Ánh sáng từ âm thanh (hay ẩn ý của mật chú)

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trong những hình ảnh cũ, tôi còn nhớ buổi đi học lần đầu. Hình như hôm đó vào buổi sáng, cha tôi dắt tôi đi bộ ra đường cái, được một quãng là đến khu đất ruộng, rẽ vào một trong những con đường đất chia các mảnh ruộng ra từng ô vuông, đi một chút nữa đã đến nhà bác Nghĩa (tôi vẫn còn nhớ tên bác).

Tôi sống ở miền Nam khi vừa lớn. Một bữa trưa chợt nghe giọng hò ru em da diết. Gió mùa thu ơ mẹ ru mà con ngủ ớ...  Năm canh dài à... nắm canh dài thức đủ ư dzừa năm ơ hỡi chàng là chàng ơi... Lúc đó tôi đã quen với cách phát âm nhừa nhựa từ âm “v” thành âm “d” của người miền Nam. Âm “dzừa” (vừa) của bài hò ru em phổ biến này nghe dzừa man mác tâm sự người vợ trẻ nhớ chồng, “dzừa” ngọt ngào và nũng nịu. Còn chữ “năm canh” thứ hai, do âm điệu của lời ru, nghe như “nắm”: năm canh dài à / nắm canh dài.

Ai cũng biết nghe nhạc, nhưng thưởng thức đến đâu thì tùy tâm cơ và sự rèn luyện. Theo hiểu biết thông thường thì âm nhạc gồm chuỗi âm thanh nối nhau bằng âm luật. Ngắt một âm ra khỏi một làn điệu để phân tích hay bàn thảo thì chúng ta không còn nghe nữa mà là thấy nhạc. Cảm nhận khi nghe không còn nữa vì đã dùng lý trí để phán đoán hay thưởng thức đối tượng của sự nghe. Không những hết sướng mà làm như vậy cũng giống như mình bắt chước một em chăn trâu nằm phè ra giữa đồng, ngơ ngáo nghe mục đồng thổi sáo vu vơ.

Cho nên không nên ngắt một dòng hay một yếu tố ra khỏi tổng thể nếu mình muốn nắm cái thần của đối tượng mà mình đang thưởng thức.

Có một lần tôi nghe một người kia thuyết trình về Truyện Kiều trước đám đông. Anh ta chi li tỉ mỉ, và để chứng tỏ khả năng chẻ tóc, người kia cố chứng minh rằng Thúy Vân là người mù bằng trích dẫn mấy câu mô tả hai chị em Kiều và Vân. Thật là mất công và tội nghiệp cho cả anh ta lẫn người (bị) nghe. Mình thích Truyện Kiều đâu phải vì cô Vân mắt mù hay mắt đẹp, mà vì tổng thể các vần điệu và các hình ảnh dâng lên qua những vần lục bát.

Trong hò ru con, mình nghe “năm canh” thành “nắm canh”. Nếu cứ chì chiết “nắm” là vì nọ vì kia thì thật là hỏng. Mình nghe là “nắm” bởi vì nó nằm trọn trong cả làn điệu ru, vì vậy “năm” hay “nắm” cũng không sao đâu, mình vẫn rung động trong sự da diết giữa một trưa nóng ở miệt vườn. Buổi trưa, không gian vườn, và lời ru ơi ả. Ba thứ ấy gom lại làm người nghe cảm thấy ngùi ngùi.

Trong bài Ánh sáng từ Âm thanh trước có nói đến sự cảm nhận khi nghe mật chú. Thường khi chúng ta nói về điều gì nằm ngoài phạm vi ngũ quan, cảm nhận hay cảm thấy chẳng hạn, thì mức độ thuyết phục cũng ít. Có lẽ vào thời chưa có ngành khoa học tự nhiên, con người dễ cảm nhận với thiên nhiên hơn, có trực giác mạnh hơn. Khoa học và văn minh vật chất hôm nay khiến người ta muốn thấy (chứ không cảm) hoặc phải chứng minh một vấn đề nào đó, một việc gì đó là phải đo lường được thì mới đáng tin, có khi kể cả tình yêu đôi lứa, yêu nhau thì valentine cũng phải có một cái gì, ở với nhau đã dăm bảy năm mà không thấy mua một cái nhà kha khá thì khó chứng minh là hai đứa cảm nhau.

