Trong một lần đọc sách tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi phát hiện hai thác bản văn bia chùa Minh Giác. Dựa theo địa danh do người sao dập ghi lại là làng Bồ Mưng tại Điện Bàn.
Từ đó, chúng tôi đối chiếu với địa danh hiện nay thì được biết nay thuộc thôn Bồ Mưng I, xã Điện Thắng Bắc. Từ đường quốc lộ rẽ trái khoảng mấy trăm mét thì đến ngôi chùa. Nhìn vào ngôi chùa, chúng tôi không nghĩ nơi đây còn giữ tấm bia. Vì chùa đã được làm lại theo kiểu khuôn hội Phật giáo. Khi gặp các Phật tử ở đây, chúng tôi hỏi về lai lịch tấm bia thì vị tự trưởng dẫn ra nhà tổ, phía dưới tay trái có một tấm đá, chữ khắc được tô màu đỏ để dễ đọc. Nhiều vị trong chùa đã giới thuyết về các sự tích của tấm bia và ngôi tháp cổ của thiền sư Huệ Quang Minh. Hỏi đi hỏi lại thì cũng chỉ là lời truyền miệng, hầu như chùa không còn giữ được tư liệu gì bổ trợ trong công tác nghiên cứu văn bia.
Về địa danh Bồ Mưng, chúng tôi thấy văn bia mượn Bồ Minh 蒲明để đọc trại sang. Có thể đây là một địa danh có nguồn gốc Chàm chăng? Vì không thông hiểu về ngữ ngôn Chămpa nên chúng tôi đành bỏ dấu hỏi để chờ các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, địa danh học lí giải. Chúng tôi chỉ tìm hiểu các sách vở ghi chép về địa danh này như thế nào thôi. Sách Ô châu cận lục thì chưa thấy chép tên làng, riêng Phủ Biên tạp lục có ghi địa danh Bồ Bằng thuộc huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa. Trong đó, có ghi xã Thanh Quýt mà Thanh Quýt giáp giới với Bồ Mưng. Có thể do sách chép tay nên chép sai tên làng hay người phiên âm chưa chính xác. Văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật lập năm Canh Thìn (1640) có xuất hiện hai vị tín chủ: Nguyễn Lương Chuẩn, Phạm Văn Thu người xã Bồ Mưng ủng hộ trong công việc xây dựng núi Phổ Đà và trong văn bia Huệ Quang minh thiền sư bi ký khắc năm Cảnh Trị thứ 10 (1672) có ghi tên xã. Một tập địa bạ xã Bồ Mưng lập năm Gia Long thứ 14 còn được bảo tồn tại Cục Lưu Trữ quốc gia I có ghi rõ xã Bồ Mưng thuộc tổng Thanh Quýt Trung, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn. Sau này, huyện Diên Khánh và Tân Phước nhập lại, đổi sang tên là huyện Diên Phước nên Đồng Khánh dư địa chí, mục tỉnh Quảng Nam ghi xã Bồ Mưng thuộc tổng Thanh Quýt Trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Bia được chế tác từ một khối đá tự nhiên 4 mặt, nhưng chỉ thấy có hai mặt hơi phẳng dùng để khắc chữ Hán, còn hai mặt còn lại thì ghồ ghề theo nguyên dạng của nó. Bia cao 66cm, mặt trước có chỗ rộng nhất là 22cm, mặt bên trái chiều rộng 18cm, trang trí hoa văn đơn giản, chỉ có phía dưới trang trí đế, trên đế có hình hoa sen trông giống như một bài vị đá. Mặt trước, phần trán đề ba chữ Hán lớn “Minh Giác Tự”. Lòng bia kẻ đường viền, trong đường viền khắc mấy chữ “Huệ Quang Minh thiền sư bi ký” tức ghi chép bia thiền sư Huệ Quang Minh. Hai bên ghi chép số ruộng đất như: “Bồ Mưng xã cúng tam bảo điền nhất mẫu tứ sào”, còn bên kia ghi: “Tư điền cửu sào, thổ trạch thất sào, nhất mẫu thất”. Gộp chung hai dòng có nghĩa là xã Bồ Mưng cúng ruộng Tam Bảo 1 mẫu 4 sào; ruộng tư 9 sào, thổ trạch 7 sào, một mẫu bảy.
