Trang 2 / 2
Ai là người nghiên tầm Phật giáo ắt hẳn không thể không quan tâm đến cuộc hội thảo mở rộng do Hội Ái Hữu Phật giáo Thành phố Milwaukee tổ chức tại chùa Phước Hậu, Hoa Kỳ dưới sự chủ trì của các diễn giả: Sư cô Giới Hương, Chùa Phước Hậu; Giáo sư John McAdams, Khoa Chính trị học, Trường đại học Marquette; Sư cô Tonen O’Connor, Trung tâm Thiền học; Ông Peter Newald, Trung tâm Thiền học Great Lake.Cuộc hội thảo mở rộng này sẽ nêu lên các quan điểm của Phật giáo dựa vào những lời dạy căn bản của đức Phật - “Phật giáo dĩ từ bi vi bổn”. Thế đạo nhân tâm được các bậc Hiền triết chăm nom từ vô lượng kiếp. Đức Phật lấy tình thương tha nhân làm mục tiêu nhưng tình thương ấy không bị hạn cuộc mà là tình thương bằng lý trí. Vì vậy Ngài thương cả những người không thương mình, kẻ độc ác, người si mê… Lòng đại bi của Ngài tràn ngập thế gian như nước xanh khỏa lấp đại dương mênh mông.
Trải qua nhiều năm nghiên cứu và tu học, sư cô Giới Hương đã nêu lên những quan điểm của mình trước vấn đề có nên loại bỏ án tử hình tại tiểu bang Wisconsin hay không qua bài tham luận “các lời dạy căn bản của đức Phật về hành phạt tử hình”.
BBT trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
Đạo Phật, đạo của từ bi và trí tuệ, luôn luôn tôn trọng và đề cao cuộc sống của tất cả chúng hữu tình. Đức Phật xuất hiện trên thế gian này vì muốn mang hòa bình và hạnh phúc đến cho chư thiên và loài người.
Thực vậy, từ xưa đến nay, đạo Phật đã không bao giờ đem khổ đau cho bất cứ ai. Đạo Phật chỉ đưa ra con đường chuyển hoá đau khổ cho những ai có tâm tìm hiểu và mong muốn để đạt đến con đường đó.
Hôm nay, nhân dịp Hội Ái hữu thành phố Milwaukee tổ chức cuộc nói chuyện với chủ đề Quan điểm của Phật giáo về án tử hình, chúng tôi sẽ làm sáng tỏ đề tài này với những ý tưởng như sau.
I. Năm giới
Các giới luật quan trọng và căn bản hướng dẫn phát triển tâm linh rất quen thuộc với giới Phật tử là thọ trì ngũ giới (Pañca Śīla)1.
1. Con phát nguyện vâng giữ giới không sát hại sanh vật.
2. Con phát nguyện vâng giữ giới không lấy của không cho.
3. Con phát nguyện vâng giữ giới không tà dâm.
4. Con phát nguyện vâng giữ giới không nói dối.
5. Con phát nguyện vâng giữ giới không uống rượu say.
Trong ý nghĩa tiêu cực, năm giới này là những điều răn cấm, nghĩa là không được phạm vào bất kỳ tội lỗi hoặc tội ác nào. Bản chất của sự răn cấm này được thể hiện ở hai phương diện:(a) để ngăn chặn và phòng ngừa tội lỗi hoặc tội ác, chẳng hạn như cấm uống rượu say vì nó có thể dẫn tới tạo tội lỗi hoặc tội ác;
(b) để chấm dứt và không tái phạm những tội ác đã làm, như giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối, v.v… chính bản chất chúng là bất thiện.
Trong ý nghĩa tích cực, giới đầu tiên giúp chúng ta tăng trưởng lòng từ bi. Giới thứ hai có thể giúp nuôi dưỡng đức tính thành thật, tâm bao dung, không chấp thủ và chánh mạng. Giới thứ ba giúp vun bồi khả năng tự kềm chế, bảo hộ các căn và những cảm xúc, chế ngự lòng ham muốn trần tục. Giới thứ tư làm cho phát triển niềm tin yêu, tâm chân thật, và đạo đức chính trực. Và giới cuối cùng giúp chúng ta quay về chánh niệm, tỉnh thức, và tuệ giác.
