Tràng hạ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tràng hạt (Skr: japa mālā, Eng: the beads, hoặc rosary) là một vật dụng phổ biến trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Nó được dùng như một thứ trang sức hoặc như một pháp khí tùy theo đối tượng sử dụng. Trong tôn giáo, tràng hạt được dùng để liên kết và thiết lập trật tự cho các lời cầu nguyện, các bài kinh, các kệ tán, các danh hiệu hoặc những thần chú trong khi hành trì. 

 

Với Phật giáo, tràng hạt là một pháp khí quen thuộc, việc sử dụng tràng hạt dường như đã trở thành nét đặc thù của Tịnh Độ tông. Theo lịch sử truyền thừa của tông phái này, người chế ra tràng hạt để niệm danh hiệu Phật chính là ngài Đạo Xước (562-645), người được tôn là tổ thứ 2 của Tịnh độ tông Trung Quốc. Còn với Phật giáo Nam tông, từ lâu tràng hạt cũng đã dần dần trở thành một vật tùy thân ngoài 8 vật đã được Phật chế định: 3 y, kim chỉ, bình bát, dây lưng, dao cạo và túi lọc nước.

Theo ngữ nguyên, chữ bead (hạt, lời cầu nguyện) có nguồn gốc từ chữ budh trong tiếng Phạn, có nghĩa là nhận thức về tự ngã, Phật giáo gọi là “giác”. Chữ rosary là do người La-mã khi đến Ấn Độ đã nghe từ japa mālā thành japā mālā và dịch là rosarium (vòng hoa hồng), từ này trở thành rosary trong tiếng Anh. Như vậy, dù là từ nào đi nữa, khái niệm tràng hạt đều rất có thể đã bắt nguồn từ xứ Ấn Độ, mảnh đất của tâm linh.

Nói về xuất xứ của tràng hạt trong kinh điển, chúng ta tìm thấy nguồn gốc chính thức ở trong Phật thuyết mộc hoạn tử kinh (T.17.786.726a-b). Theo kinh này, vua Ba-lưu-ly của nước Nạn sai sứ đến gặp đức Thế Tôn và trình bày những bất ổn đang xảy ra trong đất nước ông, đồng thời thỉnh cầu đức Thế Tôn dạy cho phương pháp tu tập để đất nước được an ổn. Đức Thế Tôn đã dạy nhà vua lấy hạt cây vô hoạn kết thành chuỗi gồm 108 hạt để niệm danh hiệu Phật, Pháp, Tăng. Nhà vua theo đó dạy lại cho dân chúng cùng làm tràng hạt để niệm danh hiệu Tam bảo, từ đó nhân dân an lạc, đất nước yên bình.

Chúng ta cũng biết, đức Thế Tôn thị hiện trên một mảnh đất tâm linh trù phú. Khắp đất nước Ấn Độ, con người sống trong niềm thao thức giải thoát. Phật giáo đã sinh trưởng trong môi trường đó, cho nên có không ít những quan niệm hay quy tắc có nguồn gốc xa hoặc gần từ những giáo phái đương thời, cũng như Phật giáo đã ảnh hưởng không nhỏ đến các giáo phái ấy. Thật vậy, pháp môn lần tràng hạt niệm Phật (sổ châu) rất gần gũi với phương pháp lần tràng hạt trong lúc cầu nguyện của Bà-la-môn giáo, một lối cầu nguyện rất thịnh hành của những vị Bà-la-môn. Người Ấn giáo theo phái thờ thần Śiva (Ấn giáo Thấp-bà) dùng một loại hạt gọi là rudrākṣa để xâu thành tràng hạt. Trong tiếng Phạn, rudrākṣa có nghĩa đơn giản là “con mắt của Rudra” hay là “con mắt đỏ”, phái sinh từ động từ rud (khóc). Rudra cũng là một tên gọi khác của thần Śiva. Truyền thuyết kể rằng, có lần vị thần này ngắm nhìn thế gian, thấy chúng sinh sống trong nỗi khổ cực không sao nói hết nên đã đau lòng, nhỏ xuống những giọt nước mắt, những giọt nước mắt này mọc thành cây rồi cho ra những hạt đỏ thẫm. Người ta đã lấy những hạt ấy làm thành tràng hạt để cầu nguyện trong sự tưởng nhớ đến tấm lòng từ bi của thần Śiva. Hạt đó chính là hạt kim cang mà ngày nay chúng ta vẫn dùng để làm tràng hạt, bản dịch luận Thành duy thức của ngài Huyền Trang gọi hạt này là ác-xoa.

