Kính thưa quí vị và các bạn,
Thành đạo và Đản sanh là hai sự kiện mang nhiều ý nghĩa trong lịch sử đức Phật Thích-ca mà người huynh trưởng GĐPT phải dạy cho các em của mình trong chương trình Phật pháp của ngành Thiếu và ngành Oanh.
Tài liệu để giảng bài thì không thiếu nhưng nói làm sao cho các em hiểu anh chị trưởng muốn truyền đạt cái gì, áp dụng như thế nào vào đời sống hằng ngày, v.v... mới là quan trọng. Ngoài ra, người anh trưởng, người chị trưởng đó phải có “ngôn ngữ” hợp thời đại, giản dị và dễ hiểu chừng nào thì quí chừng đó chứ không phải đem tài liệu “nguyên xi” ra trao cho các em! Phật pháp không bao giờ cũ nhưng phương pháp giảng dạy, truyền đạt, mỗi người một kiểu, miễn sao nội dung truyền đạt phải giống nhau, không mâu thuẫn với nhau là được rồi. Mặc dù mỗi Miền, thậm chí mỗi Đơn vị có những huynh trưởng ý kiến khác nhau, nhìn những sự kiện Đản sanh, Thành đạo, Nhập diệt… khác nhau, nhưng khi dạy về nội dung, về ý nghĩa, về những bài học áp dụng cho đoàn viên GĐPT thì nếu không phải giống nhau hoàn toàn cũng phải giống nhau ở những điểm chính và nhất là không có điểm nào mâu thuẫn nhau.
Chính vì điều này, huynh trưởng thường trao đổi, chia sẻ với nhau về quan điểm, về phương pháp truyền đạt… về suy nghĩ của các em đối với ngày Đản sanh, ngày Thành đạo, ngày đức Phật nhập Niết-bàn… Nói cách khác, các anh chị phải nắm được cách nhìn, lối suy nghĩ… của các em, phải biết Thành đạo trong mắt các em là như thế nào và phải nói làm sao để liên hệ những sự kiện ấy vào cuộc sống trước mặt, v.v…
Xin mời quý vị cùng theo dõi cuộc hội thoại giữa các huynh trưởng trẻ quen thuộc A, B, C, D, E (những Huynh trưởng đang cầm Đoàn và dạy Phật pháp cho đoàn sinh) trong đề tài Thành đạo.
A: Xin chào mọi người, lại sắp đến Thành đạo rồi, sắp phải tổ chức thi vựợt bậc cho các em rồi!
B: Đúng vậy! Và phải nói chuyện với các em về ngày Thành đạo đây.
C: À, thì ra bạn đang lo về câu chuyện dưới cờ cho tuần này đó hả?
D: Các anh / chị thì sướng rồi vì các em ngành Thanh và ngành Thiếu dù sao cũng đã hiểu được phần nào từ “Thành đạo”, chứ các em Oanh vũ của em không biết Ất Giáp gì hết mới khổ chứ!
E: Các em không hiểu rành rẽ tiếng Việt thôi chứ cũng hiểu chút chút chứ bộ, và chúng ta đừng giảng về Thành đạo mà nên kể chuyện cho các em nghe trước, những chuyện giống như “chuyện đời xưa” vậy.
A: Phải đó, bạn E hãy kể cho chúng mình nghe là bạn đã “dẫn” các em vào “truyện Thành đạo” như thế nào?
B: Và bạn không biến đức Phật Thích-ca thành nhân vật thần thoại đấy chứ?
E: Dạ, không! Em kể chuyện thái tử Tất-đạt-đa (Siddhatta) năm lên 9 tuổi đi dự lễ Cày Ruộng đầu năm cùng với vua cha và hoàng hậu và cũng là Dì của thái tử. Đối với trẻ con, những lễ nghi này thật chán, nhưng thái tử không chạy đi nô đùa như những trẻ khác mà một mình đến dưới một cây hồng táo (a rose-apple tree) ở một nơi rất yên tĩnh. Ở đó, thái tử đã ngồi thiền định. Khi những người lớn đi tìm và khám phá ra thái tử, họ đều kinh ngạc nhìn đứa trẻ 9 tuổi đang ngồi kiết già và đắm chìm trong sự trầm tư, không để ý đến những gì đang xảy ra quanh mình… Đó quả thật là hình ảnh của một cậu bé trẻ tuổi nhưng già dặn về trí tuệ khiến cho mọi người phải kính nể.
