Giáo dục Phật giáo - xây dựng và bảo vệ hòa bình thế giới

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trong nhân gian có câu nói: “Mất trâu rồi mới làm chuồng”, nghĩa là không biết lo xa, để trâu bị mất rồi mới lo việc làm chuồng, nếu làm chuồng trước thì trâu đâu có bị mất! Ai nghe cũng thấy “chuyện bình thường, ngớ ngẩn” vậy mà cũng dạy người ta!!...

 

Kính thưa quí vị và các bạn!

Trong nhân gian có câu nói: “Mất trâu rồi mới làm chuồng”, nghĩa là không biết lo xa, để trâu bị mất rồi mới lo việc làm chuồng, nếu làm chuồng trước thì trâu đâu có bị mất! Ai nghe cũng thấy “chuyện bình thường, ngớ ngẩn” vậy mà cũng dạy người ta!! Xin thưa, thế giới chúng ta đang sống, trong đó có anh chị em chúng ta, cũng đang ngớ ngẩn, dại dột như thế [bởi vì mình không “thấy” được sai lầm của mình chứ nếu thấy được thì ai mà còn dại dột nữa! phải không, thưa các bạn?]

Trong những năm gần đây, rất nhiều sự bạo hành xảy ra ở khắp nơi: ở tầm cỡ thế giới thì có nạn “khủng bố” như vụ 9/11 ở Hoa kỳ, nhỏ hơn thì có những vụ cha mẹ giết con, và ngay trong nhà trường, học sinh xách súng vào bắn thầy cô giáo và bạn bè, v.v… chuyện giết chóc xảy ra hằng ngày, thật là đáng sợ... Trước những vụ việc ấy, người ta mới la hoảng lên, mới cầu cứu đến các tôn gíáo, mới hô hào cầu nguyện cho hòa bình thế giới, v.v… như vậy há không phải là mất “con trâu hòa bình” rồi mới làm cái chuồng “thực hành tôn giáo” hay sao?

Thưa quí vị và các bạn,

Hòa bình thế giới chỉ có thể trở thành hiện thực và tồn tại khi và chỉ khi trong Tâm mỗi người chúng ta có hòa bình, có ý chí muốn sống hòa hợp tin yêu vui vẻ với tha nhân; thật vậy, cho nên chúng ta cũng thường nghe lời dạy của đức Phật là: “Tâm bình thì thế giới bình”.

Còn thế giới của chúng ta hiện nay thì sao? Mỗi quốc gia đều có những tham vọng, ước muốn, mưu tính… đi ngược lại với quyền lợi của quốc gia láng giềng hay một quốc gia khác: Công an Trung Hoa bắn chết ngư dân Việt Nam; Trung Cộng đàn áp Phật giáo Tây Tạng và giết hại dã man người Tây Tạng khiến cho đức Đạt-lai Lạt-ma 14 phải sống lưu vong từ những ngày còn niên thiếu; rồi chiến tranh giữa các phe ở Iraq, ở các quốc gia của những “người Do Thái lang thang” ngày xưa, v.v… và nhỏ hẹp hơn, trong từng nội bộ các cộng đồng cũng có tranh chấp, chia rẽ, nghĩa là “chiến tranh lạnh” nổi lên khắp nơi! :-)  Bởi vậy, đức Phật dạy chúng ta phải huấn luyện từ cái Tâm của mình, TÂM có cân bằng, hướng thiện thì CẢNH (Thế giới) mới hòa bình và chúng sanh mới an lạc được. Mà muốn cho Tâm an thì đời sống phải ổn định, dân chúng phải no ấm, v.v.. nên đức Phật không chỉ dạy Tứ Đế cho đệ tử của Ngài mà còn dạy cho người nông dân sử dụng đồng tiền mình kiếm được, dạy cho ông thương gia về cách phát triển sự nghiệp của mình, dạy cho các nhà lãnh đạo quốc gia (các vị vua chúa) cách trị nước an dân bằng những kế hoạch kinh tế... và Ngài còn dạy cho những em bé mục đồng (người chăn trâu) nghệ thuật chăn trâu nữa… Những điều này được giảng dạy từ cách đây mấy ngàn năm và được ghi chép lại trong kinh điển hẳn hoi (Kinh Trung Bộ, Kinh Tăng Chi, Kinh Tương Ưng, v.v…)