Bởi vậy, thực hành thuần thục những giới luật Phật giáo sẽ giúp chúng ta sống một cuộc sống đạo đức, thăng tiến đời sống tâm linh trong từng cá nhân, đồng thời giúp thúc đẩy việc chung sống hòa bình trên tinh thần hợp tác, tin cậy lẫn nhau trong cộng đồng và đẩy mạnh tiến trình xã hội ngày càng phát triển.
II. Giới đầu tiên
Giới đầu tiên ủng hộ xu hướng phản đối việc phá hủy sự sống. Điều này dựa vào nguyên lý của thiện tâm và tôn trọng quyền sống của tất cả mọi loài.
Trong kinh Phạm Võng2, đức Phật chỉ dạy cặn kẽ Giới bồ-tát đầu tiên là: “Đệ tử Phật không được tự mình giết, hoặc bảo người giết, phương tiện giết, khen tặng sự giết, thấy giết mà tùy hỷ, nhẫn đến dùng bùa chú để giết, nhân giết, duyên giết, cách thức giết, nghiệp giết”.
Có năm điều kiện3 kết thành hành động giết hại là:
(1) Có hiện hữu một chúng sanh, con người hoặc loài vật;
(2) Nhận biết rằng chúng sanh đó đang còn sống;
(3) Dự định hoặc quyết định để giết;
(4) Dùng phương tiện thích đáng để thực hiện hành động giết hại;
(5) Và có hậu quả đưa đến sự chết.Thiếu bất kỳ một trong các điều kiện này, hành động giết sẽ không cấu thành, mặc dù sự chết có xảy ra. Điều đó chỉ được xem như sự cố tai nạn và không gây ra hiệu ứng tội lỗi nào cho người làm hành động này.
Có sáu cách giết4: (1) giết bằng chính bàn tay của mình, (2) ra lệnh cho kẻ khác giết, (3) giết bằng cách bắn, ném đá, đánh gậy, v.v… (4) giết bởi việc đào những hầm hố, v.v... để đánh bẫy chúng sanh, (5) giết bởi dùng thần lực, hoặc các phương cách bí ẩn, và (6) giết bằng mật chú, hoặc khoa học huyền bí nào đó.
Dù sử dụng công cụ nào để giết hoặc phá hủy mạng sống của chúng sanh thì kẻ đó đã phạm vào tội sát sanh rồi.
Bởi vậy, một Phật tử chân chánh không thể làm hoặc ủng hộ án tử hình bởi vì án tử hình đồng nghĩa với việc tước đoạt hay chấm dứt đời sống con người với năm điều kiện và bất kỳ một trong sáu cách giết nói trên.
III. Tâm từ bi
Ở giới đầu tiên trong kinh Phạm Võng5, đức Phật dạy rằng: “Là Phật tử lẽ ra phải luôn có lòng từ bi, lòng hiếu thuận, lập thệ cứu giúp tất cả chúng sanh. Mà trái lại, tự phóng tâm nỡ lòng sát sanh, Phật tử này phạm Bồ-tát Ba-la-di tội”.
Do tuân thủ giới này chúng ta biết cách vun bồi tâm từ và tâm bi. Nên thương yêu những người khác như chính mình vậy. Cảm nhận được đau khổ của người khác như của chính mình thì chúng ta sẽ sẵn sàng làm cách nào đó để có thể giúp họ vơi bớt khổ đau.
Như vậy, chúng ta trau giồi tâm từ bi và tăng trưởng tinh thần vị tha chính vì phúc lợi của người khác, ý thức tôn trọng và bảo vệ cho tất cả chúng sanh.
Trong kinh Từ bi, đức Phật cũng dạy:
Mong rằng không có ai,
Lường gạt, lừa dối ai,
Không có ai khinh mạn,
Tại bất cứ chỗ nào.
Không vì giận hờn nhau,
Không vì tưởng chống đối.
Lại có người mong muốn,
Làm đau khổ cho nhau.
Như tấm lòng người mẹ,
Ðối với con của mình,
Trọn đời lo che chở,
Con độc nhất, mình sanh.
Cũng vậy, đối tất cả
Các hữu tình chúng sanh,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng rộng lớn.6IV. Phật tánh
Một nguyên do khác mà giới Phật giáo không ủng hộ án tử hình là vì đức Phật có dạy rằng bản chất của mỗi chúng sanh (người hoặc vật) là thanh tịnh; tinh tế hơn nữa là tâm thanh tịnh, mà cứu cánh bản tâm đó chính là sự giác ngộ hay tính giác ngộ cũng gọi là Phật tính (Buddhata), hoặc Tri kiến Phật.
