Tôi là một sinh vật rất bé nhỏ có hai cánh cỏn con. Tôi được sinh ra từ một vùng bị ung nơi trái xoài Thanh Ca đặt trên bàn thờ Phật. Một lần, bằng một chút kiêu hãnh, tôi đã nói với chị Nhện Trắng rằng:
“Em được hóa sinh từ một trái xoài đấy!”
Chị Nhện Trắng “xì” một tiếng rất dài rồi bảo:
“Chú chỉ là một giống ruồi rất nhỏ bé, thường gọi là “Ruồi Giấm” (Drosophila), sinh sản trong các loại trái cây và rau thối rữa. Một kiếp sống của chú chỉ bằng khoảng năm ngày của loài người. Có một vài miền, người ta gọi chú là con Giãn.”
Từ đấy, tôi chấp nhận tôi là một chú Giãn bé nhỏ. Nhưng là một chú Giãn nhiều chuyện và ưa suy tư...
Nghe chị Nhện Trắng kể. Hôm rằm, cô chủ đã mua mấy loại trái cây, rửa sạch, trang trọng dâng lên cúng Phật. Cô để ba loại trái cây ở tầng dưới, dụ cho ba ngôi Tam bảo. Tầng trên, cô để một trái xoài Thanh Ca, dụ cho Bồ-đề Tâm. Tôi sinh ra từ tâm Bồ-đề ấy, từ trái xoài Thanh Ca chín rục. Trong một căn phòng rộng, đối với một chú Giãn bé nhỏ như tôi thì căn phòng quả là một không gian quá thênh thang...
Ngày đầu tiên tôi cất cánh bay trong không gian thênh thang ấy, tôi thấy đâu đâu cũng thật lạ lùng, kỳ diệu. Trên tường có treo một vài bức tranh với nhiều màu sắc rực rỡ. Chị Nhện Trắng bảo đó là hình ảnh đức Phật A-di-đà và ngài Quán Thế Âm, chớ có đậu vào đấy, nhất là không được “làm bậy” trên đó. Dĩ nhiên, tôi chẳng biết đức Phật A-di-đà và ngài Quán Thế Âm là ai, nhưng nhìn hình ảnh của các Ngài, tôi cho rằng đẹp lắm, có lẽ một phần tôi rất thích màu sắc, cứ cái hình nào có nhiều màu sắc là nó lại cuốn hút lấy tôi một cách rất mãnh liệt.
“Rồi chú sẽ được gặp cô chủ. Cô ta chỉ vào trong gian phòng này một ngày hai lần sáng, tối. Ngoài ra, chẳng còn ai vào đây nữa.”
“Cô ấy vào đây để làm gì thế?”
“Để tụng kinh. Bao lâu nay, chị nghe cô tụng, tuy chẳng hiểu gì ráo nhưng riết rồi cũng thấy... ghiền. Nghe những âm thanh lên bổng, xuống trầm từ đôi môi mấp máy ấy, thỉnh thoảng cô lại đánh một tiếng chuông ngân. Lâu dần, chị nhận ra một điều kỳ diệu: Thân chị ngày càng trắng ra, tâm có vẻ nhẹ nhàng, an lạc. Có hôm, cô mệt, bỏ thời kinh. Chị nhớ âm thanh, thân tâm ủ ê, cũng muốn ốm theo cô...”
Tôi bâng khuâng nhìn ngắm chị. Phải ha. Chị có một thân căn rất đẹp. Toàn thân màu trắng muốt, nhỏ bé chỉ bằng đầu ngón tay út. Đôi mắt chị có viền nâu như vẽ. Những lúc buồn, chị ưa giăng tơ. Những sợi tơ óng ả, mượt mà. Tôi xin chị ít tơ xếp làm gối, nằm mơ màng, nghe chị kể chuyện ngày xưa...
Ngày xưa... Chị đẹp lắm. Chị là một cô nhện bé tẻo teo, núp dưới đám lá của một chậu Cúc vàng được cô chủ đem về đặt dưới chân bàn thờ. Rồi chị lớn dần theo thời gian, chị bỏ chậu Cúc leo tuốt trên trần, giăng tơ, làm nhà. Một hôm, có chàng lãng tử Nhện ghé ngang. Chị thơ ngây, yêu thầm, nhớ trộm rồi (dại dột) trao thân, gửi phận cho chàng. Nhưng rất tiếc, nét đẹp của chị vẫn chưa đủ để giữ chân anh lại. Anh ở với chị một thời gian rồi cũng bỏ đi. Chị buồn, chẳng làm được gì khác ngoài việc giăng tơ...
