“Với thời đại khoa học văn minh hiện nay, đời sống của con người thường bị xoáy lốc vào công việc mưu sinh, chúng tôi hy vọng bài viết này sẽ mang đến cho các Phật tử một phương pháp lợi lạc tinh tấn trong khi vừa đối diện với thực tế cuộc đời, và thực hành giáo lý Đức Phật.”
Thông thường, các mục chú ý nhất cho các độc giả trong khi đọc báo là những mục liên quan đến cuộc sống hàng ngày cơm áo gạo tiền gia đình, v.v… gồm có: thị trường chứng khoán, kinh tế, thể thao, văn nghệ, đời sống, tiểu thuyết, và hàng trăm chuyện linh tinh trong cuộc sống. Riêng tôi, trang cáo phó là trang chú ý nhất khi tôi đọc một tờ báo.
Thật tình mà nói có lẽ mọi người cho tôi là một kẻ rồ dại, nhưng theo tôi vấn đề quán niệm về cái chết là một việc hết sức quan trọng, mà đôi khi theo bản chất tự nhiên, con người không bao giờ chú ý đến nó, cho đến khi sự chết hiện hữu ngay trước mắt.
Đối với Phật tử, đọc cáo phó đều đặn hàng ngày từ báo chí, cũng là một phương pháp quán niệm tỉnh thức không kém phần hữu hiệu, hầu nhắc nhở rằng đời người ai cũng không tránh được sự chết.
Bản thân tôi hoàn toàn không có họ hàng người thân ngay trong thành phố tôi đang sống, vì thế tôi đọc trang cáo phó của tờ báo thành phố không phải là để mong đợi hoặc giật mình thấy danh sách tên họ người thân bạn hữu trong trang cáo phó.
Phải nói rằng, hàng ngày đọc trang cáo phó, những người qua đời đều xa lạ với tôi: từ kẻ giàu tới người nghèo, từ kẻ nổi tiếng đến người bình thường, từ kẻ đẹp tới người xấu, từ già đến trẻ, bao gồm đủ loại chủng tộc. Nhưng có một điều chắc chắn, hàng ngày tôi quán niệm và suy nghĩ khi đọc trang cáo phó, thì một điều tôi biết chắc chắn xảy ra cho mọi người: “Ai Cũng Phải Chết”, và từ điều này tôi luôn luôn chuẩn bị tư lương hành trang cho cái chết bằng các thiện sự.
Cái chết đến với chúng ta vào bất cứ tình huống và độ tuổi nào: người thì qua đời vì tuổi già, kẻ thì qua đời khi chỉ là những em bé sơ sinh, hay ngay cả những bào thai trong bụng mẹ.
Lại nữa người thì chết êm đẹp trong khi ngủ, kẻ thì qua đời bất ngờ trong các kỳ nghỉ lễ, và biết bao nhiêu tình huống khác. Vì vậy “Sự Chết” đến với chúng ta bất cứ lúc nào và chúng ta không bao giờ dự đoán được chúng ta sẽ chết như làm sao.
Thói đời, thiên hạ ai cũng nghĩ mình còn trẻ đẹp, khỏe mạnh, sống lâu… họ nghĩ cái chết, bệnh tật, ốm đau, hay những điều bất thường không may mắn chỉ xảy ra cho người khác, nhưng không bao giờ hoặc còn lâu lắm mới đến lượt mình.
Chúng ta sống trong sự hoang tưởng ảo mộng phù phiếm này, cho đến một ngày thần chết gõ cửa vào nhà. Và vào lúc đó, chính vì không chuẩn bị hành trang đón nhận, chúng ta sẽ hoảng sợ, đau khổ, dằn vặt, tiếc nuối: điều này có thể làm chúng ta vướng vào vòng luân hồi mãi mãi không bao giờ chấm dứt.
