Tiến trình tu chứng ý sanh thân trên cơ sở Như Lai tàng

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trải qua sự thăng trầm của lịch sử Phật giáo hơn 25 thế kỷ, mục đích của chúng ta là giác ngộ và giải thoát. Suối nguồn đó được đức Thích-ca từ phụ khơi mạch, được bao thế hệ sư đồ thay nhau duy trì và xiển dương mạng mạch của Phật pháp. Trên lộ trình tìm cầu chân lý, tìm về mục đích tối hậu, mỗi hành giả cần phải nỗ lực tinh tấn tu tập để đạt đến quả vị cứu cánh, đem lại niềm an lạc tự tâm cho mình và tất cả muôn loài.


Thiết nghĩ, bất cứ sự chứng đắc nào cũng đều phải trải qua một quá trình thực nghiệm tâm linh, thấu đạt sự lý thì mới có thể gặt hái những thành quả đáng kể trên con đường giác ngộ giải thoát, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thế nên, trong kinh Lăng Già, bộ kinh thuộc hệ tư tưởng Đại  thừa, có vị trí quan trọng trong hệ thống giáo lý Phật giáo, có đề cập đến ý sanh thân qua sự tu chứng Bồ-tát thừa, Phật thừa trên cơ sở Như Lai tàng. Như vậy ý sanh thân là gì? Và quá trình tu chứng ý sanh thân như thế nào?

Ý sanh thân tức là khi ý phát khởi thì thân lập tức có mặt, tâm của chúng ta rất nhạy bén, nó có thể nhận biết tất cả vạn pháp, bất luận là pháp thanh tịnh hay nhiễm ô. Nếu theo Tỳ-sa-môn Luận của Nhứt Thiết Hữu Bộ được gọi là “Vận chuyển cực vi” hay “Vận chuyển vi tế”. Tâm này di chyển bằng sự di chuyển của ánh sáng và bằng năng lực di chuyển của tâm ý. Khi tâm phát sinh và di chuyển tiếp cận đến nơi thì thân liền hiện hữu ngay nơi đó. Chính vì vậy mới có sự xuất hiện thần thông. Muốn được như vậy chúng ta phải trải qua quá trình tu chứng, ý sanh thân gồm có 3:

1. Tam muội lạc chánh thọ ý sanh thân: “Từ sơ địa đến thất địa”

Theo quan điểm Đại thừa, trong quá trình tu tập, Bồ-tát phải đi từ địa vị Tam Hiền là Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng. Trong  đó, Thập Tín là cơ sở chuẩn bị bước vào hàng Tam Hiền, nghĩa là hành giả phải đầy đủ niềm tin, Phật, Pháp, Tăng và tin chánh pháp giới. Nói chung phải đầy đủ niềm tin thanh tịnh, từ đó mới bắt đầu an trụ Phật tánh và tin mình có khả năng tu hành, có khả năng giác ngộ và giải thoát thành Phật. Như vậy mới chính thức gọi là Thập Trụ. Hành giả muốn thành tựu quả vị đó phải luôn thực hành tất cả công đức, tất cả thiện pháp, thực hành thập thiện, tu Tam vô lậu học, Tứ nhiếp pháp, Lục độ vạn hạnh… Bậc này được gọi là Thập hạnh, tức là tu tập tất cả thiện pháp, thành tựu tất cả công đức, từ đó mới có thể hoàn thành được nghĩa tự lợi và lợi tha, phải phát huy đầy đủ phần nội lực cũng như ngoại lực.Trên cơ sở đó, hành giả luôn nỗ lực tinh tấn tu hành nhiều hơn nữa, cho nên gọi là Thập hồi hướng.

