Những Thách Thức Hiện Nay Của Phật Giáo Trung Quốc

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trong suốt thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa (1966 -1976), Phật giáo Trung Quốc đã hứng chịu một thảm họa kinh hoàng: chùa chiền bị triệt phá, đất chùa bị chiếm dụng, và Tăng Ni bị đẩy đến các nông trường.

CẢI CÁCH NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC Ở TRUNG QUỐC

Về phương diện lịch sử, ở Trung Quốc, đạo Phật cho thấy đã có sự khác nhau trong nội dung và pháp môn tu học vào những thời kỳ lịch sử khác nhau. Đức Phật là bậc đã đạt được giác ngộ dưới cội bồ đề với việc nhận ra “Niết-bàn diệu tâm” phi sắc tướng. Do đó, giáo pháp đức Phật siêu việt những giới hạn suy nghĩ, ngôn từ, sắc tướng và sự miêu tả thế tục: nó không thể lĩnh hội được bằng ngữ ngôn, hay dễ dàng truyền trao đến những người mà tâm thức còn đầy dẫy tham, sân, si và những tham muốn tiêu cực. Đức Phật bắt đầu giảng dạy giáo pháp sau khi có lời thỉnh cầu mong giáo pháp được truyền bá để giải thoát khổ đau của chúng sanh. Như vậy, mục đích chính của giáo pháp là để giải thoát con người khỏi vòng sanh, lão, tử và khổ. Do đó, đặc tính quan trọng của giáo pháp đức Phật là sự nhấn mạnh vào việc phân tích thế giới hiện tượng và những phương pháp thực hành cho việc đoạn trừ khổ đau, thay vì chỉ nghiên cứu triết học trừu tượng. Mục đích là để giúp chúng ta nhận thức được bản chất thật của khổ, sự cần thiết và tính khả thi của việc giải thoát ra khỏi khổ đau ấy. Do đó, chúng ta có thể nói rằng người Phật tử nên hướng đến những ứng dụng thực tiễn, chứ không phải là lý thuyết suông.

Tuy nhiên, tình trạng lịch sử Phật giáo ở Trung Quốc đã tạo dấu ấn bằng việc chuyển dịch kinh điển và thiết lập tông phái tập trung vào những dòng truyền của các tổ sư, những người chuyên vào một vài bộ kinh nào đó và những học thuyết mà họ đã truyền trao…

Giáo thuyết và những pháp môn tu của các bộ phái do các vị thầy và Tổ sư khác nhau giảng dạy đều được đặt cơ sở trên những gì đức Phật đã dạy, đáp ứng nhu cầu của những hạng người khác nhau vào những thời điểm lịch sử khác nhau. Đó là căn nguyên của sự sai khác nơi những giáo thuyết được thực hành trong suốt những thời kỳ lịch sử cụ thể. Một bộ phái có những diễn đạt riêng của nó, khớp với những nhu cầu của thời đại; và mỗi bộ phái dần dần trở thành một truyền thống. Tuy nhiên, bất cứ bộ phái nào tuyên bố rằng mình là chân lý tuyệt đối, là phổ quát và vĩnh cửu, thì đang xuyên tạc cái nhìn đầu tiên của đức Phật rằng: giáo lý phải linh động, khế hợp với những nhu cầu và những căn cơ khác nhau.

Những Phật tử Trung Quốc hiện thời đang sống trong bóng tối của những tranh luận. Nhiệm vụ của họ là chọn lựa trong số di sản đồ sộ của các trường phái khác nhau của Phật giáo Trung Quốc, những gì là thích hợp để đổi mới Phật giáo và thích ứng nó với bước tiến nhanh chóng của sự phát triển xã hội. Đó là một nhiệm vụ phức tạp và quan trọng. Phật giáo đáp ứng được nhu cầu xã hội chỉ khi nó xác định được vị trí của nó bằng việc thích ứng sức mạnh với những hoạt động hàng ngày trong cuộc sống. Phật giáo không thể tồn tại và phát triển nếu không được xã hội thừa nhận và kính trọng. Phật giáo cần được áp dụng vào trong tất cả mọi lĩnh vực xã hội, để giải thoát cá nhân và cuộc đời. Vậy thì các Phật tử đang dấn thân thế nào trong bối cảnh tôn giáo Trung Quốc hiện nay?

