Quan điểm của Phật giáo về phụ nữ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times


Trước khi Phật giáo được sáng lập, xã hội Ấn Độ đã phân chia thành bốn đẳng cấp rõ rệt: Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Phệ-xá và Thủ-đà-la. Trong các đẳng cấp này không có chế độ bình đẳng về giới tính; phụ nữ chẳng những không có quyền lợi trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, v.v… mà còn bị coi là hiện thân của sự giả dối và tội ác.

 

QUAN ĐIỂM CỦA NĂM TÔN GIÁO LỚN VỀ PHỤ NỮ

Lời của tác giả Thích Đại Trí: Địa vị phụ nữ là một trong những vấn đề nóng bỏng của xã hội ngày nay. Có nhiều nguyên nhân, như lịch sử… khiến cho địa vị xã hội của phụ nữ tương đối thấp. Từ khi các tôn giáo hình thành cho đến nay, tất cả đều đề xướng sự bình đẳng nam nữ theo quan điểm của tôn giáo đó về phụ nữ. Ví dụ, Thiên Chúa giáo cho rằng nam nữ do đức Chúa Trời tạo ra, sự kết hợp giữa người nam và người nữ mới là tốt đẹp, đầy đủ; đề cao sự bình đẳng nhân tính, sự vĩ đại của phụ nữ, sự tuyệt vời của người mẹ. Phật giáo cho rằng, chúng sinh có cùng một bản thể, không hai không khác, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, sự khác biệt giữa giới tính nam nữ chỉ là thứ yếu, mà sự giác ngộ của tâm tính mới là quan trọng nhất. Hồi giáo nhấn mạnh nam nữ cùng tiến bộ như nhau, chủ trương nam nữ được bình đẳng trước mặt Thánh A La. Ky Tô giáo cho rằng, phụ nữ cả trong cuộc sống gia đình hay hoạt động ngoài xã hội đều đóng một vai trò thiết yếu. Ky Tô giáo nhấn mạnh tác dụng thúc đẩy tích cực trong việc nâng cao địa vị phụ nữ. Đạo giáo là một trong ba trụ cột tư tưởng cùng tồn tại với Phật giáo và Nho giáo trong xã hội phong kiến Trung Quốc, nhưng trong cách đối xử với các vấn đề về phụ nữ, lại tương đối tự do. Chủ trương coi trọng cả âm lẫn dương, ủng hộ vũ trụ quan nữ giới.
 
QUAN ĐIỂN CỦA PHẬT GIÁO VỀ PHỤ NỮ (*)

Trước khi Phật giáo được sáng lập, xã hội Ấn Độ đã phân chia thành bốn đẳng cấp rõ rệt: Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Phệ-xá và Thủ-đà-la. Trong các đẳng cấp này không có chế độ bình đẳng về giới tính; phụ nữ chẳng những không có quyền lợi trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, v.v… mà còn bị coi là hiện thân của sự giả dối và tội ác.

Phật giáo là tôn giáo có quan niệm bình đẳng đầy đủ, đã phê bình nghiêm túc nhắm vào chế độ bất bình đẳng lúc bấy giờ, đã khởi xướng tư tưởng nam nữ bình đẳng, chúng sanh bình đẳng. Trong các tôn giáo lớn trên thế giới, đức Phật là người đầu tiên thành lập tăng đoàn ni, tiếp nhận phụ nữ xuất gia tu hành, để phụ nữ có được quyền lợi tín ngưỡng tôn giáo, giải thoát sinh mệnh. Đây là sự biểu lộ lòng từ bi vô lượng của đức Phật.

Trong kinh Khởi thế nhân bổn của Phật giáo nói rằng: Con người nguyên thỉ, toàn thân đầy ánh sáng, sống bằng niệm hỷ lạc, và có khả năng đi lại tự do trong không trung, có thể tùy ý sinh ra, không phân biệt giới tính. Sau đó, với sự thay đổi của thời gian, con người bị tham dục nhiếp phục, và bắt đầu ham muốn vị ngon, cho nên ánh sáng trên thân thể dần dần tiêu mất, da dẻ trở nên xấu, sinh ra phân biệt giới tính. Phật giáo cho rằng, phân biệt giới tính nam nữ sinh ra là do đạo đức thoái hóa; cả hai giới đều có vai trò giống nhau và vị trí ngang nhau trong quá trình tiến hóa phức tạp của loài người.

Tư tưởng cốt lõi của Phật giáo Đại thừa chủ trương chúng sanh cùng một bản thể, vô nhị, vô phân biệt, tất cả chúng sanh đều có Phật tính, tất cả chúng sanh tương lai sẽ thành Phật, không xem nhẹ bất kỳ chúng sanh nào. Và cho rằng, sự khác biệt về giới tính nam nữ là thứ yếu, sự giác ngộ của tâm tính mới là chính yếu. Trong kinh Đại Bát-niết-bàn nói: “Nếu người nào không biết mình có Phật tính, tôi gọi người đó là phụ nữ; nếu người nào biết mình có Phật tính, tôi nói người đó là đại trượng phu; nếu có phụ nữ nào có thể biết thân mình chắc chắn có Phật tính, nên biết những người đó chính là nam tử”. Cho nên, đạo đức hoàn hảo đòi hỏi vượt qua giới tính, vượt qua tính tương đối, vượt qua giới hạn giới tính.

