Bát ngát Delhi

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Delhi bây giờ đang độ giữa đông, trời lạnh nhưng khô ráo, không có mưa phùn gió bấc như tiết lạnh thường thấy ở miền Trung hay miền Bắc Việt Nam. Sáng sớm và chiều tối, không gian mờ ảo trong màn sương mù giăng phủ, đây đó tiếng quạ kêu dáo dác trên những nóc nhà, vòm cây đã khiến cho Delhi trở nên âm u tịch mịch.

 

Ấn Độ là một đất nước có điều kiện khí hậu tương đối khắc nghiệt: rất nóng vào mùa hè và rất lạnh vào mùa đông. Và cũng chính vì sống trong điều kiện khí hậu như vậy nên người dân ở đây có một sức chịu đựng nắng mưa vô cùng giỏi. Trong cái nắng như thiêu như đốt hay trong mưa rơi gió lạnh, ít khi thấy họ sử dụng đến nón mũ hay áo mưa. Điều đó trở thành một thói quen, và thói quen này giúp họ có một sức đề kháng tốt để chấp nhận một điều kiện thiên nhiên không mấy được ưu đãi.  

Tuy vậy, trong thời tiết đông giá thế này người ta không thể không cần đến chăn mền, áo ấm, và hơn hết là một căn nhà để trú ngụ. Ở Delhi này có rất nhiều người vô gia cư, họ đã trải qua cuộc đời của mình bên những vỉa hè đường phố, mà những ngày đông rét mướt thế này thì tình cảnh như vậy thật đáng thương tâm. Ấn Độ không bị coi là một quốc gia nghèo, nhưng thật kỳ lạ, ở Ấn lại có quá nhiều người nghèo, và người nghèo ở đây rất dễ nhận ra: qua dáng dấp, áo quần và chính công việc họ đang làm. Ở Ấn Độ, mức chênh lệch giàu nghèo quá lớn, và giá trị con người lại được phân định qua điều đó.

Ở đây sự phân chia giai cấp vẫn còn rất rõ rệt, dù vấn đề này luật pháp Ấn đã bãi bỏ hơn năm mươi năm. Có thể bây giờ ta khó phân biệt rạch ròi ra bốn đẳng cấp như sử sách đã chép, nhưng ta có thể nhận ra một cách dễ dàng hai giai cấp hiện hữu song song trong lòng xã hội Ấn: giai cấp cao và giai cấp thấp. Và như một định luật, những người thuộc giai cấp cao thường là những người giàu; ngược lại, những người nghèo luôn thuộc về giai cấp thấp. Đến thời điểm này, tư tưởng về vị thế xuất thân vẫn còn nguyên vẹn hiệu lực trong xã hội Ấn. Điều này ở một góc độ nào đó đã giúp thiết lập trật tự xã hội ở đây, nhưng mặt khác nó đã tạo cho những người nghèo một lối sống thụ động, cam chịu, thiếu ý chí vươn lên. Hầu hết những người nghèo ở Delhi đều làm những công việc bị coi là thấp kém như lau quét nhà cửa, giặt giũ cho người giàu, đạp xe chở khách thuê, thu dọn rác, v.v… mà những công việc như vậy thì tiền công không bao giờ cao. Có những nhà giàu đã có nguyên một gia đình người nghèo đến phục vụ; và có những đứa bé còn rất nhỏ cũng đã bắt đầu tiếp nối công việc của cha mẹ mình, nói đúng hơn là đã thừa kế công việc của đẳng cấp mình từ hàng ngàn năm trước.

