Hôm nay, vừa mới dứt thời công phu khuya, sư đệ nắm tay tôi kéo ra ngoài hiên chùa, thì thầm kể chuyện như có vẻ bí mật lắm:
- Lạ quá, đêm qua em mơ thấy Phật.
Tôi vui miệng:
- Thấy Phật thì tốt chớ sao.
Sư đệ tiếp:
- Không phải vậy. Em mơ thấy Phật. Ngài quở chúng ta dữ lắm!
Thế Ngài nói sao? Tôi cũng nôn nóng hỏi về giấc mơ.
Sư đệ bắt đầu trịnh trọng từng câu từng lời như muốn tôi nghe cho rõ:
- Sư huynh à! Phật nói, trong thời mạt pháp này, số giảng sư nhiều như cát sông Hằng, số kinh sư nhiều như bụi trong vũ trụ, còn thiền sư thì vô số kể, danh tánh họ Thích từ A đến Z liệt kê dày như cuốn tự điển. Thế mà kẻ ngộ đạo và thực hành đúng pháp thì ít như một tí đất dính trên đầu móng tay. Ngày nào đệ tử của Phật cũng tụng bài mười đại nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền - Một là lễ kính chư Phật. Hai là xưng tán Như lai. Ba là rộng tâm cúng dường không phân biệt. Kinh sư cứ tụng, thính chúng cứ nghe nhưng không mấy ai hiểu tường tận và giảng sư lúc thuyết pháp đôi khi cũng nói không hết ý mặc dù có phụ họa bằng hình ảnh hấp dẫn trên đĩa VCD để dễ kết nạp tín đồ phe ta. Vì trụ tướng sanh tâm thuyết pháp nên pháp trở thành một thứ công cụ doanh nghiệp, vừa lòng khách đến đẹp lòng khách đi. Còn Thiền sư thì vô lượng pháp môn thiền; ngoài không trước tướng là thiền, trong không vọng động là định. Các Ngài phá tướng triệt để, thị hiện khắp nơi, thiền sinh không biết đâu là hư thực.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ-tát Phổ Hiền dạy, lễ kính chư Phật là tôn trọng bái kính không chỉ đối với các vị Phật, Bồ-tát và chúng sinh hữu tình đang trầm luân trong lục đạo mà còn tôn trọng bảo vệ chúng sinh vô tình như cây cối, khoáng vật, núi đồi, dòng sông, chiếc cầu, tòa nhà, đường xá, xe cộ, môi trường... Những vật vô tình này cũng có Phật tính. Chúng sinh hữu tình, vô tình đồng viên chủng trí nên đệ tử Phật phải biết tôn trọng, lễ kính là vậy. Không phải mỗi ngày quỳ lạy dâng cúng các đối tượng vô tình này mà phải biết quý kính và ra sức bảo vệ, giữ gìn, như chăm sóc chiếc xe ta đi, bảo vệ môi trường sinh thái, cây rừng, vườn hoa, con sông sạch sẽ, xanh mát, tươi đẹp. Đó là lễ kính loài vô tình tức là phải quý trọng bảo vệ như tài sản của mình. Chúng sinh hữu tình cũng phải bình đẳng quý kính, cũng phải lịch sự đối đãi dù là ngoại đạo, người hiền, kẻ dữ, người khác quan điểm với mình. Thế còn vì sao phải xưng tán Như Lai mới được? Ngài dạy thêm, không những tôn kính mà còn phải tán thán, vinh danh vì Như Lai là Phật, là bậc đã giác ngộ viên mãn. Danh hiệu Như Lai biểu lộ ý nghĩa đức Phật đến với thế gian và trụ giữa thế gian - theo nghĩa rộng là cái gì như như bất động, không sanh không diệt, không tới không lui, là bản thể, là thực tướng, là pháp tánh của mọi sự mọi vật.
