Năm 2013 là năm kỷ niệm tròn 50 năm Pháp nạn lịch sử, tai ách mà Phật giáo Miền Nam Việt Nam đã phải chịu đựng vào năm 1963, tròn 50 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức và chư vị liệt thánh tử đạo hy sinh chống lại sự đàn áp khốc liệt của chế độ kỳ thị tôn giáo tàn nhẫn, phi nhân của Ngô Đình Diệm.
Để đánh dấu tròn nửa thế kỷ một sự kiện đáng nhớ trong lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại, thiết tưởng cần tổ chức những hoạt động tương xứng để kỷ niệm.
Từ trước đến nay, Phật giáo Việt Nam vẫn thường tổ chức các sự kiện định kỳ vào thời điểm hàng năm theo hình thức ngày lễ. Đơn vị lễ kéo dài nhất có lẽ là “tuần lễ Phật đản”.
Việc tổ chức sự kiện đột xuất theo hình thức năm kỷ niệm (thí dụ tương tự 1000 năm Thăng Long Hà Nội, 300 năm TPHCM hay “Năm Thánh 2010”… chẳng hạn) vẫn còn là một hoạt động tương đối mới đối với Phật giáo Việt Nam.
Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2008 là sự kiện được tổ chức kéo dài đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự kiện không đạt đến đơn vị thời gian năm. Các hoạt động kết thúc sau khi Đại lễ kết thúc vào tháng 5 Âm lịch.
Thiết tưởng, đã đến lúc Phật giáo Việt Nam tổ chức các sự kiện với tầm vóc thời gian là năm.
Trước mắt, năm 2013 là năm thích hợp nhất với kỷ niệm tròn 50 năm cuộc đàn áp thảm khốc Phật giáo miền Nam Việt Nam vào năm 1963, mà phản ứng tiêu biểu của Phật giáo thể hiện bằng việc tự thiêu của Bồ-tát Quảng Đức.
Cách đây nửa thế kỷ, dưới sự cai trị tàn ác của Ngô Đình Diệm, tại miền Nam Việt Nam, Phật giáo đã trải qua những giờ phút ách nạn ngặt nghèo, với năm 1963 là thời gian đỉnh điểm.
Thực chất của hoạt động đàn áp Phật giáo miền Nam Việt Nam do chính quyền Ngô Đình Diệm là hoạt động tổng lực cải đạo tín đồ Phật giáo miền Nam sang Thiên Chúa giáo La Mã trên quy mô nửa nước, mưu toan biến miền Nam Việt Nam thành một quốc gia Thiên Chúa giáo toàn tòng.
Đỉnh cao của cuộc đấu tranh chống lại hoạt động bức hại Phật giáo miền Nam Việt Nam là sự hy sinh của Bồ-tát Quảng Đức, vị pháp thiêu thân.
Vì vậy, xin kính đề xuất tổ chức sự kiện “Năm Bồ-tát Thích Quảng Đức” vào năm 2013.
Vừa qua, Việt Nam đã dành cho Bồ-tát Thích Quảng Đức nhiều hình thức kỷ niệm xứng đáng, như lấy tên ngài cho một con đường ở quận Phú Nhuận, TPHCM khởi công xây dựng tượng đài kỷ niệm ở khu vực trung tâm thành phố nơi Hòa thượng đã tự thiêu, v.v...
Việc Phật giáo Việt Nam tổ chức kỷ niệm, vinh danh và tri ân Bồ-tát Quảng Đức theo đơn vị năm mới có thể là hoạt động tương xứng kỷ niệm ngài theo thời gian.
