Ba học

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trí tuệ tối cao vô phân biệt này chỉ có đức Đạo sư cùng các vị Bồ-tát mới đạt được, nó được thể hiện trong việc cứu giúp chúng sanh trong ba đường khổ qua lòng từ bi. Tuy là vô phân biệt trí, nhưng lúc này trí vô phân biệt bao gồm có cả trí phân biệt lấy chúng sanh làm đối tượng để giác sát cứu tế.

Ở đây, nếu chúng ta bảo hai loại trí hữu phân biệt và vô phân biệt là khác cũng không được, bảo là hai cũng không được; chúng là bất nhị, bất nhất, cho nên có chỗ gọi là hữu phân biệt hậu đắc trí. 

Theo Lục Ba-la-mật mà nói thì năm Ba-la-mật đầu: Bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định là tác dụng của hoạt động hữu phân biệt hậu đắc trí, cũng gọi là phương tiện (upāya) phát xuất từ lòng từ bi; còn trí tuệ (Bát-nhã, prajñā) thuộc về phạm vi hoạt động của vô phân biệt trí. Hay phần trước lục Ba-la-mật được gọi là đại bi của hạ hóa chúng sinh, còn phần sau được gọi là đại trí của thượng cầu Phật đạo. Ở đây, hoạt động trí tuệ đại trí, đại bi chính là hoạt động lý tưởng Bồ-tát hành của Phật giáo.

Theo Phật pháp khái luận tiết ba, chương mười tám của ngài Ấn Thuận thì thật chứng vô lậu tuệ có được phải nhờ vào ba hữu lậu tuệ của văn-tư-tu làm phương tiện để dẫn khởi. Nếu không văn-tư thời không thể nào dẫn khởi để có tu tuệ được; tức là nếu không có chúng thì không thể đạt được vô lậu tuệ. Theo Tạp A-hàm 30, kinh 843, đức Đạo sư đã từng dạy về bốn Dự lưu phần (nhập lưu phần) gồm có: “Thân cận thiện nam tử, nghe chánh pháp, bên trong tư duy chân chánh, hướng đến pháp và thứ pháp hướng”. Ở đây, theo thầy học mà khởi lên ba tuệ văn-tư-tu thì mới có khả năng chứng ngộ được quả dự lưu Tu-đà-hoàn và trong tiến trình tu tập phải theo thứ lớp tuần tự từ thấp lên cao, không có thể vượt cấp. Tuy nhiên trong quá trình tu tập này cũng có thể phát sinh ra những tệ nạn nếu không thực hành theo thứ lớp đúng pháp, cho nên đức Đạo sư mới dạy tứ y (catvāri pratisaraṇāni): “Y pháp bất y nhơn, y nghĩa bất y ngữ, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa, y trí bất y thức”, làm tiêu chuẩn trong việc tu học cho các đệ tử của Ngài. 

(1) Mục đích của thân cận thiện tri thức là để nghe Phật pháp. Nhưng thật ra tri thức không nhất định là thiện tri thức không thôi mà còn có ác tri thức, nên khó bề mà chúng ta phán đoán phân biệt được thiện và bất thiện. Vì pháp của Phật lưu truyền trải qua thời gian quá lâu dài theo chiều dài lịch sử truyền bá, nên không thoát khỏi những sai lầm trong nhận thức và những dị thuyết xâm nhập vào, hoặc do việc truyền văn mất đi ý nghĩa sự thật và cũng không thể bảo chứng được sự truyền thọ có thể khả tín. Thiện tri thức ở đây phải kinh qua sự thân cận tiếp xúc lâu ngày để chúng ta nhận ra được những sự thật quanh cuộc sống của họ được thể hiện. Từ đó, chúng ta đánh giá được những ưu khuyết của những lời nói và thực hành nếu không đủ những tiêu chuẩn chân, ngụy của Phật lý mang lại qua sự thân cận này. Hành giả khi tu tập nên y vào những giáo pháp nào vừa khế cơ vừa khế lý, phù hợp với những lời dạy của Phật mà tu tập, còn đối với cá nhân của những vị truyền đạt nếu phù hợp khế cơ, khế lý với pháp Phật thì dù người truyền dạy là phàm phu tục tử, hay ngoại đạo, thì chúng ta vẫn có thể tín thọ phụng hành. Ngược lại, những ai cho dù mang trong người những hình thức đầu tròn, áo vuông, nhân danh là đệ tử của bậc Thánh, hay tướng tốt đầy đủ như thân Như Lai; nhưng trong những lời thuyết giáo không khế hợp với chánh pháp của Phật dạy thì chúng ta vẫn không theo, không y chỉ vào họ, huống chi là những phàm phu tục tử! Cho nên chúng ta phải y pháp bất y nhơn (dharmapratisaraṇna bhavitavyaṃ na pudgala-pratisraṇena). Theo kinh 05, phẩm Thinh Văn, Tăng Nhất A-hàm, Phật dạy các Tỳ-kheo về bốn đại nghĩa của Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới “Tỳ-kheo nên biết, nếu có Tỳ-kheo nào tụng kinh trì pháp, phụng hành cấm giới. Vị ấy nói rằng: ‘Tôi có thể tụng kinh trì pháp, vâng giữ cấm giới, học rộng nghe nhiều.’ thì hãy cùng Tỳ-kheo kia thảo luận, chiếu theo pháp mà cùng thảo bàn về Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới. Nếu những điều được hiển hiện ấy tương ưng với Khế kinh, tương ưng với Luật và Pháp, khi ấy bèn thọ trì. Nếu không tương ưng với Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, thì nên trả lời: ‘Này bạn, nên biết đây chẳng phải là những lời dạy của Như Lai. Những lời bạn nói chẳng phải gốc của chánh kinh. Vì tôi thấy nó không tương ưng với Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm’. Vì không tương ưng nên phải hỏi về sự hành trì giới. Nếu không tương ưng với giới hạnh, nên nói với người kia: ‘Đây chẳng phải là tạng của Như Lai!’ là phủ nhận lại những lời đức Đạo sư đã dạy”.