Các thí nghiệm của bác sĩ Jenny về tác dụng của sự rung và âm thanh trả lời được nhu cầu tâm lý của trí thức là cần sự chứng minh, khoa học và thực dụng nói chung. Nhưng ông không muốn dừng lại ở đó. Ông muốn người ta phải biết cảm nghiệm. Cái mà ông hy vọng là người đọc phải trưng dụng trực giác để cảm nghiệm những khám phá đã được chứng minh của ông. Có một thuyết gần với quan điểm này, thuyết Hệ thống (System Theory). Trên con đường đi tìm một cái nhìn tổng thể, thuyết Hệ thống nối khoa học với nghệ thuật, nó giải thích hiện tượng một cách vừa khách quan vừa trực giác. Nguyên lý căn bản của thuyết Hệ thống là tổng thể luôn quan trọng hơn tổng số. Bốn chân, thân, đuôi, đầu, vòi và cặp ngà có thể tạm coi là tổng số bộ phận thấy được của một con voi, nhưng nó là tổng số cứng ngắc, nó chỉ hết vô tri khi tổng số bộ phận của con voi kết hợp và cử động hài hòa. Rồi dùng trực cảm đồng thời dùng mắt để đặt toàn thể con voi trong môi trường chung quanh sẽ thấy hình dáng voi lóng lánh linh hồn hơn.

Albert Einstein nói không thể tách không gian ra khỏi thời gian. Vậy thì có chiều thứ ba là không gian thì ắt cũng có chiều thứ tư là thời gian. Tần số âm thanh là biểu hiện của thời gian. Khi tần số tăng, hay nhanh lên, thì khoảng cách của hai điểm sẽ ngắn lại. Thí dụ khoảng cách là một con sông, khi ta đọc nhanh, hay phát một âm thanh từ bên này bờ thì, nếu đọc, nói hay tụng nhanh, thời gian âm thanh qua tới bờ bên kia sẽ nhanh hơn là đọc hay nói chậm.

Điều này là hiểu biết thông thường không cần chứng minh. Khoa vật lý đã chứng minh là vật chất hay hạt vật chất đều tích trữ năng lượng. Mỗi một hạt đều tiềm ẩn năng lượng nguyên tử. Tiềm ẩn thôi, vấn đề là làm sao để đột kích làm cho hạt phát ra năng lượng. Vật chất là một chuỗi các năng lượng liên kết theo một qui luật nào đó. Chính sự liên kết này khiến các hạt tạo nên năng lượng. Hạt có năng lượng vì nó liên kết với hạt. Đứng một mình thì hạt chỉ là tiềm năng. Nó trở thành người lữ hành cô đơn.

Âm thanh cũng vậy. Dù phát âm một chuỗi âm thanh nhưng phát ra rời rạc thì chuỗi âm thanh đó chỉ là tổng số từng đơn âm rời. Là vì theo luật nối âm (sandhi), “biên giới” của hai âm gần nhau nếu đập vào nhau nhanh ở một mức nào đó thì sẽ thành một âm thứ ba. Để dễ mường tượng thì sự biến âm này na ná như khi mình đọc phụ âm cuối của một chữ tiếng Anh nối qua nguyên âm đầu của chữ kế tiếp, mà phải đọc nhanh thì mới ra âm nối, đọc tà tà từng chữ một thì âm phát ra cũng rời từng chữ một, không gây hiệu quả nối, tức không làm âm thứ nhì biến đi. Vì vậy khi ta đọc nhanh một chuỗi âm thanh thì sẽ có hai hiệu ứng.

Thứ nhất là tần số sẽ tăng. Tần số là chu kỳ lập lại. Trong các biểu đồ biểu thị âm thanh, trục ngang có khi biểu thị cho tần số, có khi biểu thị cho thời gian. Vì vậy khi tần số/thời gian tăng nhanh lên, thì thời gian đi từ điểm xuất phát âm thanh đến điểm âm thanh đến sẽ rút ngắn lại.