Ở Trung Quốc ngày nay, điều dễ nhận thấy là chủ nghĩa vật chất đang lên ngôi và đời sống tâm linh thì cạn mỏng. Ở các trung tâm thành phố, các khu mua sắm là vua. Và như các nhà sách Trung Quốc chứng nhận, người ta bây giờ đang tìm kiếm một chiều hướng tâm linh cho đời sống. Tác giả danh tiếng John Naisbitt nói trong quyển sách Megatrends (1982) bán chạy của ông rằng, sự phát triển tâm linh không chỉ là một công việc thức thời của thời đại mới; nó là một sự giáo dục mà xã hội ngày nay cần đến để làm thăng bằng tình trạng chông chênh mà người ta nhận lãnh như là một kết quả của sự phát triển quá mức về công nghệ cao và kỹ thuật tự động. Các cuốn sách do những tác giả Tây phương viết về những đề tài phát triển tâm linh và sự tỉnh thức, hiện nay là những cuốn sách bán chạy ở thị trường Trung Quốc.

Điều này không chỉ là một khuynh hướng ở nơi văn hóa quần chúng, mà cũng là một khuynh hướng đang được thừa nhận trong giới Phật giáo. Thông qua việc chuyển dịch những quyển sách nổi tiếng của những tác giả Tây phương, người Trung Quốc bây giờ đang tái khám phá những khía cạnh của giáo lý Phật giáo truyền thống, chẳng hạn như chánh niệm, quán niệm hơi thở, từ bi và trí tuệ. Thêm nữa, những đại học lớn và những trung tâm y học ở châu Âu và Bắc Mỹ đang tích cực nghiên cứu về thiền, tâm lý liệu pháp và sinh học thần kinh của Phật giáo. Trớ trêu thay là phải thông qua việc ứng dụng thiền Phật giáo của Tây phương mà người Trung Quốc ngày nay mới chịu chấp nhận lịch sử tôn giáo của chính họ (!). Điều này đã phục hồi lại việc nhấn mạnh vào Phật giáo thực hành, một Phật giáo nhập thế đang tìm cách áp dụng Phật giáo vào đời sống hằng ngày và giải quyết những vấn đề thực tại của người Trung Quốc ngày nay.

Việc nhấn mạnh vào công ích xã hội và lợi ích tinh thần hiện đang được chính quyền Trung Quốc ủng hộ. Cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã chủ trương việc sử dụng đạo đức như là một phương tiện chính trị. Và đạo đức Phật giáo với một lịch sử dài lâu của nó, có thể góp phần chữa trị những căn bệnh xã hội và chăm sóc một đời sống hạnh phúc, lành mạnh. Nhiệm vụ dành cho các Tăng Ni hiện nay là phát triển một phương thức đạo đức mới để phục vụ thế giới hiện đại, giải quyết những vấn nạn xã hội mà chúng xuất hiện do sự phát triển kinh tế nhanh chóng gây ra. Các Phật tử xem tài sản như thế nào? Người ta có thể cân bằng lợi ích kinh tế và sự phát triển tâm linh bằng cách nào? Quan điểm của Phật giáo về chiến tranh và hòa bình là gì vào thời điểm đầy bạo loạn và khủng bố hiện nay? Tóm lại, các Phật tử cần tìm cách đổi mới giáo lý của tôn giáo họ để phục vụ con người.

TĂNG ĐOÀN TRONG XÃ HỘI TRUNG QUỐC

Tình trạng kinh tế của cộng đồng Tăng sĩ Trung Quốc đã khiến nhiều thành viên của Tăng đoàn dành hết năng lực của họ cho việc phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho các chùa viện; không có nhiều thời gian cho việc giảng pháp và thiền định, dẫn đến những chức năng tôn giáo then chốt của chùa viện đang có nguy cơ chỉ để làm cảnh. Trong thực tế, vấn đề về mối liên hệ thích hợp giữa cộng đồng Tăng sĩ Phật giáo và xã hội rộng lớn hơn là không mới; nó là chủ đề đã được bàn luận suốt theo lịch sử Phật giáo. Đối với Phật giáo Trung Quốc, chức năng đúng của cộng đồng Tăng lữ được tóm tắt bằng câu “cân bằng giữa nông nghiệp và thiền định” xuất phát từ ngài Mã Tổ (媽祖 700-788) đời nhà Đường. Mã Tổ đề xướng quan niệm về việc cân bằng những hoạt động nông nghiệp với việc thực hành thiền khi ngài cho kiến tạo các tự viện ở trong rừng. Đệ tử của ngài là Bách Trượng Hoài Hải (百丈懷海 720-814) đã bổ sung thêm quan niệm đó với một câu nói nổi tiếng, “Một ngày không làm, một ngày không ăn” (Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực).