Xã hội Ấn ngày nay đã cách xa thời đức Phật hơn 2500 năm nhưng có những điều được mô tả trong kinh điển, nhất là trong Jākata, ta vẫn còn bắt gặp trên các nẻo đường; chẳng hạn như việc biểu diễn nhào lộn dạo trên đường, biểu diễn rắn, xiếc khỉ rong để mưu sinh. Trong Jākata, những công việc này chỉ dành riêng cho người nghèo thì ngày nay nó cũng như vậy. Về nghi thức tang lễ, Ấn Độ bây giờ vẫn không có gì khác với những cách thức đã được đề cập trong Jākata: xác chết luôn được hỏa thiêu và không bao giờ sử dụng đến quan tài. Người ta đặt xác chết lên một cái cáng, phủ vải trắng lên, rải hoa quanh người và khiêng đi thiêu. Thiêu xong, tro được đem rải xuống một dòng sông nào đó và sẽ không có thờ cúng gì về sau. Tuy thế sau một năm, họ sẽ tổ chức lễ tưởng niệm người mất tại một ngôi đền của họ. Cách thức sử dụng hương hoa cho việc thờ cúng, tang lễ vẫn không có gì khác vào thời đức Phật. Loại nước hương mà ta thường nghe nhắc đến nhiều trong kinh là chiên đàn (sandal) hiện vẫn được sử dụng phổ biến cho việc dâng cúng, và loại nước hương này có mùi vị rất đặc trưng. Người Ấn vẫn thích xâu hoa thành từng vòng nhỏ để dâng cúng, và loại hoa được dùng thông dụng để làm thành vòng là vạn thọ. Hoa vạn thọ ở đây thấy khá phổ biến nhưng hoa không lớn.

Xã hội Ấn nói chung khá bình lặng, hiền hòa. Họ sống gần gũi với thiên nhiên và rất yêu mến thiên nhiên. Ở đây ta có thể bắt gặp công viên bất cứ nơi đâu. Dọc hai bên những trục đường chính của Delhi luôn xanh ngát một màu xanh của cây cối. Những bảng hiệu dọc hai bên đường ghi “Delhi xanh” điều đó thật chính xác. Có những con đường chạy qua những công viên mà đôi lúc tưởng như đang đi qua một cánh rừng nào đó. Hai bên những đại lộ, không thấy có nhiều nhà cửa mà hầu hết là cây xanh. Phải nói rằng tinh thần bảo vệ thiên nhiên của người Ấn rất cao; dù người lớn hay trẻ nhỏ, họ không bao giờ có những hành động làm hại đến cây cối hay chim muông. Ở Delhi không có những tòa nhà chọc trời. Nó ít mang dáng dấp của một xã hội công nghiệp thời hiện đại, dù Delhi vẫn có sân bay quốc tế lớn, có hệ thống metrol hiện đại, có những nhà ga xe lửa quy mô.

Ở Delhi ta có thể thấy hàng ngày rất nhiều những loại chim mà ở Việt Nam chỉ xuất hiện ở trên rừng, chẳng hạn như diều hâu, quạ, sáo, két… Dân Ấn không bao giờ xua đuổi hay làm hại chúng, hơn thế họ còn đặt máng nước cho chúng uống và rải thức ăn cho chúng ăn. Thái độ sống này cũng được nhắc đến rất nhiều trong Jākata (thật chính xác khi người ta xem Jākata như là một bộ sử phản ánh đầy đủ và khách quan đời sống xã hội, kinh tế và chính trị thời đức Phật). Ở Ấn sẽ rất khó khăn để tìm ra một người gọi là “vô thần”. Dân Ấn rất coi trọng đời sống tâm linh. Họ có thể ngăn lại một đoạn đường trong khu phố để tổ chức tế lễ và những đám rước thần có thể bắt gặp hàng ngày trên đường. Người Ấn có một bề dày văn hóa hàng ngàn năm và họ ít chịu ảnh hưởng những nền văn hóa bên ngoài Ấn. Có người cho rằng dân Ấn sống bảo thủ. Thực ra rất khó đánh giá điều này. Có thể vì nền văn hóa của họ quá dày, đã ăn sâu vào trong máu thịt của họ nên nhưng nền văn hóa khác không đủ sức để thâm nhập vào.

Dân Ấn hầu hết đều ăn chay, và theo thống kê của một trang web của Ấn thì con số đó lên đến 80 phần trăm (thực ra người Ấn ăn chay không hoàn toàn thuần tuý vì thỉnh thoảng họ vẫn dùng thịt gà, trứng và một số loại thịt cá khác). Và vì ăn chay nên họ ít sử dụng đến các thức uống có men như bia rượu. Bia rượu chỉ phục vụ cho một số người rất ít trong xã hội, và họ có những cửa hàng bán riêng, bán theo giờ, không giống như ở Việt Nam hễ có quầy tạp hóa là có bán bia rượu. Ngay cả vấn đề hút thuốc lá, người dân ở đây cũng ít sử dụng đến. Ở Ấn Độ, từ các quầy hàng nhỏ bán rau quả cho đến những cửa hiệu sang trọng đều do nam giới đảm trách, nữ giới ít làm những công việc này. Ở xứ Việt Nam một thanh niên ngồi bán rau quả có thể là một điều lạ, nhưng ở đây nếu một thiếu nữ đứng bán thì mới là chuyện khác thường.

