Tản mạn về thời gian

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Lời thưa 

Kính thưa BBT. Pháp Luân 

Lâu nay Tâm Minh hay viết “Phật Pháp Với Tuổi Trẻ” là đem những vấn đề cần quan tâm hay thắc mắc của Huynh Trưởng GĐPT gởi đến quí vị độc giả PL, để được chỉ giáo. Xin cảm ơn quí vị, đặc biệt là quý Thầy đã tận tình chỉ bảo. Xin mượn trang này để chân thành tri ân quí vị .

 

Hôm nay trong số Xuân này, xin cho con được nghỉ chuyện học Phật Pháp một kỳ để nói chuyện phiếm, mặc dù nói gì rồi cũng không qua Phật Pháp.

Kính mến chúc quí vị một Năm Mới Đinh Hợi đầy đủ sức khỏe và an lạc để hoàn thành sứ mệnh cao cả “hoằng dương Chánh Pháp” 

Trân trọng, 

Tâm Minh

Cứ mỗi độ Xuân về, gần như mọi người đều giật mình thấy rằng thời gian qua nhanh quá, mới gởi thiệp chúc Xuân cho nhau đó, bây giờ lại nữa rồi!!☺☺!! Phải nói là thời gian “phi” như ngựa hay “bay” như máy may phản lực chứ không phải chỉ là “đi” cho nên thi nhân xưa nay vẫn dùng những thành ngữ “bóng câu qua cửa sổ” hay “nhanh tựa tên bắn”… Điều này chứng tỏ mọi người ai cũng có hạnh phúc (không phải sao?) vì chỉ khi vui mới thấy thời gian qua nhanh mà thôi (những ngày vui qua mau!) nên thi sĩ Pháp Lamartine cũng than thở:

Ôi! thời gian xin dừng cánh lại
Giờ ngọc vàng xin hãy khoan bay!
(O temps! suspends ton vol
Et vous, heures propices, suspendez votre cours!)
Thi nhân Việt Nam còn thêm hương, thêm màu cho thời gian nữa:
Màu thời gian không xanh, 
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh. 

Tuy nhiên trên thực tế, thời gian không chỉ đơn thuần là “nhanh” hay “chậm” hay nói đúng hơn thời gian vật lý qua cái đồng hồ là khách quan nhưng thời gian tâm lý thì tùy thuộc từng tâm trạng, có khi ta thấy thời gian lướt đi quá nhanh mà còn có khi đi chậm ơi là chậm. Thi sĩ Nguyễn Du mô tả tâm trạng phiền muộn vì nhớ nhung:

Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê!

Câu này không phải đã gợi cho chúng ta nhớ đến câu “nhất nhật bất kiến như tam thu hề” (một ngày không gặp dài như ba năm) hay sao ? 

Một em bé ở trong sân trường vắng vẻ, đang đợi mẹ đến đón thì “15 giây đồng hồ” cũng làm cho em bồn chồn, nôn nóng, muốn khóc…:

Mười lăm giây đồng hồ,
Mình nhớ Má thấy mồ
Buồn như con cá rô nó nằm trong tô!

Thật vậy, thời gian vô thường, thời gian tuy không có thực tính nhưng thời gian đã vô tình tác động lên cuộc sống của chúng ta rất nhiều và tính tương đối của thời gian làm cho mỗi người, mỗi tâm trạng, mỗi cảnh giới có thời gian riêng… Đó là lý do cho ta hiểu tại sao hai chàng Lưu Nguyễn lạc vào cõi Tiên Thiên Thai có 3 năm mà khi trở lại trần gian thì ở đây đã trải qua mấy thế hệ rồi, hai “chàng trai” mới rời trần thế ba năm, nay trở lại đã trở thành hai ông Bành Tổ rồi ! ☺ ☺ !! Tương tự như vậy, “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” (một ngày trong cảnh tù đày dài bằng ngàn năm được tự do ở ngoài) và cũng chính vì vậy chúng ta rất dễ hiểu tại sao nói chịu quả báo ở địa ngục đến mấy ngàn vạn năm… đó là vì người thọ khổ, người bị hành hạ tra tấn tù đày thì thời gian đâu có tính bằng đồng hồ, lịch… như chúng ta được! 

