xuất gia ở độ tuổi ngoài 40

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Kính thưa quý thầy cô

Con, một nữ Phật tử đã có gia đình, tuổi ngoài 40, đã từng đi nhiều chùa, gần gũi nhiều Ni sư, đã biết chút đỉnh về Phật học, từng cộng tác với một số Tăng Ni trong nhiều công việc. Khi nhân duyên đã chín muồi, việc gia đình sắp xếp ổn thỏa, con đã phát nguyện xuất gia nối gót các Ni sư mà con đã cộng tác.

Nhưng từ khi xuất gia, hình như mọi thứ đều thay đổi,… con thật sự hoang mang, bối rối, trong khi tâm Bồ-đề chưa đủ lớn mạnh. Con cần những hành trang gì cho bước đi quan trọng kế tiếp của mình? Kính xin quý thầy cô chỉ bảo cho. Con xin thành thật tri ân

Kính thư

Nguyên Lạc (Đà Nẵng)

Cô Nguyên Lạc kính mến,

Dù đã có gia đình riêng hay chưa nhưng khi phát nguyện xuất gia ở độ tuổi ngoài 40 thì cô đã có suy nghĩ hoặc biết chắc rằng mình đã bỏ lại sau lưng những ràng buộc của thế tục và sẵn sàng kham nhẫn đời sống khắc khổ theo giới luật của chư Ni, phải không?

Thường thì những vị xuất gia trong trường hợp này đều đã có thời gian đến chùa, gần gũi với nếp sống xuất gia của nữ giới, hoặc người có nhiều điều kiện hơn thì tích cực làm công quả, hỗ trợ công việc và được quý Ni sư, Sư cô dành cho nhiều ưu ái. Khi thật sự đã thế phát xuất gia, cô không còn được thảo luận hay chuyện trò thân mật một cách tự nhiên với quý Sư, không được mời tham gia các công tác từ thiện, tham quan chiêm bái, v.v… với tất cả sự ưu ái như xưa nữa. Sự thay đổi này nếu không được chuẩn bị trước, cô sẽ bị hụt hẫng và có cảm giác mình bị “xem thường”, bị “bỏ rơi”, phải không? Vì ngày xưa mình từng là người “hơi quan trọng” đối với quý Sư kia mà! Sao nỡ…

Tuy lớn tuổi nhưng cô vẫn phải trải qua thời gian hành điệu. Tuy thời gian thử thách sẽ không dài, nhưng cam go hơn gấp ba, bốn lần so với những vị thiếu niên xuất gia.

Thiết nghĩ, cách tốt nhất để khắc phục cái mặc cảm “mất trọng lượng”,  “bị xem thường” này,  cô  phải  học tập  hạnh  khiêm cung, hãy hết lòng vì đại chúng. Hành trang ban đầu này gồm có tấm lòng bao dung của người mẹ, sự nhường nhịn của người chị, sự cảm thông của một người bạn và chưa đủ, phải có sự kính trọng của một người con út trong chúng. Đúng không? Cô hãy thử hình dung xem mình phải là người sống như thế nào, hy sinh thế nào để không hổ thẹn với chí nguyện ban đầu. Và, khi khắc phục được cái tự ngã sâu dày, tâm hồn rộng mở, cô sẽ cảm nhận được nguồn yêu thương, gắn bó của Tăng. Hạnh phúc biết chừng nào!…

Người phụ nữ vốn đa mang, thêm vào đó, cô đã phải trải qua hơn nửa đời thăng trầm trong cuộc sống với biết bao chịu đựng, hy sinh để mưu cầu cái vô cùng mong manh ở thế gian. Vì thế, không phải chỉ một ngày, một buổi cô có thể xả bỏ tập khí đã huân tập trong quá khứ dễ dàng để thích nghi với đời sống phạm hạnh, vô ngã. Cô hãy vận dụng thiên tính bền bỉ, bao dung của người phụ nữ để chuyển hóa thành hạnh kham nhẫn với tâm hồn ái kính trong nếp sống Tăng-già. Cô sẽ thành công.

Con đường cô đã chọn còn phải đi qua nhiều chông gai, thử thách. Hãy lập chí khí trượng phu và hãy yên lòng vì phía trước cô là ánh hào quang của chư Phật, quanh cô là Thầy Tổ, Đại chúng và cả những người thân.

Chúc cô tinh tấn, an lạc, vững chãi trên bước đường tu học và chuyển hóa chính mình…

• Huyền Trang

[Tập San Pháp Luân.34.Tr,94.2006]