(2) Mục đích của hành giả theo thầy là để nghe nhiều chánh pháp, huân tập nghĩa lý sâu xa ở đằng sau những lời dạy của đức Phật, tức là chúng ta phải giữ lấy phần nghĩa lý mà không giữ lấy phần hình thức văn tự, tùy theo nghĩa lý chứ không tùy theo văn tự. Có nghĩa là từ trong ngôn ngữ, văn tự, theo đó mà thể hội thật nghĩa của lời văn qua người truyền đạt. Nói một cách chính xác là người tu đạo phải nương vào Trung đạo Đệ nhất nghĩa chứ không nương vào hình thức văn tự bên ngoài và chấp vào chúng rồi cho là đi đúng đường. Nếu chúng ta một mực chỉ coi trọng hình thức văn chương ngôn ngữ bóng bẩy của ngữ âm mà xem nhẹ ý nghĩa của nó, rồi chấp vào văn sẽ hại nghĩa và trở nên sai lầm cho bước đường tu tập của mình thì không được, cho nên chúng ta học Phật, muốn có kết quả thì phải y nghĩa bất y ngữ (artha-pratisaraṇna bhavitavyaṃ na vyañjana-pratisraṇena). Cũng theo kinh 05, phẩm Thinh Văn, Tăng Nhất A-hàm, Phật dạy các Tỳ-kheo về bốn đại nghĩa của Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới, “Tỳ-kheo nên biết, nếu có Tỳ-kheo nào tụng kinh trì pháp, phụng hành cấm giới. Vị ấy nói rằng: ‘Tôi có thể tụng Kinh, trì pháp, phụng hành giới cấm, học rộng, nghe nhiều’. Giả sử Tỳ-kheo ấy có nói những gì, cũng không nên thừa nhận khi chưa đủ để dốc lòng tin tưởng. Nên cùng với Tỳ-kheo kia luận nghĩa. Nếu tương ưng với nghĩa thì nên bảo người kia rằng: ‘Đây là nghĩa được nói, nhưng không phải gốc chánh kinh’. Nên chọn lấy nghĩa đó chứ đừng nhận gốc chánh kinh. Sở dĩ như vậy là vì nghĩa là căn nguyên để hiểu kinh. Đây gọi là gốc của đại nghĩa được diễn thứ hai”.

