Tên làng là Teng Nong mà nói theo âm người Kinh là Trăng Non, cái tên như gợi hình ảnh một mảnh trăng lưỡi liềm, ánh trăng còn mờ nhạt, khiếm khuyết trên bầu trời lấp lánh sao đêm nhưng ánh trăng ấy vẫn có thể soi sáng cho đường làng quê bé nhỏ. Cái tên ấy cũng làm liên tưởng về ánh Đạo đang tỏa chiếu cho bà con trong làng. Bởi từ khi các bố các mẹ, thanh niên nam nữ và cả thiếu nhi làng Trăng Non biết đi chùa thì cuộc đời của họ đã được sáng hơn trong sự bao dung của thầy và sự đùm bọc chia xẻ của đạo hữu Phật tử xa gần.
Một buổi chiều cuối thu, khi nắng đã nhạt nhòa dưới bóng mây thấp, mấy thầy trò được anh già làng Rmah Póp đưa về thăm Trăng Non. Đó là một ngôi làng nhỏ của người Gia Rai trên địa bàn huyện Chư Sê, xã Phú Nhơn, tỉnh Gia Lai. Làng nằm khuất dưới một thung lũng, lấp ló trong các tàng cây, lũy tre. Làng cách quốc lộ 14 chừng 3-4 km thôi, nhưng sinh hoạt của bà con gần như không mấy ảnh hưởng nếp sống đang phát triển, đang đô thị hóa dần lên của người kinh nơi đây. Họ vẫn sống âm thầm, lặng lẽ mà giữ gìn bản sắc dân tộc lâu đời của mình. Nhiều em bé đã được đến trường học tiếng Kinh. Thầy cô giáo người Kinh dạy, học chung chương trình tiểu học, trung học cùng người Kinh nhưng về nhà cũng chỉ dùng tiếng Gia Rai với ông bà cha mẹ, làng xóm. Ai đến thăm hỏi các em đều e dè trả lời bằng tiếng Kinh như là không biết tiếng Kinh vậy. Trẻ em còn có ý thức giữ gìn cội nguồn thiêng liêng của bộ tộc mình huống là người lớn. Nhà cửa trong làng được xây dựng theo hàng lối và có những ngõ xóm nho nhỏ; một số nhà sàn đặc trưng còn giữ lại đan xen với một số nhà mới xây bằng gạch không tô trát, thấp bé. Người đồng bào vẫn chưa biết giữ gìn vệ sinh môi trường bởi heo, bò còn nuôi dưới nhà sàn hoặc thả rong quanh nhà. Có nhà còn khuất trong vườn tiêu nên ẩm thấp, nhiều muỗi mòng. Từ người lớn đến trẻ con vẫn ăn mặc phong phanh, cũn cỡn đi dép thô, còn em nhỏ vẫn chân đất, đầu trần, tóc vàng hoe và bết từng mảng do mồ hôi kết với bụi đỏ trong cuộc rong chơi chạy nhảy khắp làng.
Khách đến thăm cảm thấy se lòng khi liên tưởng cuộc sống của người Kinh ở nông thôn với người đồng bào còn nhiều cách biệt, chợt nghĩ kiếp người như nhau, cùng sống trên môt địa bàn tại sao nhiều kiếp đời còn khác nhau như vậy? Phải chăng nghiệp báo, phước duyên nhiều đời gây tạo khác nhau rồi mà tình đời đối đãi vẫn chưa bình đẳng? Tuy nhiên theo già làng cho biết thì cuộc sống của bà con đã thay đổi hơn xưa rồi đó.