Ở Delhi, dọc hai bên đường phố, đâu đâu ta cũng thấy những bể nước uống công cộng. Không biết mô hình này có ảnh hưởng từ việc làm của vua A Dục (Asoka) trước đây không? Nhưng ngày xưa vua A Dục cho đào giếng hai bên đường là để phục vụ người qua đường nói chung, bất kể người giàu hay nghèo; còn việc gắn các thùng nước công cộng ngày nay, hẳn nhiên là người giàu cũng có thể uống, nhưng chủ yếu vẫn dành cho người nghèo, vì người giàu chẳng mấy khi ghé lại đó. 

Có một điều rất đặc biệt ở Ấn là đến bây giờ người ta vẫn còn coi bò như một vị thần. Trừ những trục đường lớn xe cộ lưu thông nhiều, còn lại bò xuất hiện ở mọi nơi, từ đường phố đến chợ búa. Chúng đi lang thang, vô tư lự giữa phố phường, ngủ bất cứ nơi đâu và ăn đồ bố thí từ con người. Chưa ở đâu người ta lại quý mến bò như ở đây. Người ta có thể dừng xe hơi lại mua rau, bánh mì cho bò ăn trước khi đi đến công sở và người ta cũng có thể đem thực phẩm mình mua từ chợ về cho bò ăn, mà đúng ra đó là thức ăn của gia đình họ. Và bò ở đây như cũng cảm nhận được tình cảm của con người dành cho chúng, nên trông chúng sống rất thoải mái giữa xã hội loài người. Bò ở xứ Ấn này cũng có phước thật!

Thật sự ở đây có rất nhiều điều khiến ta phải ngạc nhiên. Ngay khi ghé vào một dịch vụ tin học hay một tiệm Net nào đó cũng khiến ta ngỡ ngàng. Ấn Độ được xem là một nước có công nghệ phần mềm tin học hàng đầu thế giới, nhưng các dịch vụ computer hay internet ở đây lại không cho ta cảm nhận được điều đó. Để tìm ra một dịch vụ internet có cổng USB không phải là dễ ở đây, và có những tiệm nếu mình gắn đĩa vào là họ lấy thêm tiền. Tiền cho một giờ truy cập từ 10 đến 15 rupees (tương đương 3500-5000 đồng VN), tùy theo từng dịch vụ. Nói chung các dịch vụ Net ở đây không thể bằng Việt Nam được.

Đối với người con Phật, nỗi buồn lớn nhất khi đến Delhi nói riêng và Ấn Độ nói chung là nhận thấy bóng dáng mờ nhạt của Phật giáo trong đời sống xã hội. Thật khó tưởng tượng được nơi khai sinh ra Phật giáo giờ đây lại như thế này. Khắp Delhi rộng lớn ngày nay vẫn còn có một số chùa chiền, nhưng lượng tín đồ cũng không còn đáng kể gì. Người ta đưa ra rất nhiều nguyên nhân về sự suy tàn của Phật giáo Ấn Độ, mà nguyên nhân nào đối với người con Phật cũng tạo nên sự ngậm ngùi xót xa. Từ tình cảnh này, người con Phật phải thấy được trách nhiệm của mình hơn trong việc duy trì, bảo vệ và phát triển Phật pháp nơi mình đang sống. Bài học từ Phật giáo Ấn Độ là quá đắt, và vì thế những người con Phật không được phép quên nó.

Delhi là một thủ đô rộng lớn của một quốc gia rộng lớn, có một nền văn hóa lâu đời và đa dạng, nó chứa đựng trong lòng thật nhiều điều kỳ bí nên khiến người ta luôn phải ngạc nhiên khi sống trong đó. Và Delhi thật sự là một điểm đến bổ ích và thú vị cho những ai muốn tìm hiểu về một trong những nền văn hóa lớn của thế giới. Chắc chắn rằng, những ai đã đến và sống ở đây sẽ có những dấu ấn khó quên về con người và cuộc sống nơi này.

• Nguyên Hiệp

[Tập San Pháp Luân.34.Tr,89.2006]