Thứ hai là đọc nhanh tạo tác dụng nối âm. Tương tự như hạt vật chất chỉ sinh năng lượng khi tác dụng lên nhau thành phản ứng dây chuyền, thì sự tác động của âm này lên âm kia sẽ sinh ra năng lượng. Năng lượng này vừa là nhân vừa là quả của tốc độ âm thanh do người đọc phát ra. Đọc (hay tụng mật chú) nhanh thì tạo năng lượng, năng lượng phát ra này quay ngược trở lại để nâng các âm thanh đâm bổ vào nhau nhanh hơn.

Năng lượng là độ lớn hay biên độ (amplitude) của sự rung. Bất cứ một sự rung nào, hay một âm thanh nào, cũng có ít nhất hai yếu tố vật lý là tần số và biên độ. Ai từng đọc truyện chưởng của Kim Dung cũng mê các cao thủ có khinh công tuyệt đỉnh, “thân pháp như vệt khói mờ” của một nhân vật võ lâm đang khai triển khinh công. Thử tưởng tượng một cao thủ đang đứng cạnh mình, anh ta thi triển khinh công chạy quanh phòng rồi về đứng cạnh mình. Cái khoảnh khắc từ khi anh ta vận công lực cho đến khi chạy ngược trở lại nơi đứng tùy theo vào nội lực (biên độ) và tốc độ (tần số) của anh ta. Trong tích tắc ấy, mình thấy gì? Vì anh ta là cao thủ nên mình chỉ thấy một ‘vệt mờ’. Vệt mờ này gây ra do sự di chuyển năng lượng của anh ta. Anh ta càng chạy nhanh thì năng lượng càng mạnh, ngược lại nhờ năng lượng (nội lực) nên anh ta càng chạy nhanh. Nhưng dù thân hình anh ta có biến thành một vệt mờ trong tích tắc, thì ta vẫn thấy được vệt mờ ấy. Ta không thấy thời gian chạy quanh phòng của gã cao thủ nhưng thấy cái bóng của sự di chuyển ấy, tức thấy biểu thị của thời gian, biểu thị của tần số, của sự rung chuyển.

Nhưng đó là cái thấy của người quan sát trước một hiện tượng hữu hình. Còn đối với chính gã cao thủ thì sao? Gã sẽ không thấy các hiện tượng vừa mô phỏng vì gã là người trong cuộc, người tạo ra các hiện tượng đó. Thử đặt mình vào vị trí gã cao thủ. Trước khi “hù” quần hùng về môn khinh công ảo diệu của mình, gã sẽ ước lượng không gian căn phòng, ước định với khoảng cách như thế mình có thể thi triển khinh công như cái chớp mắt không. Như vậy không chỉ tính toán không gian và thời gian, gã còn phải tính đến năng lượng cần có để biến mình thành một “vệt mờ”. Gã phải có ý thức rất rõ rệt về điều sắp làm (chạy), và cả trong khi chạy cũng phải ý thức rất rõ điều đó. Trình tự để thực hiện việc chạy quanh căn phòng diễn ra khá phức tạp, nhưng có thể  nói tóm lại trong hai bước căn bản: đầu tiên là phát khởi một ý muốn chạy, sau đó là việc thực hiện ý muốn đó. Hai bước này nói chung là ý thức. Ý thức tạo nên sự rung (tần số và năng lượng).   

*

Giả sử như mình tập trung vào cái âm đang phát tới cái mức độ mà mình quên luôn mình, đến cái mức độ mà mình và âm thanh là một, không còn phân biệt nữa, thì điều gì sẽ xảy ra?

Câu trả lời sẽ không có ở đây bởi vì câu giải đáp chỉ có ý nghĩa đối với người muốn thực hành điều đó, tức muốn toàn tâm toàn ý hòa cùng âm thanh mà mình phát ra “để xem điều gì xảy ra”.

Phẩm tính vĩ đại của Phật không phải ở giáo điều, mà ở thực hành. Giáo điều hay kinh tạng cũng chỉ là lời nói, cái phi thường và nhân hậu của lời Phật (Kinh) là để ta thực hành chứ không phải chỉ để làu thông. “Người lão thông pháp học và đọc thuộc lòng kinh điển mà không hành theo lời dạy, con người dễ duôi ấy cũng tựa như kẻ chăn bò”. (Kinh Pháp cú, câu 19). Kẻ chăn bò biết có bao nhiêu bò nhưng bò vẫn là của người khác, không phải của mình.