Như đức Phật xác nhận trong kinh Pháp Hoa7: “…Và Ta thấy hàng Phật tử, có đầy đủ giới đức, uy nghi không thiếu sót, bản chất trong sạch như bửu châu để trở về tuệ giác”. Vì vậy, nếu nay con người trở nên bạo lực có thể vì nhiều lý do, nhưng nhất định một trong những lý do chủ yếu là do ác tư duy khởi lên, như hậu quả từ môi trường và hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên, tất cả đều có tiềm năng để cải thiện cũng như có khả năng quay về với bản tính chân thật hằng có của chính mình.
V. Không sát sanh
Như đề cập, tất cả chúng sanh đều có Phật tính. Vì vậy, chúng ta không những không nên giết người mà còn không nên làm hại cả loài vật nữa. Vả lại, trong vài trường hợp tùy theo nghiệp lực, con người có thể tái sinh làm người và loài vật cũng có thể được sinh lại làm người.
Có một nguyên tắc chỉ đạo rất căn bản trong đạo Phật để tu tập đạo hạnh đó là bất hại (ahimsa) - tức ngăn cấm việc gây tổn thương hoặc chết chóc đối với mọi chúng sanh.
Vì chúng ta ước muốn sống, chúng ta không nên giết người hoặc ngay cả chúng sanh khác. Hơn nữa, nghiệp sát sanh phải được hiểu như cội rễ của tất cả khổ đau và nguyên nhân căn bản của bệnh tật và chiến tranh, và những thế lực giết hại này rõ ràng đồng nhất với ma quân.
Lý tưởng tối thượng và phổ quát nhất của đạo Phật là phụng sự không ngừng nghỉ cho đến khi nào chấm dứt hoàn toàn khổ đau của tất cả chúng sanh, chứ không chỉ riêng cho loài người.
Như trong kinh Phạm Võng8, đức Phật nói: “Mỗi khi một Bồ-tát9 thấy có người chuẩn bị giết một con vật, vị ấy thường dùng phương tiện thiện xảo để cứu chuộc và bảo vệ nó, giải phóng nó vượt thoát khỏi tình trạng khó khăn và đau khổ đó...”
VI. Ăn chay
Tâm từ bi bao la đối với tất cả cũng có nghĩa rằng chúng ta không những không giết hại con người và loài vật mà còn cần phải tuân thủ quy tắc tự gìn giữ chính mình chẳng hạn như thực hành ăn chay. Đây là những lời dạy tích cực và xác thực từ đức Phật liên quan đến sự phát triển hoàn hảo nhân cách của con người.
Tất cả các chúng sanh
Loài người hoặc thú vật,
Rất tham sống sợ chết.
Đều sợ hãi con dao đồ tể,
Chặt thái chúng thành từng miếng.
Thay vì tàn bạo và hèn hạ,
Tại sao không dừng giết hại và thương yêu cuộc sống?10
Đức Phật khuyến khích việc ăn chay hoàn toàn là một yêu cầu tự nhiên và hợp lý tương xứng với giới không sát sanh. Giới Bồ-tát cũng rõ ràng cấm hẳn việc ăn mặn.Tôn giả Đại Ca-diếp hỏi đức Phật: “Tại sao Như Lai không cho phép ăn thịt?” Đức Phật đáp: “Chính vì việc ăn thịt sẽ cắt đứt hạt giống đại từ bi”11.
Lòng từ bi của chúng ta không chỉ giới hạn đối với loài vật hoặc những vật yêu thích, mà còn mở rộng đến toàn thể chúng sanh, ngay cả trong số đó có kẻ sai phạm. Chúng ta lấy lòng từ bi làm nền tảng cho tất cả mọi quan hệ tương tác với người khác, mà không cần lưu tâm đến quan điểm và hoạt động của họ là gì.
VII. Báo thù
Vì những lý do và mục đích nào đó mà hệ thống pháp luật của xã hội đặt ra án tử hình. Án này chính là dùng để trừng phạt các phạm nhân, ngăn chặn họ không lặp lại hành động xấu ác đã làm và để răn đe những người khác.
