Suy nghĩ của người học Phật về ý thơ...

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Thi hào Nguyễn Công Trứ (1778-1858) người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, thời bấy giờ xuất hiện ở trời Nam như một thức giả mang danh người vệ đạo, là bậc vương giả văn hóa, như ngọn hải đăng tỏa rạng ánh sáng tinh thần của kẻ sĩ trong xã hội Đông phương từ lâu được xây dựng trên nền tảng văn chương và đạo lý. Trong ông lúc nào cũng thể hiện nhất quán giữa hành động và tư tưởng dù cuộc đời ông đã trải qua không ít dâu bể từ thuở thiếu thời cho đến lúc về già.


Ông đã trải qua cảnh hàn vi của Nho sĩ trong suốt bốn mươi năm do lận đận khoa bảng và ông đã sống trong tâm trạng hàn sĩ đãi thời với phong vận thanh bạch. Thơ phú vịnh cảnh nghèo chiếm phần lớn trong văn phẩm của ông. Trong “Hàn Nho phong vi phú”, ông đã mô tả toàn bộ chân dung cái nghèo của mình và sự chịu đựng nó với một tâm hồn dung dị của triết nhân, với vẻ ngang tàng đầy khí phách của kẻ anh hùng và đầy tính phong lưu lãng mạn của nghệ sĩ đúng với phương châm “an bần lạc đạo”.

“Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bình bịch,
Người quân tử ăn chẳng cầu no”
“Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho,
Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”.

Dù phải lận đận trường ốc, ông vẫn nuôi dưỡng chí lớn dùi mài kinh sử, quyết tu nhân phải cách vật trí tri, phải thành ý chính tâm, tự đào tạo một tâm hồn trong sạch chờ vận hội thành hiển để mang tài kinh bang tế thế ra giúp đời. Ông đã kiên định:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”

Trong tâm hồn của ông luôn luôn tấu lên bản anh hùng ca trong nhịp điệu của vó ngựa và tiếng kèn xông trận hăm hở, sôi nổi tiến về phía biên cương, vẽ nên chân dung một tráng sĩ oai phong đầy lãng mạn.

“Anh em ơi! Ba sáu tuổi rồi, khắp đông tây nam bắc bốn phương trời, đâu cũng lừng danh công tử xác.
Trời đất nhẻ! Một phen nầy nữa, xếp cung kiếm cầm thư vào một gánh, làm cho nổi tiếng trượng phu kềnh”.

Ẩn sâu trong cái phong thái tài tử, đó là một ý chí sắt đá, lòng quyết tâm thách thức với định mệnh, vì vậy hàn sĩ Nguyễn Công Trứ đã dũng cảm dâng bảng điều trần “Thái bình thập sách” cho vua Gia Long khi đi kinh lý ở Nghệ An (năm 1813) để bày tỏ những giải pháp xây dựng nước sau thời kỳ loạn ly.

Đây là dịp để thể hiện những hoài bão của nhà thơ mà ông đã gửi gắm trong bài “Luận Kẻ sĩ”.

“Hiêu hiêu nhiên điếu Vị, canh Sằn
Xe bồ luân, dầu chưa gặp Thang, Văn
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị”

Mãi đến năm 42 tuổi ông mới bắt đầu xuất chính và thực hiện được tinh thần bảo quốc an dân trên hai phương diện quan trọng ngoài công vụ hành chính thường xuyên là hoạt động kinh tế và hoạt động binh bị: “Vi quốc dĩ nông vi bản”, kẻ sĩ phải sáng suốt hăm hở ra tài kinh tế. Ông viết:

“Trong lăng miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương”

hay là:
“Kém gì nam bắc đông tây
Đường thư kiếm vẫy vùng cho hết đất”

Tuy vậy, cuộc đời xuất chính của thi hào Nguyễn Công Trứ đã gặp nhiều phen sóng gió, ba chìm bảy nổi trong bể loạn. Có lúc thăng đến tột bậc đỉnh chung, có lúc giáng xuống hạng thứ dân. Qua nhiều lần thử thách của số mệnh, ông vẫn giữ phong thái bình dị của một triết nhân. Không kiêu căng lúc lên cao, không thối chí, sa sút nhân cách lúc sa cơ lỡ vận.

“Trên trường danh lợi, vinh liền nhục
Trong cuộc trần ai, khóc lộn cười”

hay là:
“Phận tài hoa đành có lúc vẻ vang
Đường khoa mục xa nhau đà mấy bước”

và ông đã nhìn một cách thực tế trong quan niệm sống của con người đã vượt qua lắm đoạn trường.