Mật chú, âm thanh cao tột của vũ trụ (tạm mượn “vũ trụ” để có hình tượng mà nói), không cần giải nghĩa, nếu phải nói vòng vòng điều nọ điều kia thì cũng là mượn phương tiện để nói đến một công cụ khác (mật chú). “Phương tiện” như thế bởi nhiều người thích cái gì cũng phải cụ thể, phải sờ được, thấy được, hay chứng minh được. Cách tốt nhất là sau khi thấy “mờ mờ nhân ảnh” một vài nghĩa lý của mật chú là hãy thực hành. Tụng mật chú bằng âm thanh của chính nó. Tụng mật chú không chỉ bằng lời mà bằng sự tập trung của tất cả tế bào trong thân thể vào mỗi âm phát ra, để mỗi tế bào trong thân ta rung lên, hòa cùng, nhập vào và là một với mật âm.

Khi toàn tâm đọc chú đến mức quên luôn mình đang đọc những chuỗi âm thanh kỳ lạ ấy, thì sao?

Tôi sẽ không còn là tôi. Người không còn là người. Xác thân này sẽ không thuộc về xác thân này. Nó qua… bờ bên kia.

Hồ Đắc Túc
Tập san Pháp Luân - số 75, tr72, 2010]


 

Nhà bác nhỏ, xung quanh có hàng rào bằng mấy bụi tre và cây cối lổm chổm. Ngày thường, tôi vẫn có khi chạy nhảy gần đó, hoặc chạy ngang nhà bác nhưng không để ý, bây giờ cha tôi dẫn vào trong mới thấy ở giữa nhà có một bàn thờ Phật. Cha tôi nói gì đó với bác rồi ra về, tôi thản nhiên ở lại vì từ chỗ nhà bác về nhà tôi chỉ cần chạy ù một mạch không cần nghỉ. Tôi còn nghĩ bụng là nếu “có gì” chỉ cần ra cửa dông một mạch là tới nhà rồi. Không có gì phải sợ. Một lúc sau lục tục mấy đứa cỡ trạc tuổi tôi đến, đâu chừng mười mấy đứa. Thì ra chúng nó đi học. Tôi hơi cảm thấy ngài ngại vì mặt bác Nghĩa thầy giáo lạnh tanh, da nhăn nhóm coi rất xấu xí, mắt bác liếc như dao ông thợ cắt tóc. Mấy “đúa nhỏ” tự động xếp thành ba hàng dọc trước bàn thờ, bác thầy giáo cho tôi đứng ở hàng giữa, ngay đầu hàng. Tôi xớ rớ chưa biết ổng tính làm gì mà cũng không biết mình phải làm gì thì bác làm một hiệu lịnh gì đó, tự nhiên mấy đứa đồng môn của tôi rì rì… tụng kinh. Tôi biết là tụi nó tụng kinh vì nhận ra âm điệu trầm bổng giống như cha tôi tụng dù không hiểu gì cả. Lúc đó tôi đã muốn ù té chạy nhưng liếc thấy ánh mắt dao cạo của thầy giáo nên sợ ríu người. Thế là xong! Bụng tôi lo ngay ngáy. Coi như “ông già” tôi cho tôi… đi tu, mà đi tu thì phải cạo đầu có phải phiền không chứ, còn vui thú cái gì nữa, trời đất ơi.

Sau đó vài hôm ông thầy bắt đầu dạy tôi nhận mặt chữ cái. Nhưng tuy biết tôi còn lâu mới nhớ mặt chữ, ông cứ bắt tôi học thuộc lòng một bài kinh hay kệ gì đó, có vần có điệu. Tôi thuộc lai rai buổi sáng thì buổi trưa chạy về tới nhà đã quên sạch sành sanh, nói gì đến sáng hôm sau phải trả bài trước bàn thờ. Có một lần sắp hàng với mấy thằng đồng môn để bắt đầu buổi học bằng một bài kinh, tôi nghe chung quanh mình tụi nó nhặt thưa mà mình thì không thuộc một chữ nào ngoài chữ Phật, tôi lanh trí dựa theo âm trầm bổng của tụi nó mà làm bộ ê a khề khà đọc thuội theo. Tự nhiên cái thằng bên cạnh tôi nhận ra là tôi đọc láo, nó đang tụng bỗng ngưng ngang, hô hoán: “Thưa thầy trò ni không thuộc!”