Anh Chị Em huynh trưởng (HTr.) Gia Đình Phật Tử (GĐPT) dạy Phật Pháp cho các em, thường phải đối diện với những câu hỏi ngây thơ nhưng không phải là đơn giản của các em ngành Thiếu về các vấn đề giáo lý đã đành mà còn những câu hỏi như “Người ta nói Phật giáo chỉ dạy những giáo lý cao siêu, triết lý xa vời mà không thực tế như những vấn đề của thời cuộc như công nghiệp, kinh tế, giải quyết nạn thất nghiệp…” Vì vậy, anh chị em HTr. phải học, đọc và tìm hiểu trong các Kinh, để có thể giải đáp khi các em đặt vấn đề. Xin mời quí vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại bỏ túi giữa các HTr. quen thuộc A, B, C của chúng ta và xin chỉ giáo, bổ sung cho.
A: Đề tài của chúng ta hôm nay là “Phật Pháp với vấn đề bảo vệ hòa bình thế giới” sao ?  
B: Nói ngắn gọn là vậy vì hòa bình phải xuất phát từ lương tri con người, nên muốn có hòa bình cho nhân loại thì mỗi thành viên đều phải đóng góp làm cho bản thân mình có sự bình an trước; nhưng mục đích chúng ta còn để nói lên giáo dục Phật giáo đào tạo một con người sống Đạo như thế nào để góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, an lạc.
C: Đúng vậy, những người không học Phật đã đành, ngay các em của chúng ta cũng vậy! Có em phát biểu rằng đạo Phật dạy những điều cao siêu quá mà không dạy những điều thực tế như kinh tế, kiếm việc làm, thất nghiệp, v.v…   !!
A: Có lẽ vì những bài học về Phật Pháp của chúng ta dạy cho các em thiên về tu hành, ví dụ như tụng kinh, trì chú, niệm Phật, ngồi thiền, sám hối, v.v.. chứ kinh Phật thì dạy đủ hết chứ bộ!
B: Phải đó, thời đại bây giờ các em có thể tìm đọc trên net những bộ kinh Đại Tạng trong đó đức Phật dạy cho người nông dân, người trí thức, em bé chăn trâu, cho đến vua chúa, v.v… Vì quan niệm rằng mấy môn đó đã có nhà trường và gia đình truyền dạy nên các anh chị của chúng ta ngày xưa soạn ra chương trình Phật Pháp không đưa vào mà thôi.
C: Vậy chúng ta cũng nên giới thiệu để các em có thể nghiên cứu tham khảo thêm cho thỏa chí tò mò của tuổi trẻ và để các em biết đạo Phật dạy chúng ta giải quyết những vấn đề ngay trong cuộc sống hằng ngày.
A: Các bạn có nghe câu chuyện của cậu bé Michael 14 tuổi con một gia đình giàu có ở Seattle (USA) trở nên hư hỏng vì bị bạn bè xấu lôi cuốn (cậu ta trốn học, sử dụng ma túy, bị cảnh sát bắt giữ, rồi lại phạm tội ăn trộm ở tư gia và rồi trộm ở cả các cửa hàng, v.v… nghĩa là không thiếu một thói hư tật xấu nào!) Bà mẹ là bà Chou vô cùng tuyệt vọng nhưng cuối cùng đã gặp một duyên lành, bà gởi cậu bé vào chùa Krolong (Cam-bốt) để nhờ chư Tăng nuôi dạy cậu con trai yêu quí.
