Người Phật tử qua các khóa tu

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Mấy ngàn năm dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ Việt Nam cũng từng được thương mến, quý trọng, nhưng với những qui ước của xã hội như: Tam tòng (“tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” nghĩa là khi ở nhà thì phải tùy thuộc lệnh của người cha, lúc lấy chồng thì phải lệ thuộc chồng và chồng chết thì phải theo con) hoặc “phu xướng phụ tùy” (người vợ phải phục tùng phụ thuộc người chồng).

Nam giới trong xã hội cũ được tôn vinh hơn hẳn nữ giới, họ luôn là “gia trưởng”, là chủ gia đình… và những tập quán ấy trở thành những qui ước cố định, là chuẩn mực về đức hạnh của người phụ nữ từ con nhà danh gia phú qúi đến bần nông dân dã. Người xưa cho rằng đó là nền tảng luân lý, là lẽ thường tình không phải suy nghĩ lại; nhưng trớ trêu thay, những luật lệ ấy đã khiến người phụ nữ phải cam chịu bao đắng cay, đau khổ không thể tỏ bày với ai được. Mãi đến những năm giữa thập niên 30 của thế kỷ XX, với ảnh hưởng tư tưởng phương Tây, đã có những phong trào đặt ra vấn đề “giải phóng phụ nữ”. Như mưa dầm thấm đất, người phụ nữ đã dần bước ra khỏi ngưỡng cửa gia đình với những lệ thuộc chặt chẽ của luật “tam tòng”, để được cắp sách đến trường, được mở rộng quan hệ xã hội, đảm nhiệm công việc của xã hội và khẳng định được khả năng, giá trị của người phụ nữ đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Cho đến ngày nay thì vai trò của người phụ nữ đã được tôn vinh hơn nhiều. Họ được bình đẳng hơn với nam giới từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Đồng thời họ cũng phải đảm đang, nhận lãnh nhiều nhiệm vụ, bổn phận hơn trong cuộc sống. Bởi vì người phụ nữ được đi học, làm bác sĩ, kỹ sư hoặc là làm giám đốc, kinh doanh… có vai vế trong tổ chức chính quyền, thì họ vẫn là một nội tướng, là người nội trợ chủ chốt của gia đình mình. Dù có bận bao công tác bên ngoài, khi về nhà họ vẫn quản lý, tổ chức tổ ấm của mình từ việc nấu nướng, chợ búa, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái, phụng dưỡng cha mẹ, và nhất là phải phục vụ chồng. Họ vẫn luôn luôn là người đi ngủ trễ nhất và thức dậy sớm nhất. Nếu được sự yêu thương quan tâm hỗ trợ của chồng, thì người phụ nữ còn cảm thấy cam lòng khi phải dành hết sức lực và tình cảm cho gia đình. Còn chẳng may gặp cảnh người chồng vô tâm, vô tình, trút hết trách nhiệm trên vai người vợ, và đối xử không khéo léo hoặc là còn đánh mắng vợ, nặng lời trong cơn say xỉn; hay con cái ngỗ nghịch, hư hỏng nữa thì cuộc đời của người phụ nữ lại càng vô vàn đau khổ, muộn phiền. Vì vậy dù được sống trong xã hội tiến bộ hơn, được luật pháp bảo vệ, cũng chỉ mới là những “giải phóng” ngoại tại; chứ đời sống tinh thần, nội tâm của người phụ nữ vẫn chưa được quan tâm đúng mức để họ có được những hạnh phúc, an lạc thực sự trong cuộc đời.

Mãi đến khi những người phụ nữ được tự do tìm đến các khóa tu do chùa, tịnh xá, tịnh thất tổ chức thì khả dĩ họ mới có được niềm hỷ lạc trong tâm hồn. Ở nơi đây, người phụ nữ thật sự được tôn trọng và đối đãi công bằng trong tập thể, cộng đồng. Bởi vì người tham dự dù giàu có hay nghèo khó, có học thức hay lao động bình dân, thì đều ăn chay nằm đất với nhau, cùng ngồi xếp bằng trong giảng đường để nghe pháp, cùng ngồi trệt trên những tấm bồ đoàn mà tụng kinh, niệm Phật, cùng mặc một sắc phục màu lam hiền hòa, giản dị như nhau. Mỗi lần được dự khóa tu Bát Quan Trai, người phụ nữ lại được giải phóng một ngày một đêm ra khỏi những vướng bận từ công ăn việc làm đầy bon chen, hơn thua đến những lo toan, vất vả của các công việc không tên trong nhà mà luôn bận rộn từ sáng tới tối. Dự khóa tu một ngày An Lạc là được rảnh rang từ tâm tư đến sức lực suốt một ngày. Và mỗi một khóa tu Phật Thất thì người phụ nữ lại càng được bứt bỏ bao trần duyên vướng bận để được nếm hương vị cuộc đời giải thoát trong một tuần lễ. Nếu không có những khóa tu được tổ chức từ tấm lòng từ bi của chư Tôn đức, thì người phụ nữ nói chung từ trẻ đến già đều phải đi lao động hoặc buôn bán hay công tác trong cơ quan. Ở nơi nào, người phụ nữ cũng phải vắt tim óc, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có tiền đem về nhà cùng với chồng nuôi con cái, vun đắp cho gia đình. Hoặc giả không phải bon chen, hơn thua giữa chợ đời thì cũng phải giữ nhà, trông cháu cho con cái đi làm. Có người đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn còn phải chịu đựng các tập khí “làm chồng nói oan, làm quan nói hiếp” hay “chồng chủ vợ tôi” của đức ông chồng đến nỗi cứ gạt nước mắt khóc thầm. Nếu không dự được các khóa tu làm sao người phụ nữ có thể hóa giải được những niềm đau, nỗi khổ ấy? Vì có nói ra với ai thì cũng “xấu thiếp hổ chàng” mà đành nén chặt trong lòng thôi.