Bữa đó hình như tôi có bị ông giáo già làm cho một trận. Tôi không nhớ thầy đã phạt như thế nào, chỉ nhớ cái thằng đồng môn đã hô hoán truy tố mình, nghĩ cũng lạ.

Trải qua bao lần dông bão nổi chìm, bây giờ tôi vẫn nhớ những ngày “gian nan” suýt bị làm thầy chùa ấy. Mà nhớ nhất vẫn là tiếng tụng kinh trầm bổng, tiếng thằng đồng môn hô hoán.

Thật ra cũng không lạ. Tỉ như chúng ta chợt có lúc nhớ tiếng la rầy của mẹ thì đồng hiện một hình ảnh. Nghe đâu đấy một tiếng kêu trầm cũng có thể nhớ rất nhanh hình ảnh ngôi trường cũ nghèo nghèo. Hay là gió thổi. Hay là róc rách tiếng sóng chợt nhớ những đêm ngật ngưỡng trên một con thuyền ra đi. Âm thanh khiến mình nghĩ đến hình ảnh. Đó là sự liên tưởng. Liên tưởng đến những cái mình trải qua rồi. Nếu như mình không từng nghe qua những âm thanh đó thì sự liên tưởng cũng không có. Vì thế âm thanh ở đây là tiếng động của quá khứ. Nó là sự thân quen đã mất và thường dựng lên một nỗi ngùi ngùi.

Nhưng cũng có nhiều âm thanh không kéo mình về hình ảnh cũ. Ngược lại, có vẻ như nó nhấc mình đưa vào một nơi nào ấy. Thông thường chúng ta không hiểu các âm thanh đó. Nó không có nghĩa. Tiếng con chim se sẻ kêu có nghĩa không? Thưa vẫn có. Nó là tiếng kêu của con chim se sẻ. Chúng ta thấy con chim se sẻ, nghe nó kêu, nên biết là tiếng kêu của nó. Khi chỉ thấy chim se sẻ mà không nghe nó kêu chúng ta vẫn có thể hình dung ra tiếng nó kêu. Khi chỉ nghe nó kêu mà không thấy nó, chúng ta vẫn hình dung ra đó là con chim se sẻ. Đơn giản nhưng chúng ta nghe và hiểu là nhờ tuy không chủ ý, nhưng chúng ta đã “thực tập” nghe âm thanh và tưởng hình ảnh nên có thể liên kết âm thanh và hình ảnh dễ dàng.

Có các âm thanh chúng ta có thể nghe hoài nhưng không thể tưởng ra hình ảnh là vì sao? Tôi đoán rằng ai cũng có kinh nghiệm này. Tôi cũng đoán rằng không những chỉ nghe, mà có rất nhiều người còn đọc hay tự mình phát ra các âm thanh đó nữa, nhưng tuyệt nhiên vẫn không thấy gì cả, hay không cảm thấy gì cả!

Khi đi chùa nghe các thầy tụng kinh, hay khi ở nhà có người thân mất được các thầy tới nhà tụng và người nhà tụng theo, chúng ta thường nghe hay đọc ra tiếng vài câu kinh có âm thanh khó hiểu, gọi là chú hay mật ngữ. Có những bài chú dài như chú Đại Bi, hay một câu ngắn nhiều người biết như “Án Ma Ni Bát Di Hồng”. Từ lâu các thầy không giảng nghĩa của câu chú mà để nguyên âm. Những người muốn đọc tụng cứ theo âm mà đọc. Cũng có người thắc mắc là đọc không hiểu thì đọc làm gì, có được lợi ích gì đâu.