Trong quá trình tu tập của Tam Hiền, có nghĩa là mãn a-tăng-kỳ kiếp, Bồ-tát đã chế ngự được phần hiện hành của ngã và pháp chấp, tức một phần lớn kiến hoặc trong tam giới. Do tâm thức phiền não không còn hiện hành, nên không tạo nghiệp ác, tâm thanh tịnh, hoan hỷ và tự tại. Trạng thái này từ trước Bồ-tát chưa có được, nay mới hiện bày, do đó Bồ-tát an lạc nơi tự tâm, an trú thật tánh tương ứng với pháp thân bình đẳng. Điều đó nghĩa là tất cả giáo pháp không ngoài giáo lý căn bản Tam vô lậu học Giới-Định-Huệ. Cho nên, ở phần đầu sơ địa, nhị địa tu về Giới, tổng thể từ sơ địa đến thất địa tu về Định, nên giới và định hiện hữu ngay nơi đây. Sau khi thành tựu về Giới và Định tức trí tuệ phát sinh được thể hiện qua địa thứ ba và thứ tư là Phát Quang Địa và Diệm Huệ Địa, ở đây trí tuệ vô lậu đã xuất hiện.

Nếu so sánh với các kinh khác, ta thấy trong kinh Pháp Hoa, phẩm 23, phẩm Dược Vương Bồ-tát bắt đầu tương ưng với Lăng-già là Tam-muội lạc thọ ý sanh thân. Vì ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ-tát, sau khi đốt cánh tay, thân tướng trang nghiêm, đoạn trừ ngã chấp thành tựu ngã không, trên cơ sở đó thành tựu được Giới, từ giới thành tựu được Định gọi là Hiện nhứt thiết pháp thân tam muội. Tam-muội đó là hiện nhứt thiết pháp thân, nên phẩm thứ 23 thuộc Tam-muội lạc chánh thọ ý sanh thân.

Như vậy, từ Sơ địa Hoan hỷ cho đến Thất địa Viễn hành, Bồ-tát đã đoạn trừ gần hết phần chủng tử ngã chấp và pháp chấp nên chứng được ngã không, chứng các quả vị và thành tựu Tam-muội lạc chánh thọ ý sanh thân.

2. Giác pháp tự tánh ý sanh thân: “Từ bát địa đến thập địa”  
                                     
Như trên đã trình bày, từ Sơ địa đến Tứ địa thì đoạn hết kiến hoặc, từ địa thứ năm đến địa thứ bảy đoạn trừ hết tư hoặc, khi đó Bồ-tát chính thức vào Bát địa Bồ-tát tức Bất động địa. Đối với Bồ-tát khi gặp cảnh thuận hay nghịch đều được tự tại nên gọi là thõng tay vào chợ, từ Bát địa trở lên Bồ-tát đạt được tự tại đối với các pháp, đối với các phiền não dấy khởi đều bất động. Những vị này không sợ nghiệp, không sợ tất cả những chướng duyên, vì thế quý ngài vào trong phiền não trần lao và cứu độ chúng sanh với một ý nghĩa là vô công dụng đạo, là bất động cho nên trong kinh Pháp Cú có dạy:

“Như ngọn núi kiên cố
Đứng vững trước cơn gió
Người trí cũng như vậy
Tự tại trước khen chê”.

Đây nói lên tâm địa và trạng thái Phật, Bồ-tát đứng về mặt  Đại thừa mà nhìn thì từ Bát địa trở lên đều giữ được tâm tự tại bất động trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cho nên, Bồ-tát tu tập đạt đến trí tuệ vô lậu, không còn phân biệt ngã nhơn, tương ưng với bình đẳng tánh trí và bình đẳng tâm. Từ đó, Bồ-tát tâm được an lạc tương ưng với sự định tĩnh tức là thành tựu được Giới-Định-Tuệ. Phần lớn Bồ-tát sử dụng trí học vô lậu hay thành trí tự giác mà soi sáng các pháp, thấy vạn pháp là không, không có thực thể, là như huyễn. Thế nên, kinh Kim Cang nói: “Bồ-tát suốt ngày hóa độ chúng sanh, nhưng không thấy có chúng sanh nào được hóa độ”. Đó là chơn tâm thanh tịnh biết rõ nguồn tâm, chỗ phát sinh của nó thâm sâu khó hiểu, nếu hành giả nào hiểu rõ được tự tánh Không tức là đạt đến chỗ vi diệu của vạn pháp. Khi nhận được lý tánh trong sanh tử luân hồi tức là giác ngộ giải thoát, đạt được lý bất sanh bất diệt hay cảnh giới bất tử và cảnh giới Niết-bàn.