Trong quan niệm của người Ấn Độ, vô hoạn tử và rudrākṣa đều là những loại hạt thiêng, có khả năng trừ ma chướng. Điều này có lẽ một phần do dược tính của chúng, như vô hoạn tử (Sapindus mukorossi Gaerth, Skr: ariṣṭa: 阿梨瑟迦紫) còn có tên là bồ-đề tử (tên này gợi nhớ đến chuỗi hạt bồ-đề), là một vị thuốc chủ trị nhiệt, đàm, sát trùng… (theo Mộc thảo cương mục).  

Về số lượng hạt, nhìn chung có rất nhiều loại, tùy theo quan niệm của mỗi tôn giáo. Trong Phật giáo, số hạt thường biểu trưng cho những trạng thái tâm lý (tâm pháp) hoặc những ham muốn xấu cần vượt qua để đạt đến trạng thái giải thoát (Niết-bàn).

Theo kinh Mộc hoạn tử nêu ở trên, tràng hạt của Phật giáo gồm có 108 hạt, con số này cũng giống với con số của các giáo phái khác ở Ấn Độ. Tuy nhiên, về sau, để tiện lợi, đôi lúc tràng hạt được chia theo cấp số thành các dạng gồm 54, 27 hạt hoặc 36, 18 hạt. Con số 108 này tượng trưng cho 108 phiền não gồm 88 kiến hoặc, 10 tư hoặc và 10 triền. 

Ngoài ra, con số 108 còn được giải thích theo nhiều cách khác nữa. 

Người ta nhận thấy rằng số hạt thường là tương đương với số lượng của đối tượng được niệm, trong niệm danh hiệu Phật thì có 108 danh hiệu, trong Ấn giáo thì có 108 bộ Áo nghĩa thư. Chính vì lý do này nên một số vị tu Mật tông Tây Tạng có tràng hạt đến 111 cho 100 bài chú, còn 11 hạt cho những trường hợp sai sót (?).

108 = 6 x 3 x 2 x 3, đó là 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp) x 3 thời (quá khứ, hiện tại và vị lại) x 2 trạng thái của tâm (nhiễm và tịnh) x 3 trạng thái của thọ (ưa, không ưa và trung lập).

108 còn là con số 11 x 22 x 33 = 1 x 4 x 27. Đây có lẽ là những quan niệm liên quan đến vấn đề số học của người Ấn Độ xưa.

Trong hình ngôi sao năm cánh, góc bù được tạo nên bởi 2 cạnh cắt nhau là 108o.

Người ta nói rằng ở Ấn Độ có 108 điệu múa. 

Trong thân thể chúng ta có 108 luân xa.

Các nhà chiêm tinh cho rằng đường kính mặt trời lớn bằng 108 lần đường kính trái đất.

Trong con số 108, số 1 biểu trưng cho sự hợp nhất, tức là nhất; số 8 là vô cùng, tức là dị; số 0 là trung gian, là trung đạo với nghĩa không, tánh không.

Tựu trung, con số 108 được giải thích dưới nhiều góc độ khác nhau, và rõ ràng nó mang ý nghĩa tượng trưng rất quan trọng trong quan niệm của người Ấn Độ. Ở chừng mực nào đó, có thể nói rằng con số 108 này cũng kỳ diệu như chỉ số PHI (φ) 1.618 trong truyền thống Hi Lạp.

Như đã nói, lần tràng hạt là để tăng thêm sự tập trung vào đối tượng được niệm, người theo Phật giáo Bắc tông thường niệm danh hiệu Phật trong khi lần tràng hạt, còn người theo Phật giáo Nam tông thường niệm 10 đức hiệu của Phật qua câu tán thán Phật trong Nikaya: “Itipi so Bhagavā Arahaṃ Sammāsambuddho Vijjācaraṇasampanno Sugato Lokavidū Anuttaro Purisadammasārathi Satthā devamanussānaṃ Buddho Bhagavā’ti”. (Thật vậy, bậc đáng kính trọng ấy là: A la hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn).

Trong tràng hạt có một hạt gọi là hạt Sumeru hay Meru, chúng ta thường gọi là hạt Tu-di hoặc hạt Di-đà, đó là hạt thứ 109, là chỗ giáp nối của vòng tròn. Theo nghi thức, khi lần tràng, không được vượt qua hạt này, lần đến hạt này thì lần ngược trở lại, như trong kinh Kim cương đỉnh du già niệm châu có câu: “Hạt giữa tiêu biểu Phật Di-đà, chớ lần qua, phạm tội việt pháp”. 

Nói tóm lại, tràng hạt khởi nguồn từ Ấn Độ và đã trở thành một “vật thiêng” trong hầu hết các tôn giáo. Với Phật giáo, nó đã trở thành vật tùy thân, giúp cho hành giả dễ dàng chú tâm vào đối tượng trì niệm, là một sợi dây xâu suốt các ý tưởng thành một trật tự, từ đó hành giả có thể đi sâu hơn vào các trạng thái của định để làm phát khởi tuệ giác.■

[Tập San Pháp Luân.33.Tr,34.2006]