Âm thanh không phải là nghĩa, người ta chỉ đưa ý nghĩa đến cho âm thanh. Khi một đứa bé bắt đầu tập nói, nó lập lại (một hoặc hai) âm của người lớn một cách máy móc, dần dần nó nhận ra cái âm mà nó phát ra thường gắn với một hình ảnh nào đó, một hành động nào đó, hay tạo ra một tác dụng nào đó. Đến lúc này cái âm đó có nghĩa đối với nó.

Thí dụ trên chỉ thuần về mặt ngữ học, nó cũng giống như chúng ta liên kết con chim se sẻ với tiếng kêu của nó. Cách giải thích về liên tưởng này có đầy đủ trong các bài học của ngành ngôn ngữ, thường để dạy các thầy cô giáo dạy ngôn ngữ thứ hai hay được dùng trong mấy bài phê bình văn học.

Âm thanh không phải chỉ có ý nghĩa đơn thuần về mặt ngữ học như thí dụ trên.

Có các âm thanh không có ý nghĩa, hiểu theo cách bình thường là chúng ta không tìm ra nghĩa của âm đó trong từ điển.

Nhưng các âm thanh không có ý nhĩa này có khi lại được cảm nhận, và dựng được hình ảnh.

Năm 1967, một bác sĩ người Thụy Điển là Hans Jenny đã mô tả cấu trúc và động lực của sự rung trong tác phẩm Cymatics. Ông mô tả các thí nghiệm đã thực hiện để chứng minh âm thanh gây tác dụng lên môi trường liên hệ như thế nào. Thoạt tiên, bác sĩ Jenny đổ chất lỏng như nước, hay các hạt vụn như cát, mạt sắt lên một cái đĩa, cho dòng điện chạy vào đĩa để làm cái đĩa rung. Tùy theo cường độ dòng điện mạnh hay yếu thì tần số rung thay đổi theo. Ở mỗi tần số nào đó thì chất lỏng hay mạt sắt xếp thành một hình dạng nào đó, có thể là một hình thù đều đặn nhưng cũng có khi lộn xộn không ra hình dáng nào. Từ các thí nghiệm đơn sơ trên, ông phát minh một cái máy gọi là tonoscope, gọi đơn giản là máy rung. Để dễ hình dung, có thể xem cái tonoscope như các máy mát-xa có bán ở các tiệm thuốc tây dùng để mát-xa thân thể, hay mát xa tay chân. Không như các thí nghiệm đơn sơ trước, ông có thể điều chỉnh độ rung của cái máy rung theo ý muốn. Ai từng dùng máy mát-xa thì biết cảm giác như thế nào. Thí dụ khi áp máy vào xương sống, bật điện, thì không chỉ cái khúc xương sống có máy áp vào rung lên “ù ù” mà hầu như toàn thân đều cảm nhận được cái cảm giác “ù ù” cùng với âm thanh phát ra do độ rung của máy.

Liên hệ giữa cái đĩa rung với máy tonoscope giống như liên hệ giữa xương cốt và máy mát-xa. Xương cốt và mình mẩy của mình cảm nhận độ rung mạnh hay yếu tùy theo mình muốn “đã” nhiều hay ít, cái đĩa của tonoscope cũng có thể được điều chỉnh cho rung nhiều hay ít tùy theo cường độ dòng điện. Khi cái đĩa rung lên thì cũng có một thứ âm thanh tương ứng với độ rung phát ra (cũng giống như máy mát-xa rung thì phát ra âm thanh). Chỉ khác là ở máy mát-xa, chúng ta chỉ có thể điều chỉnh khoảng ba tần số (mạnh-vừa-yếu), còn tonoscope của bác sĩ Jenny thì có thể điều chỉnh cả ngàn tần số/âm thanh khác nhau.

Bác sĩ Jenny thử nhiều loại chất lỏng khác nhau và cho rung ở các tần số khác nhau. Ông quan sát sự thành hình của chất lỏng trên đĩa, đồng thời mỗi lần như thế ông có thể nghe được âm thanh của mỗi loại tần số khác nhau. Mỗi khi ông chạm nhẹ đầu ngón tay vào đĩa thì cảm thấy sự rung động của đĩa tương ứng với âm thanh mà ông nghe được. Bác sĩ Jenny đi đến kết luận về sự rung/âm thanh, gồm có ba yếu tố: chúng ta có thể nghe được âm thanh của sóng, có thể thấy được sự hình thành hay hình ảnh của âm thanh (như được ghi dấu trên đĩa), và khi chạm vào đĩa thì cảm được nó đang rung.