“Người ta ở trong phù thế
Chữ vô cầu là chữ thiên nhiên”

Năm ông 70 tuổi, sau một thời gian sống mãnh liệt, sống đầy đủ một cuộc đời nhập thế, nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã cảm thấy mệt mỏi khi nhìn lại quãng đời mình: một cuộc đời “mang gươm đi mở bờ cõi”, đã từng đặt chân trên núi non Cao Bằng, đồng chiêm, bãi muối vùng Nam, rừng thưa Quảng Ngãi và đồng lúa phì nhiêu miền biên viễn An Giang, đã thả tâm hồn mình pha nhiễm tư tưởng “nhân sinh ảo ảnh”.

“Ôi nhân sinh là thế ấy
Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”

Lúc bấy giờ ông lấy chữ Nhàn làm gốc cho kẻ sĩ thời ẩn dật, vui với cầm kỳ thi tửu, thả hồn rong ruổi kết duyên cùng với cỏ cây mây nước, ung dung gõ mạn thuyền ngâm thơ trên dòng sông lạnh.

“Trăng chênh chếch đầu non mới ló
Thuyền một lá xông ngang ghềnh bạch lộ
Buông chèo hoa len lỏi chốn sơn cương”

hay là:
“Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ,
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà”

***

Cuộc đời nhà thơ đất Hồng Lam gợi cho ta nhiều cảm kích về tinh thần đấu tranh bền bỉ, đời sống thanh đạm, liêm khiết, cao thượng của kẻ sĩ, mà ông là một trong những biểu tượng đẹp đẽ với khí phách hiên ngang cái thế của người anh hùng lập công và một tâm hồn phóng khoáng. Một đặc điểm rất quyến rũ trong dung mạo tinh thần của ông, qua những sáng tác ở các thời kỳ hàn vi, thời kỳ xuất chính hay lúc hưởng nhàn là sự giao thoa giữa tâm hồn và hơi thở của vũ trụ. Đây chính là tư tưởng của Đông phương kết hợp Nội - Ngoại - mà Nho giáo chủ trương con người lý tưởng phải có hai tố chất: Nội thánh và Ngoại vương: chiều kích hướng nội để phát huy tiềm lực ẩn sâu trong tinh thần và kết hợp với thực tại siêu việt, còn chiều kích hướng ngoại để thành vật, cùng với đất trời hỗ trợ cho việc nuôi nấng chuyển hóa vạn vật.

Thực tại siêu việt không nhân hình, nhân dạng. Lão giáo gọi là Đạo, Phật giáo Đại thừa gọi là Chân như. Các nhà nghiên cứu triết học dùng để chỉ thị nguyên lý vũ trụ hay bản thể vũ trụ, còn người bình dân gọi là tạo hóa, là ông Trời. Nho gia gọi là Thiên - Chu Liêm Khê (danh Nho đời Tống) gọi là vô cực. Vô cực chỉ thị cho một thực tại vô hình tướng, vô thỉ, vô chung, bất sinh bất diệt, v.v... Thực tại sinh ra Thái cực tiềm tàng khắp nơi trong vũ trụ thiên nhiên từ cành hoa, ngọn cỏ, trên cơ thể sinh, động vật. Do đó, vạn vật trong vũ trụ đều ẩn chứa năng lực của Thái cực triển khai qua không - thời gian. Vì vậy, nó làm căn nguyên cho vạn vật. Nói đến khởi nguyên tức là nói đến khởi đầu và diễn tiến. Khởi đầu và diễn tiến được gọi là Thái cực. Trong quá trình biến hóa, Thái cực đã triển khai ra hai nguồn năng lực gọi là Lưỡng Nghi. Lưỡng Nghi là hai dạng mạo tiên thiên có tên là Thiên và Địa (hay Càn và Khôn) và trên một quy mô nhỏ thì có tên là Âm Dương.

Con người cũng như vạn vật do Lưỡng Nghi Âm Dương, tức hai năng lực Càn Khôn (Thiên Địa) kết hợp mà thành: con người là năng lực của trời đất, có sự giao hòa của Âm Dương, có sự hội tụ của tinh lực siêu nhiên và được kết lọc từ ngũ hành (thủy, hỏa, thổ, kim, mộc). Vì thế con người có khả năng làm chủ được muôn vật, tạo nên những kỳ vĩ trong vũ trụ. Con người và vạn vật được điều phối bởi một nguyên lý duy nhất là Thiên lý (Đạo Dịch).

