Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại? ...
Kính thưa quí vị và các bạn,
Mùa Xuân là mùa gợi cảm cho tất cả mọi người, từ em bé đến cụ già, từ bậc siêu phàm đến người phàm tục… nói như vậy vẫn còn thiếu sót, phải nói “mùa Xuân là… của tất cả mọi loài” mới đúng. Mặc dù cỏ cây hoa lá và loài vật không biết nói, không biết viết nhưng đã có biết bao nhiêu văn nhân thi sĩ, hoạ sĩ đã tốn bao nhiêu là giấy mực đã viết / vẽ về “trăm hoa đua nở”, “ngàn buớm lượn bay”, vì tuy cùng nói về mùa Xuân nhưng mùa Xuân thật là “thiên hình vạn trạng” đối với từng người, từng tâm trạng…, không ai giống ai và mặc dù Xuân của đất trời chỉ có một!
Thật vậy, mùa Xuân của vũ trụ đến là do luật tuần hoàn của trời đất, nhưng nhà thơ Xuân Diệu đâu có chịu vì:
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại? ...
Cũng đúng thôi! Mùa Xuân năm đó thi sĩ mới 20 tuổi với mái tóc bồng bềnh “xanh” mượt mà Xuân năm nay tóc đã nhuốm muối tiêu rồi!… làm sao gọi là “tuần hoàn” (lặp lại như cũ) được, có phải không?
Còn nữa, trong khi một thi nhân ca tụng mùa Xuân trong lòng mình vì tình yêu đang đến:
Xuân của đất trời nay mới đến
Trong tôi xuân đến đã lâu rồi
từ lúc yêu nhau hoa nở mãi
trong vưòn thơm ngát của lòng tôi.
Thì một thi sĩ khác lại cảm thấy đau nhói trong tim vì mùa Xuân chỉ gợi nhiều sầu khổ phiền muộn:
Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu
Nghe thật là mệt quá, phải không thưa quí vị và các bạn? Vì vậy chúng ta hãy nghe Thiền sư Giác Hải nhắc nhở “đừng để tâm chi” cho mệt:
Xuân lai hoa điệp thiện tri thì
Hoa điệp ưng tu tiện ứng kỳ
Hoa điệp ứng lai giai thị huyễn
Mạc tu hoa điệp vấn tâm trì
Xuân đến hoa bướm biết tới khi
Bướm liệng hoa cười cũng đúng thì
Nên biết bướm hoa đều huyễn cả
Mặc hoa với bướm để tâm chi!
Vì vậy, đề tài về mùa Xuân mặc dù năm nào cũng nói mà cứ nói hoài, như “một chuyện dài nhiều tập không dứt”!☺☺!! Xin mời qúy vị và các bạn theo dõi cuộc nói chuyện giũa các Huynh trưởng GĐPT quen thuộc A,B,C để xem họ nghĩ gì về mùa Xuân của đất trời và mùa Xuân trong lòng người!
A: Gần Tết rồi phải không các bạn, cho nên hôm nay ta bàn về mùa Xuân hả?
B: Phải rồi, và xem thử mùa Xuân có ý nghĩa như thế nào đối với người trần tục và những người “siêu phàm”.
C: Và coi thử mùa Xuân Di-lặc là như thế nào nữa chứ! Cứ nói chuyện đi rồi sẽ thấy chúng ta có rất nhiều điều để nói!
A: Vậy, mình xin bắt đầu: mình nghĩ rằng mùa Xuân có hai dạng: Một là mùa Xuân của thế giới tự nhiên tức là Xuân của đất trời; và hai là mùa Xuân trong lòng mình tức là Tâm Xuân.
B: Vậy là bạn đã ra dàn bài cho buổi nói chuyện của chúng ta hôm nay rồi đó, mình nghĩ mùa Xuân của trời đất thì đó là mùa đẹp nhất trong năm, Xuân lộng lẫy huy hoàng nhưng chỉ ba tháng là phải nhường chỗ cho mùa Hạ!
C: Đúng đúng! Đó là chưa nói có nhiều người sống trong bệnh viện, trong một nơi cách ly với loài người, thì đâu biết đến Xuân là gì, như Hàn mặc Tử đã than đó:
Ngoài kia Xuân đã bén duyên chưa?