B: Điều kỳ diệu là cậu bé đã hoàn toàn trở nên một con người mới sau khi bất đắc dĩ sống đời xuất gia hơn một năm trong một ngôi chùa hoàn toàn thiếu mọi tiện nghi vật chất. Cùng với chư Tăng ở đó, cậu làm việc chùa, hành thiền, khất thực… sống trong giới luật của người tu sĩ. Sau đó, cậu trở về đời sống bình thuờng và phát biểu một câu có sức mạnh thuyết phục mãnh liệt cho bà con hàng xóm láng giềng về sự chuyển hóa kỳ diệu trong nhận thức.
C: Là câu gì vậy?
A: Michael nói: “Tôi đã học được rằng chúng ta nên từ bỏ những điều chúng ta ham muốn mà bằng lòng với những điều chúng ta đang có. Tôi đã học về đời sống của chúng ta sau khi chết và được dạy rằng nếu chúng ta làm điều thiện thì đời sau chúng ta sẽ được hạnh phúc.”
C: Như vậy là Michael mới học được định luật nhân quả mà đã giác ngộ như vậy rồi; cậu ta thông minh thật đó.
B: Đúng vậy, nhưng chúng ta nên nhớ rằng, lời phát biếu của Michael chứng tỏ cậu ta đã được chư Tăng giáo dục về nguyên nhân của khổ đau là những hành động bất thiện cũng như giáo lý về NGHIỆP nữa đó! Vì vậy cậu ta mới hiểu về “đời sau” chứ!
A: Phải, phải! chắc chắn chư Tăng đã dạy cho cậu ta: nghiệp chính là hành động của thân, miệng và ý. Và chúng ta là người kế thừa duy nhất của nghiệp, người chủ của nghiệp, bị trói buộc bởi nghiệp. Nghiệp thiện hay bất thiện sẽ dẫn chúng ta đến một đời sống hạnh phúc hay đau khổ…
B: Còn nữa!… chúng ta có thể thay đổi “định mệnh” bằng cách thay đổi nghiệp. Michael (và cả chúng ta nữa) khi chưa biết giáo lý về nghiệp thì đúng là những con người không biết lái xe mà nhắm mắt lái xe trên xa lộ của đời sống!  
C: Mình hiểu rồi, nếu anh ta muốn khỏi bị tai nạn, anh ta phải mở mắt ra (hiểu bíết), học cách lái xe (giáo lý về nghiệp) và tránh những chỗ nguy hiểm (những hành động bất thiện). Nói đến nghiệp làm mình nhớ là mình thường bị các em chất vấn rằng: trong 3 loại nghiệp (Thân, Miệng và Ý), nghiệp nào quan trọng nhất? Mình có hơi lúng túng khi trả lời câu hỏi này.
A: Thân nghiệp và khẩu nghiệp tùy theo luân lý, luật pháp, truyền thống xã hội mà nặng nhẹ khác nhau nhưng theo Phật Pháp, Ý nghiệp là quan trọng nhất.
B: Đúng vậy, cùng với một hành động, một lời nói… thân nghiệp và khẩu nghiệp là thiện hay bất thiện tùy theo mục đích của Ý.
C: Các bạn hãy nói rõ hơn một chút được không?
A: Này nha! Người bác sĩ giải phẫu cầm con dao mổ cho bệnh nhân, với sự cố gắng toàn tâm toàn ý đem lại sự bình phục cho bệnh nhân; nhưng phẫu thuật không thành công vì những biến cố xảy ra ngoài ý muốn: người bệnh chết! Một kẻ sát nhân dí dao vào cắt cổ nạn nhân để cướp của: nạn nhân chết! Tuy kết quả giống nhau (làm thiệt hại một mạng người)  nhưng Ý của người Bác sĩ là thiện, của kẻ cướp là ác được thấy rất rõ ràng. [Ý trong trường hợp này là Tâm].