Tuy nhiên, rõ ràng nó cũng là một hình thức báo thù trong một ý nghĩa tinh tế hơn.
Chúng ta cần phải giảm bớt sự sợ hãi, lòng thù ghét, và ý muốn báo thù bằng cách tra tấn và sát hại.
Khái niệm báo thù hoàn toàn xa lạ với giới Phật giáo. Án tử hình là một hình thức trừng phạt khắc khe nhất với mục đích nhằm kết thúc vĩnh viễn một mạng sống. Khi phạm nhân bị xử tử hình thì người đó không còn có cơ hội nào nữa để thay đổi, phục hồi hoặc bồi thường thiệt hại đã gây ra.Liệu việc thực hiện án tử hình đối với một kẻ giết người đã bị tuyên án sẽ khiến nạn nhân sống lại được không?
Tất nhiên là không. Như vậy, án tử hình đâu có lợi ích gì.
Đức Phật dạy rằng:
Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.12VIII. Tâm lý học
Theo đạo Phật, những điều kiện cho đời sống kế tiếp (tái sanh) phụ thuộc vào những tư tưởng sau cùng, tức trạng thái tâm thức cuối cùng của con người trước khi chết. Tâm thức hay tâm lý của tội phạm chắc chắn không thể có được trạng thái an bình. Buộc người đó nhận lãnh thi hành án tử sẽ càng làm cho trạng thái tâm trí của người đó thậm chí còn trầm trọng hơn, chứa đầy lòng giận dữ và sợ hãi. Kết quả là, người đó nếu được tái sinh làm người, họ có thể còn bạo lực hơn lúc bây giờ. Khi lớn lên, kẻ đó tiếp tục phạm tội có thể còn tồi tệ hơn những tội ác đã làm ở đời trước.
Trong Tiểu kinh Nghiệp phân biệt (Kinh Trung Bộ, số 135)13, đức Phật nói điều này:
Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người đàn bà hay đàn ông, phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói động đến một chút thời liền bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào cõi dữ... Nếu sanh trở lại làm người thì phải chịu hình hài xấu xí. Con đường ấy đưa đến xấu sắc, tức là phẫn nộ, sân hận, bất mãn.
Bởi vậy, chúng ta cần nên tránh dẫn đến trạng thái tâm lý bất an cho phạm nhân vì người đó sẽ phải buộc giáp mặt cái chết một cách không sẵn lòng và miễn cưỡng.
IX. Luật Nghiệp Báo
Nghiệp hay hành động là năng lực được phát sinh bởi tư duy, lời nói và những hành vi của con người. Nó có thể là thiện, bất thiện hoặc quán tưởng, và có thể có hiệu ứng sâu đậm lên sự tái sanh của mọi loài hữu tình chúng sanh.
Nghiệp bất thiện dẫn đến sự tái sinh vào một trong ba ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh); nghiệp thiện dẫn đến tái sinh trong loài người, loài thần hoặc chư thiên cõi dục; còn nghiệp quán tưởng thiền định sẽ tái sinh vào cảnh giới sắc và vô sắc14.
Trong kệ Telakatahagatha nói rõ: “Ai phá hủy đời sống của bất kỳ chúng sanh nào, trong lần tái sinh kế tiếp người đó có thể bị đột tử trong lúc đang sung mãn nhất, dù vị đó đang có cuộc sống tiện nghi, giàu sang và đẹp đẽ...”15
Đức Phật đã dạy16:
Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người đàn bà hay đàn ông, sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải đoản mạng. Con đường ấy đưa đến đoản mạng, này các Tỳ-kheo, tức là sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.
Nhưng ở đây, này các Tỳ-kheo, có người đàn bà hay đàn ông, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được trường thọ. Con đường ấy đưa đến trường thọ, này các Tỳ-kheo, tức là từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình.
Như vậy với lý lẽ đã trình bày ở đây, rõ ràng là việc giết hại kể cả tội bạo hành sẽ tạo ra ác nghiệp cho kẻ đó, và giảm bớt khả năng có được một cái chết an bình cho họ.
(còn nữa)
[Tập San Pháp Luân.33.Tr,26.2006]
Hành phạt tử hình
Typography
- Smaller Small Medium Big Bigger
- Default Helvetica Segoe Georgia Times
- Reading Mode