Nhưng đệ tử Phật trong thời mạt pháp hôm nay không thành tâm cung kính, luôn bị ma chướng dẫn đường sai khiến. Danh hiệu Phật và Bồ-tát lại không được nhớ rõ bằng danh tánh và địa chỉ của tín chủ thượng lưu, đặc biệt là các quan chức liên hệ thì thuộc lòng từng tên, từng chức vụ, từng con số điện thoại. Có khi đang tụng kinh, hoặc đang dự phiên họp mà nghe có điện thoại reo, là hành giả mất chánh niệm ngay vì một hợp đồng lợi lạc quan trọng nào đó. Nhiều quan Tăng cũng động tâm đa sự, đáp ứng cấp thời dù là đang ngồi trên bàn chứng minh, vẫn tự tại nâng chiếc phone di động loại xịn có nhạc báo, vừa để khoe cái phong cách sang trọng của mình vừa để biểu hiện lòng nhiệt tình gắn bó, không xa rời nỗi khổ kêu cứu của chúng sinh. Các ông vẫn rao giảng, vẫn tụng tán ‘chúng sinh vô biên thề nguyện độ,’ nhưng thử nhìn lại hàng Sa-môn Thích tử như các ông, khi thấy đồng nghiệp của mình bị lâm nguy, bị trù dập lưu đày, bị gài bẫy phá giới, các ông không hề có một chút phản ứng di động nào để gọi là cứu độ, mà vẫn bình thản an nhiên coi như mình là bậc đã hoàn toàn giải thoát không vướng bụi trần. Các ông hãy thiền đi, hãy quán đi để thấy gì trong chiếc xe sang trọng, trong máy phone hiện đại, trong bao thiết bị cung ứng cho nếp sống trưởng giả của mình? Có phải nó gắn liền với những xác chết, những máu xương và mồ hôi nước mắt cùng bao nỗi đắng cay oan ức của chúng sinh? “Một trong tất cả; tất cả trong một. Có phải chư Phật đã từng dạy như vậy không?”
Sư đệ tôi lại tiếp:
- Phật cười và lấy tay xoa đầu em. Ngài khuyến cáo rằng ,không một nước nào trên thế giới lại có nhiều Hòa thượng Thiền sư, Tiến sĩ, như quốc độ của các ông. Từ bi và trí tuệ thù thắng như vậy quả là đại phước đức cho chúng sinh trong thời ma chướng này – nhưng cần nhớ chất lượng vẫn là cốt tủy quan trọng hơn số lượng. Bậc vô ngã mới đáng xưng tôn, bái ngưỡng; còn tự ngã, gian tham, độc ác sẽ không bao giờ đứng vững. Vả lại, theo chính danh để tôn vinh thì thuần nhất bất tạp là Hòa, vạn loại xưng tôn là Thượng. Liệu mình có đủ phẩm hạnh để được xưng tán như vậy không hay là suốt đời phải làm một thứ chậu kiểng Robot, biết đi biết nói khiến cho quần chúng ngộ nhận bái phục. Và Tiến sĩ giấy thì cũng không ít, đang là những nhãn hiệu quảng cáo để kinh doanh chất xám, để lôi cuốn các nhà đầu tư. Các ông nên khiêm tốn và sống thực với bản vị của mình để khỏi rơi vào các đọa xứ quả báo mai sau.
Đến đây để hồi hướng công đức cho vị sư đệ đã kể lại giấc mơ hi hữu của mình, giúp tôi tinh tấn thêm và thận trọng giao tiếp trên con đường tu học, tôi kể lại cho sư đệ nghe câu chuyện mà tôi đã được chiêm ngưỡng nơi bài pháp ngữ của Thượng tọa Wu Lin, vị đệ tử của Hòa thượng Chin Kung do Thích Nguyên Tạng dịch như sau.
Một hôm, khi đức Phật đang ở trong hang và Ananda thị giả đang đứng ở ngoài cửa thì Ma vương xuất hiện. Ananda kinh ngạc bảo Ma vương hãy biến đi, nhưng Ma Vương tiến tới, bảo ông vào trình với đức Phật có Ma vương tới thăm. Ananda nói với Ma vương: “Ngươi tới đây làm gì? Ngươi không nhớ là đức Phật đã đánh bại ngươi ở dưới gốc Bồ-đề hay sao? Ngươi không biết hổ thẹn hay sao mà còn đến đây làm gì? Đức Phật sẽ không gặp ngươi đâu. Ngươi là ma quỷ. Ngươi là kẻ đối nghịch của Ngài.