B: Tương tự, khi chúng ta vì giận dữ hay ganh ghét mà sỉ vả một người khác, mắng họ là “đồ ngu!” chắng hạn, đó là hành vi bất thiện, nhưng nếu chúng ta mắng đứa con của chúng ta “đồ ngu!” trong khi quá lo sợ tai nạn xảy ra vì nó chạy băng qua đường thì hành vi này không phải là bất thiện (mà là xuất phát từ sự lo lắng, thương yêu). Kinh Pháp Cú cũng có dạy:
Ý dẫn đầu mọi việc
Ý làm chủ, tạo nghiệp
Nếu làm hay nói với ác Ý
Khổ đau sẽ theo sau
Như bánh xe theo chân con vật kéo
Nếu nói hay làm với tâm trong sạch
Hạnh phúc sẽ theo sau
Như bóng luôn theo hình!

C: Mình đã hiểu rõ: chính “chủ đích” của lời nói và hành động khẳng định kết quả của lời nói hay hành động ấy là thiện hay bất thiện.
A: Thật ra, nhìn sâu hơn một chút, chúng ta nhận thấy rằng Ý đây là phản ứng của tâm ý trước một sự kiện xảy ra. Đức Phật dạy: “Bất cứ khi nào đau khổ khởi lên thì nguyên nhân chính là phản ứng; nếu tất cả phản ứng chấm dứt thì đau khổ cũng không còn nữa.”
B: Thật đúng là như vậy, này nha, khi có ai đó vô cớ mắng chửi ta, nếu chúng ta không phản ứng (nghĩa là không khởi tâm giận dữ, oán ghét, thù hận, v.v… thái độ này gọi là “hỷ xả” hay tha thứ, bao dung) thì sự việc sẽ qua đi không gây ra hậu quả gì.
C: Còn nếu trái lại, hoặc là chúng ta mắng chửi lại, hoặc là cải vả đi đến đánh nhau... rồi sinh ra oán thù chồng chất, có phải vậy không?
A: Phải, và hơn thế  nữa, những phản ứng này được lặp đi lặp lại trong từng khoảnh khắc... làm mạnh thêm với mỗi lần lặp lại, trong sự ghét bỏ (hay ham muốn) - đó chính là sự tạo nghiệp.
B: Đức Phật dạy: có một số phản ứng nhẹ nhàng như nét vẽ trên mặt nước hồ, vừa vẽ xong là bị xóa đi; một số phản ứng khác như vết chân trên cát biển, hay cát sa mạc, có thể bị xóa đi dễ dàng bởi một đợt sóng hay một cơn gió… nhưng cũng có một số phản ứng khác giống như được khắc hay đục sâu vào một tảng đá… tất nhiên rồi chúng cũng sẽ bị tiêu hủy khi tảng đá bị soi mòn, nhưng lâu hơn.  Những phản ứng sâu lắng này rất nguy hiểm và đưa đến đau khổ vô cùng cũng như dẫn đến những mối thù (hay mối tình)  truyền kiếp mà ngài Ngộ Đạt đã gặp trong Kinh Thủy Sám vậy.
C: Thật là cảm ơn các bạn đã soi sáng cho mình nhiều chỗ. Hèn gì ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát dạy cho Thiện Tài phương pháp xảo nguyện để điều chỉnh những phản ứng của chúng ta sao cho nhẹ nhàng, thanh thản, vì mong cầu lợi ích cho tha nhân, thay vì ham muốn hay oán ghét.
A: Bạn nói đúng đó, và chắc bạn nhớ vì đã thực hành thường xuyên; bạn thử cho chúng mình biết bạn áp dụng lời nguyện nào khi gặp một người vô cớ gây sự với bạn?
C: Như vậy đâu có công bằng, cả 3 chúng ta đều nói lên lời nguyện của mình khi gặp hoàn cảnh đó mới được chứ! Mình nói trước nha, bài kệ mình áp dụng khi gặp trường hợp này là:

Cơn giận làm ta xấu,
nguyện cho mọi người
không nên nổi giận
giữ lòng hỷ xả.

B: Còn mình  thầm đọc câu kệ trong Kinh Pháp cú để tự nhắc nhở và tự “vuốt giận” mình:

Lấy Từ thắng nóng giận
lấy Thiện thắng ác hung
lấy Thí thắng sân tham
lấy Chơn thắng hư ngụy.
A: Mình cũng như bạn B, nhờ “thần chú” Pháp Cú chỉ đường và mình đọc thầm ngay:
Xả bỏ lòng giận dữ,
diệt trừ tính kiêu căng
vượt ngoài mọi buộc ràng
của khổ đau oán tắng.