Tuy nhiên để vứt được những vướng bận kia, thật chẳng dễ dàng với người phụ nữ, vì họ luôn “một chân bước ra ba chân bước lại”. Không những phải thu xếp việc làm ăn đến việc nhà, họ còn phải liệu lời mà nói với đức ông chồng hoặc con cái mà họ đang phải lệ thuộc, làm sao cho những người ấy bằng lòng cho họ rời nhà. Phước thay nếu gặp được người chồng đồng tâm đồng chí cùng đi tu học. Hay cũng hạnh phúc lắm nếu được chồng con ở nhà vui vẻ, ủng hộ, tạo điều kiện cho vợ, cho mẹ đến chùa học đạo. Còn phần đông đều rất buồn khổ, nặng lòng vì bị chồng con không hưởng ứng, lại nói mỉa mai, trêu chọc, có khi còn “vu khống, lộng ngôn” để cản trở, khiến người người phụ nữ thường phạm giới “nói dối” để được vào chùa tham dự khóa tu. Cho nên phải thấy rằng mỗi người phụ nữ đi dự khóa tu đều có quyết tâm mạnh mẽ, tin sâu vào Tam Bảo, dứt khoát xả bỏ trần duyên để mong cầu giải thoát về sau. Lúc này, họ đã biết nghĩ đến bản thân, thương cho số kiếp, phận mình mà tìm cách tu tập hành trì Phật pháp để tích lũy tư lương… chuẩn bị con đường theo Phật về Tây phương. Họ đã thấy được rằng càng bám víu những ràng buộc trần thế, càng không thể nào giải thoát được thân tâm và chẳng bao giờ chuyển hóa được khổ đau cho mình cũng như cảm hóa quyến thuộc đi vào đạo giải thoát.

Vì vậy người phụ nữ chỉ thật sự an lạc thảnh thơi khi được ở trong đạo tràng tu học. Đến đây, họ học cách huân tập những thiện nghiệp cho thân-khẩu-ý thanh tịnh. Khi ba nghiệp được thanh tịnh rồi thì phước huệ sẽ hiển hiện cho tâm họ được thanh nhàn. Nếu không tu tập với đạo tràng mà đang buôn bán thì chắc là thân cùng khẩu sẽ tạo nhiều ác nghiệp hơn thiện nghiệp. Bởi đã vào trong vòng xoáy của sự hơn thua, tranh giành được mất về tiền tài, danh lợi… làm sao thân, khẩu, ý tránh được ác nghiệp? Còn ở trong khóa tu, với tiêu chí giữ chánh niệm và tịnh khẩu thì đâu có thể vọng ngôn, vọng ngữ nữa? Chung quanh mình, ai cũng nói lời niệm Phật, đi kinh hành và tư duy có chánh niệm thì tâm làm sao dấy động để “khẩu xuất bất hảo”. Ở trong khóa tu rồi thì nhất cử nhất động đều phải khoan thai nhẹ nhàng, nói lời ái ngữ, cử chỉ hòa nhã khiến tham, sân, si thường ngày phải nép mình, thu tiếng lại mà thôi. Nhờ thế mà mỗi ngày qua, niềm an vui càng trào dâng và cảm nhận hạnh phúc trong ánh hào quang của chư Phật.

Nói chung, khi được trực tiếp cùng bao người Phật tử dự các khóa tu mới cảm nhận được niềm hạnh phúc, hỷ lạc hiếm có của người phụ nữ trong cuộc đời. Nếu để tâm lắng nghe thì sẽ hiểu là hầu hết đều có những nỗi niềm riêng mà hình như toàn là nỗi niềm đau khổ, nhất là trong lĩnh vực tâm linh. Vì vậy, nữ Phật tử cùng cảm niệm ân đức vô lượng của đức Từ phụ, của đức A-nan tôn giả, của chư Tổ, chư Tôn đức vì lòng bi mẫn mà mở các đạo tràng, các khóa tu cho người phụ nữ được dự phần. Mong sao mọi Phật tử đều được thăng tiến trên con đường học Phật của mình để có đủ năng lực làm lợi ích cho nhân sinh và người nữ Phật tử sẽ biết cách nương tựa vào tăng thân: kết nghĩa, chung thủy với tăng thân để tự cứu cuộc đời mình và đời đời kiếp kiếp sẽ được xa lìa những khổ ách ác nghiệp, vượt khỏi luân hồi sinh tử của kiếp chúng sinh trong cảnh Ta-bà.

Tâm Quả
[Tập san Pháp Luân - số 73, tr52, 2010]