Thi hào Nguyễn Công Trứ viết:
“Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng, dành để tháng ngày chơi”

hay là:
“Thiên phú ngô, địa tải ngô
Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý”

Nho giáo cho rằng sở dĩ con người linh thiêng hơn muôn vật bởi vì trong con người có phần thiên mệnh, cái phần tinh tuyển nhận từ Trời, nó có từ thuở ban sơ, chưa bị hoen ố pha tạp. Cái phần thiên mệnh còn gọi là Minh đức chỉ thị thực tại siêu hình uyên nguyên trong mỗi con người. Thánh nhân là con người lý tưởng biết phát huy cái Minh đức và giữ mãi tính thuần nhiên. Đó là đạo nghĩa duy nhất trong cõi nhân gian.

Bậc thánh nhân trong Nho gia quan niệm rằng có thể xem dáng vẻ của  bầu trời và tình trạng của mặt đất thì có thể biết được nguyên do của sự huyền diệu - sự huyền diệu kín đáo là vòng sinh - tử.

Theo Nho gia quan niệm, Thái cực sinh Lưỡng Nghi Âm Dương, sự kết hợp của hai sức âm dương tinh túy tạo hiện tượng sinh, làm nên sự sống và sự sống có một thực tại siêu hình là hồn, khi hồn ra đi thì vật chất tan rã, sự chết đến. Sinh tử là hai hiện tượng nối tiếp nhau của vạn vật, vì vậy theo quan niệm của Đông phương thì chết không phải là chấm dứt hẳn. Chết ắt về đất, xương thịt tan nát, âm chất thành đất hoang, phần tinh anh lên không gian thành sáng tỏ rực rỡ. Đành rằng cái gì đã có thì sẽ còn có tuy có thay đổi dạng thức, nhưng dạng thức tương lai thì không nói được. Đức Khổng Tử với tư cách là một hiền triết có trí tuệ siêu việt không bao giờ khẳng định bất cứ một điều gì nếu ngài chưa trải nghiệm. Ông nói: “Cho người chết là chết hẳn là không có lòng nhân. Không thể nói như vậy. Cho rằng người chết là như lúc sống, là không hiểu biết. Không thể nói như vậy”. [Chi tử nhi tri tử chi, bất nhân, nhi bất khả vi dã. Chi tử nhi tri sinh chi, bất tri, nhi bất khả vi dã].

Là môn sinh của Khổng Tử, thi hào Nguyễn Công Trứ đã có một quãng đời nhập thế sôi nổi mãnh liệt, tâm huyết xả thân cho xã tắc, có tài kinh bang tế thế nhưng rơi vào hoàn cảnh xã hội bất ổn, loạn lạc, nghèo nàn (thời kỳ Minh Mệnh có đến 140 cuộc nổi loạn). Cường hào ác bá lộng hành, quan lại triều đình xu nịnh và chính ông là nạn nhân của tấm bi kịch đó và chính lúc này tư tưởng của ông đã nhuốm màu yếm thế. Ông viết:

“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười

hay là:
Mảnh hình hài không có có không
Lọ là thiên tứ vạn chung”

Mang tâm trạng bi quan ngán ngẩm cho kiếp người trôi nổi vật vờ trên dòng đời dâu bể, cho nên ông mong ước:

“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”

***

Theo các nhà nghiên cứu Triết học Đông phương thì cho đến cách mạng Tân Hợi, Trung Quốc đã trải qua hơn 4.000 năm với nhiều học thuyết, nhiều dòng tư tưởng sâu rộng mà các bậc hậu thế gọi là Tam giáo (Nho - Lão - Phật). Riêng Nho và Lão có hai nhân vật xuất sắc là Khổng Tử và Lão Tử. Đó là hai hệ thống triết học biệt lập tuy có vẻ đối lập (hữu vi - vô vi). Khổng Tử chủ xướng hữu vi (can thiệp vào việc đời) để giải quyết các rối loạn xã hội, cần phải dùng “nhân - nghĩa - lễ - nhạc” can thiệp vào gia đình, xã hội yên ổn trở lại. Còn Lão Tử chủ trương hành động theo tự nhiên (vô vi) thì xã hội trở lại ban đầu - ổn định. Nhưng xét về vũ trụ quan thì cả hai đều cùng có một cội nguồn là vì hữu vi và vô vi chỉ là hai cách ứng xử của con người đối với môi trường thiên nhiên và xã hội.
- Cái nhìn về vạn vật dưới phạm trù Lưỡng Nghi Âm Dương, từng cặp đối đãi tạo nên lưỡng tính bổ sung và không loại trừ nhau.
- Cho rằng con người là gạch nối giữa hai nguồn sinh lực Thiên - Địa tạo nên mô thức Thiên - Địa - Nhân làm trung tâm của vạn vật.