(3) Nghĩa lý rốt ráo luôn tùy thuộc vào pháp tướng chân lý mà nói, tùy thuộc vào căn tánh hữu tình mà nói, tức là chúng ta đề cập đến liễu nghĩa kinh cùng bất liễu nghĩa kinh. Trong ba tạng giáo điển có liễu nghĩa kinh và bất liễu nghĩa kinh, vì ở đây đức Đạo sư dựa vào căn cơ chúng sanh mà thuyết về nhân quả cùng duyên khởi. Do đó, hành giả phải biết phân biệt và phân định đâu là thế gian pháp, đâu là xuất thế gian pháp? Đâu là kinh liễu nghĩa, đâu là kinh bất liễu nghĩa? Và muốn giải thoát khỏi khổ thì phải chọn và y cứ vào con đường trung đạo mà đi, đó là liễu nghĩa thật tướng trung đạo, con đường chúng ta nương tựa vào để đi đến giải thoát chứ không dựa vào bất liễu nghĩa kinh. Đây chính là y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh (nitārtha-sūtra-pratisaraṇna bhavitavyaṃ na neyārtha-sūtra-pratisraṇena). Cũng theo kinh 05, phẩm Thinh Văn, Tăng Nhất A-hàm, Phật dạy các Tỳ-kheo về bốn đại nghĩa của Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới, “Nếu có Tỳ-kheo nào nói rằng: ‘Tôi tụng Kinh, trì pháp, phụng hành giới cấm, học rộng, nghe nhiều.’ Nên nói với Tỳ-kheo kia về Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm. Nhưng Tỳ-kheo kia chỉ hiểu vị, chứ không hiểu nghĩa, nên bảo Tỳ-kheo kia rằng: ‘Chúng tôi không rõ những lời này có phải là những lời được thuyết bởi Như Lai hay không?’ Giả sử khi thuyết Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm chỉ hiểu văn tự, chứ không hiểu nghĩa. Tuy nghe những gì Tỳ-kheo kia nói, nhưng cũng chưa đủ để khen tốt, cũng chưa đủ để nói là dở. Lại phải đem giới hạnh để hỏi. Nếu cùng tương ưng, thì nên chấp nhận. Sở dĩ như vậy là vì giới hạnh cùng tương ưng với vị, nhưng nghĩa thì không thể rõ”. Đây gọi là nghĩa diễn giải thứ ba.

(4) Hướng đến pháp, thứ pháp hướng là nương vào tướng phân biệt của vọng thức mà tu tập, bất luận là như thế nào đi nữa thì hành giả chúng ta cũng không thể nào giải thoát, không thể nào dẫn phát để cho chúng ta đạt chánh trí vô lậu được. Vì ở đây chúng ta nương vào trí chứ không nương vào thức trong việc tìm cầu chánh trí vô lậu giải thoát, nên phải y cứ vào ly tướng, dùng trí tuệ vô phân biệt mà tu tập mới có thể có sự hiểu biết chính xác. Đây chính là y trí bất y thức (jñāna-pratisaraṇena bhavitavyaṃ na vijñāna-pratisaraṇena). Cũng trong Tăng Nhất A-hàm, phẩm Thinh Văn, kinh số 05, Phật dạy các Tỳ-kheo về bốn đại nghĩa của Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới, “Nếu có Tỳ-kheo nào nói rằng: ‘Các Hiền giả có nghi vấn, hãy đến hỏi nghĩa, tôi sẽ nói cho’. Nếu Tỳ-kheo kia có nói gì cũng chưa đủ để chấp nhận ngay, chưa đủ để phúng tụng. Nên hướng về Tỳ-kheo kia hỏi về Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới. Nếu cùng tương ưng, thì nên hỏi nghĩa. Nếu lại tương ưng cùng nghĩa, thì nên khen ngợi Tỳ-kheo kia rằng: ‘Lành thay, lành thay, Hiền giả, đây chính là nghĩa Như Lai đã nói, không nhầm lẫn, tất cả đều cùng tương ưng với Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới’. Sở dĩ như vậy là vì ở đây phù hợp với nghĩa lý trí vô lậu giải thoát, chứ không phải nương vào hình tướng khác nhau của vọng thức phận biệt”. Đó là nghĩa diễn giải thứ tư. 

Qua tứ y mà đức Đạo sư đã dạy lấy làm tiêu chuẩn trong việc tu học cho các đệ tử của Ngài, tất cả đều y cứ vào trí tuệ vô lậu tối hậu, để thực hành mục tiêu giải thoát của mình. 