Bây giờ, trước khi đi chùa đã có tắm gội, thay áo quần sạch, em bé cũng thế. Mọi người khi nhận tặng phẩm từ đạo tình của Phật tử phương xa đã biết lễ phép cám ơn, nhất là biết chấp tay búp sen chào đáp. Thấy thầy trò chúng tôi vừa xuống xe, không ai bảo ai mà người lớn đến trẻ em đều tự giác dừng công việc, chấp tay cúi đầu chào, miệng niệm Phật Di Đà. Thầy đáp lễ: A DI ĐÀ PHẬT nhưng các em nhỏ lại đồng loạt niệm to cả câu: Nam mô A DI ĐÀ PHẬT khiến chúng tôi rất vui mừng bởi cảm như ánh từ quang của chư Phật đã trải cùng khắp và bà con đồng bào cũng đã mở lòng đón nhận. Có một số ít người không hưởng ứng việc đem ánh sáng Phật pháp về làng vì cho cho rằng chỉ mất công, bởi có mang bao nhiêu gạo mì đến chia xẻ cũng không đủ, khi dùng hết thực phẩm họ cũng quên câu niệm Phật mà thôi. Nghĩ vậy là chưa công bằng với một số làng mà chúng tôi có dịp đi thực tế. Khi bà con đồng bào đã biết niệm Phật là mình đã gieo được chủng tử Bồ Đề vào tâm thức họ rồi hoặc là đã cuốc xới giúp họ cái tánh Phật trong họ mà vô minh dày quá, phủ lấp lâu rồi thì một ngày nào đó họ sẽ giác ngộ để tự chuyển hóa nếp sống, tư tưởng si mê mà giải thoát khổ đau của kiếp người chứ? Họ sẽ có thêm tư lương cho cuộc đời mình mà biết chùn tay hơn khi săn bắt, sát sinh. Vì bản năng sinh tồn theo qui luật của đại ngàn là “mạnh được yếu thua”, người đồng bào cần thịt thú để nuôi thân cũng như cần giết thú để tế lễ cầu xin cho mạng sống của mình... Họ quen phá rừng, khai hoang rẫy mới theo tập quán du canh du cư... đều là do vô minh, trí tuệ chưa khai mở, làm sao biết cách hạn chế ác nghiệp? Nay nhờ biết đưa câu niệm Phật vào tâm, thì thiện nghiệp sẽ đến mà xa lìa dần tập khí muôn thuở kia là quý hóa lắm rồi. Nhìn những nét mặt hiền hòa, chất phác của bà con đồng bào, với nụ cười ngây ngô nhưng ánh mắt lại sáng ngời lên khi niệm Phật mình tin rằng khi xả báo thân này họ sẽ được chuyển nghiệp lành mà không còn bị tái sanh vào vùng biên địa hạ tiện dễ gây ác nghiệp như trong đời hiện tại.
Tập quán của bộ tộc họ là thích uống rượu, uống quanh năm trong mọi hoàn cảnh, vào lễ hội cúng Giàng, lúc tạ mùa và cả khi ma chay; nam nữ phụ lão đều cùng nhau uống say bí tỉ, lướt khướt… vẫn còn uống, cho nên bao oan trái, tội vạ xảy ra trong cuộc rượu với người say thì chẳng lạ gì. Đức Phật dạy Phật tử năm giới cấm, giới cấm uống rượu đứng thứ năm nhưng nó chính là tác nhân của bao tội lỗi sát sanh, tà dâm, trộm cắp, lừa dối... thì nhiều người đã chứng nghiệm. Từ ngày làng Teng Nong theo đạo Phât, biết nhắc nhau đi chùa, vui vẻ ăn cơm chay ở chùa thì những tập quán và cả tập khí xưa đã chuyển từ từ, chút chút rồi. Đám thanh niên nam nữ có đến chùa, ngồi chơi hoặc nghe thầy trò chuyện, khuyên bảo cũng uống ít đi và giảm bớt đánh đập nhau khi tức giận. Thật ra, nếu được thường xuyên gần gũi các bậc thiện tri thức họ sẽ khai tâm mở trí để biết tu học như người Kinh vậy. Bà con nơi đây rất cần những vị đạo sư có lòng bi mẫn đối với họ. Trẻ thơ cũng cần người dìu dắt tâm linh, đặc biệt các em nhỏ rất dễ dạy và thật thà. Mỗi khi được phát quà, các em đều e dè khép nép không tranh dành với bạn, em nào nhận rồi mà còn được phát lại, các em sẽ lắc đầu cho biết đã có rồi và chỉ tay về phía những bạn còn ngần ngại đứng ngoài hàng chưa được quà. Nếu được nuôi dưỡng trong ánh đạo, chắc chắn những em này sẽ là những nhân tố tốt đẹp giúp bản làng thay đổi theo hướng tích cực. Tiếc thay, các hoạt động từ thiện đến với bà con đồng bào chỉ mới cứu đói cái thân trong thời gian có hạn còn phần tâm linh vô hạn vẫn còn hoang vu đầy cỏ dại...
Hoàng hôn xuống thấp rồi, trăng non đã lấp ló cuối làng. Chúng tôi phải từ giã làng Teng Nong. Người lớn cùng trẻ em đều tiễn ra tận ngoài đường, vẫn chấp tay ngang ngực, niệm Phật cung kính. Xin giữ lại nơi đây những ánh mắt thân thương như mong ngóng, đợi chờ chuyến trở lại của những người con Phật.
Tâm Qủa
[Tập san Pháp Luân - số 71, tr80, 2009]