Đặc biệt, tánh ý sanh thân này là bất động địa, nó tương đương với Bất động tánh A-la-hán, đây là nền tảng để phát triển tâm tánh của một vị A-la-hán. Bất động tánh A-la-hán này đối với tất cả cảnh thuận hay nghịch đều không động tâm, luôn tự tại đối với các pháp. Đây hiển bày tâm địa và trạng thái của Phật, Bồ-tát đứng về mặt đại thừa mà nói thì luôn an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh khi gặp chướng duyên.

Để làm rõ thêm về tánh ý sanh thân, phẩm 24 trong kinh Pháp Hoa “Diệu Âm” là giáo pháp tự tánh ý sanh thân. Bởi vì ngài Diệu Âm ở thế giới phương Đông của đức Phật Tịnh Hoa, từ đó Ngài mới đi đến thế giới Ta-bà này, trải qua 10 phương thế giới, Ngài đi đến đâu thì nhạc trời trổi lên đến đó và mặt đất rung động. Do Ngài thấy rõ được các pháp là tánh không và ngã không nên mới từ phương đông đến phương dưới không có gì chướng ngại.

Như vậy, từ Bát địa đến Pháp vân địa là chứng được giáo pháp tự tánh ý sanh thân, nói rõ hơn là thấy được pháp thân và chứng được pháp không. Hơn thế nữa, Bồ-tát đã thành tựu hoàn toàn về tam vô lậu học Giới-Định-Tuệ.

3. Chủng loại câu sanh vô hành tác ý sanh thân: “Phật địa”

Trải qua lộ trình tu tập của Bồ-tát từ Sơ địa cho đến Thập địa tức là từ Đẳng giác địa, khi đã hoàn toàn đoạn trừ vi tế pháp chấp liền chứng thành Phật quả. Do tự giác tánh thánh trí cực mạnh nên thấy các pháp như huyễn, như mộng, không ngoài tự tâm hiện lượng. Do đó không vận dụng tâm ý mà vẫn hiển bày thân độ. Nói cách khác, tùy theo yêu cầu chúng sanh mà thị hiện một cách diệu dụng không chướng ngại, đây là năng học của Phật thuộc phạm vi ứng hóa thân.

Như thế, trên cơ sở tâm ý hiện đến đâu thì thân hiện đến đó mà không có khởi tâm, tức vô công dụng đạo gọi là vô tác ý hay nhậm vận tự nhiên. Nó giống như ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, cứ thế mà tỏa sáng khắp muôn phương, có sự chiêu vời ánh sáng đó tự chiếu sáng, các vị Bồ-tát và chư Phật hiện thân cho ý nghĩa này. Trên cơ sở phiền não thì phần câu sanh ngã chấp đã đoạn trừ hết ở Bát địa Bồ-tát, phần câu sanh pháp chấp cũng dứt trừ ở cuối “Kim cang đạo hậu dị thục không”. Sau bậc Kim cang thì tên dị thục không còn nữa mà gọi là “Vô cấu thức” tức tâm thức thanh tịnh, mà bậc Kim cang đạo thì thuộc về Đẳng giác, sau bậc Kim cang bước qua Diệu giác.