“Thế ngoài chàng Nhện... sở khanh ấy, còn có ai ghé qua không hả chị?”
“Có chứ. Thỉnh thoảng có vài chú kiến ghé qua, nhưng mấy chú ấy cần cù lắm. Lần nào đi ngang qua đây trên miệng cũng đều ngậm hoặc hạt đường, hoặc hạt muối, đôi khi chỉ là một cọng rơm. Các chú cứ cắm cổ mà đi, chẳng ngừng lại chào hỏi lấy một câu...”
Tôi nằm nghe chị kể với giọng buồn buồn. Tôi ngắm nghía chị một lúc và nói bằng một giọng cực kỳ ngưỡng mộ:
“Chị ơi. Chị thật đẹp. Em ước có được một thân nhện đẹp như thế...”
Chị cười xòa:
“Ước được thân nhện làm chi? Đã lỡ ước thì sao không ước được làm thân người có hơn không? Thân người đẹp lắm. Thọ mạng lại dài. Chị đoán, thọ mạng của loài Người chắc bằng cả ngàn kiếp của chú nhập lại đó.”
“Thiệt hả chị?”
“Thiệt mà. Chú chờ chút nữa, khi cô chủ vào đây tụng kinh thì sẽ thấy. Nói nhỏ chú nghe, chị đang có một đại thệ nguyện là kiếp sau có được một thân người đẹp đẽ như thế... Kìa, hình như cô chủ đã vào...”
Có tiếng kẹt cửa. Một bóng người mảnh khảnh bước vào phòng. Cô mặc một bộ quần áo in lốm đốm những đóa hoa hồng bé tí. Vừa đi, cô vừa che miệng ngáp. Đôi mắt còn ngái ngủ, hai mí cứ như muốn sụp xuống. Cô bặm môi đẩy cánh cửa tủ quần áo qua một phía, lấy ra chiếc áo tràng màu lam khoác lên người. Tôi nghe tiếng cô khe khẽ nguyện:
“Nguyện cho con khoác được áo giáp ‘nhẫn nhục’, nhẫn chịu được tất cả những đau khổ và chướng duyên trong cuộc sống hằng ngày...”
Vừa nói, cô vừa cài khuy áo. Chiếc áo choàng rộng thùng thình làm tôi có cảm tưởng thân người cô bị lọt thỏm trong chiếc áo ấy, hai tay áo dài phủ tận xuống tận tới bàn tay cô. Tôi thấy cô loay hoay vén hai tay áo lên, rồi thong thả bước tới bàn thờ Phật...
Tôi nằm núp trên trái xoài Thanh Ca, nhìn nét mặt nghiêng nghiêng của cô đang rót nước. Cô có đôi mắt to, đen (giờ đã hoàn toàn hết vẻ ngái ngủ), đôi môi hồng hồng, mái tóc cắt ngắn, lửng lơ chưa chấm đến vai. Sau khi thay mấy chén nước, cô thắp hương. Đôi mắt cô khép hờ khi dâng hương. Hai tay chắp lại như một búp sen nguyện khe khẽ. Tôi bỗng thấy chị Nhện Trắng nói rất đúng. Sao thân người có thể đẹp đẽ như thế? So với thân nhện thì chị còn kém xa lắm...
“Chị Nhện Trắng ơi...” Tôi bồng bột kêu lên.
“Suỵt. Đừng có làm ồn. Cô chủ sắp sửa tụng kinh. Chú ráng nghe những lời kinh cô tụng, lâu dần, Chú sẽ thấy lời kinh không chỉ là âm thanh huyền diệu, mà nó còn là ánh sáng thênh thang, chan hòa khắp nơi nữa đó...”
Nghe chị Nhện Trắng nói vậy, tôi nín thinh. Lòng hồi hộp. Trái tim đập thình thịch như muốn vỡ lồng ngực vì sự khích động. Đôi mắt dán chặt lên hình ảnh cô chủ đang linh động trước mặt. Tôi thấy cô quỳ sụp xuống lễ Phật ba lễ, sau đó ngồi xuống bồ đoàn và bắt đầu thỉnh chuông. Cô ngồi xếp chân bằng tròn, lưng thẳng như một cái cột gỗ. Một tràng âm thanh tuôn ra từ đôi môi mấp máy. Thỉnh thoảng, cô lại đánh một tiếng chuông ngân.