Trời đất trong đây chẳng có mùa.
A: Hai câu thơ này của Hàn Mặc Tử còn những nghĩa khác nữa chứ không chỉ nói mùa Xuân thôi đâu! Nghĩa là hai câu thơ đó không chỉ nói mùa Xuân của đất trời mà còn nói lên tâm sự của thi nhân nữa đó!
B: Mình đồng ý nhưng phân tích thơ Hàn Mặc Tử thì hơi ra ngoài đề của anh chị em mình, mình tiếp tục nói về mùa Xuân của trời đất nha! Có ngưòi nói Xuân sang,Tết đến chúng ta được thêm một tuổi nhưng Xuân Diệu lại nói xuân đến thì mình GIÀ đi một tuổi và… đi dần đến cái chết!
C: Ủa, sao lạ vậy, thơ Xuân Diệu mình cũng thuộc khá nhiếu mà, mình đâu thấy Xuân Diệu nói “chết chóc” bao giờ!
A: Có chứ, đó là thi sĩ cho rằng: “Xuân đang tới nghĩa là Xuân đang qua, Xuân còn non nghĩa là Xuân sẽ già, Và xuân hết là đời ta cũng mất”. Không phải thi sĩ đang lo sợ cái chết đến gần hay sao?
B: Cho nên mới nói Xuân Diệu cũng có học đạo Phật đó nha! Không phải sao, các bạn còn nhớ mấy câu kệ nhắc nhở đời sống ngắn ngủi… của ai mình quên rồi, chỉ thuộc bài kệ:
Ngày nay đã qua
Thị nhật dĩ quá
Mạng sống giảm dần
Mạng diệc tùy giảm
Như cá cạn nước
Như thiểu thủy ngư
Nào có vui chi?
Tư hữu hà lạc?
C: Mình cũng thấy buồn khi nói rằng mỗi lần tết đến, mình già đi một tuổi. Thật ra từ khi học Phật Pháp, mình “lây” cái nhìn của các vị Thiền sư nên ít lo sợ già, chết như ngày xưa chưa biết Đạo nữa!
A: Đúng vậy! Các bạn có nhớ bài thơ của vua Trần Nhân Tông hay không? Vua không chỉ ngắm trăm hoa đua nở của mùa Xuân mà còn ngắm hoa rụng nữa, mình đọc lại cho các bạn nghe nha!
Tuổi nhỏ không hề rõ sắc,không
Ngày xuân tâm sự rộn trong lòng
Chúa Xuân nay đã nhìn ra đuợc
Thiền tọa an nhiên ngắm hoa tàn.
Thiếu niên hà tằng liểu sắc không
Nhất Xuân tâm sự bách hoa trung
Như kim khám phá Đông hoàng diện
Thiền bán bồ đoàn khán trụy hồng.
B: Phải rồi, vì đối với người đã thấy Đạo, hoa tàn cũng có cái đẹp không khác hoa nở và sinh diệt cũng có cái đẹp không kém gì bất diệt, có phải không?
C: Mình nghe bạn nói “giống” Mãn Giác thiền sư rồi! không phải Mãn Giác thiền sư nhắc nhở rằng, đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua ở trước sân đã có một hoa mai nở rồi hay sao:
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
A: Đúng vậy, dưới mắt các thiền sư, chuyện Xuân đến Xuân đi, Thu qua Đông lại, trăm hoa đua nở, bướm lượn, chim hót, v.v… đều là chuyện bình thường trong vô thường, mình cũng nhắc lại bài thơ mà chúng mình thưòng hay gặp trong thi ca thiền:
Các pháp từ xưa nay
Tướng thường tự vắng lặng
Xuân đến trăm hoa nở
Chim oanh hót trên cành.
Chư pháp tùng bổn lai
Thường tự tịch diệt tướng
Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng oanh đề liễu thượng.
B: Mình thấy rằng chúng ta quen với lối suy nghĩ một chiều: Ví dụ “đến” là vui, đón tiếp, chào mừng; “đi” là buồn, chia ly, vĩnh biệt, v.v… ví dụ một em bé chào đời chúng ta cho là vui, một người chết chúng ta cho là buồn… vì chúng ta không thấy được “chết” là gì, có đúng không? Còn các vị thiền sư họ tự do trong sống chết, đối với họ, chết và tái sinh như thay một chiếc áo mới.