D: Tại sao bạn lại kể chuyện này cho các em?
C: Vì câu chuyện này là một biến cố rất đặc biệt xảy ra trong tuổi thơ của thái tử và chính kinh nghiệm này về sau trên con đuờng tìm Đạo, được coi như là cái chìa khóa cho sự kiện Thành đạo của đức Phật (a very remarkable incident took place in his childhood. It was an unprecedented spiritual experience, which, later, during his search after truth, served as a key to his enlightenment).
E: Dạ, đúng vậy, hơn nữa em muốn cho các em biết meditation là gì. Đối với con nít 8, 9 tuổi, các em vẫn có thể ngồi thiền, suy nghiệm về những điều mắt thấy tai nghe đã kích thích trí óc các em hay những điều lạ mắt lạ tai v.v... như thái tử Siddhatta hồi còn bé vậy. Từ đó, em nói luôn tại sao GĐPT tập cho các em ngồi thiền trước hay sau buổi lễ Phật, tại sao tập ăn cơm chánh niệm, v.v...
B: Phải rồi, trong phim “The Little Buddha” cũng có nhắc đến việc này. Các bạn có cho các em xem phim này không?
D: Dạ có, các em rất thích xem phim này vì phim nói tiếng Anh nên các em hiểu rất nhanh, dễ thu hút các em học Phật pháp.
A: Rồi từ việc này, kể cho các em nghe về 49 ngày trước khi Thành đạo, đức Phật đã ngồi thiền định như thế nào hả?
E: Dạ, em còn kể sự việc Ngài tu khổ hạnh rồi bị ngất xỉu, gặp nàng Tu-xà-đa (Sujata) dâng bát sữa… nữa chứ!
C: Và bạn lại cho các em coi phim “The Little Buddha” với cái cảnh thái tử Tất-đạt-đa lúc bấy giờ là một vị Sa-môn chiến đấu với ma vương và sau đó chiến thắng ma vương nữa phải không?
D: Dạ, chỉ nhờ xem phim như vậy các em mới hiểu được “ma” là cái gì để phân biệt với “ghost” vì trong TV cũng có chiếu phim ma. Nếu không thì rất khó giảng cho các em hiểu ma chính trong tâm mình là như thế nào!! Phim “The Little Buddha” cũng có nói 10 đạo quân của ma vương và các em còn hiểu được nghĩa chữ enlightenment với trí óc non nớt của mình nữa! Đó là “Ignorance was dispelled, and wisdom arose, darkness vanished, and light arose”; từ đó các em nhớ được đức Phật Thành đạo vào buổi sáng sớm, khi sao mai vừa mọc, khi bóng đêm bị xua tan bởi ánh sáng ban ngày, hay nói theo danh từ Phật pháp của người lớn thì khi bóng tối của vô minh bị tan biến đi vì ánh sáng của trí tuệ đã đến.
B: Các bạn có dạy cho các em biết tên của những “con ma” trong đạo quân của ma vương không?
E: Dạ, không dạy cũng không được! Các em đã nghe trong phim rồi là hỏi lại và có mấy em còn nhớ được nữa! Nhưng có vài chữ mình phải giảng nghĩa, cho ví dụ các em mới hiểu được mặc dù đã gọi tên 10 đạo quân của ma vương bằng English rồi đó anh!
D: Đúng vậy, chúng em nhắc lại cho các em nghe nguyên văn lời đức Phật nói với ma vương về 10 đạo quân của nó: Sense-desire are your first army. The second called aversion of the holy life. The third is hunger and thirst. The fourth is called craving. The fifth is sloth and torpor. The sixth is called fear. The seventh is doubt and the eighth is detraction and obstinacy. The ninth is gain, praise, and honor, and that ill-gotten fame. The tenth is the extolling of oneself and contempt for others.
A: Phải rồi, đối với các em Oanh Vũ, và ngay cả Thiếu nam Thiếu nữ, chúng ta nói “craving” các em hiểu ngay, còn nói “ái dục” thì các em chẳng hiểu gì cả!! ☺ ☺!! Với ngành Thiếu, bạn C có cho các em coi phim để giảng về Thành đạo không? Thành đạo trong mắt các em là như thế nào?