Tôi chưa thể nhận ra được âm thanh vi diệu tới chừng nào. Nhưng dáng người của cô, thân căn đẹp đẽ ấy làm cho tâm tôi bồng bột tới độ chỉ muốn chấm dứt ngay lập tức thân Giãn nhỏ bé này để phát đại thệ nguyện được tái sinh làm thân người. Trong không gian thênh thang, ngoài lời kinh cô đang tụng, tuyệt nhiên vắng lặng...
Thời gian như ngừng trôi...
Từ đó, suốt ngày tôi chỉ mơ màng tới hình ảnh đẹp đẽ ấy. Tôi tập “nghe kinh”, thầm ước mong một ngày kia tôi cũng sẽ có được một thân người xinh đẹp ấy. Ôi... tôi có cuồng si lắm không khi có những điều ước muốn hoang tưởng như thế?
Một buổi sáng, tôi thấy cô chủ vào gian phòng thờ. Khuôn mặt cô có vẻ vui. Cô dọn dẹp, lau chùi bụi trên bàn thờ Phật và hát khe khẽ. Đĩa trái cây được cô đưa ra ngoài phòng bếp. Tôi chưa kịp chào giã biệt chị Nhện Trắng thì đã phải ra đi một cách vội vã. Xem ra mới biết, hôm nay cô chủ nhỏ rất bận, cô phải lo dọn dẹp nhà cửa để đón một vị đạo sư về thọ trai. Nghe đâu, vị đạo sư này chính là đệ tử hóa thân của ngài Quán Thế Âm (cái hình được trưng trong bàn thờ Phật mà tôi vẫn thường ngưỡng mộ).
“Anh ơi. Giúp em một tay dọn dẹp nhanh lên nhé. Năm giờ chiều nay thầy sẽ đến. Em còn rất nhiều việc để làm. Tạm thời, anh lau chùi cho em phòng khách, phòng ăn và hút bụi nha... Còn em phải đi lau chùi phòng thờ, nhà vệ sinh, phòng tắm v.v... Khoảng một giờ chiều mình sẽ chuẩn bị nấu cơm chay...”
“Nhà vệ sinh vừa mới chùi cuối tuần rồi, cần gì phải chùi nữa hả? Chùi nhiều quá, mệt lắm nghe!”
“Ô... Cần chùi lắm! Chỗ nào cũng phải sạch chứ. Vì mình đang thỉnh một vị đạo sư về nhà đó mà...”
Tôi vẫn nằm phục trên trái xoài Thanh Ca. Nghe cô chủ đối đáp với một nam nhân có nét mặt nghiêm nghiêm. Ông ta đang nằm dài trên ghế sofa, đối diện với cái TV mở lớn. Âm thanh ồn ào, náo động, không giống như âm thanh tôi vẫn thường nghe cô chủ tụng kinh sáng, tối. Đối với cô, nghe chừng chuyện thỉnh vị đạo sư này về thọ trai là chuyện rất quan trọng. Chắc hẳn, ngài chính là “hóa thân” của ngài Quán Thế Âm không chừng.
Lòng tôi reo vui như mở hội, tôi thực tâm tùy hỉ những việc cô chủ đang làm. Thật kỳ diệu... Sự tùy hỷ đó mạnh mẽ tới độ làm tôi có cảm tưởng như chính mình đang dự phần vào công việc ấy. Tôi tung đôi cánh bé nhỏ của mình bay theo cô, tôi nói với cô rất nhiều điều mà cô chẳng hiểu:
“Cô chủ của tôi ơi... Cô dọn dẹp và làm cơm đón vị thầy thọ trai chắc hẳn rất mệt? Tôi xin trang nghiêm gánh với cô ít nhiều khổ cực và một chút niềm vui. Ừ... Tôi phải làm gì nữa nhỉ? Cô có cho tôi dự phần đấy không?”
Hiển nhiên, cô không thể nghe được tôi nói, dẫu tôi có la hét tới khản cổ. Lại nữa, cô quá bận bịu... Tôi thấy những giọt mồ hôi bắt đầu lấm tấm trên trán cô...