Nghe Ananda nói như vậy, Ma vương cười rồi hỏi: “Ông muốn nói là Thầy của ông đã nói với ông rằng ông ấy có kẻ thù địch hay sao?”
Tôn giả Ananda không nói được gì cả, và phải đi trình với đức Phật là có Ma vương tới thăm, chỉ mong đức Phật sẽ bảo: “Ra nói với Ma vương là ta không có ở đây. Cứ nói là ta đang bận việc”. Nhưng đức Phật không bảo như vậy, mà Ngài rất vui khi nghe ông bạn cũ Ma vương tới thăm mình. Ngài nói: “Thật không? Ông ta tới đây thật hả?” Rồi Ngài đi ra gặp Ma vương, chào hỏi và nắm tay y một cách thân mật. Ngài nói “Chào ông! Hồi này ra sao? Mọi việc đều tốt đẹp cả chứ?”
Ma vương không nói gì cả, vì vậy đức Phật đưa y vào trong hang, mời y ngồi, rồi bảo tôn giả Ananda đi pha trà. Ananda đi ra ngoài nhưng vẫn để ý nghe ngóng hai người nói chuyện. Đức Phật lại thân mật hỏi: “Hồi này ra sao? Công việc của ông tới đâu rồi?”
Ma vương đáp: “Mọi việc không được tốt lắm. Tôi cảm thấy chán làm Ma Vương rồi. Chỉ muốn làm một việc gì khác. Ông cũng biết là làm Ma vương không phải dễ. Khi nói thì phải nói theo kiểu câu đố. Khi làm thì phải làm theo kiểu mánh mung và phải có vẻ gian ác. Sự thật là tôi thấy chán tất cả. Nhưng cái mà tôi ngán nhất chính là bọn đệ tử của tôi. Hồi này chúng nó toàn nói tới bất công, hòa bình, bình đẳng, giải phóng, với lại bất bạo động. Nghe mà phát ngán. Có lẽ tôi nên giao hết tụi nó cho Ngài. Tôi muốn làm việc khác”.
Đức Phật lắng nghe rất thông cảm với Ma vương. Sau cùng Ngài ôn tồn nói: “Như vậy ông tưởng làm Phật là vui lắm hay sao? Ông không biết là các đệ tử của tôi đã làm những chuyện gì. Họ gán cho tôi những lời mà tôi chưa bao giờ nói. Họ xây những cái chùa lòe loẹt rồi đặt bức tượng của tôi lên bàn thờ mặc cho nhện giăng, bụi bám, những bánh trái người ta vừa đặt lên thì họ bưng xuống liền. Rồi họ đóng gói tôi biến giáo lý của tôi thành món hàng thương mại. Nếu ông biết làm Phật thật sự như thế nào thì ông sẽ không muốn làm Phật nữa đâu”.
Một trong những điều mà đức Phật và Ma vương nói tới là tính vị kỷ. Do vị kỷ mà chúng ta sẵn sàng làm hại người khác để đem lại lợi cho mình. Tư tưởng vị kỷ gây ra tranh chấp giữa mọi người, giữa những gia đình và giữa những quốc gia. Sự vị kỷ là nguyên nhân chính yếu của những thiên tai cũng như những tai họa do con người gây ra. Khi quan sát thế giới, có thể chúng ta sẽ thắc mắc là vì đâu những tai họa mỗi lúc mỗi gia tăng? Nguyên nhân là do tính vị kỷ mỗi lúc mỗi gia tăng của chúng ta. Như đức Phật đã dạy, tất cả đều là hậu quả của vô minh, mê muội và tà kiến.
Nếu so sánh một cây với vũ trụ, những chiếc lá là những cá nhân, chúng ta sẽ thấy lá cây tuy khác nhau nhưng thật ra là một thành phần của toàn cây, cũng như mỗi cá nhân là một thành phần của toàn thể vũ trụ. Khi phân biệt mình với người khác, chúng ta sẽ tạo ra những rào cản và những sự tranh chấp. Toàn thể chúng ta là một thực thể, cũng giống như lá, cành, thân và rễ của cái cây.■
[Tập San Pháp Luân.34.Tr,84.2006]