Trang 8 / 9Theo Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao quyển trung thì Giới được phân ra làm bốn phần riêng biệt: giới pháp, giới thể, giới hành và giới tướng.
Giới pháp là phép tắc của giới, được đức Phật chế ra làm nguyên tắc sống, sinh hoạt trong một tập thể, như là nguyên tắc luật lệ chung cho tập thể sinh hoạt của Tăng đoàn.
Giới thể là chỉ cho tánh thể của giới, có tác dụng lợi ích về mặt vô biểu, do mỗi người nỗ lực trong việc phòng phi chỉ ác (phòng ngừa những điều phi pháp và đình chỉ không tạo các việc ác).
Giới hành là chỉ cho hành động của mỗi cá nhân trong việc thực hành giữ giới (trì giới) mà mình đã nhận lãnh.
Giới tướng là chỉ cho tướng mạo của giới mà mỗi cá nhân phải trì giữ, tức là chỉ cho tên gọi của tất cả giới điều mà mình đã nguyện thọ trì, như gọi tên riêng có năm giới, mười giới, hai trăm năm mươi giới, ba trăm bốn mươi tám giới hay năm mươi tám giới, v.v…
Về giới thể, vì những tác dụng có được đó chúng ta không thể nào dùng mắt để thấy như việc khi một đệ tử của đức Phật nhận giới và được gọi là đắc giới là phải nhờ vào nghi thức thọ giới tác pháp yết-ma, tức là theo luật nghi (nghi thức của luật) mới được gọi là đắc giới thể; vì sự đắc giới này chúng ta không thể thấy cho nên gọi là vô biểu. Luật nghi, Phạn ngữ gọi là saṃvara, phiên âm là tam-ba-ra, có nghĩa là đẳng hộ, ủng hộ, phòng hộ, hộ, cấm giới, tức là giới ngăn ngừa đình chỉ các việc ác, gồm có phòng chỉ ba ác thân, khẩu, ý và bảo hộ sự tác dụng của sáu căn. Vì luật pháp, nghi tắc có khả năng sản sinh ra tác dụng đề phòng những sai trái và làm dừng lại mọi việc ác, nên được dịch là luật nghi. Vì thế nên Câu Xá luận 14 gọi luật nghi là đề phòng và đình chỉ các việc ác của thân, miệng và ý; theo đó luật nghi được phân ra làm ba: thân luật nghi, ngữ luật nghi, ý luật nghi; riêng để bảo hộ sáu căn thì gọi là căn luật nghi. Trong bốn loại luật nghi này, hai loại đầu lấy vô biểu làm thể và hai luật nghi sau lấy chánh niệm, chánh tri làm tự tánh. Nhưng ở đây, vô biểu không bị giới hạn theo luật nghi.
Nhất thiết hữu bộ chỉ chấp nhận hành vi thiện-ác, thế lực của nó mạnh hay yếu được biểu hiện trên ngôn ngữ hay nơi thân (thân biểu nghiệp, ngữ biểu nghiệp), hoặc do định sản sinh phòng chỉ tạo ra tác dụng tạo tác thiện-ác, do đây hình thành một loại tính cách hậu thiên, đó là vô biểu. Chúng tuy là vô biểu, nhưng vô biểu này thuộc một loại sắc pháp, cho nên được gọi là vô biểu sắc. Vô biểu này có ba loại, chúng do thành lập thệ nguyện quyết ý thật hành thiện-ác nên gọi là luật nghi vô biểu (hình thái tình cảm của tâm thiện), hoặc bất luật nghi vô biểu (hình thái tình cảm của tâm ác); nếu tùy theo duyên đúng lúc mà sinh ra tâm thiện ác thì gọi là xứ trung vô biểu (còn gọi là phi luật nghi phi bất luật nghi vô biểu). Ở đây, luật nghi vô biểu tức là chỉ cho vô biểu của giới thể.