B: Như vậy, chúng ta đã bước đầu thực hiện được “hòa bình thế giới” bằng cách kiến tạo sự hoà bình trong chính bản thân mình. Không những không gây hấn với thiên hạ mà khi thiên hạ vô cớ xúc phạm mình, mình cũng chọn lựa cách phản ứng hòa bình nhất!
A: Ngoài ra, chúng ta phải tỉnh giác, nghĩa là biết rõ chúng ta đang nghĩ gì, làm gì, nói gì… đó là chúng ta đã có thể bước đầu làm chủ nghiệp của mình.
C: Các bạn nghĩ, giáo dục Phật Giáo có đề cập đến những vấn đề xã hội không vậy? ví dụ như vấn đề công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế, tài chánh chẳng hạn?
A: Có chứ; ví dụ như đức Phật đã từng dạy cho một người nông dân nên sử dụng số tiền kiếm được như sau: chia số tiền đó thành 4 phần, một phần chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày, hai phần để đầu tư sinh lời và phần còn lại để dành hay giúp đỡ người nghèo.
B: Lời dạy này cũng có thể áp dụng cho một quốc gia có nền kinh tế phát triển: chỉ cần ¼ tổng số thu nhập cũng đủ chi phí cho các nhu cầu về thực phẩm, áo quần, nhà cửa, thuốc men và giáo dục; là nhũng nhu cầu cơ bản của người dân; 2 phần dành cho những đầu tư sinh lợi và phần còn lại dành cho việc tích lũy (tiết kiệm). Phật giáo luôn khuyến khích việc tiết kiệm - dù là một cá nhân hay một quốc gia - nếu không sẽ phải đối diện với sự khủng hoảng về tài chánh (đối với cá nhân thì chẳng hạn như đau ốm bất ngờ).
C: Cách đây mấy nghìn năm mà đức Phật đã có tầm nhìn xuyên suốt như vậy, hèn gì các bậc vua chúa đương thời đều đến tham kiến ngài trong việc trị nước.
A: Đức Phật còn lưu ý các nhà vua nên quan tâm đến việc hỗ trợ người dân trong nông nghiệp và công nghiệp vì họ là những người làm ra của cải vật chất cho cả nước. Cung cấp cho người dân đầy đủ: hạt giống, gia súc, phân bón,  đất canh tác, dụng cụ tối tân, máy móc đầy đủ và mới, v.v…
B: Đức Phật còn dặn dò các ông vua phải đãi ngộ xứng đáng các chuyên gia, học giả, viên chức chính phủ, v.v… để họ cống hiến hết sức mình cho quốc gia; đừng tạo điều kiện để họ tham nhũng, hối lộ cũng như bỏ bê công việc của mình.
C: Trời ơi, như vậy thì từ hồi “khai thiên lập địa” đã có tham nhũng và hối lộ rồi sao??!!
A: Sao lại không? tham nhũng và hối lộ là biểu hiện của lòng tham lam vô đáy của con người, thời nào lại không có!! Đức Phật còn khuyến khích việc giao thương buôn bán mang lại lợi nhuận cho đất nước và còn khuyên các giới chức chính quyền phải theo dõi, giám sát việc buôn bán để bảo vệ lợi ích của người lao động và người tiêu dùng; việc tích trữ đầu cơ hàng hóa, buôn bán chợ đen, và việc cho vay nặng lãi, v.v… phải được xem là những hành vi phạm pháp.
B: Ngài còn đưa ra 4 đặc điểm cần áp dụng khi một nhà thương gia xin Ngài chỉ cho cách phát triển sự nghiệp kinh doanh của mình; đó là: 1) có năng lực và nghị lực; 2) có sự thận trọng 3) hợp tác với những người có tài, có tinh thần xây dựng, có phẩm chất đạo đức tốt 4) cuộc sống được cân bằng (nghĩa là không tiêu xài phung phí xa hoa cũng không quá keo kiệt.)
C: Như vậy, đức Phật cũng dạy cho ngưòi Phật tử những cách vươn lên trong các sinh hoạt xã hội chứ đâu phải bảo chúng ta hãy bằng lòng với những gì đang có nghĩa là cứ giữ cuộc sống nghèo hoài, có phải không?
A: Phải rồi, “bằng lòng với thực tại” có nghĩa là “ít muốn, biết đủ” không tham lam của người để lao vào những hành vi bất thiện; nhưng bên cạnh đó, người Phật tử phải luôn nỗ lực để hoàn thiện chính mình; đó là lý do đức Phật luôn nhấn mạnh đến 2 đức tính là “tinh tấn” và “tỉnh giác”.
B: Do vậy, giáo dục Phật giáo cho con người một niềm tin là bất cứ khó khăn nào cũng có thể khắc phục, vượt qua để tiến đến một cuộc sống tốt đẹp hơn bằng chính năng lực và nghị lực của mình.
C: Cảm ơn các bạn đã gián tiếp giới thiệu những bộ Kinh Tăng Chi, Trung Bô, Tương Ưng, v.v… mình sẽ tìm đọc kỹ hơn để có thể giải đáp thắc mắc của các em của mình.
A: Như vậy, buổi hội luận hôm nay cũng khá đầy đủ, chúng ta tạm dừng nơi đây, hẹn gặp lại lần sau nha!  Tạm biệt!
B và C: Tạm biệt! Tạm biệt!

Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân - số 73, tr44, 2010]