Ở trường khi dạy về thời gian, thầy/cô giáo thường vẽ một đường thẳng, lấy một điểm làm hiện tại (HT), phía trước là quá khứ (QK) và phía sau là tương lai (TL); HT được xác định bởi một điểm, còn QK và TL chỉ được biếu thị bằng nửa đường thẳng vô định! Mặc dù chúng ta thấy được rõ ràng nửa đường thẳng QK chấm dứt ở HT và nửa đường thẳng tương lai bắt đầu từ HT có nghĩa HT chính là giao điểm của cả 3 thời quá khứ, hiện tại và vị lai nhưng chưa bao giờ thầy cô giáo lưu ý chúng ta về sự quan trọng của hiện tại hay khuyên chúng ta giữ chánh niệm, tỉnh giác, đừng bám víu quá khứ, đừng mơ tưởng tương lai… như đức Phật đã dạy:

Quá khứ không truy tìm 
Tương lai không ước vọng 
Quá khứ đã qua rồi
Tương lai thì chưa đến 
Chỉ có pháp Hiện tại 
Tuệ quán chính là đây!

Đây là bài kệ quen thuộc trong kinh Nhất dạ Hiền giả, chỉ có mấy câu nhưng chứa đựng nhiều đề tài thiền quán. Có một điều lý thú là chúng ta gần như đã bắt gặp những ý này được khai triển trong bài viết thật hay của Jules Beaulac “Hãy hái thời gian” sau đây (xin tạm dịch như sau):

Em không thể làm chậm bước thời gian lại
Nó đi qua
Nó chảy qua các kẽ ngón tay em 
Như nước của phông ten 
Nó trượt trong bàn tay em 
Như cát của biển cả

Em không thể chụp bắt Quá khứ 
Nó không còn nữa 
Nó đã đi qua rồi
Cũng giống như hoàng hôn của ngày hôm qua 
Nó đã biến mất 
Như một kỷ niệm vụt mất đi.

Em không thể cầm tù Tương lai 
Nó còn chưa đến 
Nó sẽ đến vào thời điểm đã định 
Giống như bình minh của ngày mai 
Nó sẽ nối gót theo em 
Cũng giống như sóng tấp 
vào bờ 

Nhưng em luôn luôn có thể hái 
Hiện tại
Như một món quà tốt đẹp của Trời
Món quà này giống như một cái cây:
đâm rễ rất sâu 
trong quá khứ của em
tràn đầy những kỷ niệm và kinh nghiệm 
như sự khôn ngoan đuợc huân tập từ nhiều đời

và nó phóng những cành dài của nó 
đến tận Tương lai của em 
tràn đầy hứa hẹn và hy vọng 
giống như một công trình gói gọn
Hiện tại đã hoàn thành
Quá khứ em không còn nữa 
Và tương lai em chưa đến 

Hãy nắm lấy thời gian em đã được tặng
mỗi giây phút đi qua 
hãy trân quí hái lấy nó
như nước của con suối
 luôn luôn mời gọi em 

Đừng lãng phí thời gian của em
Đó là tặng phẩm của Trời 
Đừng vượt qua thời gian
Cũng đừng chạy theo thời gian 
Hãy nắm bắt thực tại trước mặt em 
Đừng nói rằng: tôi không có thời gian 
Nên nói: tôi có tất cả thời gian của tôi

Đừng hà tiện thì giờ của em 
Hãy dành cho người khác một ít thời gian ấy
Như Trời đã dành tặng cho em 
Đừng mãi lo vội vã 
Hãy nắm lấy thời gian của em 
Và hãy để cho thời gian 
có thời gian
 giải quyết thời gian của nó

Vậy là, em sẽ dành được thời gian 
Và em sẽ khám phá ra rằng 
Thời gian thật tốt đẹp 
Và tràn đầy Phật tánh trong đó.
Chúc em một ngày an lành! 

[Tập San Pháp Luân.35.Tr,69.2006]