Theo Thành thật luận thì vô biểu thuộc pháp phi sắc, phi tâm; và Luật tông Nam Sơn cũng cho rằng vô biểu thuộc pháp phi sắc, phi tâm. Duy thức tông của Đại thừa thì chủ trương giới thể là chủng tử của tư tâm sở, chỗ đạt được huân tập vào A-lại-da thức; trong khi tông Thiên Thai thì cho rằng vô biểu thuộc giả sắc cho nên cần phải dùng vô biểu giới thể để trình bày. Ngoài ra, theo các nhà Tiểu thừa chủ trương thì giới thể không tương tục, tức là chỉ hiện hữu trong một thời gian nào đó mà thôi, sau đó sẽ biến dịch và mất đi. Nhưng các nhà Đại thừa lại cho rằng, một khi đã đắc giới rồi thì nó tồn tại vĩnh viễn không mất.
Theo các nhà Nhất thiết hữu bộ thì luật nghi vô biểu (Giới thể) được phân ra làm bốn chủng loại:
A. Biệt giải thoát luật nghi, còn gọi là biệt giải thoát giới, biệt giải luật nghi, Ba-la-đề-mộc-xoa luật nghi, biệt giải thoát giới, biệt giải thoát điều phục, hộ tùng giải thoát, giới luật nghi, luật nghi giới, mộc-xoa giới, dục triền giới (Giới lệ thuộc cõi dục) cho đến lúc đạt được từ tác pháp thọ giới. Ở đây, luật nghi được phân ra làm tám:
1. Luật nghi Tỳ-kheo,
2. Luật nghi Tỳ-kheo-ni,
3. Luật nghi Chánh học (Thức-xoa-ma-na),
4. Luật nghi Cần sách (Sa-di),
5. Luật nghi Cần sách nữ (Sa-di-ni),
6. Luật nghi Cận sự nam (Nam cư sĩ),
7. Luật nghi Cận sự nữ (Nữ cư sĩ),
8. Luật nghi Cận trụ (Nam nữ cư sĩ thọ bát quan trai giới).
Luật nghi 1 & 2 thuộc thể Cụ túc giới, 3 thuộc thể của lục pháp giới, 4 & 5 thuộc thể của thập giới, 6 & 7 thuộc thể của ngũ giới, 8 thuộc thể của bát giới.
B. Tịnh lự luật nghi, còn gọi là Tịnh lự sinh luật nghi, Định cộng giới, hay sắc triền giới (Giới lệ thuộc cõi sắc). Cho đến lúc đạt được từ nhập thiền định. Bởi vì trong khi tu tập thiền định, tự nhiên lìa sai lầm và tuyệt không còn phi pháp, cũng tự nhiên khế nhập vào luật nghi pháp nhĩ, cho nên luật nghi này có khả năng phòng phi chỉ ác bảy lỗi (thân ba, miệng bốn) của bất thiện dục giới. Hơn nữa, tịnh lự luật nghi có nơi gọi là tùy tâm chuyển giới, lúc ở trong định cùng tâm đồng khởi, lúc ra khỏi định cùng với luật nghi vô biểu đồng thời cùng diệt, cùng với định hữu lậu cùng sinh cùng diệt, nên được gọi là Định cộng giới.
C. Vô lậu luật nghi, còn gọi là đạo sinh luật nghi, hay đạo cộng giới. Biệt giải thoát và Tịnh lự luật nghi ở trên là hữu lậu giới, còn vô lậu luật nghi thuộc vô lậu giới đoạn tận phiền não; chúng liên hệ đến các bậc thánh giả đạt được từ kiến đạo trở lên, tức là luật nghi có được khi vào trong định vô lậu; ở trong này tự nhiên xa lìa lỗi ác, khế hợp với luật nghi. Vô lậu luật nghi cũng là giới tùy tâm chuyển, cùng với vô lậu đạo cùng sinh cùng diệt, cho nên gọi là đạo cộng giới. Ngược lại, biệt giải thoát luật nghi thì không luận trạng thái của tâm như thế nào, chỉ cần không xả giới thì giới vĩnh viễn tương tục, cho nên gọi là không tùy tâm chuyển giới.