Như vậy sự rung và âm thanh có thể nhận được qua ba giác quan là thanh (nghe), sắc (thấy), và xúc (sờ chạm). Mặc dù thí dụ về độ rung có liên quan đến ba giác quan, nhưng mục đích của bác sĩ Jenny không phải vậy. Ông chỉ muốn chứng minh sự rung và âm thanh có thể thấy được bởi vì theo ông, con người thường bị cái thấy chi phối nhiều nhất. Nhưng ông phải nói đến ba yếu tố của âm thanh là để nói lên một ý chính: khi nhìn nhận một hiện tượng, chúng ta nên nhìn tổng thể, từ nhiều góc độ khác nhau, chứ không nên phán rằng âm thanh có hình ảnh, rồi cứ bám riết theo khám phá để giải thích mọi hiện tượng. Đó là một cách đến gần với khoa học. Ý của ông như câu chuyện các người mù xem voi. Người mù nào cũng nghĩ là mình mô tả đúng con voi cho đến khi có một người tình cờ “thấy hết con voi”. Con voi không phải cong như vòi, không phải thẳng đứng như cột, hay vung vẩy như cái đuôi, mà phải là tổng thể những cái đó. Nhưng nói người mù tả voi sai cũng không đúng, họ cũng đúng nhưng chỉ đúng ở cái phần của họ. Họ sẽ đúng hơn nếu có một mô tả tổng diện.

Âm thanh trong thí nghiệm của bác sĩ Jenny rõ ràng có tác động đến môi trường chung quanh bằng sóng, bằng độ rung, bằng hình ảnh. Nhưng quan trọng hơn là phải đặt âm thanh hay nhìn âm thanh trong một tổng thể gồm cả môi trường chung quanh âm thanh đó, loại vật chất mà âm thanh đó tác động vào, vật thể phát ra âm thanh, hay cá tính/căn cốt của người phát ra âm thanh. Bởi vì cùng một âm thanh, một tần số, nhưng gây nên các tác dụng khác nhau tùy theo loại vật chất mà nó tác động vào. Bởi vì cùng một âm thanh, một tần số, nhưng người phát âm này sẽ tạo tác dụng lên chính mình và môi trường chung quanh khác người kia. Và ở cường độ âm thanh này thì có hình ảnh kia, ở cường độ âm thanh kia thì sẽ tạo ra hình ảnh nọ. Và như đã thấy chứng minh, chúng ta cảm được sự rung của hình ảnh đó.

Mật chú có tạo ra sự rung và hình ảnh không?

Tất nhiên là có. Vì mật chú thì cũng là âm thanh thôi. Nhưng đó là một loại âm thanh đặc biệt.

Hai câu chú có âm thanh khác nhau sẽ tạo ra hai tác dụng khác nhau. Điều này đơn giản vì tần số hay sự rung của chúng khác nhau.

Chúng ta thử phát âm “Án”, nghỉ một chút rồi phát âm “Om” sẽ cảm thấy khác nhau như thế nào. Hôm nào rảnh, thử đứng trước một cái lá cây, rồi vận nội lực phát ra hai âm này coi độ rung của lá cây có khác nhau không.

Hai âm “Án” và “Om” có hai độ rung khác nhau, gây ảnh hưởng khác nhau đến môi trường chung quanh. Chính người phát âm cũng cảm thấy khác. Sự cảm nhận khác nhau đó tùy theo mức độ thực tập, nhưng căn bản thì người thực hành sẽ thấy là khi phát âm “Om”, có một sự rung động sâu, bền và rền như thấm chuyền vào lồng ngực, và sự rung chuyển ra bên ngoài của “Om” hình như cũng kéo dài hơn. Về mặt ngữ học, người ta có thể giải thích phần nào về cảm nhận và hiện tượng này, nhưng vấn đề của người thực hành đọc chú không phải để tranh thắng về mặt lý luận, mà tột cùng, là để cho mình đạt được mục tiêu của mật ngữ.