C: Các em ngành Thiếu xem phim đó cũng hiểu nhiều hơn nhưng lại chú ý và bị thu hút bởi câu chuyện tái sinh (reincarnation) nhiều hơn. Còn học lịch sử đức Phật Thích-ca thì các em thích đoạn thái tử thi bắn cung, đua ngựa… và chiếm được người đẹp Yashodara (Da-du-đà-la); và các em Thiếu nữ thì thích cuộc thi hoa hậu ở đoạn thái tử Siddhatta gặp Công chúa Yashodara!
B: Các em cũng thích hát những bài “Đêm Thành Đạo” hay “Xuất Gia” và hỏi ý nghĩa của những câu như: “Ngài hãy chọn đường đi…” hay “thôi em ơi ta thề lìa ngôi báu tìm chân lý” và “nguyện từ nay dấn thân trong cát bụi tìm đạo thiêng”…, nhưng khi dịch ra English thì các em hiểu liền, anh à!
A: Tóm lại, muốn dạy Phật pháp cho các em nói chung, dạy về ngày Thành đạo nói riêng, chúng ta phải biết trong mắt các em và trong óc các em của chúng ta thấy gì, nghĩ gì, nghĩ như thế nào… để tìm cách dẫn vào bài dạy cho hấp dẫn, để các em tiếp thu dễ dàng. Nếu cộng thêm được “học mà chơi, chơi mà học” nữa thì càng quí! Còn về phần chúng ta, bạn E thử nói cho anh chị em biết bạn nhìn ngày Thành đạo như thế nào?
E: Em thì thấy ý nghĩa lớn nhất của sự kiện Thành đạo là ở trong câu mô tả đức Phật mà em được học từ các anh chị hồi còn ở bậc Sơ thiện; đó là: “He was not born a Buddha, but became a Buddha by his own efforts. Before his own enlightenment he was called Bodhisatta which means one who is aspiring to attain Buddhahood.” (Ngài sinh ra không phải là một đức Phật nhưng bằng những nỗ lực của tự thân Ngài đã trở thành một vị Phật. Trước khi Thành đạo, Ngài được gọi là Bồ-tát, có nghĩa là người muốn đạt đến quả vị Phật). Như vậy anh chị em chúng ta đều có thể thành Phật trong một tương lai gần hay xa tùy những nỗ lực của tự thân nhiều hay ít.
D: Còn em thì em nhớ đã được học rằng Thành đạo là sự chấm dứt tham ái và chấp thủ, là sự giải thoát khỏi ngục tù phiền não khổ đau. Chính tự ngã và sự tham muốn, bám víu mãnh liệt nơi Tâm ta là ngục tù giam giữ chúng ta. Vì vậy, em cố gắng bớt tham, bớt giận, bớt thị phi… và thêm tình thương, thêm hòa thuận, tin yêu, vui vẻ; bớt bám víu, bớt “nhận” và thêm “cho”… nghĩa là tập buông bỏ, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng của chữ buông bỏ này.
C: Mình xin thêm ý của mình: mỗi mùa Thành đạo về, lo cho các em thi vượt bậc, mình tự hỏi mình có tiến bộ gì không? Có được vượt bậc nào trong việc tu học và thực hành Phật pháp không? Vì vậy, mỗi ngày mình đều soi rọi lại mình để tinh tấn mãi, đừng đi thụt lùi so với chính mình hôm qua, và với bạn bè và các em của mình nữa!
B: Mình cũng vậy, cố gắng làm sao để hôm nay khá hơn hôm qua, ngày mai khá hơn hôm nay và hy vọng đến một ngày nào đó có thể trở nên toàn thiện.
A: Các bạn đã nói lên thật nhiều ý nghĩa và chia sẻ những ý nghĩ phong phú của các bạn về ngày Thành đạo làm cho buổi nói chuyện hôm nay thật bổ ích và đầy hứng thú. Xin cảm ơn tất cả và tạm biệt các bạn nha!
D và E: Chúng em kính chúc quí anh chị một mùa Thành đạo an lạc và giải thoát!
B và C: Cảm ơn, tạm biệt! Hẹn gặp lại!
• TÂM MINH
[Tập San Pháp Luân.34.Tr,72.2006]