Quan niệm rằng lao động chân tay - thêm vào việc thực hành thiền định - là một phương tiện cần thiết cho thân và tâm, là không mới lạ với Phật giáo trong thời kỳ hiện đại. Tuy nhiên, có thể nói rằng sự thực hành hiện nay về việc “cân bằng nông nghiệp với thiền định” đã chệch ra khỏi mục đích căn bản là thiết lập một môi trường tốt hơn ở trong các tự viện mà ở đó chính yếu dùng để giảng dạy Phật pháp. Đáng tiếc, một số Tăng sĩ ngày nay coi trọng nông nghiệp và lợi tức hơn là tu tập thiền định. Các chùa viện bây giờ đang tham gia tích cực vào quy trình thương mại tiêu biểu cho đời sống kinh tế của người Trung Quốc hiện nay, một hiện tượng tương tự với xã hội Bắc Mỹ. Rõ ràng, sự thương mại hóa này dẫn đến nguy cơ là làm suy yếu khả năng tập trung vào công việc chính của các Tăng sĩ, nói theo ngôn ngữ Phật giáo là giải thoát chúng sanh ra khỏi khổ đau và truyền bá giáo pháp.

Một kết quả có ý nghĩa của việc phục hưng Phật giáo trong 15 năm qua là sự gia tăng số lượng Tăng sĩ đáng kể, ước tính gần đây nhất là khoảng 180.000 người. Tuy nhiên, sự phát triển Phật giáo vào quần chúng là không thành công. Có rất ít những tổ chức Phật giáo thế tục và ít người công khai thừa nhận họ là tín đồ Phật giáo, ngoại trừ ở những vùng - nơi mà những cộng đồng tộc người thiểu số chiếm ưu thế. Những tổ chức thế tục hiếm khi tổ chức những buổi thuyết trình và hội thảo về Phật giáo, hay mời những giảng sư nổi tiếng của Phật giáo nói chuyện và cũng thiếu một sự hỗ trợ, cộng tác hỗ tương giữa Tăng Ni và cư sĩ.

Sự thực, một lý do mà tại sao các Tăng Ni đã bị cuốn vào công việc kinh doanh là vì họ nhận quá ít sự hỗ trợ từ các Phật tử tại gia. Để rồi, Tăng Ni không thể thường xuyên đóng góp được cho đời sống Phật tử tại gia bằng hình thức giảng dạy và hướng dẫn tu học. Sự thiếu hòa hợp giữa Phật tử tại gia và hàng Tăng sĩ là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà Phật giáo Trung Quốc hiện đang đối mặt. Trong một vài tự viện, một thiểu số của cộng đồng đã đi quá xa khi họ có những việc làm vi phạm pháp luật, làm tổn hại thanh danh Phật giáo một cách nghiêm trọng và làm hãm lại sự phát triển của Phật giáo. Các Phật tử Trung Quốc hiện nay phải tìm cách thắt chặt mối liên hệ giữa hàng tại gia và giới xuất gia, giống như ở Thái Lan và Tích Lan; đặt ra những điều luật rõ ràng cho những ai muốn vào chùa xuất gia.

PHẬT GIÁO VÀ QUỐC TẾ HÓA

Từ thời điểm truyền bá vào Trung Quốc vào thế kỷ thứ nhất (TL), Phật giáo đã phát triển thông qua một tiến trình trao đổi quốc tế. Việc chuyển dịch kinh Tứ Thập Nhị Chương đã đánh dấu sự khởi đầu của Phật giáo ở Trung Quốc. Tiến trình dịch thuật cũng như quốc tế hóa đã giúp truyền bá Phật giáo đến Hàn Quốc, Nhật Bản và Tây phương. Đời Tùy và đời Đường là thời kỳ vàng son của Phật giáo ở Trung Quốc, một phần nhờ vào những cuộc viếng thăm, giao lưu các nước thường xuyên: các học giả Trung Quốc đến Ấn Độ để nghiên cứu Phật pháp, các Tăng sĩ Nhật Bản đến Trung Quốc tầm sư học đạo. Trao đổi quốc tế giữa các Phật tử đã đạt đến đỉnh điểm xán lạn của nó. Tuy nhiên, thời kỳ hậu thuộc địa của lịch sử Trung Quốc thì thật ảm đạm. Trong suốt thời kỳ nội chiến giữa những người cộng sản và những người theo chủ nghĩa dân tộc, chùa chiền bị chiếm đóng, đất đai bị chiếm dụng, Tăng sĩ bị xua đuổi thậm chí là bị hành quyết. Nhà cải cách vĩ đại Thái Hư đại sư (太虛大師 1890-1947) đã tìm cách phục hồi Phật giáo Trung Quốc bằng việc tạo nên những hình thức tổ chức mới. Ngài thiết lập những tổ chức Phật giáo và khuyến khích Tăng sĩ ra nước ngoài học, như họ đã thực hiện hơn một ngàn năm trước. Trong suốt 20 năm giữa 1921-1941, hơn 30 Tăng sĩ Trung Quốc đã được gửi ra nước ngoài học. Những người này học ở Tây Tạng, Ấn Độ, Tích Lan và đạt được những thành quả tốt đẹp. Kết quả của việc đào tạo quốc tế này là một thế hệ giảng sư Phật giáo Trung Quốc đã được duy trì để phát triển ở Trung Quốc tại thời điểm khi Phật giáo gặp khó khăn.

