Bạn biết không? Người ta đi thuyền, gặp sóng to, gió lớn, người lái thuyền không làm chủ được tay lái, thuyền bị lật, những người ngồi trong thuyền phần nhiều không biết bơi, nên bị chết chìm dưới nước. Người ta chết chìm như vậy, thật chẳng có gì khó hiểu.
Vua Trần Nhân Tông, cách đây hơn bảy thế kỷ đã nói cho chúng ta về nghĩa chết chìm của con người ta một cách kỳ lạ trong bài kệ bốn câu như sau:
“Hữu cú vô cú
Tự cổ chí kim
Chấp chỉ vong nguyệt
Bình địa lục trầm”.
Nghĩa là:
Câu có câu không
Từ xưa đến nay
Chấp ngón quên trăng
Đất bằng chết chìm.
Người ta chết chìm không đợi họ phải xuống nước và bị nước nhận chìm, mà người ta ở trên đất liền, đất bằng phẳng mà vẫn bị chết chìm như thường.
Ở trên đất liền, nhiều người đã bị chết chìm bởi những sự quan hệ đối đãi của họ. Họ nghĩ rằng, “ăn một miếng, trả một miếng” mới là lẽ phải, mới là công bằng. Nên, người ta chửi mình, thì mình chửi lại; người ta đánh mình, thì mình đánh lại; người ta bôi nhọ mình, thì mình bôi nhọ họ lại; người ta giết mình, thì mình giết lại; người ta hơn mình, thì mình phải tìm cách hơn họ lại. Chính những quan hệ đối đãi đó đã nhận chìm thế giới con người vào biển cả sầu hận và khổ đau.
Như vậy, con người ở trên đất bằng mà bị chết chìm là vậy.
Con người đã nhận chìm đời mình trong cái nhận thức nhị biên, đối đãi của nó. Và đã bị chết chìm trong cái chấp ngã của nó. Mỗi khi đã chấp ngã, thì con người chạy bươn theo ngũ dục và sẽ bị ngũ dục[1] nhận chìm, sẽ bị sáu trần[2] lừa phỉnh.
Nên, bấy giờ con người quên đi mục đích sống, mà chạy theo và bám lấy phương tiện sống, khiến cho họ bị những phương tiện sống nhận chìm, mà vua Trần Nhân Tông nói, “từ xưa tới nay, chấp ngón quên trăng”.
Ngón tay của bậc đạo sư dùng để chỉ mặt trăng cho học trò, chứ không phải ngón tay là mặt trăng. Người học trò lại bám lấy ngón tay và cho ngón tay là mặt trăng. Như vậy, người học trò vĩnh viễn không thấy mặt trăng, vì nó đang bị ngón tay nhận chìm nó. Nó đứng trên đất bằng mà chết chìm. Nó chết chìm vì nhận thức sai lầm của nó, không những đối với mặt trăng mà ngay cả đối với ngón tay. Tội nghiệp cho nó, nó đang ở trên đất bằng mà bị chết chìm. Không phải nó đang chết, mà nó đã chết chìm và nó sẽ tiếp tục tái sanh để tiếp tục đời sống chết chìm ấy trong tương lai.
Cũng vậy, những gì đức Phật dạy cho học trò của Ngài được ghi lại ở trong kinh điển, chỉ là những pháp môn giúp cho người thực hành giác ngộ, chứ nó không phải là giác ngộ. Nếu tu học, ta bị mắc kẹt vào pháp môn, ta sẽ bị pháp môn nhận chìm và ta sẽ bị chết chìm ở trong pháp môn. Điều ấy, cũng chẳng khác nào, vua Trần Nhân Tông nói: “Bình địa lục trầm”.
“Bình địa lục trầm” là một công án, không phải chỉ dành cho giới thiền học tham chiếu, mà còn dành cho những ai không những biết đi bằng đôi chân, mà còn biết đi bằng cái đầu!
[1] Ngũ dục: Năm đối tượng mà con người ưa thích – Tiền tài, sắc dục, danh tiếng, ăn uống và ngủ nghỉ.
[2] Sáu trần: Sáu thứ bụi của thế gian gồm: sắc tướng, âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc chạm và ảnh tượng.
Thích Thái Hòa
Tập san Pháp Luân - số 75, tr20, 2010]