Thế nhưng chúng ta cũng thấy là do vấn đề phát âm nên các mật chú nguyên thủy bằng tiếng Pali hay Sanskrit đã được Việt hóa. Như “Om” được Việt hóa thành “Án”, chẳng hạn. Âm “Án” dễ phát hơn nên cũng dễ nhớ, lại ít phải dùng sức hơn, có thể đọc lè phè như đọc bài không phải mất sức nhiều. Nhưng cũng vì vậy mà “Án” càng khác “Om” ở độ rung và tác dụng.

Một câu mật chú mà được đọc thật nhanh thì sẽ thấy rất khác với khi đọc chậm. Đọc nhanh, phát âm theo tiếng Sanskrit hay Pali thì sẽ thấy tự nhiên các nguyên âm của từ trước như nối với nguyên âm của từ kế tiếp khiến cho âm của từ được nối biến thành một âm khác. Và nếu thực hành hoài như thế thì “tự nhiên” sẽ có một giây phút nào đó, một lúc nào đó cái âm thanh do chính mình phát ra chợt bắt nhịp cùng với nhịp rung của nội và ngoại giới, lúc ấy mình sẽ cảm được sự lạ lùng chỉ riêng mình hiểu.

Âm thanh của mật chú như vậy đâu cần phải có nghĩa. Nó là sự rung động, từ sự rung động đó dựng nên được hình ảnh, hình ảnh của sự rung động – ánh sáng. Sự rung động của mật âm, như tên gọi, không nên được giải thích. Người ta thường có khuynh hướng tìm tòi, thích giải nghĩa những điều gì đó, hay vật gì đó có vẻ bí mật. Đó là nhu cầu trí thức. Đôi khi đó cũng là nhu cầu muốn chứng tỏ bản ngã nữa. Từ bao đời các bậc tổ sư không thích nghĩa mật chú, các vị cứ để âm nguyên như vậy. Các vị tổ phải có ý gì đó mới không giải thích chứ chắc hẳn không phải do các tổ không biết. Đức Phật khi tuyên thuyết mật chú cũng không giải nghĩa, chỉ nói tác dụng, thí dụ như chú Lăng nghiêm là để cứu đệ tử A-nan thoát khỏi ma nữ. Phật phải có ý gì đó nên mới không giải nghĩa từng âm thanh trong mật chú, điều mà ngày nay, trong thời đại công nghệ thông tin, nhiều người đang cố công lật lựa từng âm để giải thích và in ấn, thí dụ như bài chú Đại Bi được giải thích từng câu một, mỗi câu chú được vẽ thành một vị Bồ-tát. Vấn đề quan trọng ở chỗ: không phải cái công việc giải thích một câu chú bằng cách vẽ một vị Bồ-tát là đúng hay sai, mà là, làm việc đó để làm gì, việc làm đó có giúp gì cho người đang đọc chú không?

Tôi đoán nó chỉ giúp người ta thỏa mãn trí tò mò và tâm hiếu kỳ, chứ chắc là không đóng góp gì cho mục đích của mật chú. Mục đích của mật chú là âm thanh. Mà âm thanh là để rung động. Sự rung của hình ảnh, làm ra hình ảnh, khiến ánh sáng nội giới hòa tan vào một cõi. Các âm này nối âm kia, khi có hai (nguyên) âm gần nhau thì nó tạo nên một âm thứ ba. Âm thứ ba này lại tràn trề nối âm thứ tư, thứ năm, âm thứ sáu, âm thứ bảy, hay là vũ trụ, hay là tâm, hay là không, hay là tất cả. Hãy để âm thanh của mật chú làm chủ để tâm mình nương theo đó mà rung động cùng với điều mật ẩn. Đừng tìm hiểu nghĩa của mật chú. Sống tự nhiên với sự rung động của âm thanh, sống và thực hành mật chú một cách ngây thơ giống như tâm hồn trong trắng của thời thơ ấu nghe kinh mà không hiểu gì cả, sống trong sáng với âm thanh của mật chú như thế thì sẽ có một lúc bất chợt, ánh sáng vỡ òa.

TS. Hồ Đắc Túc
[Tập san Pháp Luân - số 72, tr3, 2009]