Vì nhiều lý do thuộc về lịch sử và xã hội, đức Phật giao trọng trách giữ gìn chánh pháp cho tỳ-kheo, nhưng vẫn xây dựng tăng đoàn tỳ-kheo-ni và khẳng định đầy đủ năng lực tu hành chứng đạo của tỳ-kheo-ni. Lúc đức Phật còn tại thế, nhiều phụ nữ xuất gia đã chứng quả A-la-hán như tỳ-kheo-ni Đại Ái Đạo, Liên Hoa Sắc, v.v… Có tỳ-kheo-ni tên Khải Mã, xuất gia chỉ trong một thời gian ngắn đã chứng quả vị A-la-hán, có trí huệ, học rộng, nghe nhiều, có tài hùng biện, thông minh, và rất nổi tiếng, được đức Phật xếp vào hàng trí huệ đệ nhất trong chúng đệ tử nữ. Di mẫu của đức Phật, bà Đại Ái Đạo thỉnh cầu đức Phật cho phép bà nhập đại niết-bàn. Đức Phật yêu cầu bà hiện thần thông để xua tan những hoài nghi của con người về trí tuệ nữ giới và quả vị tu chứng. Đại Ái Đạo đã tuân hành, hiện thần thông không thua kém gì ngài Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất. Trong kinh điển Phật giáo còn ghi chép rằng, Long Nữ lúc 8 tuổi thành Phật, Thắng Man phu nhân giảng pháp, thiên nữ vì ngài Xá-lợi-phất thuyết pháp, v.v… Trong kinh Hoa Nghiêm, 53 lần tham vấn của Thiện Tài Đồng Tử có không ít lần gặp những phụ nữ xuất chúng. Những ví dụ này đã chứng minh rằng phụ nữ không bị trở ngại trong việc phát triển lĩnh vực tinh thần hay chứng đắc thánh quả vô thượng.

Tinh thần cơ bản của Phật giáo là từ bi. Trong Phật giáo Đại thừa, người có bi nguyện lớn nhất, sâu xa nhất chính là đức Quán Thế Âm Bồ-tát. Đức Quán Thế Âm phần lớn là xuất hiện với hình tướng thân nữ nhu hòa, hiền hậu. Trong các tự viện thường có các tượng Quan Âm như Tiêu hải Quan Âm, Tống tử Quan Âm, Bạch y Quan Âm, v.v… Bồ-tát Quan Âm hiện ngàn tay ngàn mắt trên thân, theo nhu cầu khác nhau của chúng sanh hóa hiện hình tướng khác nhau để độ họ, cho nên có câu, người đáng dùng thân gì để độ thì hiện thân đó để thuyết pháp cho họ. Hình tướng thị hiện của Bồ-tát Quan Âm đã chứng minh địa vị nữ giới trong Phật giáo, cũng là sự khích lệ to lớn đối với nữ giới.

Đại sư Ấn Quang, cao tăng thời kỳ cận đại cho rằng, giáo dục gia đình là nền tảng của hòa bình thế giới, trong đó giáo dục phụ nữ là quan trọng. Ngài nói: “Nếu không có người phụ nữ tài đức, làm sao có được người mẹ tài đức; và nếu không có người mẹ tài đức, làm sao mà có được con ngoan giỏi?” Điều này xem có vẻ thường tình, nhưng thực ra nó hàm chứa lý nhân quả sâu sắc, càng nói rõ trách nhiệm và vị trí quan trọng của nữ giới  trong gia đình và xã hội.

Ngày nay, thế giới đang hướng tới đa văn hóa, toàn cầu hóa kinh tế, xã hội dân chủ, tự do và công khai. Thời đại mới đòi hỏi phụ nữ có phẩm chất cao; phụ nữ là lực lượng quan trọng thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Người nữ không chỉ làm tốt trách nhiệm của một người vợ hiền mẹ tốt, mà còn là lực lượng trung kiên của xã hội. Thời đại đang kêu gọi phụ nữ tự cường, tự tôn tự lập, phát huy đầy đủ đức tính từ ái, hiền hậu và kham nhẫn vốn có của phụ nữ; khắc phục nhược điểm tự ty, yếu đuối, đa nghi, v.v… thường hay có ở phụ nữ; tăng cường học tập, không ngừng nâng cao phẩm chất và trình độ.

Cầu mong tất cả phụ nữ trên thế giới đều thấm nhuần hồng ân chư Phật, cống hiến hết mình vì sự văn minh tiến bộ của nhân loại và hòa bình thế giới.

(*) Dịch giả: Vì giới hạn của tập san, người dịch xin trích giới thiệu phần quan điểm của Phật giáo về phụ nữ. 

Phước Tâm (dịch)
[Tập san Pháp Luân - số 73, tr16, 2010]