C: Bởi vậy, người xưa mới nói con người ta sống cũng hồ đồ, chết cũng hồ đồ; nghĩa là không biết mình sinh ra đời để làm gì, rồi chết cũng hồ đồ vì từ khi hiểu biết, lao vào danh lợi điên đảo, đấu tranh vật lộn với đời, cho đến khi chết không đem theo cái gì cả, chỉ có những nghiệp chướng theo mình mà thôi!
A: Sao lại nghiệp chướng? Cũng có thiện nghiệp nữa chứ bộ!
B: Đúng vậy, cả thiện nghiệp, ác nghiệp, nhưng đó là kết quả của một đời không có mục tiêu, không có lý tưởng nên Hòa thượng Tuyên Hóa có nhắc nhở đệ tử của ngài về “đến” và “đi” như sau:
Đến thì vui vẻ đi thì buồn
Dạo một vòng đời rồi cũng không
Chi bằng không đến cũng không đi
Để không vui vẻ cũng không buồn.
Lai thời hoan hỷ khứ thời bi
Không tại nhân gian tẩu nhất hồi
Bất như bất lai diệc bất khứ
Diệc vô hoan hỷ diệc vô bi.
C: Nhưng mình đang nói về mùa Xuân kia mà!
A: Thì cũng vậy đó, chúng ta đừng nhìn mùa Xuân trong ý nghĩa “đến” và “đi” nữa, nó không đến cũng không đi, thì đó chính là mùa Xuân vĩnh cửu!
B: Mình hiểu ý bạn rồi! Bạn muốn nói đến “Tâm xuân vũ trụ xuân; Tâm bình thế giới bình” có phải không hả?
C: Nhưng làm sao để có Tâm Xuân mới được chứ!
A: Ủa, nảy giờ nhắc đến bao nhiêu bài thơ câu kệ của các vị thiền sư mà bạn vẫn không trả lời được Tâm Xuân là gì và làm sao có được hay sao?
B: Tâm Xuân là mùa Xuân ngay chính trong lòng mình, cho nên mùa Xuân của đất trời ra đi, mùa Hạ tới mình vẫn vui vẻ đón chào, không than mệt, không than nóng, không nhăn nhó cằn nhằn, thế thì ít nhất là trong lòng mình vẫn còn mùa Xuân và mọi người chung quanh mình hưởng được cái an lạc do Tâm Xuân của mình tỏa ra.
C: Chỉ vậy thôi sao?! còn mùa xuân Di Lặc thì sao ?
A: Vậy đó mà bạn thử làm coi có được không? Nghĩa là trong bất cứ hoàn cảnh nào bạn cũng giữ được nụ cười hoan hỷ trên môi, và niềm vui trong lòng vì niềm tin vào chánh Pháp, luôn phát tâm làm lợi ích cho mọi người; đó chính là hạnh nguyện Di-lặc.
B: Đúng vậy! Tâm nguyện của Bồ-tát Di-lặc là đi vào đời với nụ cười hoan hỷ, an nhiên tự tại, để chia sẻ những đau khổ, phiền não với chúng sanh. Không phải châm ngôn của chúng ta là “sáng cho ngưòi thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ” hay sao?
C: Mình hiểu rồi, đó là “khóc vời ngưòi đang khóc và vui với người đang vui” có phải không? Mà muốn đem vui cho ngưòi khác bản thân mình phải có an lạc, muốn có an lạc thì phải có Tâm Xuân, nghĩa là phải tu tập?
A: Đúng vậy, bạn đã nắm được vấn đề rồi! Mình tu tập theo sáu phương pháp tự rèn luyện mình của ngài Tuyên Hóa nha!
B: Mặc dù chỉ cần qui y, giữ Giới và giữ năm điều luật của ACE Huynh trưởng và Đoàn sinh ngành Thiếu cũng được rồi, nhưng bạn A muốn “làm mới” phương pháp một chút phải không?