Theo thông lệ, năm kỷ niệm được hình thành bằng nhiều sự kiện, được thiết kế tổ chức liên tục trong suốt cả năm. Có thể đó là các hoạt động có tính quần chúng như đại lễ, hội thảo khoa học lịch sử, triển lãm chuyên đề, họp mặt chư Tôn đức, cư sĩ lão thành là chứng nhân lịch sử, đêm thơ nhạc tưởng niệm, v.v…
Cũng có thể là các hoạt động truyền thông như xuất bản các số báo, tạp chí, sách chuyên đề, thực hiện và trình chiếu phim tư liệu, sáng tác thơ văn,vv…
Đặc biệt. quả tim bất diệt, di vật thiêng liêng của Bồ-tát Quảng Đức, sau nửa thế kỷ bảo quản chu đáo, có thể đưa ra cho đông đảo Tăng Ni Phật tử Việt Nam chiêm bái trong dịp lễ kỷ niệm trọng đại này. Việc chiêm bái có thể thực hiện nối tiếp nhau trên khắp các tỉnh thành cả nước, với những lễ cung nghinh nghiêm trang, long trọng.
Bồ-tát Quảng Đức không chỉ là vị Thánh tăng của Phật giáo Việt Nam, mà còn là một vĩ nhân của dân tộc Việt Nam, được nhân dân cả nước kính ngưỡng. Vì vậy, năm Bồ-tát Quảng Đức, nếu được tổ chức đạt yêu cầu, có thể là một dịp kỷ niệm chung của cả nước. Năm Bồ-tát Quảng Đức đồng thời cũng có thể là “Năm Phật giáo Việt Nam”.
Đối với sự kiện năm, các phương tiện, hình thức phục vụ sự kiện như băng rôn, áp phích, panô, biểu tượng, v.v… có thể trưng bày trong suốt năm kỷ niệm. Đó là điều rất có lợi cho Phật giáo Việt Nam.
Năm Bồ-tát Quảng Đức cũng là thời gian tương xứng, thích hợp để nhắc nhở Tăng Ni Phật tử Việt Nam mối họa cải đạo với năm 1963 là năm đỉnh điểm cưỡng bức cải đạo bằng bạo lực ở miền Nam Việt Nam. Đến nay, cải đạo vẫn còn là một hiểm họa rình rập Phật giáo và dân tộc Việt Nam, dưới những mưu kế, diễn biến, bề ngoài khoác áo nhân đạo, hòa bình nhưng vô cùng tinh vi, thâm hiểm.
Bồ-tát Quảng Đức là một biểu tượng của sự gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc. Vì vậy, kỷ niệm Năm Bồ-tát Quảng Đức là nỗ lực bồi đắp cho mối quan hệ này gắn kết hơn nữa, bền vững hơn nữa.
Năm Bồ-tát Quảng Đức là hoạt động tổ chức sự kiện ở quy mô năm lần đầu tiên, để tiến tới Phật giáo Việt Nam tổ chức các sự kiện năm tiếp theo, như Năm Phật hoàng Trần Nhân Tông, cũng như các năm kỷ niệm chư vị tổ sư hữu công Phật giáo Việt Nam.
Năm 2013 cũng là thời điểm thích hợp để Phật giáo Việt Nam học tập, tiếp nhận các hình thức tổ chức sự kiện phong phú sẽ diễn ra vào Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, để vận dụng cho ngày lễ của mình, vừa đủ cho thời gian chuẩn bị cần thiết 2 năm.
Thời điểm bắt đầu “Năm Bồ-tát Quảng Đức - 2013” có thể bắt đầu vào dịp Phật đản năm dương lịch 2012 và kết thúc vào ngày Bồ-tát vị pháp thiêu thân tròn 50 năm, vào năm 2013.
Chúng tôi xin kính đệ đạt đề xuất tổ chức “Năm Bồ-tát Quảng Đức - 2013” như trên lên chư tôn đức và Tăng Ni Phật tử Việt Nam, với lòng mong muốn đền đáp phần nào đại ân mà những người con Phật hôm nay đã thọ nhận từ sự hy sinh cao cả của Bồ-tát Quảng Đức.
Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân - số 71, tr75, 2009]