Mặt bên trái chia làm ba dòng. Dòng giữa đề: “Tam bảo điền nhất mẫu, Tuế thứ Nhâm Tý niên”, dòng bên phải ghi: “Đại Việt quốc, Cảnh Trị thập niên tam nguyệt thập cửu nhật”. Còn bên trái, phía dưới phần lồi của khối đá đề hai chữ “Bi Ký”. Gộp chung các dòng lại thành “Tam Bảo điền nhất mẫu, tuế thứ Nhâm Tý niên; Đại Việt quốc Cảnh Trị thập niên tam nguyệt thập cửu nhật, bi ký”. Tạm dịch: ghi chép ruộng Tam Bảo 1 mẫu, ngày 19 tháng 3 năm Nhâm Tý niên hiệu Cảnh Trị thứ 10 nước Đại Việt. Đây chính là niên đại lập bia. Niên hiệu Cảnh Trị nhà Lê bắt đầu từ năm 1663 đến năm 1671, tức chỉ được 9 năm. Văn bia đề Cảnh Trị thứ 10 tức đã vượt quá một năm, đối chiếu năm Nhâm Tý theo mốc niên hiệu Cảnh Trị phải là năm 1672, mà năm 1672 phải thuộc niên hiệu Dương Đức nguyên niên tức năm đầu của niên hiệu đó. Trường hợp các tư liệu Hán Nôm thời chúa Nguyễn có chép niên hiệu các vua Lê thường hay bị chệch. Ở Bắc Hà đã đổi niên hiệu nhưng do tình trạng chia đôi đất nước nên thông tin chưa kịp cập nhật. Do đó, khi lập văn bản, người soạn thảo vẫn cứ tính tiếp mà không biết đã đổi sang một niên hiệu mới. Hiện tượng này xuất hiện khá nhiều, tiêu biểu là bức hoành chùa Thiên Đức - Hội An mà chúng tôi đã có bàn đến trong bài Chùa Thiên Đức và tháp thiền sư Thiệt Lương đăng trong Văn hóa Phật Giáo số 127.
Thông qua nội dung văn bia, chúng ta thấy có mấy nhận xét sau đây:
- Trước hết, hình thức tấm bia đơn giản, đá tự nhiên lại thô sơ, chỉ mài được hai mặt khắc vài dòng chữ Hán đơn giản. Theo các vị lớn tuổi trong làng, xưa văn bia được để trong một ngôi mộ đất thờ thiền sư Huệ Quang Minh, nhưng do chiến tranh phá hoại, mộ đã mất dấu tích, chỉ còn thấy tấm đá nên được mang về giữ tại bổn tự. Do đó, bia có dạng bia mộ hay cách bài trí giống bài vị. Hoa văn trang trí đơn sơ, chỉ thấy có một hoa sen phía dưới đáy bia.
- Bia ghi chép tên chùa là Minh Giác và tên làng là Bồ Mưng. Như thế, hai tên này phải xuất hiện trước đó khá lâu. Về tên Bồ Mưng thì có thể làng này được khai phá thời vua Lê Thánh Tông, nếu có muộn thì phải đến thời chúa Nguyễn Hoàng. Theo tư liệu làng xã, xã Bồ Mưng xưa được bốn vị tiền hiền thiết lập. Cả bốn vị này đều là họ Nguyễn như Nguyễn Đăng, Nguyễn Hữu, Nguyễn Đức, Nguyễn Lương. Còn ngôi chùa, có thể do thiền sư Huệ Quang Minh sáng lập. Sư có quê gốc Bắc Hà nên có tên tự bắt đầu bằng chữ “Huệ” như thiền sư Huệ Đạo Minh xuất hiện trên bia Phổ Đà sơn linh trung Phật1, có một vị cùng tên xuất hiện trong bia Phổ Khánh tự bi2. Với lối tên tự bằng chữ “Huệ” thì xuất hiện khá nhiều ở các văn bia ngoài Bắc thời vua Lê chúa Trịnh. Có thể họ là hậu duệ của dòng Trúc Lâm chăng? Và sư có thể là vị sư đầu tiên ở huyện Điện Bàn. Bởi chúng ta chưa tìm vị nào có niên đại lớn như ngài Huệ Quang Minh.
- Bia ghi chép một số đất đai do làng xã cúng, cùng một số sào ruộng tư. Tất cả đều là Tam bảo điền tức ruộng chung của chùa. Đây là cơ sở để chúng ta nghiên cứu về tình hình đất đai, nhất là vấn đề ruộng đất nhà chùa. Loại bia này khá giống với một văn bia tại ngôi cổ tháp chùa Thiên Hòa-Huế. Văn bia ở chùa Thiên Hòa thì được trang trí một số đề tài theo lối bia hình chữ nhật và nó được lập năm Vĩnh Khánh thứ 4 (1732)3, sau bia này 60 năm và cùng ghi lại số đất đai của chùa.
Chú thích:
1. Bia ma nhai tại động Hoa Nghiêm, lập năm Canh Thìn (1640)
2. Bia được đặt phía trước đình Xuân Mỹ, phường Thanh Hà, Hội An. Bia lập năm Chính Hòa Bính Tý. Chúng tôi sẽ có một bài nghiên cứu về văn bia này.
3. Trong một lần điền dã về chùa Thiên Hòa, chúng tôi phát hiện một cổ tháp phía sau chùa, có gắn tấm bia được làm bằng đá sa thạch, gồm có 4 dòng có một số chữ đã mờ, đọc thì thấy ghi chép về đất đai, trong đó ghi: “…nhất mẫu hữu dư, thiết lập Thiên Hòa tự…” cuối bia đề lạc khoản: “Vĩnh Khánh tứ niên đông nguyệt cát đán nhật”. Như thế có thể chùa Thiên Hòa lập vào năm Vĩnh Khánh thứ 4 (1732). Trường hợp này cũng giống như bức hoành chùa Thiên Đức đề Vĩnh Khánh ngũ niên nhưng trên thực tế niên hiệu Vĩnh Khánh chỉ có 3 năm. Dạng này do thiếu thông tin từ Bắc Hà, chưa kịp truy cập thông tin.
Ngô Quốc Trưởng
[Tập san Pháp Luân - số 80, tr89, 2011]