C: Sao các bạn biết mà không chia sẻ với mình hả? Ích kỷ quá đi thôi! Là sáu phương pháp gì vậy?
A: Đó là: 1. không tranh, 2. không tham, 3. không cầu, 4. không ích kỷ 5. không tự lợi, 6. không nói dối. Bạn B có lý khi nói rằng đây cũng đồng dạng với năm giới và năm điều luật của ACE chúng ta.
B: Trong “không tranh” phải hiểu là tranh cãi, tranh giành, v.v… và không thể nổi nóng với bất cứ ai; nếu làm được như vậy thì nhất định phiền não dứt, trí tuệ sinh.
C: Như vậy quả thật là quá khó. Làm được thì thành Phật rồi!
A: Chứ sao nữa! Xưa nay những vị “Phật sống” mới có mùa Xuân vĩnh cửu ở trong lòng chứ ai cũng có được sao? Chúng ta tu để có an lạc chút chút rồi kiếp này qua kiếp khác, tích tụ lại… Rồi một ngày nào đó mới trở thành một Điều ngự Giác Hoàng, một Vạn Hạnh thiền sư, Mãn giác thiền sư, v.v… Như vậy thì lúc nào cũng có mùa Xuân trong lòng đựoc chứ! ☺☺!!
B: Phải rồi, được như vậy thì mãi mãi có Tâm Xuân. À, sở dĩ chúng ta nói Mùa Xuân Di-lặc còn một lý do đơn giản nữa là ngày Vía ngài nhằm Mồng một Tết âm lịch.
C: Cảm ơn bạn nhắc ngày Vía đức Di-lặc; nhưng mình còn 1 vướng mắc: “Khóc với người đang khóc” thì dễ nhưng “cười với người đang cười” có khi khó đó nha!
A: Tất nhiên rồi! Mình đã nói mà! Bạn làm được là giỏi lắm đó, lúc nãy bạn còn nói là dễ nữa!! ☺☺
B: Cái gì cũng khó hết. Này nha! Nếu bạn là Thúy Kiều và người đang khóc là Hoạn Thư, bạn có khóc chung được không, bạn có an ủi người ta được không? Người ta khóc là vì bạn đó mà!! Làm sao bạn khóc theo người ta được? Cho nên khi niềm vui của mình mà tạo ra sự đau khổ cho kẻ khác thì đó là niềm vui bệnh hoạn, hãy tránh xa nha!
C: Bạn làm như mình “con gái” không bằng! Mình là nam nhi chứ bộ!
A: Bộ nam nhi không có niềm vui bệnh hoạn sao? Xin hỏi bạn, Thúc Sinh là nam nhi hay nữ nhi vậy hở? Nhưng anh ta lại làm cho đến hai người đau khổ lựng. Anh ta có đáng chết không?
B: Nhưng bạn đã đi xa đề quá rồi đó nha! Trở về với Tâm Xuân của chúng ta đi!
C: Mình thấy các bạn đã nói đủ rồi, mình cũng đã hiểu được rồi: Tâm Xuân là Xuân ở trong lòng, nếu mình tu tập tỉnh thức trong từng giây từng phút thì tâm mình sẽ không khởi lên bất cứ một niệm ô nhiễm nào, như lòng mình chỉ có một mùa Xuân, không đi không đến!
A: Nhưng coi chừng, một niệm sân nổi lên là đốt cháy cả mùa Xuân đó nha!
B: Và một niệm tham nổi lên là xóa sạch mùa Xuân trong tim bạn đó!
C: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” Mình chỉ nói là mình hiểu “Tâm Xuân” rồi, chứ đâu có nói là có mùa Xuân vĩnh cửu trong lòng đâu!! ☺☺!!
A: Vậy là coi như tạm đủ hở, mình chúc các bạn và gia đình một năm mới - Canh Dần vạn sự cát tường như ý nha!
B: Còn mình chúc các bạn một mùa Xuân Di-lặc hoan hỷ!
C: Vậy thì mình chúc các Bạn tinh tấn giữ gìn cái Tâm mùa Xuân trong lòng và sẵn sàng chia sẻ với mọi người chung quanh nha! Tạm biệt!
A và B : Tạm biệt! Tạm biệt!
Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân - số 71, tr21, 2009]