Như vậy, chủng loại câu sanh vô hành tác ý sanh thân cuối bậc Kim cang đạo đến Phật quả, đến đây chứng được Thật tánh pháp thân, tự thọ dụng thân được đầy đủ và qua đó tha thọ dụng thân được hiển bày, nên mới gọi là hiện được tất cả thân, đồng thời báo thân và ứng thân cũng hiện bày. Trên cơ sở ứng hóa thân chia làm 3 loại:
- Đại ứng hóa
- Tiểu ứng hóa
- Tùy loại ứng hóa

Đại ứng hóa là thân hiện ra để nói pháp cho Thập địa Bồ-tát, Tiểu ứng hóa là hiện thân để nói pháp cho hàng nhị thừa và chúng sanh bình thường. Tùy loại ứng hóa là tùy theo yêu cầu của chúng sanh mà hiện thân ra, như cần làm chư thiên thì hiện thân làm chư thiên, cần làm người thì hiện thân làm người… Đến đây thành tựu cả 3 thân:
- Pháp thân
- Báo thân
- Ứng hóa thân

Cho nên, trong kinh Pháp Hoa, phẩm “Quán Thế Âm”, trong quá khứ vô lượng kiếp Ngài đã thành Phật hiệu là Chánh Pháp Vương Như Lai, sau đó hiện thân trở lại gọi là Thối vị Bồ-tát, ứng hiện ra 32 thân, nên phẩm này tương ưng với chủng loại câu sanh vô hành tác ý sanh thân. Bởi vì sự hiện thân của đức Quán Thế Âm mà 32 thân trong khắp pháp giới là không khởi niệm, nó thuộc vô công dụng đạo và nhậm vận tự nhiên.

Như vậy, đối với ba thân tương đương với quá trình tu chứng của Bồ-tát và Phật. Tức là khi chứng được tâm thanh tịnh thì gọi là Bồ-tát và Phật, còn đối với chúng sanh chưa đạt đến ba thân nên gọi là Không, không đó không phải là thật không, mà khi đầy đủ nhân duyên do nỗ lực tu tập tất nhiên sẽ đạt được quả vị Vô thượng. Cho nên đức Phật nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”.

Nhìn chung, tiến trình tu chứng ý sanh thân trên cơ sở Như Lai tàng, trải qua từ Sơ địa đến Tứ địa là đoạn trừ kiến hoặc. Từ Ngũ địa đến Thất địa đoạn trừ hết tư hoặc. Từ Bát địa đến Kim cang đạo vị đoạn trừ  hết trần sa, vô minh hoặc, có nghĩa là không còn ngũ trược, phiền não, thành tựu ngã không, pháp không, chứng viên mãn pháp thân, đầy đủ ba thân: Pháp thân, Báo thân, Ứng hóa thân. Cho nên, Tam-muội lạc chánh thọ ý sanh thân, Giác pháp tự tánh ý sanh thân và Chủng loại câu sanh vô hành ý sanh thân, đó là vấn đề quan yếu trong kinh Lăng-già. Vì thế, chủng loại câu sanh tức cõi vị Phật chứng được Pháp thân, từ đó mới hình thành ý nghĩa của ba thân. Đối với ba thân này trải dài từ Sơ địa đến Phật quả. Tất cả đều không ngoài tam vô lậu học.

Như vậy, thân thứ nhất mang tính chất định là chứng được Ngã không. Thân thứ hai thấy rõ được Pháp không và thân thứ ba chứng được Pháp thân. Như  thế khi chính thức vào sơ địa Bồ-tát thì những vị này đã đoạn trừ phần hiện hành của ngã chấp và pháp chấp, thành tựu được pháp thân và tương ưng với tâm bình đẳng, tánh bình đẳng và trí bình đẳng. Cho nên trong kinh Như Lai Xuất Hiện Công Đức nói:   

“Như Lai vô cấu thức
Thử tịnh vô lậu giới
Giải thoát nhứt thiết chướng
Viên cảnh trí tương ưng”.

Tuệ Giác
[Tập san Pháp Luân - số 73, tr25, 2010]