Lịch sử cho thấy các phương thế giải quyết xã hội áp dụng trong suốt thời Xuân Thu - Chiến Quốc với lý tưởng “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” vào xã hội Trung Hoa vẫn chưa đưa đến một ngày an ổn. Đạo Phật đã vào Trung Hoa rất sớm từ thời Tần - Hán đến thời Tấn và Lục Triều thì Phật giáo phát triển nhanh và những người theo học phái Lão - Nho cũng đã có cái nhìn thông đạt và hòa đồng với Phật giáo. Vì vậy lúc bấy giờ mới có mô thức: theo Nho nhập thế vào lúc tuổi trẻ, theo Lão Trang lúc thất bại đau khổ và tìm đến đạo Phật để giảm trừ Tham - Sân - Si, bước đầu giảm đi những hệ lụy trần gian. Cụ Nguyễn Công Trứ tâm sự:

“Thôi cũng muốn Nam vô Di đà Phật
Trót dở đem thân thế hẹn tang bồng”

Giáo thuyết của đức Phật không dạy đi tìm chân lý và không tìm nguyên nhân đau khổ ở bên ngoài mà phải quay lại nhìn vào bên trong Tâm của mỗi người. Đức Phật đã phát hiện ra nguồn gốc đau khổ chính là Ái dục - và khi chấm dứt Ái dục thì vô minh và những ô nhiễm khác như tham, sân, si được hóa giải, lúc đó con người sẽ vĩnh viễn hết đau khổ.

Đây là Diệu pháp do đức Phật tìm ra sau bao năm tháng dày công tu tập, trầm tư và tham thiền.

Theo các kinh văn nhà Phật thì tác ý hay ý chí phát khởi hành động, lời nói, cử chỉ, tư tưởng có chủ tâm đều tạo Nghiệp. Đã tạo Nghiệp thì Nghiệp gây ra báo ứng (nghiệp báo) nằm trong qui luật Nhân quả. Do lý thuyết Nghiệp báo mà có lý thuyết Tái sinh - Luân hồi và định luật Nghiệp báo có thể vận dụng để giải thích về nguyên nhân đau khổ của con người ở trần gian.

Theo kinh văn Phật giáo thì lý thuyết Nghiệp báo, thuộc về Tâm, một thực tại tinh thần. Tâm chi phối Nghiệp và Quả cho nên Tâm chi phối cả quá khứ hiện tại và tương lai của con người. Nhiều khi Quả không thể hiện trên hữu hình mà còn thể hiện trên thực tại tâm thức vô hình qua các trạng thái sầu muộn, sân hận, lo âu khắc khoải, ám ảnh sợ hãi thường xuyên. Do vậy, về một phương diện nào đó thì Niết-bàn hay Địa ngục đều ở tại Tâm.

Trong kinh Tạp A-hàm có ghi lời Phật dạy: “Đã gieo giống nào thì sẽ gặt quả ấy. Hành thiện sẽ thâu quả lành. Hành ác gặt quả dữ”.

Nghiệp là do tác ý, thì Vô minh và Ái dục là nguồn gốc của Nghiệp. Vô minh và Ái dục là cội nguồn của mọi tội ác ở trần gian. Chỉ với những ai quyết đi vào Đạo tâm giải trừ Ái dục và Vô minh mới không tạo Nghiệp. Vậy “kiếp sau xin chớ làm người” chỉ còn là tiếng thở dài đầy bất lực và thoái thác đối với kiếp người lúc tuổi về chiều, khi ngoảnh nhìn lại đời mình thấy chập chờn như “bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”.

Thực ra vấn đề thật không đơn giản như vậy. Căn cứ vào giáo pháp của nhà Phật, nguồn gốc của sinh tử là ái dục. Ái dục được hiểu là sự yêu mến về thân thể của mình và đức tính này thúc đẩy ta chiếm hữu cảnh giới bên ngoài (hành động quan hệ thầm kín nam nữ là một ví dụ). Chính ái dục đã trói buộc con người vào trong biển sinh tử mênh mông hết ra lại vào triền miên.

Quan điểm của nhà Nho cũng vậy và cho rằng “Ẩm thực, nam nữ, nhân chi đại dục tồn yên” tức là ăn uống, quan hệ nam nữ là sự mong muốn lớn nhất của con người.