Ngày nay, Phật giáo đối mặt với một nhu cầu tương tự đối với việc đào tạo quốc tế. Còn rất ít những vị thầy tài đức sống sót sau Cách mạng Văn hóa, và số ít này cũng đã già yếu. Phật giáo Trung Quốc hiện tại trước sau đối mặt với việc thiếu các bậc thầy có tài, có tâm và thiếu các nguồn giáo dục. Hai kế hoạch hiện đang được đặt ra cho sự thành công của Phật giáo trong tương lai. Một mặt, những đóng góp đã có qua việc thiết lập các trường Phật học ở Trung Quốc. Một hệ thống giáo dục Phật giáo bây giờ đã được thiết lập với các cấp học: sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Đến thời điểm này, 2 học viện cao cấp đã được thành lập, 20 học viện trung cấp được hình thành. Mặt khác, như trước đây, các Phật tử được khuyến khích ra nước ngoài học. Điều này được xem là một giải pháp linh động và khả thi, điều có thể giúp Phật giáo Trung Quốc theo kịp trình độ Phật học và sự thực hành Phật giáo khắp toàn cầu.

Vào năm 1982, lãnh đạo Phật giáo Triệu Phác Sơ đã gửi nhiều Tăng sĩ sang nghiên cứu tại Nhật Bản, Tích Lan, Thái Lan, Anh và Miến Điện. Bản thân tôi cũng là một trong số đó. Tôi đã học ở Tích Lan từ năm 1986 cho đến 1995. Theo kinh nghiệm của tôi, Tích Lan là một nơi lý tưởng để nghiên cứu Phật giáo Theravada. Trước đây khi còn được gọi là Ceylon, Tích Lan là thuộc địa của Anh gần 300 năm cho đến khi độc lập vào năm 1948, và do đó tiếng Anh ở đó rất tốt. Những học giả Trung Quốc thành thạo tiếng Anh có thể sang học tiếng Pali và nghiên cứu Phật giáo Theravada ở Tích Lan. Thêm nữa, sau độc lập, chính phủ Tích Lan đã sử dụng giáo lý và những tổ chức Phật giáo để chống lại chủ nghĩa thực dân; như vậy Phật giáo vẫn hòa nhập tốt vào cơ cấu xã hội. Trong suốt thập niên 50 thế kỷ trước, Phật giáo là một môn học phổ thông dành cho lớp trẻ, và nhiều Tăng sĩ trẻ Tích Lan đã ra nước ngoài du học. Những Tăng sĩ này hiện đang tích cực tham gia vào nghiên cứu Phật học và đóng vai trò then chốt trong việc phát triển Phật giáo. Có hơn 40 Tăng sĩ Trung Quốc hiện đang học tại Tích Lan. Phật giáo Trung Quốc (trong quá khứ) phát triển không ngoài sự tương tác giữa các Tăng sĩ Ấn Độ và văn hóa Trung Quốc. Có nhiều lý do để tin rằng sức mạnh tương lai của Phật giáo không chỉ nằm ở nơi sự thịnh vượng kinh tế, mà cũng nằm nơi những liên kết quốc tế, mà trong suốt nhiều thế kỷ đã là một trong những đặc điểm của một tôn giáo thực sự của thế giới.

Thích Nguyên Hiệp (dịch)
[Tập san Pháp Luân - số 80, tr40, 2011]