Như trên, chúng tôi đã trình bày về tuệ nhân tu tập văn-tư-tu để có được trí tuệ từ hữu lậu đến vô lậu giải thoát, đó là chỉ cho nhân để sanh ra trí tuệ từ phương tiện theo thứ lớp để có được, cộng với trí tuệ di truyền từ nhiều đời nhiều kiếp đã huân tập, dù là trí tuệ gì đi nữa thì chúng cũng thuộc về trí tuệ hữu lậu sinh tử, nên sự có được của chúng phát sinh từ nhân quả của mê lộ do tu tập mà hiện hành trong hiện tại hay quá khứ. Trí tuệ này cũng chỉ là thứ trí tuệ của thế trí biện thông; tuy nhiên, nếu nó được chuyển y từ Thế trí thành Thánh trí thì chính nó là nhân đưa đến ngộ tánh sinh ra để trở thành trí tuệ vô lậu giải thoát. Về mặt tác dụng, thì chúng ta có thể phân trí tuệ ra hai loại: Hữu phân biệt trí (svavikalpa-jñāna) và vô phân biệt trí (savikalpa-jñāna. Hữu phân biệt trí là trí tuệ có chủ ý nhận thức đến một đối tượng nào đó; còn Vô phân biệt trí là trí tuệ không có chủ ý nhận thức đến đối tượng, mà nó cùng với đối tượng hợp lại làm một thể, là trí tuệ chứng ngộ tối cao. 

Vì trí Tuệ có khả năng thứ nhất là hiển lộ bổn tánh xưa nay của chúng sanh, thứ hai có khả năng lựa chọn đoạn trừ các loại phiền não vô minh và cuối cùng có khả năng thấy rõ thật tướng của chư Phật như trên đã nói. Đó là trí tuệ Bát-nhã ba-la-mật là quả chứng thật tướng các pháp của chư Phật và Bồ-tát, là trí tuệ vô lậu giải thoát của các bậc thượng nhơn đã chứng ngộ, là trí vô phân biệt.  

Tóm lại, Ba học này chính là ba cương lĩnh thực tiễn căn cứ vào luật tắc cơ bản nhân quả mà đức Đạo sư thuyết minh về ba học: Nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ dành cho hành giả Thinh văn thừa khi tu tập theo ba học này. Cũng trên cơ sở ba học này, Ngài triển khai rộng ra ba vô học dành cho Bồ-tát thừa như kinh Trì Địa Bồ-tát, quyển 10 dùng Lục độ để phối hợp với Ba học thì bốn độ trước (Bố thí, Trì giới, nhẫn nhục và Tinh tấn Ba-la-mật) thuộc về phạm trù Giới học, còn Thiền Ba-la-mật thuộc về phạm trù Định học và Bát-nhã Ba-la-mật thuộc về phạm trù Tuệ học. Ba học này là ba điều kiện rất quan trọng của đạo Phật, là chỗ quy về của tất cả mọi pháp môn. Vì thế, hành giả nên nỗ lực học và thực hành tinh cần ba học này, tùy theo căn cơ của mỗi hành giả trong việc mong cầu giải thoát để tiến đến an vui vĩnh viễn. 

Nếu hành giả phối hợp ba học này cùng với giải thoát và giải thoát tri kiến thì sẽ thành “ngũ phần pháp thân”. Theo Đại Trí Độ luận 18, Câu-xá luận 24 thì Học được phân ra làm ba cấp độ: 

- Cấp thứ nhất dành cho những hàng Hữu học (Śaikṣa), chỉ cho bốn hướng, ba quả. Ở đây, có Trí hữu học và Pháp hữu học. Trí hữu học chỉ cho trí tuệ từ Khổ pháp nhẫn cho đến trí tuệ kim cương tam-muội trung đạo vô ngại hướng A-la-hán thứ chín. Pháp hữu học chỉ cho pháp ngũ uẩn hữu học của vô lậu hữu vi.

- Cấp thứ hai dành cho bậc Vô học (Aśaikṣa), chỉ cho quả A-la-hán. Ở đây có Trí vô học và pháp vô học. Trí vô học chỉ cho trí giải thoát của các bậc A-la-hán thứ chín. Pháp vô học chỉ cho pháp ngũ uẩn vô học của vô lậu hữu vi.

- Cấp thứ ba dành cho hàng chẳng học chẳng không học (Phi học phi vô học: naivaśaikṣa-nāśaikṣa). Cấp độ này chỉ cho hàng dị sinh (phàm phu). Ở đây có trí chẳng học chẳng không học và pháp chẳng học chẳng không học. Trí chẳng học chẳng không học chỉ cho trí bất tịnh của càn huệ địa, An-na-ban-na, tứ niệm xứ, pháp noãn, pháp nhẫn, pháp, pháp thứ nhất của thế gian thuộc dục giới. Pháp chẳng học chẳng không học chỉ cho pháp vô vi cùng ngũ uẩn của hữu lậu. ■

[Tập San Pháp Luân.39.tr,3.2006]