Tổ chức sự kiện Phật giáo

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tổ chức sự kiện (event) là một hoạt động truyền thông, thuộc vào loại cổ nhất, nhưng hiện nay vẫn còn được sử dụng  rộng rãi và vẫn được đông đảo công chúng ưa chuộng. Các cuộc hội thảo, hội nghị, triển lãm, mít tinh… đều là những sự kiện, và thuộc lãnh vực truyền thông.


Tổ chức sự kiện, đó là hoạt động tụ tập đông người tới một địa điểm, và qua những phương thức nhất định, nhằm truyền đạt một hay nhiều nội dung nào đó.

Ngày nay, khi các phương tiện truyền thông hiện đại đã phát triển, truyền hình, internet, v.v… vẫn chưa thể thay thế được hoạt động tổ chức sự kiện, mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ hoạt động tổ chức sự kiện. Ở nước ta mọi người vẫn thích gặp nhau trực tiếp, bất chấp kẹt xe, khói bụi... Có thể sự kiện được tổ chức trong những khách sạn sang trọng, lộng lẫy, điều hòa không khí, với tiệc đứng, quà tặng hay sự kiện được tổ chức trong những nhà thi đấu, nhà triển lãm chen chúc người, nóng bức, phải mua vé vào xem… nhưng nếu khéo tổ chức, vẫn là những hoạt động thành công khi thu hút được nhiều người tham dự.

Tổ chức sự kiện, đông đảo, ồn ả, huyên náo, chen chúc… liệu có phù hợp với Phật giáo, tôn giáo xuất thế, ẩn dật với non cao rừng thẳm?

Ở Phật giáo, tổ chức sự kiện có thể coi là có từ thời đức Phật. Những bộ kinh lớn được đức Phật giảng nói đều là những sự kiện, nói theo từ nhà Phật là “pháp hội”, với đại chúng tham dự đông đảo, nhiều ngàn đến nhiều chục ngàn.

Các pháp hội – sự kiện hoằng truyền chánh pháp đều do đức Phật chủ trì. Đức Phật cũng là người xúc tiến tổ chức sự kiện khi triệu tập đại chúng bằng điều mà kinh điển thường gọi là hiện tượng điềm lành, sử dụng cả ánh sáng hào quang và âm thanh, làm chấn động đại địa, thị hiện quốc độ bằng phẳng để đại chúng trời, người, atula… tụ họp.

Những cuộc lễ tôn giáo cổ truyền, trong đó có Phật giáo, khi được quảng bá rộng rãi cũng có thể coi là sự kiện truyền thông.

Riêng Phật giáo Việt Nam, trong thế kỷ XX, nhiều cuộc lễ đã được tổ chức theo hướng sự kiện truyền thông hiện đại. Đáng lưu ý nhất là Lễ Phật Đản từ năm 1964 đã được tổ chức theo hình thức một sự kiện truyền thông. Thay vì chỉ có khóa lễ cúng sanh thần đức Thế Tôn tại chùa vào 4 giờ sáng như truyền thống, thì Lễ Phật Đản năm 1964 là một cuộc mít tinh quần chúng đông đảo được tổ chức trên quảng trường trung tâm Sài Gòn, với cờ, hoa, biểu ngữ, bong bóng. Đặc biệt, những phương thức truyền thông đã được sử dụng: áp phích, băng rôn, thông điệp, diễn văn, v.v… Buổi tối có xe hoa, một phương thức mang tính chất quần chúng cao độ, diễn hành qua hầu hết các đường phố lớn ở Sài Gòn.

Như vậy, sự kiện là hoạt động truyền thông không mới lạ gì đối với Phật giáo. Vấn đề mà bài viết này muốn đặt ra là Phật giáo Việt Nam làm sao khai thác tốt hơn nữa việc tổ chức sự kiện để phục vụ hoạt động hoằng pháp.

Sự kiện như một hoạt động truyền thông có nhiều loại, nhiều cấp độ. Ở đây, chúng ta bàn luận theo những khái niệm này.

Phật giáo Việt Nam chúng ta đã làm quen với những sự kiện định kỳ, như lễ Phật Đản hàng năm. Những sự kiện không định kỳ cũng bước đầu được tổ chức nhiều hơn, thí dụ Đại Lễ Phật đản Liên Hiệp Quôc tại Hà Nội năm 2008 với rất nhiều sự kiện kèm theo như hội thảo, đốt nến cầu nguyện hòa bình…

Tuy nhiên để việc tác động truyền thông có kết quả và liên tục, phân bố đều trong năm, thiết tưởng, cần dành sự chú ý nhiều hơn.

Phật giáo Việt Nam chúng ta chưa có hình thức sự kiện năm (thí dụ như so với sự kiện 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; năm thứ 70 Cách mạng Tháng Mười Nga; hay năm Thánh 2010… chẳng hạn). Sự kiện năm là tổ hợp một chuỗi sự kiện tập trung vào một chủ đề chính. Sự kiện năm có thể tổ chức cách 10 năm, 5 năm, thường là kỷ niệm tròn năm chẵn (đơn vị chục năm). Chẳng hạn, năm 2013, Phật giáo Việt Nam có thể tổ chức “Năm Bồ Tát Thích Quảng Đức” chẳng hạn, nhân dịp kỷ niệm tròn 50 năm Bồ-tát vị pháp thiêu thân.

Sự kiện năm là một mảnh đất màu mỡ, mà trên đó, chúng ta có thể vun trồng nhiều sự kiện khác nối tiếp nhau như mít tinh, hội thảo, cầu nguyện đốt nến, hoa đăng, triển lãm nghệ thuật, xuất bản sách, tạp chí và báo chuyên đề, đêm nhạc, hành hương lịch sử, thi văn thơ, v.v… Áp phích, panô, băng rôn có thể treo giăng trong suốt cả năm.

Sự kiện đột xuất có thể được lập kế hoạch theo từng địa phương. Sao cho một sự kiện vừa kết thúc tại địa phương này, tự viện này thì sự kiện khác tại địa phương hay tự viện khác bắt đầu, tạo nên những chuỗi sự kiện nối nhau trên phạm vi không gian toàn quốc. Và như thế, sự kiện Phật giáo là liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sự kiện không có nghĩa là thời gian hạn hẹp (như sự kiện năm) với những chuỗi sự kiện cấu thành, sự kiện cũng không bắt buộc giới hạn trong một địa điểm. Sự kiện có thể là một hoạt động di chuyển (không gian đổi theo thời gian). Hành trình vừa đi vừa lạy của một tăng sĩ chùa Hoằng Pháp hướng về Yên Tử là một ví dụ về sự kiện di động, tương tự các sự kiện như đi bộ xuyên quốc gia, du hành đến những địa điểm đặc biệt (leo núi, đến địa cực…).

Trong các sách lý luận về truyền thông của Liên Xô trước đây, các hoạt động thuần túy chuyên môn như phóng tàu vũ trụ, tập trận… cũng được tổ chức phối hợp các cơ quan truyền thông đại chúng để quảng bá sự kiện nhằm những mục tiêu truyền thông nhất định.

Như vậy, sự kiện vừa có thể tiến hành trong một thời gian kéo dài, vừa có thể di chuyển qua nhiều địa điểm, vừa có thể đa nhiệm (như sự kiện phóng tàu vũ trụ được tổ chức quảng bá ở trên).

Trong bài tiếp theo, chúng tôi sẽ đề cập cụ thể đến các bước tổ chức sự kiện Phật giáo.

Phước Cường
[Tập san Pháp Luân - số 71, tr94, 2009]