng tấn nước rớt xuống đúng ngay chỗ sư phụ và chú điệu đứng làm lễ khi nãy. Thật là họa trung hữu phúc - trong cái họa có cái phước, tuy là bị trời ức hiếp, bị tử thần khủng bố song vẫn an nhiên vô sự.
Rồi để khuyến hóa các đệ tử, ngài từ bi dạy: “Thuở xưa, chư Phật chư Tổ còn bị ức hiếp, bị khủng bố nhiều mặt, nay ta đã ở già lam, an trụ thiền đường, mặc cho ức hiếp, nghịch cảnh đến cỡ nào cũng thuận theo thọ nhận, giận ghét cũng đều hoan hỷ thọ nhận. Phải biết chịu được một phần ức hiếp thì tiêu được một phần nghiệp chướng, và mở được một phần trí tuệ. Dù cho ai chặt đầu, tử hình ta, hay giam cầm ta cũng chẳng màng đến, chỉ cần có chùa để tu có quy củ để giữ có đạo hạnh để hành là đủ duyên rồi. Dù cho sự ức hiếp khổng lồ như núi cao nếu ta có thể chịu đựng nổi thì mới đáng gọi là bậc đại nhân tri thức”.
Đến đây sư ông Hòa thượng không muốn chúng tôi phiền lụy mãi về vận nghiệp của những ngôi tháp vàng giữa tha ma nghĩa địa phi hộ khẩu và những ngôi tháp gỗ được tô bóng nghênh ngang giữa phố thị đông người. Sư ông dạy: “Tất cả chỉ là hư ảo xảo thuật, là hoạt cảnh của một tấn tuồng trớ trêu phi đạo lý tình người, phi nhân quả thiện ác”. Ta cần ý thức “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Bảo Tháp vật chất không quan trọng bằng Bảo Tháp tâm linh. Tăng tướng coi như diện mạo của ngôi tháp, còn tâm thức ví như chất liệu chủ yếu của tháp. Tướng tự tâm sinh nên nhìn sắc tướng có thể biết được phần nào tâm thể của hành giả. Ai có tâm gương trong sáng sẽ dễ nhận ra điều này. Sư ông lại tiếp thêm câu chuyện thật vui nhằm giải tỏa sức ép của tập khí chúng sinh: buồn vui, được mất, hơn thua, vinh quang, ô nhục, v.v... đã gây ấn tượng cho chúng tôi vô cùng. Ngài kể rằng: Tại ngôi Thiền viện nọ, một hành giả muốn biểu dương cái dũng khí tu thiền của mình liền đến tĩnh tọa tại một nghĩa trang. Giai đoạn đầu ông ta ngồi kiết già đúng pháp tức là chéo hai chân, chánh niệm quán hơi thở. Ba con quỷ đi ngang tấm tắc bảo nhau: “Kìa! cái tháp vàng đẹp làm sao”, rồi cùng quỳ lạy rất tôn kính. Lạy xong, chúng bỏ đi. Bấy giờ hành giả bỗng thấy đau chân nên sửa lại tư thế, chỉ ngồi bán già (chéo một chân). Mấy con quỷ đi vòng lại lần nữa chúng ngạc nhiên hô to: “Ủa sao bây giờ tháp lại bằng bạc! À mà cũng đẹp thôi, chúng ta cứ lạy nữa”. Chúng ân cần quỳ lạy rồi bỏ đi. Đến quá khuya, hành giả mệt mỏi tháo chân luôn và quẹo đầu sang một phía như ngủ gục. Bọn quỷ định đến chào cáo biệt bỗng thấy tháp nghiêng sắp đổ, chúng lật đật chạy đến nâng lên mới nhận ra tháp bây giờ bằng gỗ. Bọn quỷ rờ trúng đầu Thiền sư liền phát ngôn giận dữ: “Đồ gỗ mục! Báo hại bọn tao bái lạy cả đêm”. Nói xong, chúng đá vào mông hành giả, ông ta tỉnh thức chạy một hơi về chùa sám hối.
• Thích Hạnh Thiền
[Tập San Pháp Luân.35.Tr,82.2006]