“Sống” còn có nghĩa là phải đương đầu với những thực tế không thể nào tránh khỏi: sanh, lão, bệnh, tử. Trong bốn điều này, có lẽ “Sự Chết” là trạng thái quan trọng nhất, vì nếu chúng ta chuẩn bị hành trang tư lương thiện sự lúc sống, thì khi chết qua một kiếp sống khác, nói một cách bình dân là chúng ta sẽ vẫn mãi trôi lăn trong cõi ta-bà dục vọng không biết khi nào mới thoát.
Trong tự điển bách khoa toàn thư Wikipedia, “Sự Chết” được định nghĩa là một sự chấm dứt vĩnh viễn các hoạt động của các chức năng sinh học, trong các bộ phận của một cơ thể sinh vật.
Trong Trung Bộ Kinh, kinh Chánh Tri Kiến, Đức Phật định nghĩa sự chết như sau:
“Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào trong từng mỗi loại hữu tình, sự mai một, từ trần, hủy hoại, hoại diệt, tử biệt, mệnh chung, hủy hoại các uẩn, vất bỏ hình hài - như vậy gọi là chết.”
Nguyên nhân cái chết có nhiều, nhưng điều lý thú ở đây là ai cũng biết được ngày sanh tháng đẻ của mình, tuyệt nhiên, đại đa số không ai tiên liệu được ngày tử tháng chết của mình, và dĩ nhiên chúng ta cũng không thể biết mình sẽ chết ra sao!
Mỗi chúng ta có thể chết dễ dàng do những nguyên nhân đề cập đến trong kinh Tăng Chi Bộ, kinh Niệm chết, (Tăng Chi 6, câu 20):
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi ngày vừa tàn và đêm vừa an trú, suy tư như sau: Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều: Con rắn có thể cắn ta, con bò cạp có thể cắn ta, hay con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy sẽ trở ngại cho ta. Ta có thể vấp ngã và té xuống; cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh; hay mật có thể khuấy động ta; đàm có thể khuấy động ta; những luồng gió độc có thể khuấy động ta. Và như vậy có thể đưa ta đến cái chết. Như vậy sẽ là chướng ngại.”
Vì cái chết xảy ra một cách dễ dàng, cho nên tất cả chúng ta nên chuẩn bị đón nhận nó một cách kỹ lưỡng. “Sự Chết” là một hành trình quan trọng nhất trong đời sống. Nó quan trọng hơn nhiều các chuyến du lịch nghỉ mát từ nước này sang nước khác. Tại sao vậy? khi chúng ta du lịch đến một đất nước xa lạ, chúng ta phải hoán chuyển ngoại tệ để tiêu xài, mua sắm, và sau đó khi trở về nơi cư ngụ cũ, chúng ta lại xài những đồng tiền quen thuộc địa phương nơi ta ở. Tuy nhiên khi nhắm mắt từ giã cõi đời để qua một kiếp sống khác, chúng ta cần có một số “hành trang, tư lương, thiện sự” để có một kiếp sống cao cả xứng đáng hơn kiếp trước.
Với sự hiểu biết và chuẩn bị hoàn hảo, chúng ta không nên sợ hãi “Sự Chết”, mà nên đối diện nhìn thẳng vào nó như là một chân lý thực tế hiển nhiên.
Trong kinh Tăng Chi, Kinh Akara, đức Phật dạy cho chúng ta: “Với người đã sanh, không có bất tử.” Trong Kinh Pháp Cú, kệ số 128, Đức Phật cũng dạy:
“Trốn vào động thẳm hang sâu.
Ẩn vào núi vắng, non đầu, trùng khơi
Có đâu một chỗ trên đời
Tử thần lại chẳng đến lôi kéo về.” (Tỳ-kheo Giới Đức dịch)
Cuối cùng vì “Sự Chết” là một điều không thể tránh khỏi, chúng ta nên chuẩn bị cho cuộc hành trình lìa bỏ kiếp sống này, bằng cách suy niệm chín chắn, tỉnh thức sáng suốt về “Sự Chết”, và cố gắng tích lũy thiện nghiệp như những hành trang đáng giá cho kiếp sống mai sau.
Việt dịch: DươngTiêu
Như Quang
[Tập san Pháp Luân - số 73, tr56, 2010]