Sau một hồi lẽo đẽo bay theo cô, tôi bắt đầu thấm mệt. Tôi trở lại phòng bếp và nằm bẹp trên trái xoài Thanh Ca cô vẫn chưa vứt vào sọt rác. Ngẫm nghĩ, thấy buồn và tủi phận, chẳng hiểu kiếp trước tôi làm gì nên tội để phải mang cái thân Giãn bé tí cỏn con này? Tôi bắt đầu rấm rức khóc, ban đầu thì còn khóc khe khẽ, sau nỗi buồn tủi dâng nghẹt buồng tim, tôi òa khóc lớn. Khóc chán, tôi nằm thút thít, nghĩ tới lúc được tận mắt gặp vị đạo sư, lòng hoan hỷ lại khởi lên nên nỗi buồn mới nguôi ngoai. Tự an ủi, dẫu sao, tôi cũng còn có phước để gặp được Phật pháp và diện kiến được một vị đại đạo sư như thế...
Buổi chiều. Ngôi nhà sáng choang như mới. Cô chủ trưng bày một lẵng hoa đủ sắc ngay bàn khách rồi vội vã lên chùa đón thầy. Còn tôi, tôi bay vào phòng thờ và báo cáo cho chị Nhện Trắng biết chuyện gì đang xảy ra. Chị cũng rất hoan hỷ, chỉ tiếc chị không đi theo tôi ra ngoài phòng khách xem công trình của cô chủ đón vị thầy ra sao. Chị có vẻ nôn nao:
“Này chú, chú có nghĩ thầy sẽ vào phòng thờ này không nhỉ?”
“Dĩ nhiên là có chị ạ. Em còn nghĩ hơn thế nữa cơ. Chắc hẳn thầy sẽ ngồi xuống và cho chúng ta một thời kinh ngắn nữa...”
“Ồ... như vậy thì còn gì hơn...”
Vị thầy với bộ y phục vàng, to lớn như một vị Bồ-tát. Ngài bước vào nhà và ban bình an cho những người trong gia đình. Bữa cơm được dọn ra một cách kính cẩn. Tôi nhìn thầy mà đôi mắt chẳng tạm rời. Chao ôi, sao thân người uy nghi và đẹp đẽ đến dường ấy? Nhìn lại mình, đời sống của tôi cũng sắp chấm dứt. Thọ mạng của một con Giãn bèo bọt, ngắn ngủi chẳng đem lại lợi ích gì cho ai, chỉ dài bằng vài ngày của thọ mạng người... Tôi bay đến bên cô chủ, nhìn cô đang vắt một ly nước cam cho thầy. Chợt nhớ tới lời kinh Kim Cang ban sáng cô chủ vừa tụng: đức Phật dạy ngài Tu-bồ-đề về hạnh thí thân hằng hà sa số như cát sông Hằng của chư vị Bồ-tát. Tôi cũng muốn thực hành Bồ-tát hạnh như thế, muốn dùng thân vô dụng này dâng lên cúng dường chư Phật mười phương. Ý nghĩ ấy thoáng qua như trong một chớp mắt. Tôi nhắm mắt, gieo mình vào ly nước cam cô chủ vừa vắt, chấm dứt thọ mạng Giãn ngắn ngủi của mình. Nguyện kiếp sau tôi sẽ có được một thân người đẹp đẽ như cô.
Tôi thấy toàn thân mình bị chìm nghỉm vào dòng nước vàng lạnh buốt, chới với..., ngộp ngã... Nghe đâu đây như có ngàn tiếng lao xao nổi lên... Chung quanh tôi bỗng phủ xuống một màn mờ mờ như sương, như khói...
Cô nhỏ khẽ kêu lên khi phát hiện một chấm đen đang trôi lờ đờ trong ly nước cam khi cô đem dâng thầy. Cô lấy muỗng vớt cái chấm đen ấy lên, và nhận ra đó là xác của một con Giãn. Ngạc nhiên hết sức, bụng bảo dạ: “Kỳ thiệt, rõ ràng, hồi nãy lúc đổ nước cam vào ly, đâu thấy có con Giãn nào đâu cà?” Cô quày quả, định đem ly nước đã dơ đổ đi và làm lại một ly khác. Nhưng vị thầy đã ngăn cô lại và bảo:
“Con cứ để ly nước cam đây cho thầy uống.”
“Nhưng thưa thầy... nước này đã dơ rồi. Để con vắt một ly khác...”
“Chẳng hề gì...”
Nói xong, bằng một cử chỉ như một lễ nghi, vị thầy thong thả nâng ly nước cam lên ngang môi, đôi mắt khép hờ khẽ chú nguyện vào ly nước một lúc rồi từ từ uống từng hớp, xác Giãn theo dòng nước trôi tuột vào bụng vị đạo sư trước con mắt mở lớn của người đệ tử...■
[Tập San Pháp Luân.34.Tr,77.2006]