D. Đoạn luật nghi, còn gọi là đoạn giới, tức cùng với cửu vô gián đạo chưa đến định cùng sinh với tịnh lự luật nghi và vô lậu luật nghi, có khả năng đoạn trừ ác giới và phiền não sanh khởi ở cõi dục, nên gọi là đoạn luật nghi.
Đó là bốn chủng loại luật nghi theo các nhà Nhất thiết hữu bộ phân ra, bốn luật nghi này còn gọi là tứ giới.
Ngoài ra, Du-già sư địa luận 53 lại chia ra tám loại luật nghi, đó là Năng khởi, nhiếp thọ, phòng hộ, hoàn dẫn, hạ phẩm, trung phẩm, thượng phẩm, thanh tịnh. Bảy loại trên dành cho trạng thái quyết ý ở trong tâm lúc thọ giới, thuộc Biệt giải thoát luật nghi, do đó mà có sự sai khác được phân chia theo thứ tự; còn loại sau cùng thuộc tịnh lự luật nghi và vô lậu luật nghi.
Trong giới thập thiện, khi hành thập thiện, ngoại trừ ba loại quan hệ cùng tâm ý, bảy loại trước được gọi là thất thiện luật nghi; cũng giống thập thiện, nhưng khi hành thập ác, bảy chủng loại trước được gọi là bảy bất thiện luật nghi. Ngoài đây ra, bảy luật nghi còn gọi là ác luật nghi hay ác giới, lại dựa vào chức nghiệp mà phân loại, như mổ heo, săn bắn, cai ngục v.v… không đồng. Kinh Niết-bàn 29 của Đại thừa thì nói có 16 ác luật nghi, còn theo kinh Đại phương tiện Phật báo ân 6 thì nói có 12 ác luật nghi.
Dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích nội dung của Biệt giải thoát luật nghi:
1. Năm giới: Đây là năm giới mà hai chúng cận sự nam luật nghi và cận sự nữ luật nghi tại gia thọ trì. Nếu căn cứ theo giới tính của từng hệ mà gọi thì năm giới này gọi là Ưu-bà-tắc giới, hay Ưu-bà-di giới. Năm giới gồm có: (1) Giới không sát sinh, (2) Giới không trộm cắp, (3) Giới không tà dâm, (4) Giới không nói dối, (5) Giới không uống rượu. Ở Ấn Độ, những tôn giáo khác cũng có năm giới tương tợ, như pháp điển Mã-nô đưa ra: không sát sinh, không nói đối, không trộm cắp, Phạm hạnh (không dâm), không tham sân; còn Kỳ-na giáo thì dạy: không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, lìa dục. Đó là năm giới điều tương tợ với giới pháp của đức Đạo sư, chỉ có khác theo thứ tự sắp xếp.
2. Bát trai giới: Đây là giới dành cho những vị Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di phát nguyện thọ trì trong vòng một ngày, một đêm, học tập hạnh xuất gia. Những ai thọ trì giới này thì gọi là Ô-ba-bà-sa (Skt. upavāsa), nghĩa là sống gần các vị xuất gia (cận trụ), hay một ngày một đêm sống theo pháp thiện (thiện túc). Bát trai giới còn gọi là bát chi trai, bát quan trai giới, bát giới trai, Phật pháp trai, bát phần giới, bát giới, trai giới, nhất nhựt giới, cận trụ giới hay cận trụ luật nghi. Trong năm giới của các đệ tử nam nữ tại gia, giới thứ ba không tà dâm được đổi thành không dâm dục, còn bốn giới kia không đổi và cộng thêm ba giới nữa là: (6) Thân không trang sức tràng hoa, thoa hương thơm, không ca múa xem nghe; (7) không nằm, ngồi giường cao rộng đẹp; (8) Không ăn phi thời (tức là không ăn quá giờ ngọ).
(còn nữa)
[Tập San Pháp Luân.32.Tr,3.2006]
Ba học
Typography
- Smaller Small Medium Big Bigger
- Default Helvetica Segoe Georgia Times
- Reading Mode