Hơn nữa trong các kinh văn nhà Phật có ghi rằng: “Đức Phật thị hiện ra đời ở nhân gian” và “thân người khó được” là hai ý kiến xác định vị trí con người trong hệ thống động vật. Đức Phật đã dạy trong kinh điển rằng con người có 3 đặc điểm mà các loài vật khác không thể có:
* Sự ghi nhớ: con người có khả năng tư duy phân biệt, ghi nhớ những việc xảy ra trong quá khứ, dự tính tương lai, nhận thức những việc đang xảy ra trong hiện tại.
* Sự thù thắng của phạm hạnh: con người biết hổ thẹn. Chỉ có con người mới biết rõ phạm vi và giới hạn của cha con, thầy trò, vợ chồng, bè bạn, mối quan hệ của nhân loại và dựa vào các quy định xã hội để đối xử với nhau. Lòng biết hổ thẹn là ý hướng đạo đức, nó mang khuynh hướng thiện lành và rời xa cái xấu ác. Vì biết hổ thẹn nên con người có đức hạnh tự giác, biết tôn trọng sự thật, tôn trọng chính mình, tôn trọng dư luận, phát khởi những đức hạnh hợp tình hợp lý.
* Sự thù thắng của lòng dũng cảm: Lòng mong muốn trong tâm dẫn đến nghị lực thực hiện một hành vi thực tiễn. Khi khởi lên lòng tinh tấn để làm thì cho dù muôn vàn khó khăn ta cũng có đủ sức mạnh, kiên nghị để vượt qua.

Ba đặc tính trên là đặc tính thù thắng của con người không có loài vật nào có được. Trong đặc tính của con người cũng hàm chứa một phần ý nghĩa Phật tính trong đó. Phật tính là đức tính của đức Phật, nói rằng Phật tính của con người tức là nói đến khả năng phát khởi hướng về năng tính của Phật và có khả năng phát triển thành đức tính của Phật.

***

Tiếng soạt của mái chèo trên dòng sông, tiếng lướt của ngón tay trên phím dương cầm đều cần có môi trường truyền đi với âm vang trầm đục hay du dương đều phụ thuộc vào gốc làm nhân của nó và nhờ bản chất của môi trường truyền dẫn (đứng về phương diện vật lý) ta mới nhận được.

Cũng vậy, luật Nhân quả Nghiệp báo cũng cần phải có môi trường để truyền dẫn một tác nhân diễn biến thành quả báo. Môi trường Nhân quả vận hành rộng khắp, thấm nhiễm mọi nơi cả hữu hình lẫn vô hình (Tâm-Vật), bao trùm khắp mênh mông vũ trụ. Có thể gọi đó là Pháp tính, Chân như, Trời, Thượng đế. Lúc hiện hữu trong con người thì gọi là Chân tâm, Trí huệ, Niết-bàn, v.v... Đối với ai có thể lắng sâu được Tâm đến tận cùng và giác ngộ được môi trường này thì sẽ trực nhận được đường đi lối về, biết được sự vận hành của Nhân quả Nghiệp báo, thấy quá khứ hiện tại tương lai tụ thành một trong Thể tánh kỳ diệu này. Tác nhân từ quá khứ trôi chảy đến hiện tại và tương lai cũng nằm trong Thể tánh đó.

Do vậy con người phải có can đảm chịu trách nhiệm lấy mọi hành động của mình, không phải do một mặc khải nào đó quy định, nhưng nhất thiết cũng không phải ngẫu nhiên vô cớ mà có. Phải thấy rõ được niềm hạnh phúc, nỗi bất hạnh, sự thành công, thất bại, cái thăng trầm, vinh nhục trong hiện tại có nguồn gốc sâu xa của nó từ quá khứ thì lúc đó thế gian này sẽ là chốn an bình tịnh lạc. Vì thế ý thơ: “Làm cây thông đứng giữa trời mà reo” chỉ là một ước mơ hão huyền xa vời trong kiếp Tái sinh - Luân hồi, phản ánh nỗi khổ cùng cực do Vô thường tác động trên cuộc đời thi hào Nguyễn Công Trứ mà thôi.

Tài liệu tham khảo
- Thơ văn Nguyễn Công Trứ - NXB Đồng Nai. Tháng 1/2009
- Đạo đức kinh - Lý Minh Tuấn. NXB Phương Đông năm 2010
- Đạo đức học Phương Đông - Thích Mẫn Giác. NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2008.

Đặng Ngọc Anh
[Tập san Pháp Luân - số 80, tr69, 2011]